Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giáo dục phải thật sự vì học sinh, bắt đầu từ ngày khai giảng

Giáo dụcThứ Tư, 12/08/2015 12:08:00 +07:00

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất cả nước tổ chức khai giảng trong một ngày và phải đúng nghi lễ, ngắn gọn và thực sự vì học sinh.

(VTC News) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất cả nước tổ chức khai giảng trong một ngày và phải đúng nghi lễ, ngắn gọn, thực sự vì học sinh.

Sáng nay, trong Hội nghị tổng kết năm học của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự và có ý kiến chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị tổng kết của ngành giáo dục sáng 12/8
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị tổng kết của ngành giáo dục sáng 12/8 
Phó Thủ tướng cho biết trong năm vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì nhiều cuộc hội thảo để bàn về hệ thống giáo dục, trong đó các nhà khoa học cũng đã nỗ lực cùng với Bộ để giúp cho nền giáo dục được hội nhập.

Trong năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực xây dựng chương trình và sách giáo khoa rất công phu, theo hướng chuẩn quốc tế, có tham khảo các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trên thế giới có nhiều triết lí giáo dục, nhưng suy cho cùng giáo dục là dạy tri thức, đều dạy con người làm điều tốt, có lòng yêu nước. Điều này phải khơi dậy trong giáo dục và phải thực sự vì học sinh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất cả nước tổ chức ngày lễ khai giảng năm học mới cùng một ngày và theo đúng các nghi lễ, tổ chức đơn giản, ngắn gọn vì học sinh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất cả nước tổ chức ngày lễ khai giảng năm học mới cùng một ngày và theo đúng các nghi lễ, tổ chức đơn giản, ngắn gọn vì học sinh 
Phó Thủ tướng lấy một ví dụ cụ thể, đó là sự kiện khai giảng năm học mới. Đây là ngày hội của học sinh, nhưng nhiều năm dự khai giảng tại các tỉnh, thành, Phó Thủ tướng nhận thấy ngày giờ khai giảng còn phụ thuộc vào lãnh đạo đến, trong khi đó học sinh phải ngồi chờ.

Đại biểu phát biểu phía trên nhưng bên dưới học sinh không để ý. Do đó, để tiết kiệm thời gian, bỏ những thủ tục rườm rà không cần thiết, Phó Thủ tướng đề nghị thống nhất có một ngày khai giảng trong cả nước.

“Khai giảng thực sự làm đúng nghi lễ, có chào cờ, hát quốc ca, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn và hãy làm thực sự vì các cháu. Những thứ rất cụ thể như vậy chúng ta phải làm” Phó Thủ tướng đề nghị.
Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và đề ra phương hướng năm học mới được tổ chức sáng 12/8
Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và đề ra phương hướng năm học mới được tổ chức sáng 12/8 
Trong bản Báo cáo tổng kết năm học vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt chú ý tới 4 điểm còn hạn chế của ngành.

Thứ nhất, chất lượng giáo dục tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục, còn nhiều hạn chế về giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh.

Thứ hai, cơ sở vật chất, thiết bị trường học ở một số nơi vẫn còn thiếu thốn, lạc hậu. Tiến độ thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở một số tỉnh còn chậm, không đáp ứng yêu cầu.

Thứ ba, ở một vài nơi, một số hiện tượng chưa tốt trong giáo dục như dạy thêm học thêm tràn lan, thu chi không đúng quy định, sổ sách của giáo viên quá nhiều, thiếu quan tâm giáo dục ý thức tự quản, lao động vệ sinh, tự phục vụ trong nhà trường vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Thứ tư, thực tiễn chỉ đạo triển khai Thông tư 30 cho thấy, khó khăn, trở ngại lớn nhất trong triển khai đổi mới của giáo dục là thói quen cũ trong cách nghĩ, cách làm (của giáo viên, của cán bộ quản lý giáo dục, của học sinh, của cha mẹ học sinh và của xã hội).

Phó Thủ tướng phân tích từng điểm hạn chế. Ông cho rằng việc thiếu cơ sở vật chất  một mặt cũng do địa phương.

Ở Trung ương cũng đã có Đề án 36.000 tỷ đầu tư các dự án, công trình giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên con số này vẫn còn thiếu.


Vấn đề này Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm sát hơn và trình Bộ Tài chính theo phương án nơi nào khó khăn ưu tiên làm trước.

Về việc thực hiện Thông tư 30, Phó Thủ tướng đánh giá đây là đúng theo xu thế hiện đại, nhưng cũng phù hợp với truyền thống. Đánh giá để cho các cháu phấn đấu, vượt lên chính mình chứ không phải đánh giá để ganh tị.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng vẫn có những phản ứng từ giáo viên, phụ huynh và xã hội. Để làm tốt hơn, rút kinh nghiệm từ một chủ trương mới, mặc dù đúng nhưng quan trọng công tác tuyên truyền phải làm tốt.

Về việc dạy thêm, học thêm, Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi ngành giáo dục đã nhận ra điểm hạn chế này.

“Ai cũng biết xã hội có nhiều vấn đề bức xúc như bạo lực học đường. Hay như những câu chuyện chen lấn, không xếp hàng nơi công cộng, tất cả những thứ đó là trách nhiệm của xã hội, nhưng cũng có một phần trách nhiệm của ngành giáo dục. Nếu thầy cô không gương mẫu thì không tuyên truyền được” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn