Bác sĩ sống một mình trong lăng mộ cheo leo vách núi chờ ngày “ra đi” gần 30 năm

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 20/05/2017 21:51:00 +07:00

Không chịu nổi cảnh cô đơn khi người nhà lần lượt ra đi, một bác sỹ đã dùng cả gia tài còn lại của mình để xây lăng mộ cheo leo nơi vách núi và sống tại đó.

Bác sỹ già kỳ quặc 

Lương Phùng Sáng năm nay 92 tuổi. Người đàn ông cả đời gắn bó với thuốc, bệnh nhân và hai từ “cứu người” đã thay đổi hoàn toàn tính cách trong khoảng gần 30 năm trở lại đây. Từ một người hoà đồng, tự tin và luôn vui vẻ, bác sỹ Lương bỗng chốc không muốn gặp ai, không muốn nhìn thấy ai cho đến khi viên tịch. 

Cả tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), không ai không biết câu chuyện của bác sỹ già ẩn cư gần đỉnh vách đá suốt từ năm 1990. Nguyên do của cuộc sống như một ẩn sỹ này của bác sỹ Lương bắt nguồn từ việc vợ và hai người con của ông lần lượt qua đời vì bệnh tật. 

Hinh anh

Người đàn ông sống một mình trong lăng mộ cheo leo vách núi chờ ngày “ra đi” gần 30 năm 

Khi còn trẻ, bác sỹ Lương được biết đến với những bài thuốc chữa dạ dày trứ danh. Ông từng cứu sống nhiều người, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, cái đau đớn của ông chính là “dao sắc không gọt được chuôi”.

Sau hai người con trai ra đi vì căn bệnh sốt rét không được cấp cứu kịp thời, vợ ông cũng đột ngột qua đời năm 1988 vì căn bệnh ung thư dạ dày. Bác sỹ Lương nhiều lần ân hận vì việc này. Ông bảo, chính ông đã cứu biết bao người thập tử nhất sinh nhưng lại không thể cứu được người mà mình yêu thương nhất. 

Hai năm sau ngày vợ mất, căn nhà trống trải đã đánh gục tinh thần của vị bác sỹ già. Ông bắt đầu gom tiền, tìm kiếm khu vực để ẩn mình cho đến chết. Sự cô đơn đã khiến ông Lương chọn ngọn núi phía Tây tỉnh Hồ Nam làm nhà.

Gọi là núi, nhưng đấy thực sự là một vách đá cheo leo, đường lên xuống nhỏ, trơn trượt và độc đạo. Từ trên vách núi nhìn xuống là thung lũng sâu, địa hình thăm thẳm. Một lần, trong bài miêu tả sự sống khó hiểu của ông Lương, cây bút Vạn Tài của trang QQ gọi địa điểm vị bác sỹ xây lăng mộ là Tuyệt tình cốc – vì nó có rất nhiều điểm tương đồng với địa danh đã từng in dấu trong kho truyện Kim Dung.

Hinh anh

 Ông Lương Phùng Sáng.

Cho đến bây giờ, những người biết vẫn gọi ông Lương là “Cô cô” của Tuyệt tình cốc khi cuộc sống của ông cũng thanh đạm như nhân vật hư cấu trong truyền thuyết. 

Để có ngôi mộ dạng lăng, ông Lương trả tiền cho dân làng để họ mang vật liệu xây dựng lên vách đá mà ông gọi là nhà. Ròng rã 14 năm, tiêu tốn hơn 260.000 nhân dân tệ (khoảng 38.000 đô la Mỹ), ông Lương đã xây nơi an nghỉ vĩnh cửu cho mình. 

Ông Lương chăm sóc lăng mộ của chính mình không khác gì chính bản thân ông đã… viên tịch. Hàng ngày, ông tụng kinh, niệm phật, thắp nhang đèn và ngồi thiền. Mọi sinh hoạt của ông đều diễn ra trong lăng mộ và ông gọi đó là “nhà”. 

Hinh anh  3

 Lăng mộ của ông Lương nằm giữa lưng chừng núi.

Vì không muốn ai quấy rầy và cũng không muốn ai xâm nhập vào lăng mộ, ông Lương đã tang bị rất nhiều thiết bị an toàn cho “ngôi nhà”. Bao quanh tường nhà là 5 lần hàng rào dây thép gai với những chiếc đinh nhọn hoắt được cấy thêm vào. Mỗi cánh cửa ra vào khu lăng mộ đều gắn khoá chống trộm loại đắt tiền, chỉ cần chạm vào là hú lên như cháy đồi.   

Chưa cảm thấy an tâm, vị bác sỹ già hơn chín mươi cái xuân xanh còn đặt khá nhiều bẫy xung quanh lăng mộ. Trong đó, rất nhiều bẫy đủ để… giết hổ và các loại thú ăn thịt. ngay trước lối lên vách đá, lối vào lăng mộ, ông Lương còn đặt thêm biển cảnh báo.

Ông cho biết, ông không muốn làm ai bị thương hoặc vong mạng chỉ vì tò mò muốn biết những gì đang diễn ra xung quanh cuộc sống của ông. “Tôi đã quá cô đơn và không cần thiết phải giao tiếp với bất cứ ai. Tôi cần yên tĩnh tuyệt đối cho đến tận ngày chết”. 

Những thói quen khác người của bác sỹ già

Từ ngày cách biệt thế giới bên ngoài, cuộc sống của ông Lương chẳng khác gì đạo sỹ chân tu. Ông ăn lá cây, rau cỏ tự trồng và tuyệt nhiên không dính dáng đến chất đạm. Thứ duy nhất ông thuê dân làng chuyển lên là gạo và ắc quy (dành cho thắp sáng). Nhưng khoảng 1 năm ông mới đong gạo mua ắc quy một lần. Gạo đựng vào hai cái chum to luôn khô ráo và dùng cho đến khi hết, ắc quy mua liền chục bình dùng dần.

Ngay bên cạnh lăng mộ, ông Lương thiết kế hai cái máng tre lấy nước từ các tán lá cây và sương đêm, dẫn vào một cái lu đặt góc sân. Thêm hai cái máng khác dẫn nước mưa tích lại ở quầng đá tự tạo dành cho việc tắm rửa. 

Hinh anh  4

 Giường ngủ khá đặc biệt của ông Lương.

Hàng ngày, ông Lương đi loanh quanh trong ngọn núi, nhặt những cành cây khô nhỏ để nấu cơm và đun nước. Thứ gì thật cần thiết dùng đến lửa thì ông mới dùng, không thì thôi. Khi đi ngủ, ông Lương có thói quen đặt hai cái bẫy trước cửa, một cái trên đầu, một cái dưới chân. Bên cạnh ông luôn là chiếc búa chim được mài sắc và một cuộn dây thừng đủ để trói… vài ba con bò. 

Giường ngủ của ông Lương cũng được thiết kế khá đặc biệt. Ông tạo ra vòm gỗ, đặt trên phản gỗ y hệt như chiếc quan tài, nhưng hở đầu. Ông Lương gọi đó là “cái kén tằm” và chui vào đó để ngủ. Vị bác sỹ già này cho biết, nếu lúc nào ông cảm thấy không cố được nữa, thì ông sẽ vào đó và nằm luôn, chẳng liên quan đến ai. 

Ông Lương cách ly mình với toàn thế giới, không xem ti vi, không nghe đài, không đọc báo. Thứ duy nhất ông “giải trí” là đọc sách, kinh phật và thi thoảng tự nói chuyện với… người thân đã mất.  

Cuộc sống đạm bạc đến khó tin của người đàn ông được cho là lập dị nhất tỉnh Hồ Nam kéo dài từ năm 1990. Điều kỳ lạ là ở tuổi 92, ông Lương vẫn khá minh mẫn, mạnh khoẻ và chưa có dấu hiệu sẽ “ra đi” vào thời điểm nào, bất chấp ông đã tự chuẩn bị cho mình ngày hoà mình vào thiên nhiên.

Video: Những câu hỏi chưa có lời giải về lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Nguồn: Như Ý (Tuổi trẻ & đời sống)
Bình luận
vtcnews.vn