Rơi nước mắt người đàn bà mù và đại gia đình tâm thần

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 25/04/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Cái gia đình ấy, rặt là người ngớ ngẩn với một người mù, mà chẳng phải ngửa tay xin ăn, họ vẫn tự kiếm sống, đứng vững giữa cuộc đời.

(VTC News) - Cái gia đình ấy, rặt là người ngớ ngẩn với một người mù, mà chẳng phải ngửa tay xin ăn, họ vẫn tự kiếm sống, đứng vững giữa cuộc đời.


Thành vợ thành chồng rồi, bà Bùi Thị Chanh mù và ông Nguyễn Văn Óng ngớ ngẩn (Đoàn Xá, Kiến Thụy, Hải Phòng) liên tiếp sinh hạ 3 người con trai, gồm anh Nguyễn Văn Cành, Nguyễn Văn Cậy và Nguyễn Văn Chiến. Điều đau khổ là cả 3 người con đều giống bố, lơ nga lơ ngơ.

Trong số 3 người con ngớ ngẩn mà ông Óng bà Chanh sinh ra, nuôi dưỡng, chỉ có người con thứ hai tên Cậy là khôn hơn một chút, biết làm thuê để tự nuôi miệng. Anh cả Cành thì dở nhất, suốt ngày chỉ khoái đi lang thang, không biết đường nào mà tìm.

Người con út Nguyễn Văn Chiến tuy ngớ ngẩn nhất, nhưng lại chịu khó làm lụng. 

Anh Cành hứng lên là cuốc bộ mấy chục km xuống tận TP. Hải Phòng ngắm phố xá thỏa thê, rồi lại lững thững cuốc bộ về. Có hôm đang gặt lúa, nắng nôi quá, chàng ta bỏ luôn xuống Đồ Sơn xem các cô gái tắm.

Anh con út Nguyễn Văn Chiến, tuy cũng cực dở, nhưng tính nết giống bố, chịu khó nhất, suốt ngày lặn ngụp mò cua bắt ốc ngoài đồng.

Trong số 3 người con, thì duy nhất anh Cậy, người khôn nhất, là lấy được vợ. Chuyện anh Cậy lấy vợ cũng đơn giản chẳng khác gì bố mẹ.

Bà Chanh kể: “Tôi không muốn cho thằng Cậy lấy vợ, vì rốt cục cũng khổ thêm cho cái thân tôi, nhưng nghe người ta nói ngọt rằng cái Tuyển nó làm ăn giỏi giang, sau này già có người trông nom nên tôi mới đồng ý”.

Cô cháu nội Nguyễn Thị Hương của bà Chanh ngớ ngẩn giống bố và ông nội nên học 5 năm chưa qua được lớp 1. 

Theo bà Chanh, đích thân nhà gái đã đánh tiếng hỏi con bà cho con gái họ. Cô gái ấy tên là Đồng Thị Tuyển, nhà ở gần gốc cây gạo, cùng xã, nhưng thôn nào thì bà Chanh nghĩ mãi chưa ra, vì xã rộng lắm, mà bà thì chẳng ra khỏi thôn bao giờ. Hồi cưới nhau, chị Tuyển đã 30 tuổi, hơn anh Cậy những 4 tuổi.

Chị Tuyển khỏe mạnh, tỉnh táo, nhưng lại điếc đặc, mù chữ. Bà Chanh phải thét vào lỗ tai chị mới nghe thấy láng máng. Hôm nhà gái đến nói chuyện bà cũng nói thật rằng con bà ngớ ngẩn đần dại lại ngang bướng, lấy vào chỉ khổ thân, nhưng nhà gái chỉ cười kêu bà thật tính. Thế là, chỉ mấy mâm cỗ nhỏ, mà Cậy có vợ.

Cưới xong, các cơ quan đoàn thể trong xã cho vợ chồng Cậy 5 triệu đồng để xây một ngôi nhà nhỏ ngay cạnh nhà bố mẹ. Chỉ có 5 triệu đồng, nên ngôi nhà bé tin hin như cái chuồng gà.

Chị Tuyển cũng sinh được một cô con gái, phổng phao, xinh xắn. Buồn một nỗi, khi đi học lớp một, cô giáo nhồi mãi chẳng vào đầu được chữ nào. Càng lớn, bé càng ngớ ngẩn giống bố, giống ông nội.

Chồng ngớ ngẩn, lại bướng bỉnh, nói không được, con cũng ngớ ngẩn, nên chị Tuyển chán đời bỏ nhà luôn, không thèm về ngôi nhà toàn người ngớ ngẩn này nữa.

Trước hôm bỏ đi, chị Tuyển gọi mẹ chồng bảo: "Anh ấy chỉ biết làm và ăn một mình, không nuôi được vợ con nên con bỏ đi đây, không ở nhà nữa đâu".

Bà Chanh cũng kệ, để con dâu đi, bởi bà biết rằng, không trước thì sau cô ta cũng đi thôi, chứ chịu sao được cái cảnh toàn người dở trong nhà bà. Bà bảo, chỉ mỗi bà chịu được cảnh ấy.

Ông Óng và con trai suốt ngày lặn ngụp ngoài đồng kiếm sống. 

Lại nói chuyện cô cháu nội tên Nguyễn Thị Hương của bà. Cô bé này ngớ ngẩn đến nỗi học 5 năm rồi mà chưa hết lớp một. Nhà trường cũng muốn cho lên lớp, nhưng khổ nỗi, chữ không viết nổi thì sao mà lên lớp được. Mấy lần bà Chanh đến trường, rồi gặp cả lãnh đạo xã xin cho cháu được nghỉ học, vì thấy nó học mãi chả được chữ nào, nhưng người ta không cho nghỉ học.

