Phương án thi THPT quốc gia 2017 khắc phục những bất cập gì?

Giáo dụcThứ Tư, 07/09/2016 15:10:00 +07:00

Mục tiêu cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là phải bảo đảm trung thực, khách quan, tin cậy và nhẹ nhàng nhất cho xã hội.

Những cải tiến, đổi mới trong dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đang thu hút sự quan tâm của xã hội với nhiều luồng ý kiến khi ngoài 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ), sẽ có các bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) để thí sinh lựa chọn thay cho từng môn thi; Các bài thi đều dưới dạng trắc nghiệm trừ Ngữ văn...

thi-thpt-quoc-gia--38

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016

Trước đó, những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 theo xu hướng ngày càng nhẹ nhàng hơn, bớt nhiêu khê, giảm áp lực cho toàn xã hội đã nhận được sự hưởng ứng của dư luận.

Số đợt thi đã giảm từ 4 xuống còn 1, thí sinh không phải di chuyển xa, dồn về các thành phố lớn như trước năm 2014. Những thay đổi này đã được dư luận đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, do phải gánh thêm việc cung cấp kết quả làm căn cứ cho các trường đại học xét tuyển nên từ năm 2014 đến nay việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vẫn theo môn thi, khối thi thay vì tinh thần “học gì thi nấy” để đánh giá toàn diện năng lực học sinh.

Cùng với đó, tâm lý phải vào đại học bằng được, coi kỳ thi THPT quốc gia là kỳ “vượt vũ môn” gây căng thẳng cho cả học sinh lẫn gia đình và xã hội.

Vì vậy, quá trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia nhằm khắc phục hai hạn chế lớn nhất này, tiến tới một kỳ thi tốt nghiệp đúng nghĩa.

Thực tế đổi mới kỳ thi THPT quốc gia những năm qua cho thấy mục đích cuối cùng là phải bảo đảm kết quả thi trung thực, tin cậy và khách quan nhất cho dù kết quả đó được sử dụng vào mục đich xét tốt nghiệp hay xét tuyển đại học.

Và những biện pháp như huy động các trường đại học chủ trì cụm thi, trông thi chéo giữa các tỉnh, tổ chức cụm thi tập trung tại trung tâm các huyện, các tỉnh, thành phố... cũng nhằm tạo sự tin tưởng của người dân, xã hội đối với kỳ thi THPT quốc gia.

Video: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bật mí chấm thi THPT quốc gia 2016

Trở lại với phương án thi THPT quốc gia năm 2017 do Bộ GD-ĐT dự thảo lấy ý kiến, có thể thấy mục tiêu chống gian lận, quay cóp tiếp tục được đẩy mạnh với việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm ở tất cả các môn; không có đề thi giống nhau trong cùng một phòng thi.

Bài thi tổng hợp Khoa học Tự nhiên; Khoa học Xã hội từng bước theo tinh thần “học gì thi nấy”, bảo đảm việc phân luồng khi cho phép học sinh được tự chọn một trong hai bài thi.

Thăm dò ý kiến: Có nên làm thi tổng hợp Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 không?

Kinh nghiệm từ việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội cho thấy trình độ ra đề hiện nay của chúng ta hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đánh giá, phân loại, phân hóa học sinh trong một bài thi tổng hợp đáp ứng yêu cầu xét tuyển sinh.

Tuy nhiên, bài thi tổng hợp là hình thức thi mới nên việc tính toán giới hạn kiến thức, cách ra đề rất cần được cân nhắc, nghiên cứu kỹ.

Đặc biệt Bộ GD-ĐT cần đưa ra bộ đề minh họa sớm nhất có thể để các nhà trường, giáo viên có định hướng ôn tập cho học sinh ngay từ đầu năm học.

Với cách thức ra đề hạn chế tối đa gian lận, quay cóp như phương án Bộ GD-ĐT dự kiến thì công tác tổ chức thi, trông thi hoàn toàn có thể giao cho địa phương đảm nhận với sự giám sát của các trường đại học.

Một trong những bất cập khi trong các kỳ thi THPT quốc gia là tình trạng chấm lỏng, chấm chặt ở các cụm thi khác nhau thì phương án thi trắc nghiệm, chấm bằng máy có thể giải tỏa lo ngại này.

Tuy nhiên để khắc phục triệt để, về lâu dài Bộ GD-ĐT nên tính tới việc áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin cho phép học sinh thi hoàn toàn trên máy tính. Thậm chí học sinh có thể tham gia nhiều đợt thi như mô hình ở nhiều nước phát triển đang áp dụng.

Mục tiêu cuối cùng của việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia là một kỳ thi khách quan, trung thực, nhẹ nhàng nhất cho xã hội. Kết quả của kỳ thi đáng tin cậy khi sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như xét tốt nghiệp hay xét tuyển đại học...

Để tiến tới mục tiêu cuối cùng đó cần có quá trình đổi mới, cải tiến liên tục, qua nhiều bước chuẩn bị đầy đủ, khoa học, thận trọng, không gây sốc cho xã hội, không ổn định nửa vời.

Trong quá trình đó phải luôn tuân thủ đúng pháp luật; phù hợp với xu thế quốc tế; phù hợp với điều kiện cụ thể nền giáo dục, điều kiện kinh tế xã của đất nước; đồng bộ với đổi mới hệ thống, chương trình, SGK, phương pháp giảng dạy, đánh giá.

Bạn đọc góp ý về phương án thi THPT quốc gia 2017 xin gõ vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn