Phơi nắng trên sông mót sái vàng đổi chữ

Thời sựChủ Nhật, 22/08/2010 12:37:00 +07:00

(VTC News) - Dưới cái nắng gay gắt như muốn thiêu cháy tất cả của đất cao nguyên, mấy chục đứa trẻ mỗi người một việc đào đãi cần mẫn như những con ong nhỏ.

(VTC News) - Dưới cái nắng cháy da bỏng thịt của buổi trưa Tây Nguyên, những đứa trẻ dân tộc Chil của buôn nghèo Toa Cát (xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) vẫn cặm cụi xúc đất đãi vàng. Thỉnh thoảng, chúng lại chạy lên bờ lật vội trang sách cũ miệng lẩm bẩm rồi lại chạy xuống phía dưới tiếp tục công việc…

Ước mơ có sách để tới trường

Hơn một tháng nay, trên dòng sông Đạ Quyn đoạn chảy qua buôn Toa Cát không còn thấy những người lớn tuổi đào đãi vàng tấp nập như trước đây, thay vào đó là những đứa trẻ đen nhẻm chừng bảy tám tuổi với bàn đãi, cuốc xẻng… làm việc như những người lớn thực sự.

Hỏi ra mới biết, nơi này vàng đã bị các ông chủ thuê máy móc đào hết, đãi cả ngày mà vẫn không đủ tiền ăn nên người lớn đều chuyển đi các buôn khác để làm thuê.

Bước vào năm học mới, sợ không có tiền mua sách vở đi học, những đứa trẻ con nhà nghèo đã rủ nhau ra sông đào đãi, mót lại sái vàng đem theo một hi vọng mà có thể chúng sẽ chẳng bao giờ thực hiện được, đó là có đủ tiền mua cái cặp, cuốn sách, đôi dép…có đứa còn ước ao sẽ có đủ tiền để may một bộ quần áo mới.


Dưới cái nắng chang chang, nhiều đứa trẻ lên đường đi đãi sái vàng 

Dưới cái nắng gay gắt như muốn thiêu cháy tất cả của miền đất cao nguyên, mấy chục đứa trẻ mỗi người một việc đào đãi cần mẫn như những con ong nhỏ chăm chỉ. Thấy sự có mặt của người lạ, tất cả những ánh mắt đen nhánh, ngây thơ đổ dồn về phía chúng tôi rồi ôm đồ lặng lẽ bỏ đi. Hỏi một người lớn tuổi trong buôn mới biết, bọn trẻ bỏ đi là sợ bị… bắt cóc!... Phải mất rất lâu sau chúng tôi mới có điều kiện tiếp xúc được với những đứa trẻ này.

Nhưng điều làm chúng tôi ngạc nhiên như không thể tin vào mắt mình đó là những hình ảnh rất đặc biệt. Hầu hết những đứa trẻ đi mót sái vàng trên sông Đạ Quyn của buôn nghèo Toa Cát đều đem theo bên mình một cuốn sách giáo khoa của năm học trước để ôn lại bài cũ. Tất cả sách vở đều được đặt trên một cái ghế để ở bờ sông. Chốc chốc, chúng chạy lên bờ lật vội trang sách cũ miệng đọc lẩm bẩm vài câu gì đó rồi lại vội vã trở xuống dòng sông tiếp tục công việc của mình.

Trong “đoàn quân tí hon” đi đãi sái vàng trên sông mà chúng tôi gặp có bé K’ Thu. Trông cách đãi vàng không ai dám nghĩ rằng đứa bé này mới tròn 7 tuổi và đang học lớp 1. Với dáng người gày còm, nhỏ thó, màu da đen nhẻm, quần áo ướt sũng vì suốt ngày ngâm mình dưới nước, gạt đi những giọt mồ hôi còn nhễ nhại trên gương mặt ngây thơ, bé K’ Thu tâm sự ngắt quãng bằng tiếng Kinh: “Bố, anh, chị đi làm thuê cả rồi, mình em với mẹ ở nhà thôi… nhà em đói lắm, không có đủ tiền mua cái gạo đâu!...Em đi mót sái vàng bán để dành tiền mua sách mới đó!”.


Thỉnh thoảng các em lại chạy lên bờ đọc sách rồi lại cần mẫn đãi vàng 

Bên cạnh, bé gái K’Noen (10 tuổi, học lớp 3) đang cố dùng hết sức lực của mình xúc từng xẻng đất đưa vào bàn đãi cho đứa em ngồi ở phía dưới. Trên đôi tay bé nhỏ đã chai sạn vì phải cầm cuốc xẻng đã nhiều tháng nay, bé K’Noen cho biết: “Ngày đãi được nhiều nhất là 7 ngàn…có ngày không được đồng nào phải về không đó!”. 

Hóa ra, cái “nghề” đãi sái vàng của những đứa trẻ nghèo nơi đây cũng chứa đựng không ít sự may rủi. Qua tìm hiểu, những ngày may mắn nhất của những đứa trẻ đãi sái vàng này là một ngày đãi được 2 li bán với giá 6 nghìn đồng. Tôi thầm nghĩ, với 6 nghìn đồng mỗi ngày đến bao giờ chúng mới có đủ tiền để mua một bộ sách giáo khoa mới, lại còn vở, cặp, bút đây?!...Đó là còn chưa kể những ngày chúng phải trở về tay không trong sự mệt nhọc.

