“Phù thủy” Anna Wintour

Tổng hợpThứ Bảy, 02/10/2010 08:27:00 +07:00

Anna Wintour – tổng biên tập tờ Vogue – tuyên bố rằng bà chỉ sử dụng quyền lực của mình cho cái thiện, không phải cái ác...

 Bà là người phụ nữ quyền lực nhất trong ngành thời trang Mỹ, được coi như thị trưởng giấu mặt của New York khi đề cập tới ảnh hưởng về chính trị. Sàn diễn sẽ không thể bắt đầu cho đến khi bà xuất hiện. Những nhà thiết kế trở nên nổi tiếng vì được bà “xức dầu, đánh bóng”. Xu hướng thời trang được tạo ra hoặc dập tắt theo yêu cầu của bà. Anna Wintour – tổng biên tập tờ Vogue – tuyên bố rằng bà chỉ sử dụng quyền lực của mình cho cái thiện, không phải cái ác. Tuy nhiên, điều đó chẳng thể khiến bà tránh khỏi việc bị gọi là “Quỷ sứ mặc đồ Prada” hay “Wintour hạt nhân”.

 

  Tiếp quản Vogue tại Condé Nast Publications với chức danh Tổng biên tập vào năm 1988, Anna đã khiến tờ báo từ chỗ chỉ chú trọng vào những trang phục mang nặng tính truyền thống của Anh Quốc chuyển dần sang hướng sát thực với cuộc sống của những người Mỹ. Với sự có mặt của Anna, lần đầu tiên trong lịch sử Vogue, người ta thấy quần jean 50 USD được kết hợp với áo sơ mi Christian Lacroix trị giá 10.000 USD. Xuất hiện trên bìa báo ít dần những cô người mẫu đình đám. Thay vì đó là những thiếu nữ trẻ không tên tuổi với mái tóc ướt mèm, khuôn mặt gần như để mộc và trên cơ thể chỉ có một chiếc áo tắm quàng quanh. Từ cách tiếp cận bất ngờ đó đi lên, Vogue tới nay đã trở thành tờ báo số một trong ngành thời trang, tính cả về số lượng phát hành lẫn uy tín. Tất cả những nhiếp ảnh gia, nhà trang điểm, nhà làm tóc có tác phẩm trên tờ báo đều trở nên nổi tiếng cùng với người mẫu.

 Ảnh hưởng trong lĩnh vực thời trang

Qua năm tháng, cùng với Vogue, Anna Wintour được nhắc tới như là người quyền lực nhất trong ngành thời trang, tạo ra những xu hướng mới và chỉ định ai sẽ trở thành người nổi tiếng. Các chuyên gia trong ngành thường hỏi nhau “Ông có muốn tôi đưa cho Anna xem cái này không?” khi họ bất đồng trong quan điểm. Dưới sự giúp đỡ của Anna, nhiều nhà thiết kế trẻ vô danh đã trở nên nổi tiếng thế giới, trong đó có thể kể đến như John Galliano (thiết kế gia của Christan Dior, đồng sở hữu thương hiệu John Galliano), Marc Jacobs (giám đốc sáng tạo của Louis Vuitton, đồng sở hữu thương hiệu Marc Jacobs), Narciso Rodriguez (cựu thiết kế gia của Calvin Klein, nay sở hữu thương hiệu Narciso Rodriguez và là người thiết kế váy cho phu nhân tổng thống Michelle  Obama), Tory Burch (cựu thiết kế của Ralph Lauren, nay sở hữu thương hiệu Tory Burch), và rất nhiều người nổi tiếng khác.

