Lạ lùng dòng họ hễ ăn thịt chó là rụng răng, nôn mửa, hóa điên

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 09/07/2016 06:52:00 +07:00

Hễ con cháu họ Đinh Công mà “phạm úy” động đến miếng thịt chó là ắt gặp chuyện chẳng lành, nhẹ thì bị rụng răng, nôn mửa, nặng thì trở nên ngơ ngẩn, điên điên dại dại…

Dòng họ Đinh Công nơi xứ Mường heo hút của vùng Thanh Sơn, Phú Thọ chẳng những gây xôn xao về việc lập một ngôi mộ lớn thờ “mẫu khuyển” mà còn khiến nhiều người nửa tin nửa ngờ về một lời nguyền bất hành văn lưu truyền nhiều đời. Rằng, hễ con cháu họ Đinh Công mà “phạm úy” động đến miếng thịt chó là ắt gặp chuyện chẳng lành. Nhẹ thì bị rụng răng, nôn mửa, nặng thì trở nên ngơ ngẩn, điên điên dại dại…

Xưa nay, đối với người Việt thịt chó được coi là một món ăn đặc sản, nhiều người ưa chuộng. Không ít dân nhậu còn quan niệm, trên mâm mà không có miếng “thịt cầy” là rượu không vào. Thế nên, việc cả họ từ trẻ đến già cả trăm năm không dám động đến thịt chó, thậm chí, còn xây mộ thờ rồi hương khói chỉn chu như thờ mộ tổ thì quả thật hiếm người nghe tới.

Vì thế, khi nghe anh bạn quả quyết có câu chuyện lạ đời như vậy, chúng tôi đã lặn lội cả trăm cây số tìm về xóm Gằn, xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ để tìm hiểu thực hư.

Đường vào xóm Gằn quanh co và lổn nhổn sỏi đá, tuy nhiên, khi được hỏi về dòng họ Đinh Công thờ “Mẫu khuyển” thì người dân cả xã đều chỉ tường tận nhà trưởng họ cho chúng tôi. Bà cụ đầu thôn có mái tóc bạc trắng còn dặn với thêm: “Ngôi mộ ấy thiêng lắm, cả làng này ai ai cũng nể sợ”.

Những chuyện ly kỳ xung quanh ngôi “cẩu mộ”

Khi chúng tôi hỏi về ngôi mộ kỳ lạ của dòng họ mình, ông Đinh Công Dự, trưởng họ Đinh Công vừa bước sang tuổi 60, nước da ngăm ngăm bánh mật, miệng cười rổn rảng không ngừng xem chừng tự hào lắm. Ông chỉ cho chúng tôi bức hình ngôi mộ màu trắng, to lừng lững, nằm chính giữa ban thờ gia tiên: “Đây chính là ngôi mộ thờ Mẫu Khuyển của dòng họ nhà tôi. Hằng năm, cứ vào ngày 20 tháng Chạp là cả họ tập trung làm lễ trước mộ. Ngoài ra, vào những ngày rằm, mồng một cũng hương khói lễ lạt như thờ cúng tổ tiên trong nhà. Tục ấy, được duy trì cả trăm năm nay”.

Tuy nhiên, theo lời ông Dự, dù là trưởng tộc nhưng ông hoặc thậm chí nhiều bậc cao niên trong họ cũng không nắm rõ ngôi mộ có từ khi nào. Từ khi lớn lên, ông chỉ nghe cha ông kể lại về truyền thuyết nhuốm màu liêu trai về ngôi “cẩu mộ”.

3

Ngôi "Cẩu mộ" 

Chuyện rằng, vào cái ngày cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh tranh nhau tình yêu của công chúa Mỵ Nương, nước cứ dâng cao, cao mãi. Nhiều người dân nhốn nháo di cư hết, nhà cửa ruộng vườn cũng trôi theo dòng nước lớn.

Trên bãi đất cao nhất chỉ còn sót lại một cậu bé còn đỏ hỏn khóc ngặt nghẽo vì khát sữa. Bỗng đâu xuất hiện một con chó mẹ tìm đến mang cậu bé về nơi ở và nuôi nấng bằng bầu sữa của mình.

Khi cuộc chiến của các vị thần tạm ngưng, người làng tìm về nơi ở cũ thì thấy cậu bé khi này đã lớn khôn. Người ta hỏi cậu: “Cha mẹ cháu đâu”. Cậu chỉ tay về phía con chó và gọi bằng cái tên “Rệ hiệu mẫu khuyển”.

