Phim sitcom ‘Căn hộ số 69’ truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy?

Thời sựThứ Tư, 25/06/2014 12:00:00 +07:00

(VTC News) – Liên quan đến bộ phim "Căn hộ số 69" với những cảnh sex tục tĩu, luật sư cho rằng pháp luật Việt Nam không có khái niệm phim 18+.

(VTC News) – Liên quan đến bộ phim "Căn hộ số 69" với những cảnh sex tục tĩu, luật sư cho rằng pháp luật Việt Nam không có khái niệm phim 18+.

Thời gian qua, một số nhóm làm phim tự phát cứ nghĩ đơn giản rằng, họ có đam mê, làm phim rồi tung lên internet, gắn cho nó cái mác là “cái nhìn khác về tình dục”, nhưng thực chất là những hình ảnh rất suy đồi.

Đặc biệt, thời gian gần đây, dư luận ồn ào quanh việc phim sitcom (phim ngắn, hài – tình huống) “Căn hộ số 69” có quá nhiều cảnh quay dung tục, sex, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc được phát hành tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Điều đáng nói là đây không phải những hình ảnh hiếm hoi cổ súy lối sống suy đồi, lệch lạc về văn hóa được phát tán, mà trước đó, những clip của Ngọc Trinh, clip tự phát của nhóm làm phim trẻ cũng xuất hiện đầy rẫy trên internet…

Vấn đề đặt ra là những thước phim này có bị quy vào hành vi phát tán văn hóa phẩm đồi trụy hay không? Cách xử lý thế nào để dừng việc phát tán những thước phim này, cũng như để khán giả quay lưng với dòng phim dung tục mang sex ra làm yếu tố câu khách?

Theo Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, pháp luật Việt Nam không có khái niệm phim 18+, cũng không có chế định pháp luật liên quan đến việc sản xuất phim điện ảnh, phim video, chương trình truyền hình có những nội dung như báo chí phản ánh trong thời gian qua.

 

Để xác định tội danh truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy quy định tại Điều 253 Bộ Luật hình sự thì các cơ quan tiến hành tố tụng thường trưng cầu các cơ quan liên quan thành lập các hội đồng chuyên môn để thẩm định, đánh giá. Khi có kết luận của các cơ quan này thì mới tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.

Luật sư Lê Văn Thiệp
 
Việc sản xuất những sản phẩm điện ảnh hoặc tương tự có chứa đựng những hình ảnh dung tục, khiêu dâm, kích động bạo lực, khơi gợi những cảm xúc nhục dục tầm thường luôn là hành vi bị lên án và bị ngăn cấm.

“Tôi khẳng định là không có các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, lưu hành phim điện ảnh, phim video, chương trình truyền hình có nội dung khiêu dâm, phản cảm, dung tục trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam” – Luật sư Thiệp nói.

Từ phân tích trên, Luật sư Thiệp khẳng định việc sản xuất, lưu hành các văn hóa phẩm đồi truy là vi phạm pháp luật, còn vi phạm quan hệ pháp luật nào thì có chế tài tương ứng, nếu thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hậu quả mà hành vi vi phạm pháp luật gây ra.

“Hiện nay, để xác định tội danh truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy quy định tại Điều 253 Bộ Luật hình sự thì các cơ quan tiến hành tố tụng thường trưng cầu các cơ quan liên quan thành lập các hội đồng chuyên môn để thẩm định, đánh giá. Khi có kết luận của các cơ quan này thì mới tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.


Do thủ tục phức tạp như vậy nên thực tế có nhiều kẽ hở, dễ bị lợi dụng hoặc có hành vi tiêu cực trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến tội danh này” – Luật sư Thiệp phân tích.

Cũng theo Luật sư, đối với hành vi tự sản xuất, phát hành, thậm chí phát tán trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội những sản phẩm văn hóa như báo chí nêu là trái pháp luật, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, người chưa thành niên… đây là những đối tượng chưa phát triển đầy đủ về tâm, sinh lý, dễ bị tổn thương, dễ bị kích động nên hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra trong tương lai.

Việc lưu hành, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy đã tiêm nhiễm những nọc độc xã hội cho thế hệ trẻ, là trụ cột, là chủ nhân  tương lai của đất nước, hành vi vô cùng nguy hiểm cần bị nghiêm trị.

Hiện nay, hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực sản xuất, phát hành phim điện ảnh rất đầy đủ về số lượng, về phân cấp và cơ chế phối hợp liên ngành. Tuy nhiên hiệu lực quản lý, hiệu quả quản lý còn nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

“Các cơ quan thanh tra chuyên ngành văn hóa, thông tin truyền thông, cơ quan Công an hoàn toàn có đủ thẩm quyền để xử lý những trường hợp này trên cơ sở các quy định của Pháp luật hiện hành, vấn đề mấu chốt ở đây là các cơ quan này có làm đúng, làm đủ trách nhiệm của mình hay không mà thôi, không loại trừ có tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền” – ông Thiệp nói.

Theo Luật sư Thiệp, với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, các chế tài liên quan đến việc xử lý vi phạm liên quan đến vấn đề này chưa tương xứng với hành vi mà những người liên quan gây ra, mức phạt tiền thấp, không đáng kể, còn mức hình phạt trong các tội danh liên quan cũng rất nhẹ và việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng liên quan đến tội danh “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” rất ít, không đảm bảo tính răn đe riêng, phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này.

Trả lời PV VTC News về vụ việc, một lãnh đạo phòng An ninh văn hóa, Công an Hà Nội cho biết: "Để khẳng định một hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy hay không cần phải dựa trên kết luận của một cuộc điều tra, trước mắt chúng tôi phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa để xử lý”.

Bạch Dương

Bình luận
vtcnews.vn