Gặp mặt người đàn ông 4 vợ ở Phú Thọ

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 08/06/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Theo hướng chỉ đường của Chủ tịch xã Thượng Cửu Hà Văn Nhận, tôi tìm vào chân dãy núi Pu Cáp, tìm đến “xóm ông Lai”...

(VTC News) - Theo hướng chỉ đường của Chủ tịch xã Thượng Cửu Hà Văn Nhận, tôi tìm vào chân dãy núi Pu Cáp, tìm đến “xóm ông Lai”. Hầu hết người dân ở Thượng Cửu đều là người Mường, sống trong những ngôi nhà sàn lợp cọ, với những cột gỗ lên màu đen bóng. 

"Xóm ông Lai". Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Tuy nhiên, có một đặc điểm dễ nhận thấy, là những ngôi nhà ở “xóm ông Lai” đều không phải nhà sàn. Toàn là nhà cấp 4 ghép gỗ, nhà xây gạch hoặc nhà trình đất theo phong cách dưới xuôi. Ông Lai là người Kinh, từ dưới xuôi lên sinh sống, một số bà vợ cũng là người Kinh, con cháu cũng là người Kinh, nên nhà cửa cũng vì thế mà khác người Mường nơi đây. Đám con cháu của những người mẹ Mường mang một nửa dòng máu Kinh, cộng với việc ảnh hưởng văn hóa dưới xuôi mạnh mẽ, nên cũng Kinh hóa, thành thử nhà cửa cũng theo phong cách miền xuôi.

Tôi tạt bừa vào một ngôi nhà nằm ngay đầu xóm, lúc nhúc là trẻ con, ăn mặc tuềnh toàng, mặt mũi nhem nhuốc. Hỏi ông Lai, đứa thì bảo là ông nội, đứa lại nói ông ngoại. Theo lời bọn trẻ, thì ông không ở trong xóm nữa. Một thanh niên quần áo bẩn thỉu, có vẻ như vừa đi rừng về bảo: “Ông Lai là ông nội em đấy. Tuần nay ông sống với bà tư, ngoài xã rồi. Anh ra chỗ ủy ban xã, thấy cái nhà mới xây ở cạnh, thì đúng đó là cái chỗ mà ông em đang ở”. Thế là, tôi lại vòng trở ra.

Con cháu ông Lai. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Ngôi nhà ống mới xây thô, chưa trát tường, nằm ngay cạnh trụ sở UBND xã Thượng Cửu đúng như lời mô tả của cậu thanh niên. Tôi đến đúng lúc giữa trưa. Ông Nguyễn Xuân Lai đang ngồi uống nước, tý lại rít thuốc lào long sòng sọc. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Tuyết đang dọn mâm bát.

Nghe giới thiệu là nhà báo, khác với hình dung ban đầu của tôi, ông Lai, bà Tuyết sẽ im lặng, chẳng nói gì, thậm chí không muốn tiếp. Chẳng ai muốn chuyện đời tư của mình được phơi bày cho thiên hạ. Thế nhưng, ông Lai rất vui vẻ, cười tít mắt. Bà Tuyết thì bảo: “Em cứ ngồi uống nước đi, ở giữa rừng thế này, không có quán ăn, nên chắc chưa ăn rồi”.

Nói xong, bà Tuyết chạy ra ngoài vườn, tôi nghe thấy tiếng vịt kêu quạc quạc. Quay đi quay lại, đã thấy con vịt béo nẫn, sạch trơn nhẵn bóng, chuẩn bị vào nồi. Con người miền núi là vậy, họ sống hồn nhiên và đề cao cái tình.

Hỏi chuyện vì sao lấy nhiều vợ thế, ông Lai lại cười tít mắt. Trông ông Lai trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi 68 của mình. Dáng người thấp đậm, khỏe mạnh, cơ bắp cuồn cuộn, ông là một người lao động, một nông dân thực sự, song trông không lam lũ như một nông dân. Cái vẻ bên ngoài đó đã nói lên vẻ đặc biệt trong con người ông.

Hầu hết những ngôi nhà ở "xóm ông Lai" đều có kiểu dáng vùng xuôi. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Nghe giọng “Ba vi co con bo vang”, tôi đoán ông là người Hà Tây cũ, ông bảo, ông gốc người huyện Đan Phượng, ở xã Thượng Mỗ.

