Người cựu binh quê lúa và thời khắc lịch sử ở sân bay Tân Sơn Nhất

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 23/04/2015 06:35:00 +07:00

Khi lá cờ giải phóng ở tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất hiên ngang tung bay, quân ngụy đóng ở gần đó vốn đã hoảng loạn lại càng thêm hoang mang, rệu rã.

(VTC News) - Khi lá cờ giải phóng ở tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất hiên ngang tung bay, quân ngụy đóng ở gần đó càng thêm hoang mang, rệu rã.


Kỳ 2 (Kỳ cuối): Vỡ òa niềm vui chiến thắng

Sáng ngày 30/4, quân giải phóng bắt đầu tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. 9h30, chiến sĩ Phạm Văn Lãi kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng rộng 6m2 trên đỉnh tháp nước cao. 10 giờ ngày 30/4/1975, Sư đoàn 10, thuộc Quân đoàn 3 tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất cùng Ban Liên hợp quân sự gặp nhau vui mừng khôn tả, 3 “vị khách” cũng hòa vào niềm vui chung đại thắng đến ngỡ ngàng.

Lúc lá cờ được cắm lên hiên ngang giữa sân bay Tân Sơn Nhất, tiếng súng cũng lặng dần. Đơn vị ngụy quân bảo vệ sân bay và 12 bốt gác xung quanh trại Davis, cùng đơn vị dù cạnh trại đã bỏ chạy hết, dù trước đó chúng đã nhận được những chỉ thị đặc biệt. 

Sau này, khi thu thập tài liệu ở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, ta tìm thấy cuốn sổ công tác để trên bàn làm việc của tướng ngụy Cao Văn Viên ghi rõ, chỉ cần thấy bên trong trại Davis có động, tức khắc chúng sẽ bắn pháo cối, và cho cho xe tăng cùng bộ binh tràn vào bắt hết người trong trại, thậm chí ném bom, rải chất độc hóa học khi gió không thổi về thành phố…

“Lúc ấy tôi chả nghĩ gì hết ấy, chỉ nghĩ mình sẽ chạy ra, sẽ buộc cờ cho chắc”, ông Lãi cười cho biết.

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, ông Phạm Văn Lãi không bao giờ có thể quên được buổi sáng 30/4/1975. Mỗi khi kể lại cho con cháu, hay cùng đồng đội ôn lại thời khắc lịch sử, thì trong con người ông lại cháy bỏng, rạo rực như ngày hôm qua. Đấy là giây phút thiêng liêng nhất trong cuộc đời người chiến sĩ cách mạng của Phạm Văn Lãi .
Ông Phạm Văn Lãi: "Cắm cờ ở sân bay Tân Sơn Nhất là giây phút thiêng liêng nhất trong cuộc đời tôi" 
Lúc nhận nhiệm vụ, Phạm Văn Lãi ngay tức khắc chạy như bay về nhà kho của Ban chính trị. Lá cờ to nhất nhanh chóng được tìm thấy. Cờ sao vàng nằm trên nền nửa xanh nửa đỏ này được may bằng 4 khổ vải 80cm, nếu nối liền cả khổ vải ấy lại với nhau thì chiều dài cũng gần 20m.

Ôm chặt lá cờ vào ngực, chạy băng băng ra ngoài, nhưng khi ra đến chỗ đơn vị vệ binh thì họ đã đi làm nhiệm vụ khác. Tình thế rất gấp, Phạm Văn Lãi quyết định tự mình trực tiếp treo cờ.

Ông Lãi chạy ra tận cổng trại Davis, thẳng tiến đến tháp nước. Dọc đường, ông gặp chiến sĩ cảnh vệ Nguyễn Văn Cẩn đang gác cổng trại, đề nghị chạy theo hỗ trợ. 

Ông Lãi và ông Cẩn vừa chạy vừa quan sát. Hai người nhặt được một đoạn ống nước bằng sắt làm cán cờ và hai sợi dây thép. Đến chân tháp nước, ông Lãi chui vào lồng bảo vệ trèo lên trước, ông Cẩn đeo súng ngắn K-54 theo sau. Lên đến đỉnh, ông Lãi buộc phía trên, ông Cẩn buộc phía dưới. Kiểm tra mối buộc xong, thấy chắc chắn rồi, ông Phạm Văn Lãi buông tay, lá cờ no gió mở ra "phật" một tiếng, cuồn cuộn tung bay trên điểm cao của thành phố Sài Gòn. 