Không như những đứa trẻ khác, bé gái K’Ngót (9 tuổi) lại mơ ước mình có đủ tiền để mua một bộ quần áo mới trước khi bước vào năm học. Tôi không ngạc nhiên với ước mơ này vì bộ quần áo ướt sũng mà bé K’Ngót đang mặc đã rách tả tơi, những mảnh vá mới cũ đã xuất hiện chằng chịt. K’Ngót tâm sự: “Em ước có một bộ quần áo mới để đi học, đi đãi sái vàng mỗi ngày được mấy nghìn chỉ đủ mua gói mì tôm thôi!...”.

Người lớn trong buôn cho biết, hầu hết bữa ăn trưa của những đứa trẻ này đều là mì tôm, bắp, khoai, sắn…bữa khá hơn thì có thêm con cá, con cua bắt ở dưới sông, rất ít trẻ được ăn cơm trắng.

Nguy hiểm rình rập

Dắt tay tôi ra phía sau nhà, nơi máy xúc của các chủ vàng đã đào chạm vào sát bếp, chị K’Liễu cho biết: “Cái hố này sâu lắm, phải lút mấy cây tre cơ đấy…sợ lắm. Ban đêm không dám cho bọn trẻ con ra khỏi nhà một mình đâu…”.

Những hố vàng sâu hun hút...

Như để chứng mình điều nguy hiểm đó, chị K’Liễu còn dẫn chúng tôi đi xem một loạt hố vàng sâu hỏm như những cái giếng nằm xen kẽ trong từng mảnh vườn nhà dân. Để hạn chế sự nguy hiểm, họ đành dùng những cây củi đè lên miệng hố.

Xung quanh những hố “tử thần” này, hằng ngày có mấy chục đứa trẻ từ 7 đến 10 tuổi trong buôn vẫn hồn nhiên đào đất mót lại sái vàng, trong khi tất cả chúng đều không biết bơi. Bên cạnh đó, không ít những taluy đất cao cả chục mét có thể đổ ầm xuống bất cứ lúc nào nhưng vì cái bút, cuốn sách, cái cặp… hay xa xỉ hơn là một bộ quần áo mới mà  hằng ngày chúng vẫn phải ngồi ở phía dưới để đào đãi.

Rất nhiều hố vàng kiểu này trong vườn nhà dân 

Cho con đi đãi sái vàng mà cái bụng chị K’Dương ở nhà vẫn không dấu được sự lo lắng, K’Dương ngậm ngùi cho biết: “Ngoài đó (sông - PV), nhiều hầm hố sâu lắm, chẳng may cái chân nó rơi xuống thì không ai cứu nổi đâu”. Nhìn theo hướng tay chị K’Dương, tôi chợt rùng mình khi nghe câu chuyện chị kể, chỉ cách đây ít hôm một mảng đất lớn từ phía trên taluy đổ ập xuống chôn vùi vợ chồng anh Ha Kan khi hai người đang đào đãi sái vàng. Người chồng may mắn được cứu sống còn chị K’Đa đã vĩnh viễn ra đi bỏ lại đứa con đầu lòng vừa trong một tuổi.

Không biết thực hư đến đâu, nhưng người dân trong buôn nói rằng, nước ở những hố đãi vàng này rất độc, có những hố nếu người uống vào có thể dẫn đến tử vong. Cụ thể là có nhiều con bò uống nước này đã bị ngộ độc mà chết.

 Vì cái bút, cuốn sách, cái cặp… hay xa xỉ hơn là một bộ quần áo mới mà hằng ngày các em phải đối mặt với sự cực nhọc và hiểm nguy

Trao đổi với chúng tôi, ông Ya Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Quyn cho biết: “Những đứa trẻ đào đãi vàng trên sông đều là con nhà nghèo nhưng lại ham con chữ, cái bụng nó đói nhưng nhất quyết phải tới trường bằng được. Chỉ vì cái cặp, cuốn sách, cái bút... nó bị thiếu mà năm học mới đã tới nên ngày nắng cũng như ngày mưa chúng phải dầm mình dưới nước mót sái vàng. Chúng tôi cũng vẫn thường xuyên phối hợp với nhà trường và gia đình tuyên truyền không cho lũ nhỏ đến đào đãi sái vàng ở những chỗ nguy hiểm để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”.

Chia tay buôn nghèo Toa Cát trong cái nắng chiều cao nguyên, chúng tôi vẫn còn ám ảnh mãi với những mơ ước giản dị của những đứa trẻ đãi sái vàng nơi đây là có đủ tiền mua sách, bút,cặp, dép… hay lớn hơn là bộ quần áo mới. Tin rằng, những mơ ước đó của các bé sẽ sớm trở thành hiệc thực.

Đ.L


Bình luận
vtcnews.vn