Bí mật về đàn mãnh thú rừng xanh ở Hà Nội

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 27/02/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Nó nhe nanh gầm ghè như muốn xơi tái tôi. Tiếng gầm của loài mãnh thú này khiến một kẻ mạnh vía bạo gan như tôi cũng lạnh toát sống lưng.

(VTC News) - Nó đứng bằng hai chân sau, hai chân trước bám lên lưới thép, nhe nanh gầm ghè dữ tợn, như muốn xơi tái tôi. Tôi áng chừng, chiều cao 1,73m của mình chỉ tới ngực nó. Biết có người vào, cả đàn hổ cùng đồng thanh gầm lên. Tiếng gầm của loài mãnh thú này khiến một kẻ mạnh vía bạo gan như tôi cũng thấy lạnh toát sống lưng.

Mãnh chúa rừng xanh bị nhốt trong những chiếc chuồng tạm. 

Năm nay là năm Canh Dần, nên người ta bàn tán về con hổ rất nhiều. Loài mãnh thú, chúa tể rừng xanh này được mổ xẻ kỹ lưỡng, từ chuyện xây nhà, lấy vợ, sinh con năm hổ ra sao, đến cao hổ cốt có tác dụng như thế nào. Thậm chí, đến cái pín hổ cũng được mổ xẻ tỉ mỉ.

Cũng vì lẽ đó, mà đầu năm nay, du khách chưa vào Vườn thú Hà Nội, trong đầu đã xuất hiện ý nghĩ phải xem hổ đầu tiên. Ngắm hổ, ngoài việc được mãn nhãn chúa tể lâm sơn, xem nó khác trên tivi, trên sách báo thế nào, còn để lấy may cho cả năm.

Tôi ít khi đi xem thú ở trong lồng, trong chuồng. Những con thú nuôi nhốt bao năm để làm cảnh thì còn hồn vía gì nữa. Trong ý nghĩa của tôi, chúng chả khác gì con chó, con mèo, con lợn nuôi trong nhà. Thì những giống loài này cũng vốn là thú hoang, do thuần hóa mà thành.
Khu vực chuồng hổ mới đang được xây dựng. 

Tôi rất ấn tượng với bài viết của anh bạn đồng nghiệp rằng, ở Vườn thú Hà Nội, anh chẳng nhìn thấy con thú nào cả! Đứa con gái của anh khi đi thăm vườn thú đã nhìn con hà mã như một cục thịt nằm bất động, cơ thể bốc mùi hôi thối. Đặc biệt, cô bé đã tưởng con hổ là con mèo hiền lành, có màu da khác lạ, bởi nó mệt mỏi, uể oải, gầy gò xộc xệch, trông chả thích bằng con hổ đồ chơi, khi bật công tắc thì biết lắc đầu, nháy điện.

Tôi cũng mang những ý nghĩ như thế rồi hòa vào dòng người mua vé vào công viên xem thú. Cũng như rất nhiều người, tôi tìm đến khu chuồng hổ, với mong muốn được chiêm ngưỡng chúa sơn lâm, xem năm con hổ này, các vị chúa của rừng già có dáng bộ ra sao.

Tuy nhiên, chẳng thấy con hổ nào cả, cũng chẳng thấy khu chuồng hổ ở đâu nữa. Đàn mãnh thú rừng xanh bỗng dưng mất hút. Mọi thứ tưởng như bốc hơi sạch sẽ.
Không có hổ thì xem dê! 

Du khách đều ngơ ngác. Hóa ra, vào cuối năm 2009, sắp đón năm con hổ, thì chuồng cọp bị phá tan, đàn cọp 8 con bị nhốt vào những cái cũi, trong một góc kín đáo của Vườn thú Hà Nội. Ngoài những người có trách nhiệm, thì chẳng ai được chiêm ngưỡng các chú cọp vào năm Canh Dần này cả. Người ta còn dùng bạt phủ kín dãy chuồng cọp, và cánh cổng ra vào thì lúc nào cũng khóa im ỉm.

Với sự giúp đỡ tận tình của chị Nguyễn Quốc Phương, Phó TGĐ Cty TNHH Nhà nước Một thành viên Vườn thú Hà Nội và chị Hà Thu Phương, Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi và Phát triển Động vật, tôi mới may mắn được chiêm ngưỡng các chúa tể rừng xanh.

Cạnh chuồng nhốt các mãnh chúa rừng xanh là căn phòng rộng chừng 4m2, kê vừa đúng chiếc giường, nơi 7 cán bộ, công nhân ở để chăm sóc đàn thú dữ.
Anh Nguyễn Khắc Thọ cảm ơn ông Trời, vì trận lụt lịch sử mà cọp sắp có nơi ở mới. 

Anh Nguyễn Khắc Thọ, người có thâm niên 20 năm gắn bó với hổ kể rằng, bọn hổ bị nhốt vì lý do xây dựng lại khu chuồng trại. “Đám công nhân nuôi hổ chúng tôi rất biết ơn trận lụt dìm Hà Nội trong biển nước hồi năm kia. Nhờ thế mà hổ mới có chuồng mới” – Anh Thọ nói vui.

Hóa ra, hồi năm kia, Hà Nội ngập lụt, khiến khu chuồng thả hổ và chuồng các loài thú khác đều chìm nghỉm trong nước. Anh vẫn nhớ mãi cái cảnh ấy, thậm chí đã chảy nước mắt khi chứng kiến đàn hổ bơi bì bõm trong nước. Không ngờ loài đồng vật quý hiếm, được thế giới tôn vinh, bảo vệ nghiêm ngặt, lại phải chịu thảm cảnh vô lý như vậy.