Sau này, khi Rệ hiệu mất đi, người ta dùng hai cái nồi đồng làm quan tài và đắp thành ngôi mộ lớn ở giữa cánh đồng xanh bạt ngàn màu lúa. Cậu bé xưa kia chính là tổ tiên dòng họ Đinh Công và ngôi mộ cũng tồn tại từ bấy cho đến nay.

Tuy nhiên, ông Dự kể rằng, việc thờ cúng ngôi mộ đã có một thời gian gián đoạn do chiến tranh chống Pháp. Ngôi mộ trở nên hoang lạnh, gò đất cao ban đầu theo thời gian cứ lụn dần lụn dần rồi chỉ còn nhú lên so với bờ đất ruộng chả đáng là bao.

Thế nhưng, bởi chiến tranh loạn lạc, bởi đói nghèo nên dòng họ Đinh Công chẳng ai nghĩ đến việc tu tạo ngôi mộ. Thế rồi, kể từ đây, hàng loạt các chuyện rùng rợn xảy ra, khiến cả làng thậm chí cả xã ai ai đều kinh sợ.

2

Ông Dự bên ngôi "cẩu mộ" 

Ông Dự kể bằng cái giọng khàn khàn, không giấu vẻ thất kinh: “Không chỉ có chúng tôi mà rất nhiều người dân sống gần đó đều khẳng định rằng ngôi mộ thiêng lắm. Cây cối trồng mà mọc chạm vào đất mộ là không thể lên nổi, người dân mà vô tình đụng chạm vào đất ấy cũng chẳng yên.

Như nhà ông Hiên Lịch, cũng là người làng này, đặt thanh gỗ qua ngôi mộ để bước qua ruộng. Ấy thế rồi, chỉ một thời gian sau, ngôi nhà ba gian của gia đình ông ấy giữa ngày hè, chẳng ai châm lửa mà cứ cháy dữ dội. Cứ hô hoán dập được mấy lần lại đột ngột bốc cháy nghi ngút.

Cứu được cái nhà, lợp lại vài bận rồi yên mấy bữa thì cô con gái đang khỏe mạnh bình thường bỗng nổi điên. Hết ăn nói lảm nhảm lại cười sằng sặc như người lên đồng. Quá sợ hãi, gia đình ông Lịch mới tìm đến thầy Mo thì được phán, họa này là do nhà ông đã phạm vào ngôi mộ thiêng nên bị quở.

Về đến nhà, ông Lịch vội vã dỡ tấm ván ra khỏi khu mộ và làm lễ lầm rầm khấn vái mất nửa ngày trời. Lạ thay, cô con gái hâm dở lại nhanh chóng trở lại bình thường. Chuyện ấy xảy ra vào khoảng năm 1982-1985.

Sau bận ấy, không chỉ có nhà ông Lịch “gặp chuyện” khi chẳng may phạm vào đất thiêng, gia đình ông Hà Bá Thứ, nhà ông Hà Văn Tiệp sống gần khu mộ cũng có người đột ngột mắc chứng tâm thần. Nhưng khi gia đình lễ tạ trước khu mộ, những người bị ốm đều nhanh chóng khỏi bệnh”.

Vậy nhưng, những người phải chịu “án phạt” nặng nhất của “thánh thần” lại chính là con cháu trong dòng họ Đinh Công. Ông Dự kể rằng, cả trai cả gái đều không ai sống thọ qua tuổi 60.

“Ban đầu một vài người mất cũng không mấy ai để ý. Nhưng sau đó, hàng chục  thậm chí vài chục người trong họ đều đúng đến cái “ngưỡng tử” kia thì ra đi khiến ai ai cũng thất kinh. Thậm chí nhiều người cứ bước qua tuổi 59 là luôn run sợ chờ ngày tử thần tìm đến.

Không chỉ vậy, trong họ còn náo loạn lên vì nhà nào cũng gặp chuyện, nếu không phải con cái sinh trộm cắp thì cũng hóa điên hóa dại. Đến khi ấy, cả làng cả xã ai ai cũng đều hoang mang sợ hãi, nhất là con cháu trong dòng họ thì búa xúa đi khắp nơi tìm “thầy” giỏi để giải cái tai ương đang ám ảnh hàng trăm con người.

Khi ấy, có cụ Hà Thị Kỷ là người cao tuổi nhất xóm Rợ, cũng là một người thuộc dòng dõi Quan Lang nức danh xứ Mường thủa trước mới chỉ mặt ông Dự mà phán rằng: “Ngôi mộ ấy là của dòng họ nhà mày. Nếu không làm lại, tôn tạo mộ thì còn cháu đời đời chẳng được yên thân”.

Nghe lời cụ Kỷ, tháng 8/2009, ông Dự cho họp cả họ lại và nhất trí xây lại ngôi Mẫu khuyển. “Mộ xây xong, chẳng hiểu vì trùng hợp hay vì tâm an mà người trong họ không còn xảy ra những chuyện lục đục, không may nữa. Chị Đinh Thị Kiến, một người trong họ mắc chứng tâm thần chữa trị bao năm không khỏi cũng đột ngột trở lại bình thường. Đến nay, chứng tâm thần cũng khỏi hẳn mà chẳng cần thuốc thang”, ông Dự kể.

“Hễ động đến thịt chó là rụng răng, hóa điên hóa dại…”

Ông Dự bảo, dòng họ Đinh Công còn lưu truyền một “lời nguyền” từ nhiều đời, ấy là không bao giờ được đụng đến miếng thịt chó. Hễ ai phạm phải lời nguyền ấy đều phải chịu những hình phạt ghê rợn. Người nhẹ thì ăn xong bị ói mửa, rụng răng, người nặng thì đần độn, hóa điên dại. Nếu là thầy cúng thì sẽ bị dìm nước đến sặc sụa. Con cháu dòng họ Đinh Công từ khi vừa nói sõi đã được răn dạy như vậy rồi.

“Điều này nghe có vẻ khó tin, nhưng chính bản thân tôi và nhiều người trong họ đã chứng kiến con cháu họ Đinh Công bị trừng phạt do cả gan ăn thịt chó.

Điển hình như chuyện “thánh vật” cách đây 4 năm của ông Đinh Công Giấu, vốn là trưởng họ Đinh Công trước đây. Bởi cho rằng, lời nguyền kia chỉ là truyền thuyết nên đã bí mật mang thịt chó về nhà… ăn thử. Chẳng ngờ, vừa ăn xong thì tâm trí trở nên điên dại, nói năng lảm nhảm, lúc tỉnh lúc mê. Thậm chí, chẳng hiểu giời xui đất khiến thế này, nửa đêm ông này còn vác cuốc ra đào cả mả bố mình là ông Đinh Công Định lên.

1

Nhà thờ dòng họ Đinh Công 

Chứng kiến việc này ai nấy đều thất kinh mà càng nể sợ lời nguyền kia. Ông Giấu bây giờ cũng không còn điên dại như trước nhưng cũng không tinh khôn như người bình thường. Cũng bởi sau chuyện ấy, nên mới bị truất ngôi trưởng họ và tôi lên thay từ khi ấy”, ông Dự kể.

Tôi thắc mắc: “Nếu chưa bao giờ ăn thịt chó thì biết mùi vị thịt chó thế nào mà kiêng? Nếu chẳng may bị người khác thử mà “lừa” mang thịt chó đến trước mặt thì sao?”. Anh Đinh Công Quyết, con trai ông Dự, hiện là xã đội trưởng xã Tân Minh cũng gật gù xác nhận: “Ấy, đấy cũng là một điều lạ”.

Cái lạ theo anh Quyết, ấy là bản thân anh, dù chưa biết mặt mũi, mùi vị thịt chó ra sao nhưng cứ ngửi thấy mùi là cảm giác ruột gan lộn lên, bụng đau nhâm nhẩm, nước bọt cứ tứa ra cứ như người mắc chứng ngộ độc. Thậm chí, theo anh Quyết, dù chẳng may ăn phải nước chấm có mùi thịt chó cũng khiến anh nôn thốc nôn tháo.

“Chẳng biết có phải do mình cứ luôn tâm niệm không ăn thịt chó nên thế hay bởi do phạm vào quy định của dòng họ. Tuy nhiên, dù lý do là gì, việc con cháu dòng họ Đinh Công nói không với thịt chó còn là thể hiện cái tâm, sự tôn trọng của con cháu đối với cha ông, tổ tiên của mình. Tôi nghĩ rằng, đó mới là điều quan trọng nhất”, anh Quyết nói.

Nguyễn Lê Đào

Bình luận
vtcnews.vn