Phụ nữ Thái 'làm xiếc' với mũ bảo hiểm, quan chức giao thông trăn trở

Thời sựThứ Sáu, 17/04/2015 11:47:00 +07:00

Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng kêu gọi mọi người cùng đóng góp ý kiến về mẫu mũ bảo hiểm phù hợp với búi tóc trên đầu người phụ nữ dân tộc Thái.

(VTC News) - Ông Khuất Việt Hùng kêu gọi mọi người cùng đóng góp ý kiến về mẫu mũ bảo hiểm phù hợp với búi tóc trên đầu của người phụ nữ dân tộc Thái.

Ngày 16/4, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toan giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng đã đăng tải trên facebook cá nhân trăn trở về ý tưởng thiết kế mũ bảo hiểm phù hợp với phụ nữ dân tộc Thái.

Nội dung mà ông Hùng đề cập nêu rõ: "Thực lòng tôi rất cảm kích trước tấm lòng và sự tuân thủ pháp luật của các chị phụ nữ dân tộc Thái khi các chị đã vượt qua luật tục để đội Mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy. Tuy nhiên, nếu đội mũ có thiết kế như hiện nay thì tác dụng bảo vệ sự an toàn cho các chị trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông là rất hạn chế.

Vì vậy, tôi mong chúng ta cùng suy nghĩ để tìm ra thiết kế mũ bảo hiểm phù hợp với giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Thái đồng thời vẫn đảm bảo an toàn cho các chị phụ nữ".

Hình ảnh phụ nữ dân tộc Thái đội mũ bảo hiểm (Ảnh: FB Khuat Viet Hung) 

Qua thông tin đăng tải trên facebook cá nhân, ông Khuất Việt Hùng mong muốn nhận được sự quan tâm, góp ý của người dân để tìm ra mẫu thiết kế mũ bảo hiểm phù hợp nhất với phụ nữ dân tộc Thái.

Đồng quan điểm với ông Khuất Việt Hùng, nhiều độc giả cho rằng, nếu phụ nữ dân tộc Thái đội mũ bảo hiểm như những hình ảnh ông Hùng đăng tải thì sẽ không còn tác dụng "bảo hiểm" nữa.

Độc giả V.Đ.T thẳng thắn nhìn nhận: "Đội mũ bảo hiểm như thế này thành thực mà nói chỉ để bảo vệ tóc thôi, chứ ko có tác dụng cho việc bảo vệ đầu. Chị em dân tộc Thái khi có chồng thì búi tóc ở đằng trước gọi là tằng cẩu để phân biệt là người đã có chồng. Anh Khuất Việt Hùng chỉ đạo các nhà sản xuất thiết kế kiểu mũ bảo hiểm đặc thù cho chị em vùng cao nhé".
 

Có nên thiết kế riêng mũ bảo hiểm cho phụ nữ Thái?

  • Không
  • Ý kiến khác
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Nhiều độc giả khác đã nhiệt tình "hiến kế" để có mẫu mũ bảo hiểm phù hợp cho người phụ nữ dân tộc Thái. Theo đó, đa phần đều đồng tình với ý kiến khoét lỗ ở đỉnh đầu mũ bảo hiểm, vừa lọt với búi tóc (tằng cầu) của người phụ nữ.

Gửi góp ý đến Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, độc giả có facebook Kieu Tri Luong mạnh dạn đề xuất: "Theo tôi thì mũ bảo hiểm có thể để 1 khoảng trống ở đỉnh mũ để cho búi tóc ở ngoài".

Với búi tóc trên đầu, việc đội mũ bảo hiểm của phụ nữ dân tộc Thái không còn giữ nguyên tác dụng (Ảnh: FB Khuat Viet Hung) 

Cũng nhiều ý kiến cho rằng, nên tăng kích cỡ mũ bảo hiểm, hoặc thiết kế chóp mũ, nhưng các thiết kế này có thể không đáp ứng về mặt thẩm mỹ.

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về vấn đề này. Độc giả tranh luận rằng búi tóc của người phụ nữ Thái rất lớn, nếu để khoảng trống trên đỉnh đầu thì đường kính phải lớn, như vậy có vi phạm đến quy định về mũ bảo hiểm đạt chuẩn hay không? Người dân tộc đội mũ này khi tham gia giao thông liệu có bị xử phạt?

Hơn nữa, nhiều người cho rằng, nếu có thể thiết kế phù hợp được, nhưng sản xuất ra với số lượng ít quá không đủ bù đắp chi phí cho việc thiết kế và làm khuôn nhựa. "Vấn đề này cần có sự trợ giúp của nhà nước thì mới triển khai được, còn nhà sản xuất kinh doanh đơn thuần người ta khó thực hiện" một độc giả gửi ý kiến phản hồi đến ông Khuất Việt Hùng.

Trong khi đó, độc giả có facebook Nguyen Lanh nêu ý kiến, cần có bản thiết kế và chế tạo nhanh mẫu thử - có thể chế ra 1 loạt các loại mũ thử "như thật" để cho phụ nữ dân tộc Thái đội thử trực tiếp, từ đó đánh giá sự thuận tiện và khả năng bảo vệ, sau đó chọn lấy mẫu được chấp nhận nhiều nhất.

Video: Đi xe mô tô không đội mũ bảo hiểm


Từ hình ảnh phụ nữ dân tộc Thái đội mũ bảo hiểm mà ông Khuất Việt Hùng đăng tải, độc giả có facebook Nam Tran cho rằng, để tìm ra kiểu mũ bảo hiểm phù hợp với kiểu tóc này rất khó và không khả thi.

"Nên vận động các phụ nữ ở dân tộc Thái bỏ tóc búi để đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, sau đó lại búi lên như bình thường" độc giả này góp ý.

Nhiều độc giả khác cũng gửi ý kiến đến ông Khuất Việt Hùng, cần có thống kê cụ thể số lượng người ở dân tộc này để có thể sản xuất mũ bảo hiểm theo hình thức thương mại hay không? Hay đơn thuần chỉ là sản xuất kiểu mũ phù hợp để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.
 

Có nên thiết kế riêng mũ bảo hiểm cho phụ nữ Thái?

  • Không
  • Ý kiến khác
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Theo quy định, người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp máy (người điều khiển và người đi cùng) không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy sẽ bị xử phạt giống như vi phạm không đội mũ bảo hiểm.

Theo Điều 3, Điều 4, Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy thì mũ bảo hiểm cho người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy đội khi tham gia giao thông là mũ có đủ các tính năng sau:

1. Có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo.

2. Có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu sau:

- Mũ bảo hiểm có kiểu dáng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN.

- Trường hợp mũ bảo hiểm có lưỡi trai mềm gắn liền với vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được thì độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không quá 70 mm và góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN.

- Trường hợp mũ bảo hiểm có lưỡi trai cứng gắn liền với vỏ mũ thì độ dài của lưỡi trai cứng tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không được lớn hơn 50 mm và góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN.

- Trường hợp mũ bảo hiểm có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20 mm.

3. Đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn