Xúc động người đàn bà câm bán vé số nuôi trẻ bị bỏ rơi

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 28/11/2010 06:07:00 +07:00

Người ta càng ngạc nhiên hơn khi biết người phụ nữ tật nguyền cô đơn này suốt gần nửa thế kỷ qua chỉ làm duy nhất một công việc: Kiếm tiền nuôi trẻ bị bỏ rơi.

Ai đã từng một lần đến Bệnh viện Đà Nẵng hẳn sẽ không quên hình ảnh người phụ nữ trạc tuổi 60 dáng người nhỏ thó, lưng còng, tay cầm xấp vé số, miệng ú ớ mời khách mua. Người ta càng ngạc nhiên hơn khi biết người phụ nữ tật nguyền cô đơn này suốt gần nửa thế kỷ qua chỉ làm duy nhất một công việc: Kiếm tiền nuôi trẻ bị bỏ rơi.


Bệnh viện là nhà, ghế đá là giường

Bà Hồng bên một đứa trẻ được bà cưu mang. 

Các bác sĩ tại đây cũng chỉ biết bà tên Hồng mà không rõ họ tên đầy đủ là gì, đã nửa thế kỷ nay sinh sống trong khuôn viên bệnh viện. Vào những năm 1960, có một người đàn ông dắt một đứa trẻ bị câm đến bệnh viện trị bệnh hen suyễn, nhưng bệnh đứa trẻ chưa khỏi thì người đàn ông bỏ đi biệt tăm. Lớn lên tại bệnh viện, đứa trẻ câm xem bệnh viện là nhà, lấy ghế đá làm giường; bạn bè là những bệnh nhân, những y tá, hộ lý của bệnh viện; lấy công việc bán vé số kiếm tiền nuôi trẻ bị bỏ rơi làm nguồn vui. Lúc nhỏ sống bằng những bữa cháo từ thiện ở bệnh viện. Lớn lên, bà tự bươn chải sống bằng nghề bán vé số. Những lúc mưa rét hay ốm đau, bà được các y tá, hộ lý cho vào các giường bệnh nhân trống để nằm nghỉ. Bà giao tiếp với người ngoài bằng viết chữ trên giấy. Bà viết: "Tôi nghèo nhưng không hèn. Sợ người khác khinh! ". Lòng tự trọng của người phụ nữ tật nguyền khiến các y, bác sỹ ở bệnh viện thương cảm. Họ chỉ bà cách bán vé số, nơi lấy vé số. Tối tối, bà đến đại lý vé số gần nhất lấy cho mình một tệồp mang bán trong khuôn viên Bệnh viện Đà Nẵng, khách mua là những thân nhân của bệnh nhân. Hằng ngày, bà ngồi ở hành lang, tay cầm xấp vé số, miệng luôn cười, ai thương tình thì mua giúp. Bà đã sống cả nửa thế kỷ qua như thế ở Bệnh viện Đà Nẵng.

Số tiền lời kiếm được từ việc bán vé số, ngoài để ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, bà Hồng dồn tất cả để mua đồ chăm sóc những đứa trẻ bất hạnh. Hễ nghe tin ở khoa sản có trẻ bị bỏ rơi, dù đang bán vé số cho khách bà cũng bỏ công việc lại để chạy lên nhận nuôi, giúp đỡ.

Bà chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi bằng một tình thương đặc biệt. Dường như vì bà đã bất hạnh, đã không có niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, giản dị là được làm mẹ như bao người phụ nữ khác nên bao nhiêu tình thương bà dồn cả vào những sinh linh tội nghiệp. Một bác sĩ trong bệnh viện nhận xét: "Bà xem những đứa trẻ bị bỏ rơi như chính con của mình đứt ruột đẻ ra".

"Bảo mẫu" suốt đời cô đơn


Những bác sĩ ở bệnh viện nhẩm tính, người phụ nữ này đã cưu mang gần 20 đứa bé bị bỏ rơi tại khoa sản. Sự việc khiến các hộ lý trong bệnh viện nhớ nhất là cách đây gần 20 năm, bà Hồng đã "cứu một bàn thua trông thấy" cho họ. Khi ấy, một nữ sinh đến bệnh viện sinh con sau đó bỏ con lại trốn viện. "Đứa bé khát sữa, không được bế bồng nên ngằn ngặt khóc cả ngày. Hồi đó còn chưa có quy định như hiện nay là trẻ bị bỏ rơi sẽ được đưa sang Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh nuôi dưỡng, bệnh viện chỉ có cách chờ người mẹ quay lại, hoặc chờ người đến nhận nuôi. Trong lúc các bác sỹ, y tá loay hoay "đánh vật" với đứa trẻ thì bà Hồng len vào, ra dấu xin cho bà nhận nuôi", chị hộ lý này kể lại. Suốt 1 năm, bà Hồng xem đứa bé như con ruột của mình, chăm lo từng li từng tí, có những ngày "con" ốm bà bỏ cả bán vé số để chăm "con". Khi đứa bé được 2 tuổi thì một cặp vợ chồng không con đến xin về làm con nuôi, bà bỏ ăn uống suốt mấy ngày sau khi "con" về nhà mới.

Bà Hồng giao tiếp với người ngoài bằng cây bút và cuốn sổ. 

Phải một thời gian sau đó, khi nhận được đứa "con" mới. Người ta thấy bà Hồng mới nguôi ngoai nỗi buồn. Đứa trẻ bà nhận nuôi lần này là cháu bé con một phụ nữ người nước ngoài, vì bé gái có 2 vành tai dính quặp vào thái dương nên người mẹ bỏ cháu lại bệnh viện. Cũng như những đứa bé bị rỏ rơi trước đó, em bé tội nghiệp được bà Hồng nhận nuôi. Bà đặt tên cho đứa bé là Nga, ngày ngày cháu bé lon ton theo "mẹ" khắp khuôn viên bệnh viện. Năm 2006, bà đứt ruột trao bé Nga cho Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng. Thỉnh thoảng, những khi nhớ con bà lại đi bộ, nếu có tiền thì bắt xe ôm đến trung tâm thăm con.

Những ngày này, người phụ nữ câm vừa tìm thấy một nguồn vui mới. Bà lại nhận một cháu bé mới bị bỏ rơi tại bệnh viện làm con nuôi và đặt tên cho bé gái này là Rơi. Bà dẫn chúng tôi vào thăm Rơi trong căn phòng dành riêng cho những đứa trẻ bị bỏ rơi. Bà đút sữa cho "con" rồi ú ớ lời ru. Nhìn cảnh tượng ấy, vị bác sĩ đi cùng tôi thở dài: "Cả đời "nhặt" trẻ bị bỏ rơi nhưng rồi chị ấy lại sẽ đơn độc cho mà xem. Chị ấy tật nguyền, lại tứ cố vô thân và có lẽ cũng hiểu để đảm bảo tương lai của các cháu, mỗi khi nhận được trẻ rơi, sau một thời gian chăm sóc chị ấy thường nuốt nước mắt trao các cháu lại cho các trung tâm nuôi dạy trẻ".

TheoPhan Hà - ĐS&PL

Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UH gửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.


Bình luận
vtcnews.vn