Chiến tranh biên giới 1979: Người tiêu diệt 50 lính Trung Quốc

Phóng sựThứ Tư, 17/02/2016 06:36:00 +07:00

lính Trung Quốc tràn vào Cao Bằng và đốt hết, giết hết, sạch sẽ từng ngôi nhà, ốp mìn nổ tung từng cột điện, rồi sục sạo khắp nơi, những xác người cháy đen...

(VTC News) - Lính Trung Quốc tràn vào Cao Bằng và đốt hết, giết hết. Những xác người cháy đen, những tiếng khóc la ai oán...


Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới lãnh thổ Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km.

Ở hướng Cao Bằng, hai quân đoàn tăng cường của Trung Quốc hình thành hai cánh quân lớn từ phía tây bắc theo đường Thông Nông đánh xuống và từ phía đông bắc qua Thạch An, Quảng Hòa đánh lên nhằm hợp điểm ở thị xã Cao Bằng.

Ngày ghi nhớ không quên

Trong ký ức của ông Nông Hợp Đoàn (Bản Dong, xã Lê Lại Thạch An, Cao Bằng), tháng 2 của 37 năm về trước, là những ngày tháng không thể nào quên. Dù lúc đó ông chỉ mới 16 tuổi.

Ở bản Dong, đi bộ tầm 8km là đến cửa khẩu Đức Long. Phía bên kia là huyện Long Châu (Quảng Đông, Trung Quốc). Trước năm 1979, dân hai bên cửa khẩu vẫn qua lại buôn bán, trò chuyện vui vẻ, thậm chí còn sang giúp nhau làm vườn, làm cỗ. 

Ông Đoàn bảo, đến năm 1978, tình hình có vẻ căng thẳng khi Trung Quốc thường xuyên gây sự, rải truyền đơn nói xấu Việt Nam. Lúc đó, dân Thạch An nhiều người sợ không dám qua bên kia nữa, nhưng dân Trung Quốc thì vẫn tiếp tục qua buôn bán, và vẫn được đồng bảo biên giới đối xử tử tế.

Ông Đoàn: Không ai nghĩ Trung Quốc sẽ đánh mình
Ông Đoàn: "Không ai nghĩ Trung Quốc sẽ đánh mình" 

Cuộc sống vốn cứ tưởng mãi yên bình, có ai nghĩ rằng, chỉ ít lâu sau đó, lính Tàu lại tràn sang và gây ra những vụ thảm sát đẫm máu.

Tảng sáng 17/2/1979, đang ngon giấc sau một ngày phụ bố mẹ ra đồng mệt nhọc, thì ông Đoàn choàng tỉnh khi nghe thấy những tiếng nổ liên hồi, ùng oàng như sấm, nhìn ra phía biên giới thấy sáng rực một góc trời. Dân bản Dong xôn xao bàn tán, bảo rằng đó là xung đột biên giới, chỉ bắn pháo dọa nhau,

Khi một quả đạn pháo bay đến nổ tung ngay quả núi trước mặt, ông thấy bóng một người quen ở cửa khẩu tất tả chạy về với cánh tay đầy máu, hô lớn: “Tàu tràn quan biên giới, tan nát hết, sắp đến đây rồi”.

Tiếp đó, con đường qua cửa khẩu Đức Long vốn trước chỉ là đường xe ngựa, nay bỗng xuất hiện từng đoàn xe tăng như đàn kiến lấp ló tràn xuống, mọi người mới hoảng sợ, không ai kịp mang theo bất cứ cái gì, chạy trốn vào trong rừng thẳm. 

Sự man rợ của quân xâm lược Trung Quốc

Ông Lý Văn Dư (bản Bung, xã Danh Sỹ, Thạch An, Cao Bằng) khi nhắc đến thời điểm ấy lại thở dài: “Chúng đến nhanh và quá tàn bạo, không ai kịp trở tay”.

9h sáng, xe tăng Trung Quốc đã kéo đến Đông Khê. Dân Thạch An bao năm nay có ai biết đến cái xe tăng, cứ tưởng là xe của Liên Xô. Lúc cái xe tăng đầu tiên mắc kẹt ở cầu cạn đầu thị trấn, cả đoàn dồn ứ lại, dân còn ra vẫy xem. Khi nhìn thấy có chữ Bát Nhất bằng chữ Tàu, cũng là lúc chúng hướng nòng bắn thẳng đám đông, cả ngôi nhà chỗ lò gạch nổ tung, dân chúng mới nháo nhào chạy trốn.

Trước đó, ở trường trung học thị trấn Đông Khê, dân quân thông báo, chỉ lúc nào nghe thấy tiếng kẻng ở bưu điện, thì mới được sơ tán. Nhưng kẻng chưa vang lang, mà pháo giặc đã dội ầm ầm, nhà cửa tan nát, một viên đạn pháo rơi trúng bưu điện, giết chết bác lao công ở đó, không ai biết. Chỉ đến khi xe tăng tràn vào thị trấn, theo sau là hàng đoàn lính Trung Quốc ùa đến thi nhau xả súng, rồi xe tăng hướng nòng bắn thẳng vào trường, học sinh mới tán loạn như ong vỡ tổ.

Ông Lý Văn Dư
Ông Lý Văn Dư 

Ông Dư lúc đó cũng chứng kiến khung cảnh ấy. Ông bảo, điều căm phẫn nhất là chúng bắn cả học sinh. Các em nhỏ chạy tan tác qua cả những nòng súng trong xe tăng. Thế mà trong đám lính Trung Quốc có kẻ chụp được cảnh đấy, về lại rêu rao rằng đó là nhân dân Cao Bằng chào đón quân xâm lược. 

