Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội: 'Không phải giáo viên tiếng Anh nào cũng nhiệt tình tham gia đổi mới'

Giáo dụcThứ Tư, 21/09/2016 07:25:00 +07:00

PGS. TS Nguyễn Văn Trào – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho rằng việc đầu tư người dạy là đúng nhưng phải trúng, bởi không phải giáo viên nào cũng nhiệt tình tham gia vào đổi mới.

Đề án dạy và học Ngoại ngữ 2020 đang bước vào giai đoạn triển khai mới, với kế hoạch mới, cụ thể và có định hướng hơn. Nhưng điều quan trọng hiệu quả mà Đề án mang lại là làm sao để mỗi cá nhân, mỗi học sinh, giáo viên và xã hội nhận thấy nhu cầu học ngoại ngữ phải là nhu cầu tự thân.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Văn Trào – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội.

nguyen van trao

 PGS. TS Nguyễn Văn Trào – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội (Ảnh: Phạm Thịnh)

- Thưa ông, tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với cuộc sống trong xu thế hội nhập ai cũng nhận ra. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng nhận thức được điều đó. Quan điểm ông về xu thế này như thế nào?

Thực tiễn hiển nhiên chỉ ra rằng việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, phải được đặt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, nhất là khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào tháng 12/2015 và Việt Nam chính thức là thành viên của Hiệp định TPP năm 2016.

Để đáp ứng xu thế hội nhập và có thể ‘giao tiếp với thế giới’, một trong những thách thức lớn nhất chính là khả năng sử dụng tiếng Anh.

Có thể nói, tăng cường năng lực ngoại ngữ nói chung và năng lực tiếng Anh nói riêng cho toàn dân mà Bộ GD-ĐT đang nỗ lực triển khai là phương sách phát triển bền vững cho tương lai quốc gia.

Xu thế hội nhập đòi hỏi việc đào tạo Anh ngữ phải thực sự quan tâm đến những vấn đề như: Học tiếng Anh có lý do: việc học phải có mục đích cụ thể thay vì đơn thuần chỉ là một lựa chọn; Chú trọng vào khả năng sử dụng tiếng Anh (use) thay vì cung cấp kiến thức tiếng Anh (knowledge); Nhấn mạnh vào phát triển năng lực (competencies).

Năng lực ở đây nhất thiết phải là năng lực vượt biên giới quốc gia ‘across border’, đáp ứng chuyển di trong lao động giữa các quốc gia. Vậy nên, việc dạy và đánh giá tiếng Anh phải tiệm cận quốc tế.

Ý thức rõ chủ trương Việt Nam cần phải “sớm chuyển việc học tiếng Anh từ áp lực thành động lực và đẩy nhanh phổ cập tiếng Anh cho các đối tượng tham gia vào quá trình hội nhập, đặc biệt là cho giới trẻ” như tinh thần Bộ trưởng đã quán triệt trong Hội thảo “Định hướng chiến lược dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020”.

day tieng anh

 Dạy ngoại ngữ phải tiệm cận với trình độ quốc tế

- Kinh nghiệm của ông khi nhiều năm tham gia vào Đề án ngoại ngữ 2020 là gì?

 
Quan điểm của chúng tôi là đầu tư người dạy là đúng nhưng phải trúng, bởi không phải giáo viên nào cũng nhiệt tình tham gia vào đổi mới.

PGS Nguyễn Văn Trào

Quan điểm của chúng tôi là đầu tư người dạy là đúng nhưng phải trúng, bởi không phải giáo viên nào cũng nhiệt tình tham gia vào đổi mới.

Có thể chia giáo viên ra làm 3 nhóm: (i) kịch liệt phản ứng với đổi mới, (ii) muốn đổi mới nhưng phải chờ đợi "cầm tay chỉ việc” và (iii) nhóm rất thích đổi mới. 

Vậy nên cần phân loại đối tượng giáo viên thuộc diện đầu tư bồi dưỡng, không nhất thiết chọn 100% giáo viên để bồi dưỡng ngoại ngữ cho đạt chuẩn, mà hãy chọn nhóm luôn có tinh thần đổi mới và giúp đỡ thiết thực nhóm giáo viên muốn đổi mới nhưng chưa tìm ra cách.

Bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên các cấp giai đoạn tới trước hết phải tập trung vào những người tích cực đổi mới, mong muốn đi học ngoại ngữ để nâng cao trình độ.

Thứ nữa, cần tạo ra hứng thú học tập cho người học bằng cách thiết kế chương trình tiên tiến, linh hoạt, phù hợp với điều kiện học tập của các vùng miền và điều kiện của mỗi cá thể, trao cho các em những phương tiện thực sự cần, tăng cường cơ sở vật chất hỗ trợ việc học có hiệu quả hơn. Công nghệ cần đồng hành cùng Đề án .