Anh bảo, mấy chục năm trời gắn bó với hổ, từng nuôi dưỡng cả chục con từ lúc sinh ra, đến tận lúc chết già, nên đàn hổ chả khác gì con mình. Con chó, con mèo ở nhà thì cho gì ăn nấy, nhưng hổ thì khác, phải chăm bẵm nó kỹ lưỡng và tâm huyết hơn cả con đẻ của mình. Sự tận tình như thế, như một lẽ tự nhiên, khiến trong tâm khảm mỗi người công nhân như anh với đàn hổ, hình như có một sợi dây phụ tử vô hình.

Chứng kiến cảnh chuồng hổ, cái chuồng xây dựng từ năm 1977 của thế kỷ trước cứ mỗi ngày một nứt to, sụt, lún từng ngày, lòng anh vô cùng bất an. Nói dại, nhỡ chuồng sụp xuống, đàn con của anh chết sạch thì còn ơn giời, chứ chúng xông ra thành phố mà ăn thịt người thì đúng là thảm họa.

Anh Thọ cám ơn giời Phật, khi trận lụt xảy ra, lãnh đạo lập tức gấp rút bàn tính việc xây chuồng hổ mới. Vừa đúng thời gian bàn tính thì có cái Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Thế là dự án xây chuồng hổ hiện đại, hoành tráng nhanh chóng được phê duyệt, triển khai.
Những chuồng cọp dù chật chội, song còn rộng hơn chán so với nơi ở của các cán bộ, công nhân. 

Anh Thọ bảo, có mấy nhà báo yêu thiên nhiên đã lên án mạnh mẽ việc nhốt hổ trong chuồng bẩn thỉu, hôi thối, xập xệ, rồi kiến nghị thả chúng về với rừng xanh là đúng, nhưng bảo cán bộ Vườn thú vô trách nhiệm, khiến những con hổ cứ gầy tong gầy teo, mất hết sức sống thì hơi quá đáng.

Nói rồi, anh Thọ dẫn tôi đi xem khu nhà tạm của hổ. 8 mãnh chúa rừng xanh được nhốt trong một dãy chuồng chắc chắn, với những cột thép phi 16 đan dày, bên ngoài phủ một lớp lưới B40.

Để vào khu chuồng hổ, tôi phải dẫm chân một lát vào chậu hóa chất tiệt trùng, cứ như vào khu phẫu thuật quan trọng của bệnh viện.

Mỗi ông hổ có một “ngôi nhà” riêng, với phòng chơi, phòng nghỉ, phòng ăn. Tổng cộng 3 phòng rộng chừng 20m2. Với mãnh chúa rừng xanh, diện tích ấy là quá nhỏ bé so với lãnh địa không biên giới ở ngoài tự nhiên. Nhưng so với căn phòng 4m2 dành cho 7 cán bộ, công nhân phục vụ chúng thì còn hơn chán.

Tôi bước đến cạnh một chuồng hổ, dí máy ảnh vào sát lưới thép B40 chụp chú hổ đang nằm thảnh thơi ở “phòng nghỉ”. Trông nó thật hiền lành, dễ thương như con mèo. Ánh đèn chớp lên, “con mèo” khổng lồ kia bỗng chồm lên lao rầm tới, khiến tôi suýt lăn đùng ngã ngửa.

Nó đứng bằng hai chân sau, hai chân trước bám lên lưới thép, nhe nanh gầm ghè dữ tợn, như muốn xơi tái tôi. Tôi áng chừng, chiều cao 1,73m của mình chỉ tới ngực nó. Biết có người vào, cả đàn hổ cùng đồng thanh gầm lên. Tiếng gầm của loài mãnh thú này khiến một kẻ mạnh vía bạo gan như tôi cũng thấy lạnh toát sống lưng. Hoàn cảnh đứng sát các ông cọp thật khác lạ so với cảnh đứng từ xa nhìn chúng trong chuồng trưng bày, hoặc nhìn chúng trên tivi.
Dù bị nuôi nhốt, song loài hổ vẫn giữ được bản năng hung dữ. 

Anh Thọ bảo: “Đấy, nhà báo xem, bọn cọp này có dữ tợn không? Dù bị nuôi nhốt, song bản năng của chúng vẫn kinh khủng lắm, chứ không hiền lành, yếu ớt, gầy còm, èo uột như mấy nhà báo kia tả đâu. Anh em chúng tôi chăm sóc đàn hổ còn hơn cả chăm vợ, chăm con, thậm chí, nói quá lên tý thì còn hơn cả chăm bố mẹ mình, thì làm sao chúng èo uột được”.

Nói rồi, anh Thọ dẫn tôi đến chuồng cuối cùng, nơi nhốt con hổ có lên là Lep. Con hổ này dài ngoẵng, hiền lành, đứng thẳng lên bằng hai chân sau dễ cao đến 3m. Tuy nhiên, nó gầy nhom, đít thì cứ móp vào. Anh Thọ bảo: “Đây là bậc cụ kỵ trong họ nhà hổ rồi đấy. Già, yếu, sắp về trời rồi!”.

Hổ ở rừng hay hổ ở chuồng, mà đã già thì đều phải yếu, và rồi cũng sẽ phải chết.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Nhân năm Canh Dần, VTC News sẽ có một số bài viết thú vị về hổ. Quý bạn đọc có phát hiện gì liên quan đến chúa sơn lâm, hãy tham gia bàn luận cùng VTC News vào ô thảo luận dưới đây. Trân trọng cảm ơn!

Bình luận
vtcnews.vn