Trong ngày 17/2/1979, cả Đông Khê tan hoang bởi lính Tàu đốt phá hết không còn một cái gì.

Với ông Nguyễn Văn Dịch, năm nay đã 80 tuổi (xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng), thì ký ức ngày 17/2 là cảnh lính Tàu tràn vào Cao Bằng và đốt hết, giết hết, sạch sẽ từng ngôi nhà. Chúng ốp mìn nổ tung từng cột điện, rồi sục sạo khắp nơi. Những xác người cháy đen, những tiếng khóc la ai oán vang lên khắp nơi.

Ông Nguyễn Văn Dịch: Chúng nó ác lắm, dã man lắm
Ông Nguyễn Văn Dịch: "Chúng nó ác lắm, dã man lắm" 
Cao Bằng bị tàn phá trong chiến tranh biên giới 1979
Cao Bằng bị tàn phá trong chiến tranh biên giới 1979 

Cho đến ngày 9/3, trước khi rút quân về nước, chúng còn thảm sát dã man cả nhóm công nhân trại lợn Đức Chính, toàn là phụ nữ, cùng với trẻ em, gồm 43 người.

Bà Ngọc Thị Thuộc ở Trùng Khánh, Cao Bằng, sau hành trình sơ tán thì quay về tìm mẹ già. Nhưng tìm gọi suốt hồi lâu chỉ nghe thấy tiếng chó sủa và tiếng lợn hộc. Thì ra chó và lợn đang giành nhau ăn thịt người mẹ khốn khổ của bà Thuộc. Cụ bị lính Trung Quốc chặt ra làm 4 khúc, đầu văng một nơi, thân rời 2 khúc nằm sau vườn, chân bị quẳng ra ngoài cổng cạnh đường trâu bò đi. Cạnh xác cụ, dân quân tìm thấy một thanh mã tấu còn vết máu đen sẫm…

Khi những người nông dân đứng lên bảo vệ quê hương

Những đống tro tàn, những xác người cháy đen, tiếng khóc mẹ, khóc cha, khóc người thân là ký ức không thể phai mờ trong tâm trí ông Lý Văn Dư. Ông Dư đau xót: “Ngày đó tim tôi đầy hận thù, tôi không nghĩ đến việc sống chết nữa, chỉ muốn giết hết chúng nó”.

Lúc đó, trong tay không có tấc sắt, lại đang trốn trong hang đá, ông Dư chỉ biết đêm đêm mò ra ngoài bản, lúc thì kiếm gạo mang về nấu cháo, lúc thì nhặt nhạnh những viên đạn rơi vãi. Đến hôm kiếm được 29 viên CKC, lại nhận được tin quân Trung Quốc tiến vào bản Bung càn quét, ông sang gặp xã đội trưởng mượn khẩu CKC rồi cứ thế chạy thẳng ra dốc núi, không ai kịp ngăn cản...

Ngọn đồi nơi ông Dư phục kích năm xưa
Ngọn đồi nơi ông Dư phục kích năm xưa 

Ông Dư gặp một trung đoàn lính Tàu. Ông núp vào bụi cây đếm được 225 tên giặc. Chờ tốp cuối cùng đi qua, xuống đến thung lũng, ông Dư mới bóp cò. Ngay phát đầu tiên đã xuyên táo 3 tên. Đám lính hoảng loạn chạy tìm chỗ nấp, rồi bắn tứ tung. Ông Dư núp trên đồi nên rõ từng vị trí, cứ nằm im rồi thỉnh thoảng lại bắn 1 viên, cả đội hình hoảng loạn không biết súng từ đâu bắn tới.

Trời đã tối, những tên sống sót tháo chạy. Nghe dân quân du kích sau đó báo lại, họ đếm được 13 chiếc cáng. 

Video: Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh Tổng động viên chống xâm lược Trung Quốc năm 1979


Cũng trong đêm hôm đó, mọi người thu được rất nhiều súng đạn, rồi dàn trận địa, núp sẵn trên núi. Quả nhiên hôm sau, lính Tàu quay lại trả thù. Không thu được gì lại bỏ mạng thêm vô số, chúng quay đầu tháo chạy. 

Bên xã Lê Lai, khi mới tiến vào, quân Trung Quốc đã đốt phá các bản, cháy mấy ngày đêm, căm hận không sao kể xiết.

Ông Nông Kim Việt ở bản Dong, ngay ngày đầu tiên đã vác súng ra đồi chè phía sau bản phục kích địch. Rồi liên tiếp những hôm sau đó, mỗi ngày một địa điểm, lúc thì ông Việt đi 1 mình, lúc thì cùng với những thanh niên trong bản, lính Tàu không biết thế nào mà lần. Tính ra, suốt 1 tháng cho đến lúc chúng rút về nước, ông Việt đã chiến đấu hơn 10 trận, bắn hạ 50 tên lính Trung Quốc, trở thành một huyền thoại sống miền biên giới Cao Bằng.

Quân Trung Quốc rút, những người còn sống sót trở về. Ông Dư, ông Việt, ông Đoàn, ông Dịch cùng người dân lại bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Cuộc sống nơi phên dậu Tổ quốc đã yên bình 37 năm, nhưng đối với họ, ký ức về tháng 2/1979 sẽ mãi không thể nào quên.

Video: Phim tư liệu quý giá về sự khốc liệt của Chiến tranh biên giới 1979



Lê Hồng
Bình luận
vtcnews.vn