Video: Ngỡ ngàng trước khả năng nói tiếng Anh như gió của hot girl An Japan

- Phải chăng một trong bốn yếu tố là người dạy; người học; khảo thí; cơ sở vật chất và học liệu được xem là chìa khóa để triển khai Đề án?

Đúng là những yếu tố này rất quan trọng, mỗi yếu tố cần nhận được sự quan tâm xứng đáng.

Đối với người dạy: Phải tiếp tục bồi dưỡng các đối tượng này để họ nâng cao năng lực ngoại ngữ; đặc biệt năng lực sử dụng tiếng Anh trong lớp học (CEP – Classroom English Proficiency), phấn đấu đạt chuẩn như Đề án 2020 đã đề ra.

Bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tiếng Anh: Cập nhật và nâng cao phương pháp giảng dạy cho giáo viên tiếng Anh các bậc học, trang bị cho giáo viên có khả năng thích ứng cao, tiến tới có một tầm nhìn mới về việc dạy và học ngoại ngữ. Xu thế đào tạo ngoại ngữ hiện nay là chú trọng phát triển năng lực.

Bồi dưỡng giảng viên các trường CĐ/ĐH dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh (nên có sự tham gia của chuyên gia quốc tế). Nâng cao kiến thức và kỹ năng giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh; cụ thể, phương pháp sư phạm, năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh để giảng dạy hiệu quả, thực hành soạn giáo án và giảng dạy có đánh giá phản hồi.

Thiết kế và đánh giá tài liệu giảng dạy ngoại ngữ (có sự tham gia của chuyên gia quốc tế). Nâng cao hiểu biết và cập nhật những hướng tiếp cận mới về lĩnh vực biên soạn và đánh giá tài liệu giảng dạy tiếng Anh theo các chuẩn quốc tế và khu vực.

Khai thác thiết bị và ứng dụng CNTT trong dạy học ngoại ngữ thường xuyên, định kỳ, đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả. Biến CNTT thành công cụ cho việc dạy và học theo phương pháp hiện đại bên cạnh việc sử dụng CNTT để lưu trữ và chia sẻ dữ liệu.

Với người học: Cần nghiên cứu triển khai mô hình lớp học đảo ngược. Mô hình này nhấn mạnh việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, tạo môi trường giáo dục có tính tương tác cao.

Người học nhờ đó được khuyến khích và tạo điều kiện chủ động tìm kiếm tri thức, sắp xếp hợp lý quá trình tự học, tự rèn luyện; mở ra triển vọng to lớn trong việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy và học. Cũng theo mô hình này giáo viên sẽ có nhiều cơ hội hơn trong quan sát và tiếp xúc để hướng dẫn, đánh giá từng người học.

Tổ chức cuộc thi Nói giỏi tiếng Anh toàn quốc dành cho học sinh phổ thông và thanh niên Việt Nam. Các cuộc thi sẽ là sân chơi  tiếng Anh cho học sinh và thanh niên Việt Nam, khơi dậy hứng thú trong việc học tiếng Anh, nâng cao việc giao lưu bằng tiếng Anh.

Với công tác khảo thí: Xây dựng trung tâm đánh giá chất lượng giáo dục (trong đó có khảo thí ngoại ngữ) với nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính quốc tế.

Tiếp tục đầu tư, chuẩn bị nhân lực, vật lực cho trung tâm, phù hợp với công năng và quy trình tổ chức thi. Xây dựng trung tâm đánh giá năng lực ngoại ngữ mạnh có đội ngũ chuyên nghiệp, quy trình quản lý bài bản và trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại được sử dụng hiệu quả.

Xây dựng nguồn đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh cho người lớn và học sinh phổ thông học chương trình tiếng Anh theo Đề án NNQG 2020. Xây dựng được ngân hàng câu hỏi đề thi phong phú, có giá trị, được cập nhật thường xuyên.

Về cơ sở vật chất và học liệu: Tôi nghĩ phải xây dựng nguồn học liệu mở, tài liệu dạy học tiếng Anh tham khảo cho giáo viên và sinh viên. Xây dựng các nguồn học liệu phục vụ cho giảng dạy, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu ngoại ngữ; phân loại các tài liệu thành từng nhóm mục đích và nhóm đối tượng người sử dụng.

Đầu tư vào công nghệ và các công cụ học tập trực tuyến. Các khóa học trực tuyến mở (ví dụ, MOOC), hướng dẫn tự học trực tuyến, và kết hợp các khóa học linh hoạt vào ngày nghỉ lễ hỗ trợ những người đang đi làm có động lực cải thiện tiếng Anh. Với tỷ lệ sử dụng Internet cao ở Việt Nam, mô hình này vừa tiết kiệm chi phí đi lại vừa đảm bảo tính hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn