Phim Thái sư Trần Thủ Độ lên sóng sau 3 năm 'vứt kho'

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 22/10/2013 07:45:00 +07:00

(VTC News) - Sau 3 năm trời 'đắp chiếu im thin thít và lặn mất tăm’, cuối cùng bộ phim mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long Thái sư Trần Thủ Độ cũng được lên sóng.

(VTC News) - Sau hơn 3 năm trời nằm ‘đắp chiếu im thin thít và lặn mất tăm’, cuối cùng bộ phim mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long Thái sư Trần Thủ Độ cũng được lên sóng.

Được nhà nước đầu tư với số tiền kỷ lục: 57 tỷ, bộ phim lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ nằm trong số những tác phẩm điện ảnh được trông chờ nhất dịp kỷ niệm Đại lễ Thăng Long 1000 năm.

Thế nhưng mãi hơn 3 năm sau Đại lễ, với hành trình gian nan vất vả, bộ phim mới được thông báo sẽ lên sóng vào 20h35 phút các ngày thứ hai đến thứ tư hằng tuần trên kênh VTV1, bắt đầu từ 22/10/2013.

thái sư trần thủ độ
Sau hơn 3 năm đắp chiếu, 'Thái sư Trần Thủ Độ' được lên sóng. 
Từng lấy tên Trần Thủ Ðộ và người tình, (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn: Ðào Duy Phúc), xuyên suốt 33 tập phim là câu chuyện xảy ra từ biến động náo loạn Thăng Long năm 1210 đến thời kỳ gia đình Trần Lý (gồm hai con Trần Thừa, Trần Tự Khánh và cháu ruột là Trần Thủ Ðộ) cùng Tô Trung Từ phò thái tử Sảm chiếm lại Thăng Long, giúp thái tử Sảm lên ngôi vua lấy hiệu Lý Huệ Tông (1211-1225).

Thời gian diễn biến câu chuyện này, theo ghi nhận trong chính sử, có các nhân vật chính như: Trần Thủ Ðộ, Trần Thị Dung, Trần Thừa, Trần Tự Khánh, thái tử Sảm, Ðoàn Thượng...

Phim được thực hiện tại trường quay Hoành Điếm (Trung Quốc), Cổ Loa (Hà Nội) và nhiều tỉnh thành tại Việt Nam. Cũng là bộ phim được khán giả kỳ vọng sẽ dựng lại một cách hoành tráng nhất một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của dân tộc.

Thế nhưng  bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ lại long đong lận đận hơn 3 năm, từng bị loại khỏi giải Cánh diều năm 2011 vì vi phạm quy chế dự thi, nhưng ngay sau đó lại bội thu với hàng loạt giải thưởng lớn tại Cánh diều 2012: Cánh diều vàng, Đạo diễn xuất sắc nhất, Biên kịch xuất sắc nhất…
thái sư trần thủ độ
'Thái sư Trần Thủ Độ' từng là một bí ẩn vì không ai biết đã đi đâu về đâu. 
Số phận phim Thái sư Trần Thủ Độ từng là một ‘bí ẩn’ với khán giả xem truyền hình, bởi dù được quảng cáo rầm rộ, quy mô, làm nhân dịp Đại lễ, nhưng suốt năm 2010, 2011 cho đến 2012, phía đơn vị sản xuất, Hãng phim truyện I, chỉ dám khẳng định là đã làm xong và giao cho đơn vị đặt hàng là UBND Thành phố Hà Nội (mà trực tiếp là Ban chỉ đạo kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, nay đã giải tán). Còn: chiếu ở đâu, bao giờ chiếu... việc này do UBND TP Hà Nội quyết định.

Mang câu hỏi này đến Phó GĐ Sở VH,TT&DL Hà Nội, NSƯT Trần Quốc Chiêm thì được ông cho biết: 'Trong đợt kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long chúng ta không thể cho phim lên sóng được. Bởi về lịch sử Trần Thủ Độ là người tiêu diệt nhà Lý. Đó là chuyện nhạy cảm lịch sử.

Hơn nữa chúng tôi cũng muốn nhường sóng lại cho phim về Lý Công Uẩn chiếu trước, bởi cũng muốn tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất phim lịch sử mừng Đại lễ theo hình thức xã hội hóa.'


Trước Thái sư Trần Thủ Độ, hai bộ phim có kinh phí khổng lồ mừng Đại lễ là Huyền sử thiên đô và Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long cũng có số phận khá bi đát.

Bộ phim Huyền sử thiên đô với dự kiến sẽ sản xuất hơn 70 tập, nhưng sau khi làm xong 42 tập (kinh phí hơn 60 tỷ đồng), bộ phim chỉ chiếu được 20 tập đã phải ngừng phát sóng để Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long lên sóng.
huyền sử thiên đô
Bộ phim 'Huyền sử thiên đô' may mắn được lên sóng đầu tiên. 
Trước sự lên án gay gắt của báo chí, Huyền sử thiên đô tiếp tục được chiếu cho đến tập 42 và chia tay khán giả vào ngày 9/9/2011. Phía đơn vị sản xuất cũng dừng việc làm tiếp hơn 30 tập còn lại.

Còn Lý Công Uẩn - Đường tới Thành Thăng Long lại đau đầu và nan giải nhiều hơn gấp bội chuyện mà Huyền sử thiên đô gặp phải.
đường tới thành thăng long
 'Đường tới thành Thăng Long' được khuyến cáo không nên chiếu dịp Đại lễ.
Dù đầu tư tới 109 tỷ, đoàn làm phim lặn lội sang tận Trung Quốc thực hiện các cảnh quay, nhưng ngay từ khi tung trailer phim lên mạng bộ phim đã vấp phải sự phản đối gay gắt của dư luận, bởi đạo diễn đã ‘Trung Quốc hóa’ từ đầu tới cuối.

Sau khi đã chỉnh sửa lại những cảnh bị cho là không phù hợp theo hội đồng duyệt phim (đây cũng là bộ phim truyền hình đầu tiên phải thành lập hội đồng duyệt cấp Bộ), bộ phim cũng vẫn nhận được khuyến cáo ‘không nên chiếu vào dịp Đại lễ’.

An My

Bình luận
vtcnews.vn