 Ảnh hưởng trong lĩnh vực chính trị

Từ vị thế của mình trong ngành thời trang, Anna Wintour còn gây ảnh hưởng tới lĩnh vực chính trị. Vào năm 2008, bà đã vận động gây quỹ cho Barack Obama trong chiến dịch tranh cử tổng thống;  ngược lại, bà cũng đề xuất với tổng thống về việc nới lỏng luật chống phá giá và cho phép các nhà bán lẻ giới hạn lượng sản phẩm bán ra trong một khoảng thời gian nhất định trong năm, giống như ở Châu Âu. Anna cho rằng thời trang và chính trị có mối liên hệ với nhau. Bà từng phát ngôn trên tờ The New York Times rằng: “Nếu bạn đưa cho tôi một bức ảnh bất kỳ về thời trang và đặt nó ra ngoài bối cảnh của nó, tôi sẽ nói cho bạn biết điều gì đang diễn ra trên thế giới này”. Trong số báo xuất bản tháng 2/2008 của Vogue, Anna đã chỉ trích Hillary Clinton vì Hillary Clinton đã phàn nàn bộ quần áo được thiết kế riêng để bà chụp ảnh bìa quá nữ tính. “Quan niệm một người phụ nữ đương đại đang tìm kiếm quyền lực trông phải nam tính là một quan niệm thiếu chí khí. Đây là nước Mỹ chứ không phải là Ả Rập Xê-út” – Anna Wintour nói. Mới đây, vào tháng 6/2010, Anna tham dự một cuộc họp Hội đồng nhân dân Manhattan (trực thuộc New York) về dự án xây tổ hợp nhà hàng tại vùng lân cận West Village. Biết được những bức xúc của người dân, bà đã đứng lên nhắc lại ý kiến của họ nhưng thay vì sử dụng chủ ngữ là người dân, bà nói bà lo ngại dự án này sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn và môi trường sống của cư dân lân cận. Ngay lập tức, số phiếu ủng hộ việc xóa bỏ dự án chiếm tỷ lệ cao nhất và công trình bị hủy bỏ.

 

 Quỷ sứ mặc đồ Prada

Uy tín của bà trong lĩnh vực thời trang là điều không thể phủ nhận; tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hình ảnh của bà luôn đẹp trong con mắt của mọi người. Trái lại, Anna Wintour được biết đến như một người phụ nữ lạnh lùng, vô cảm và phân biệt giai cấp.

Ngay từ ngày đầu làm việc cho Vogue với cương vị giám đốc sáng tạo, bà đã sa thải không thương tiếc hàng loạt nhân viên, khiến họ gọi bà là “Wintour hạt nhân”, “Wintour của sự bất bình” hay “Cây kéo bếp nơi công sở”. Bà luôn giao cho cấp dưới những nhiệm vụ được coi là không thể, buộc họ phải hoàn thành trong một thời gian chỉ bằng cái chớp mắt, hiệu quả phải đạt mức tối đa và độ chính xác phải tuyệt đối. “Anna muốn có ngay lập tức những gì bà muốn. Bà ấy ném bạn xuống nước và để bạn tự bơi hoặc là chết đuối” – một trợ lý nhiều năm của Anna nói.

Trong công sở, không ai dám lại gần Anna, kể cả trợ lý của bà. “Anna thích được cách ly tuyệt đối. Từ cánh cửa căn phòng của Anna, bạn phải đi hàng cây số mới đến được bàn làm việc của bà. Tôi nghĩ bà ấy rất thô lỗ đối với nhiều người. Bà không nói chuyện với ai dù là một tiếng. Chắc chắn bạn sẽ không được phép đi chung thang máy với Anna” – trợ lý cũ của Anna bày tỏ một cách bức xúc. Có lần, một biên tập viên của tờ báo chào bà trong thang máy và ngay lập tức bị trợ lý của bà phê bình. Tựa như luật bất thành văn, mọi nhân viên của Vogue đều hiểu rằng giao tiếp hay tiếp cận với Anna là “phạm pháp”. Ngay cả những người bạn thân của Anna cũng không được đối xử thân thiện hơn. “Anna dường như là bạn của tôi – một thực tế chẳng thể khiến tôi bớt hoảng loạn khi chúng tôi đối diện với nhau” – Barbara Amiel, bạn của Anna, nói. Trong khi đó, Anna Wintour thừa nhận rằng bà rất ngưỡng mộ người cha Charles – được biết đến là “Charles băng giá”, bởi tính kín đáo của ông.

