Phó chủ tịch Ủy ban ATGT: Việt Nam nghèo mà sang

Thời sựThứ Sáu, 14/11/2014 07:37:00 +07:00

Liên quan đến tổng chi phí vận tải của VN hơn Mỹ, Nhật,... ông Khuất Việt Hùng, PCT Ủy ban ATGT cho biết Việt Nam tuy nghèo nhưng tiêu hoành tráng.

Liên quan đến tổng chi phí vận tải của VN hơn Mỹ, Nhật,... ông Khuất Việt Hùng, PCT Ủy ban ATGT cho biết Việt Nam tuy nghèo nhưng tiêu hoành tráng.

Tại buổi tọa đàm về giá cước vận tải do Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) tổ chức chiều 13/11, ông Hùng cho rằng, cước vận tải của Việt Nam không cao, khoảng 0,148 USD/tấn/km, so với Hàn Quốc là 0,766 USD/tấn/km.

Nhưng cước phí vận tải hàng hóa trên thu nhập bình quân đầu người thì Việt Nam là 0,12%, trong khi Hàn Quốc chỉ là 0,4%, tức là theo thu nhập bình quân, cước phí vận tải Việt Nam cao gấp 3 lần Hàn Quốc.

Theo ông Hùng, tổng chi phí vận tải của Việt Nam là 11,8% GDP theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, của Mỹ dưới 4,5%, Singapore khoảng 4,8%, Nhật 6%.

Nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ chưa giảm giá cước, hoặc chỉ giảm nhỏ giọt khi có sức ép từ cơ quan quản lý, dù giá xăng dầu giảm mạnh.Ảnh TNO.  

"Con số này cho thấy Việt Nam tuy nghèo nhưng tiêu hoành tráng. Trong khi nếu giảm được chi phí vận tải sẽ đóng góp được rất nhiều cho sản xuất kinh doanh và chi phí xã hội”, ông Hùng nói.

Đáng chú ý, là cuộc họp bàn trọng tâm về giảm giá cước vận tải đường bộ, nhưng lại không có mặt bất kỳ sự hiện diện nào của các doanh nghiệp vận tải đường bộ, mặc dù đã được mời.

Đại diện cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, “tiếc là các doanh nghiệp vận tải được mời không dám đến, hay không muốn đến. Các doanh nghiệp năm nay được mùa kiểm tra, nên anh em có thể sợ không dám đến mà đang chuẩn bị cho đợt kiểm tra giá sắp tới”.

Lý giải cho việc tại sao giá xăng dầu liên tục giảm mà giá cước vận tải đường bộ vẫn “án binh bất động”, ông Nguyễn Văn Thanh- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: DN đang “lừng khừng” điều chỉnh giá cước bởi lo ngại, giá xăng dầu giảm không ổn định, chỉ duy trì thời gian ngắn. Lúc đó, DN giảm giá cước xong sẽ trở tay không kịp.

“Giá xăng dầu giảm thì nhất định là cước vận tải phải giảm. Tuy nhiên, điều chỉnh cước vận tải không thể triển khai ngay lập tức mà cần có độ trễ nhất định bởi doanh nghiệp phải kiểm kê, tính toán lại mọi yếu tố để đưa ra con số điều chỉnh hợp lý”, ông Thanh nói.

Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn hiện có 4/11 đơn vị taxi, 6/6 đơn vị xe buýt đã kê khai giảm giá theo giá nhiên liệu. Đối với các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định, do xe khách tuyến cố định có tính cạnh tranh thị trường khốc liệt hơn nên ngay cả khi giá nhiên liệu tăng, giá cước vận tải cũng không tăng được.

Việc tăng giá nhiên liệu tăng rất nhanh, mức độ tăng giá cao, cho nên có hiệu ứng ngay đối với các doanh nghiệp vận tải. Việc giảm lại giảm nhiều lần, mức giảm thấp, ít, hiệu ứng với các doanh nghiệp thấp, đại diện Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa nhận định.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, tới thời điểm này, 100 đơn vị taxi với khoảng 17.400 đầu xe trên địa bàn là ảnh hưởng từ giá xăng nhiều nhất. Ngoài ra còn có 62 doanh nghiệp vận tải tuyến cố định với 1.229 đầu xe. Tới tháng 10, khi giá xăng giảm, sở đã nhận được kê khai giá cước giảm. Tuy nhiên số này rất ít. Hiện các đơn vị vận tải, đặc biệt là các doanh nghiệp taxi đang có xu hướng kê khai giá cước.

Chủ tịch hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp vận tải đã giảm 5 – 10 % giá cước, những doanh nghiệp đã giảm rồi thì giảm nhẹ.

Theo ĐVO
Bình luận
vtcnews.vn