Ông Lai kể vui: “Không hiểu giời cho hay giời đày, nhưng tớ có cái tính ham tán gái, cứ nhìn thấy các em là tít mắt vào. Mà cũng chả hiểu sao, tớ cứ có ý định tán tỉnh em nào, là em ấy đổ”. Giọng kể của ông Lai vui vui, lại thêm cái tiếng đặt trưng vùng Ba Vì, Đan Phượng, Thạch Thất, nghe qua có vẻ quê quê, nhưng nghe lâu, quen rồi, lại thấy cứ lảnh lót như rót mật vào tai. Khổ nỗi, mật ngọt thì chết ruồi. Các bà, các chị yêu bằng tai, thì đúng là khó cưỡng được.

Cũng vì đào hoa, nên tuổi 18-19, khi bạn bè trang lứa còn chưa dám cầm tay, tỏ tình cô gái nào, thậm chí nhìn thấy đàn bà, mặt mũi còn ửng đỏ, nóng ran, thì anh chàng Nguyễn Xuân Lai đã trải qua ôi ối mối tình. Chẳng thế mà năm 20 tuổi đã “tậu” được một bà vợ và cũng năm đó thì sinh được một người con.

Bà Phạm Thị Bầu, vợ cả của ông Lai. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Người vợ đầu tiên là bà Phạm Thị Bầu, một thôn nữ khá đẹp, hiền lành, quê ở Văn Điển, hơn ông Lai 2 tuổi. Sau buổi gặp ông Lai, tôi gặp bà Bầu. Tôi có cảm nhận, bà Bầu là một người đặc biệt. Bà quá hiền lành, quá nhu mì. Có lẽ, không hiền lành như cục đất, thì sao chấp nhận lấy một người đàn ông đào hoa như thế, sao chấp nhận bỏ miền quê dù nghèo nhưng thanh bình, để theo chồng lên rừng sống với… khỉ. Không hiền lành, nhịn nhục như củ khoai, củ sắn sao chấp nhận cho ông chồng tha lôi hết bà này đến bà khác về nhà.

Cưới bà Bầu, rồi đẻ con, chàng trai Nguyễn Xuân Lai, dù đã có vợ, có con, song tính tình vẫn lông bông lang bang, chả ra ông chồng, cũng chả thành người bố. Ngày đi làm cùng bố mẹ, tối ăn cơm sớm với vợ, nhưng ăn xong là lại đạp xe đi "tán" với đám thanh niên chưa vợ. Mồm mép tía lia, dẻo như kẹo kéo, nên đám thanh niên đi “chinh chiến” ở làng nào, đều lôi Lai đi. Khốn khổ nỗi, đi "tán" hộ bạn, mà con gái toàn "đổ" mình. Nên dù có vợ, có con, ối thôn nữ vẫn cứ mơ màng với gã trai lắm lời ong mật.

Ông Nguyễn Xuân Lai. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Năm Nguyễn Xuân Lai 21 tuổi, một vợ, một con, ấy là năm 1965, làng trên xóm dưới phát động phong trào đi khai hoang đất mới. Cha mẹ ông chán cảnh thanh bần, muốn thay đổi cuộc đời nơi “rừng vàng”, nên dắt díu vợ con đi theo đoàn người bỏ lũy tre làng. Vợ chồng Lai chưa lập được nghiệp riêng, vẫn sống cùng bố mẹ, nên cũng đi theo.

Cô thôn nữ Phạm Thị Bầu giờ không còn nhớ quê quán mình ra sao nữa. Tôi bảo, giờ vùng Văn Điển thành phố xá hết rồi, đất đai đắt đỏ như vàng, bà Bầu nói: “Thế à!”. Bà cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu năm nay rồi bà chưa về quê. Theo chồng vào rừng ở, rồi sinh tuồn tuột 10 người con (chết một, còn 9), rồi từng ấy người con sinh ra một đàn cháu, rồi đàn cháu lấy vợ, lấy chồng đã sinh ra vài đứa chắt. Đấy là chưa kể một đàn con, một bầy cháu của các bà hai, bà ba, bà bốn, rồi các bà… chưa lộ diện.

Bà có cả một “xóm con cháu”, sống cuộc đời đủ ái, ố, hỉ, nộ rồi, nên bà chả còn mơ ước gì cả. Bà bảo, cái “xóm ông Lai” dưới chân núi Pu Cáp này sẽ là nơi bà nằm xuống, dù có ít vui nhiều buồn. Bởi nơi đây, đàn con cháu, chút chít hàng ngàn đứa sẽ sinh ra và lớn lên…




Còn tiếp…


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn