"Phổ cập" ngoại ngữ - điều kiện tiên quyết là GV

Tổng hợpThứ Tư, 30/11/2011 09:17:00 +07:00

Ngày 29/11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã dự và phát biểu tại "Hội thảo giới thiệu đề án ngoại ngữ quốc gia 2020...

Ngày 29/11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã dự và phát biểu tại "Hội thảo giới thiệu đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 với các Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam".

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: gdtd.vn) 

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã có cuộc trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo:
Vấn đề giáo viên và cơ sở vật chất
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, trong quá trình xây dựng đề án chúng ta có tham khảo nhiều kinh nghiệm: xây dựng chương trình, bồi dưỡng giáo viên, viết sách giáo khoa, tài liệu triển khai.
Thời gian qua chúng ta đã có được nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Nhiều quốc gia họ băn khoăn rằng đề án chỉ được triển khai ở môn tiếng Anh, thực tế các ngoại ngữ khác như tiếng Trung, Nga, Nhật,…vẫn đang được giảng dạy.
Trên thực tế, số học sinh học tiếng Anh hiện chiếm 80%. Tuy vậy, việc triển khai đồng thời dạy, học nhiều môn ngoại ngữ trước hết dựa trên nguyện vọng của người dân, giá trị phổ biến của các ngôn ngữ trên thế giới. Trên cơ sở đó chúng ta có những đáp ứng hợp lý. Vậy thì đề án đặt ra là không quá sức.
Khi đề án được xây dựng quy mô còn lớn hơn. Nhưng tồn tại hiện nay là năng lực của giáo viên còn hạn chế rất nhiều. Mà đội ngũ này chính là yếu tố quyết định nhất đến chất lượng dạy học. Do đó, việc triển khai đề án sẽ theo phương châm coi trọng chất lượng, không vì tiến độ mà hạ thấp chất lượng.
Chủ trương của đề án là nơi nào đủ điều kiện thì mới cho triển khai. Nơi nào chưa có thì tích cực chuẩn bị. Cụ thể là với khối tiểu học, để thực hiện được thì học sinh phải học 2 buổi/ngày, giáo viên phải đạt trình độ ít nhất là B1 (mức độ thứ 3 của thế giới). Ta nói như vậy tức là khi học sinh đạt trình độ 1 thì giáo viên phải hơn ít nhất 2 bậc.
Giáo viên của mình theo đề án khi đã tốt nghiệp hệ Cao đẳng chuyên ngữ phải có trình độ 4. Cho nên vẫn yêu cầu trình độ B1 là tối thiểu nhưng cố gắng sau 1 năm đã dạy rồi thì vừa dạy, học để đạt được trình độ tương ứng với bằng cấp.
Dù đã hạ chuẩn nhưng vấn đề tuyển giáo viên vẫn khó khăn. Đây là một thực tế vì chúng ta chưa có nguồn sẵn về giáo viên. GV có những môn và nguồn khác nhau. Ngoài việc thiếu về ngôn ngữ họ cũng thiếu về phương pháp dạy học.
Khó khăn lớn nhất là chúng ta thiếu giáo viên có chất lượng và việc dạy ngoại ngữ vẫn theo truyền thống là coi trọng ngữ pháp. Mà bây giờ dạy giao tiếp thì 4 kỹ năng nghe- nói- đọc- việc đều cần.
Tất nhiên với học sinh tiểu học thì đầu tiên là kỹ năng nghe-nói dần dần mình sẽ cân bằng các kỹ năng khác. Ngoài ra chúng ta còn thiếu về cơ sở vật chất.

Từ nay đến 2015: tập trung giải quyết khó khăn
Về câu hỏi "Giáo viên hiện còn thiếu nhưng cơ chế cho họ nhất là lương rất hạn chế song lại yêu cầu họ có trình độ cao. Bộ có cơ chế gì giúp khuyến khích giáo viên vào các trường?", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, ta chỉ thiếu ở tiểu học, các cấp trên có thiếu nhưng là năng lực, phương pháp. Còn khó khăn về lương là khó khăn chung.
Biên chế do các địa phương giải quyết. Khi học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày mức biên chế đã rộng hơn, ví dụ nơi nào học một buổi mức quy định là 1,2 giáo viên/lớp, 2 buổi là 1,5 giáo viên/buổi. Các địa phương trong quá trình triển khai đề án sẽ tuyển dụng dần.
Bây giờ đã có chuẩn về năng lực rồi, người được tuyển phải đạt được chuẩn đó. Còn đã trót vào mà chưa đạt chuẩn thì phải cố gắng để đạt chuẩn. Có giáo viên đến đâu mình sẽ tuyển tới đó.
Một giờ học tiếng Anh (ảnh mang tính minh họa/Internet) 

Điều kiện học tiếng Anh chưa bao giờ dễ như hiện nay. Ngoài học trực tiếp, phần mềm, trên mạng. Bộ xây dựng 8 trung tâm dạy ngoại ngữ cho 8 vùng là những trường Đại học. Và cùng với đó là các trường Cao đẳng cũng tham gia. Quan trọng là giáo viên phải tự học. Những lớp bồi dưỡng  chỉ giúp tập trung các giáo viên trong 1-2 tuần để dạy học biết cách tự học. Bộ đang xây dựng trang web chung, miễn phí để giáo viên có thể vào đó tự học.
Thứ trưởng nhấn mạnh, quan trọng giáo viên phải tự học, tự trau dồi kiến thức. Mình đang yếu về năng lực là mình còn nợ với học sinh, nợ ngành Giáo dục.
Với các mục tiêu đã đặt ra với Đề án và trước nhiều khó khăn, chúng ta sẽ cố gắng giải quyết các khó khăn vào giai đoạn đầu từ nay đến 2015. Sau đó, khi các điều kiện đã được chuẩn bị tốt thì việc tăng tốc về chất lượng, phạm vi cơ bản để đạt được các mục tiêu của đề án.

Theo GD&TĐ
Bình luận
vtcnews.vn