"Phải nói thật, lúc đó tinh thần đang sục sôi máu lửa, nên dường như quên đi mọi sợ hãi. Cắm xong cờ, đứng trên tháp nước, nhìn xung quanh khu vực tôi thấy các đơn vị của ta đang ào ào tiến công vào trung tâm Sài Gòn. Lá cờ tung bay, trong lòng tôi cảm xúc thật khó tả , cứ thế tuôn trào nước mắt mà không hề nghĩ đến nguy hiểm là mình có thể trở thành mục tiêu. Từ xa, lá cờ giải phóng vừa là vật chuẩn cho pháo binh nhả đạn, vừa khích lệ bộ đội ta tiến lên ", ông Lãi xúc động hồi tưởng lại.

Vốn đang hoảng loạn và tháo chạy, nên khi thấy lá cờ giải phóng hiên ngang tung bay trong gió, quân địch ở Bộ Tổng tham mưu ngụy tại cổng Phi Long cách đó gần 1km, lính Sư đoàn dù, đơn vị tăng thiết giáp ngụy đóng gần Trại Davis lại càng thêm hoang mang, rệu rã.

Một chiến sĩ khác trong Đoàn B2 đã chụp lại khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong đời binh nghiệp của chiến sĩ Phạm Văn Lãi. Cho đến giờ, ông Lãi vẫn lưu giữ bức ảnh như một báu vật.
Khoảnh khắc lá cờ giải phóng tung bay trên tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất 
30 phút sau, các chiến sĩ thuộc Sư đoàn 10, thuộc Quân đoàn 3 tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất. Họ cùng Ban Liên hợp quân sự gặp nhau, ai nấy vui mừng khôn tả. Một thời gian ngắn sau, qua điện đài, tại dinh Độc Lập, Tổng thống Nguyễn Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng quân giải phóng vô điều kiện. Tất cả như vỡ òa trong ngày đại thắng.

“Tôi không hiểu cảm giác của mình lúc ấy như thế nào nữa, cứ thẫn thờ thì phải, cũng không nói được, mặc cho xung quanh mọi người ôm nhau nhảy múa, niềm vui quá lớn khiến tôi không thể kiểm soát nổi bản thân của mình nữa”, ông Lãi tâm sự.

Ông kể, đến mấy ngày hôm sau ông vẫn không thể ăn uống gi được, đi ra đường gặp ai cũng ôm chầm lấy, trò chuyện, hỏi thăm, rồi lại hô vang: “Việt Nam hoàn toàn giải phóng…”.
Khoảnh khắc lịch sử giải phóng Sài Gòn năm 1975 Ảnh tư liệu 
Sau ngày 30/4, Phái đoàn quân sự chấm dứt hoạt động, anh em mỗi người về một đơn vị mới theo chức năng, nhiệm vụ của mình, lo tiếp quản thành phố, trấn áp tàn quân địch, tổ chức tiếp nhận sỹ quan, binh lính ngụy ra trình diện, tham gia ổn định cuộc sống cho nhân dân và bảo đảm hoạt động bình thường của thành phố.

Tháng 6-1975, Phạm Văn Lãi được kết nạp Đảng, đến năm 1979 thì được điều về Văn phòng Chính phủ làm việc. Ông hay nói vui rằng, trong lúc chiến đấu đã rất may mắn được cắm lá cờ ở sân bay Tân Sơn Nhất, khi hòa bình lại một lần nữa may mắn vì được gần gũi, phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Lãi thấy vô cùng tự hào khi là người cắm ngọn cờ giải phóng đầu tiên giữa nội thành Sài Gòn 40 năm về trước. Càng tự hào hơn nữa khi ông là một trong những người con quê lúa Thái Bình được cắm cờ giải phóng trong các thời khắc lịch sử. Trước đó, ở Thái Bình đã có Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cắm cờ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, rồi ông Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11h30 phút ngày 30-4-1975…


Minh Sơn Lê – Hải Minh
Bình luận
vtcnews.vn