Cũng bởi những tính cách trên mà Lauren Weisberger, người trợ lý gắn bó với Anna trong suốt 8 năm, đã viết một cuốn tiểu thuyết mang tên “Quỷ sứ mặc đồ Prada” nhằm phê phán bà thông qua nhân vật tên Miranda Priestly. Cuốn tiểu thuyết trở thành một trong những quyển sách bán chạy nhất năm 2003 do tạp chí Times bình chọn và đã được chuyển thể thành phim năm 2006.

 Ý thức về đẳng cấp

Anna Wintour có cách ăn mặc không thể nhầm lẫn với bất cứ ai. Từ hồi 15 tuổi tới nay, bà luôn để một kiểu đầu Bob duy nhất; một loại kính Channel gọng to màu đen duy nhất. Thực chất những chiếc kính này là kính thuốc bởi mắt của Anna bị chứng biến dạng hình ảnh giống như cha của bà. Anna luôn vận đồ của Channel và bà đặc biệt thích những bộ quần áo làm từ lông chồn. Chính xu hướng thời trang lông chồn do bà khởi xướng trên Vogue từng khiến bà gặp nhiều rắc rối khi tổ chức bảo vệ động vật PETA cùng nhiều người ủng hộ quyền động vật đã lên án, khởi kiện.

So với ngày bà mới vào Condé Nast Publications, Anna Wintour bây giờ ngày càng sử dụng nhiều gương mặt nổi tiếng cho Vogue. Tuy nhiên, bà đặt ra những tiêu chuẩn rất cao cho những gì được đăng trên tạp chí, đến mức những tạp chí thời trang danh tiếng khác phải gọi là “siêu thực”. Đơn cử, Anna yêu cầu nữ hoàng truyền thông Operah Winfrey – một trong những người phụ nữ quyền lực nhất trong giới truyền thông, buộc phải giảm cân nếu muốn xuất hiện trên Vogue và ngay cả Hillary Clinton cũng không được mặc quần áo màu xanh để chụp ảnh. Victoria Beckham liên tục gửi quà để lấy lòng Anna Wintour nhưng đến nay cũng chưa lọt được vào bất cứ trang báo nào của Vogue.

Anna bảo vệ đẳng cấp tờ tạp chí thời trang của mình tới mức bà bị chỉ trích là phân biệt giai cấp. “Có lần chúng tôi viết về vấn đề ung thư vú và lấy trường hợp cụ thể là một tiếp viên hàng không làm ví dụ nhưng Anna đã từ chối và yêu cầu phải đi tìm một nữ thương nhân thượng lưu bị ung thư vú để viết” – phóng viên của Vogue kể lại.

Bất chấp những lời chỉ trích về bà, cái tên Anna Wintour cũng như tờ Vogue luôn làm dấy lên trong lòng người nghe và người đọc niềm khao khát, vẽ lên cho họ hoài bão và tạo ra động lực để vươn tới những ước mơ. Dù lạnh lùng, dù lập dị, hay phân biệt giai cấp, dẫu sao cũng phải thừa nhận Anna Wintour có bí quyết thành công riêng của bà. Bà có những lý lẽ mà chỉ những người ở vị trí như bà mới hiểu được.

“Luôn có sự cạnh tranh giữa lĩnh vực này với lĩnh vực khác. Tôi nghĩ phải chú tâm vào những việc mình làm. Trên đường đi sẽ có nhiều va vấp. Có những cú vấp đem lại điều tuyệt vời và có những cú vấp trở thành thảm họa. Bạn không thể cứ mãi lo lắng xem mọi người xung quanh đang làm gì” – Anna Wintour chia sẻ.

Hồng Đào

Bình luận
vtcnews.vn