Bà Chanh kể: "Cứ vài hôm lại thấy cô giáo vào nhà bảo cái Hương không chịu học, chỉ giỏi đánh nhau với các bạn. Tôi bực mình cầm roi đánh nó, nó không sợ lại thách thức tôi: "Bà dở bà điên hay sao mà cứ đánh cháu? Bà mà đánh cháu lắm là cháu đánh lại đấy!".

Từ hôm vợ bỏ đi, Cậy cũng bỏ nhà đi luôn. Đi từ đầu năm đến hôm vừa rồi mới về. Bà Chanh hỏi đi đâu, Cậy bảo đi làm kiếm ăn.

Thì ra, Cậy lang thang ở Đồ Sơn, rồi có người gạ về nhà người ta ở xã Bằng La để trông hồ cá, họ nuôi cơm, lại trả lương. Bà Chanh mắng con: "Mày cứ bỏ đi vậy thì ai nuôi con cho mày. Mà đi làm không có tiền thì đem con đi nhá...".

Mắng xa xả một hồi, thì Cậy móc trong túi ra được 250 ngàn đồng đưa cho bà. Lần đầu tiên trong đời cầm số tiền con trai cho lớn như thế, bà Chanh ứa nước mắt. Không ngờ, ông con dở thế mà đi làm kiếm được tiền, những 250 ngàn đồng.

Ông Óng và thành quả là những con cua đồng to tướng. 

Để nuôi được 6 miệng ăn, người đàn bà mù này phải rất giỏi chỉ đạo. Điều lạ là những người ngớ ngẩn rất nghe lời bà. Với những người trong ngôi nhà này, bà Chanh là vị tướng, còn chồng, con bà chịu sự chỉ đạo như những cái máy.

Bà Chanh kể: "Hôm nào cũng vậy, cứ sai thì làm, không sai thì chỉ ngồi nhà, hoặc đi chơi, không làm gì cả. Có lần, tôi cùng bố con ống ấy đi gặt, nhưng giữa chừng tôi mệt nên về. Đến chiều, thấy mấy bố con gánh về được một tí lúa, tôi hỏi ông ấy là lúa đâu mà ít vậy, ông ấy bảo có đâu mà gánh, chúng nó dận hết xuống ruộng, vùi hết xuống kênh rồi. Tôi mắng ông ấy rằng sao không biết bảo chúng nó, ông ấy bảo có nói nhưng chúng nó chẳng nghe. Khổ thế cơ chứ. Tôi lại phải ra đồng sai chúng nó móc lúa lên gánh về.

Lại có lần đi cấy, tôi mệt nên về trước. Vừa về đến nhà, đã thấy mấy bố con ông ấy cũng theo về. Hỏi sao không cấy lại bỏ về thì bố con ông ấy bảo cấy xong rồi không về thì ở đồng làm gì. Tôi ra đồng, rờ rẫm mãi chả thấy lúa đâu. Bố con ông ấy cấy thưa đến nỗi tôi mò từ đầu đến cuối ruộng mới thấy vài khóm lúa, mà ngọn cắm xuống bùn, rễ chổng lên trời...".

Không sai bảo, cắt đặt công việc rõ ràng, thì những người ngớ ngẩn trong gia đình bà không biết làm gì, nhưng đã phân công đâu ra đấy thì họ làm chăm chỉ, chịu có và có trách nhiệm thực sự.

Vậy nên, ngoài việc cấy 7 sào ruộng nhà mình, bà Chanh còn đấu thầu thêm mấy sào nữa để có cái ăn.

Mùa cấy, mùa gặt thì đám người dở tập trung làm việc, nông nhàn thì lăn lộn ngoài đồng bắt cua, đơm cá kiếm cái ăn.

Bà Chanh bảo: "Tôi mà không biết cầm cân nảy mực thì chết đói cả nhà. Dù ông ấy nấu cơm, nhưng tôi phải phụ trách đong gạo. Để ông ấy đong gạo thì chỉ vài bữa là hết. Nhà tôi mà cứ nấu bừa phứa, ăn no nê, thì có mà vài bữa là nhịn đói".

Đầu giờ chiều, tôi đi dọc bờ mương ra cánh đồng Đoan Xá rộng mênh mang để tìm bố con ông Óng. Những ngày đầu hè, trời còn se lạnh, nhưng hai bố con ông vẫn lặn ngụp dưới mương.

Thấy tôi giơ máy ảnh, anh Chiến kéo cái chậu nổi lềnh phềnh khoe thành quả buổi lặn ngụp gồm một mớ trai. Ông Óng nhảy lên bờ khoe túi lưới với những con cua đồng to tướng.

Chẳng có gì khó hiểu, khi cái gia đình ấy, rặt là người ngớ ngẩn với một người mù, mà chẳng phải ngửa tay xin ăn, họ vẫn tự kiếm sống, tự đứng vững giữa cuộc đời này.

 Anh Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Người mù TP. Hải Phòng kể: "Có lần, tôi cùng mấy cán bộ đến nhà chị Chanh thẩm định cho vay vốn. Hôm đó, trời mưa tầm tã, nhưng thấy 4 bố con ông Óng cứ ngồi vót lá dừa bện chổi ngoài sân, trong khi thóc phơi đầy sân thì mặc kệ. Tôi hỏi sao mưa không chạy thóc vào nhà, họ bảo sáng nay vợ sai vót lá dừa chứ có bảo dọn thóc đâu mà làm. Lúc sau, thấy bà Tranh hớt hải chạy về bảo mưa rồi không làm nữa, họ mới lục tục vào nhà...".

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn