Phiên tòa Lê Văn Luyện sẽ ám ảnh cả đời cháu Bích

Pháp luậtThứ Tư, 14/03/2012 05:06:00 +07:00

Lại một lần nữa cháu bé phải chứng kiến hình ảnh của tên giết người dễ khiến cháu bé bị ám ảnh cả cuộc đời, khiến cháu không thể quên được hình ảnh đó.

Có nên để cháu Bích tham gia phiên phúc thẩm ngày 30/3 đang gây ra một cuộc tranh cãi trong dư luận vì những lo lắng biến cố khủng khiếp này sẽ ám ảnh cả cuộc đời đứa trẻ ...

“Lời khai của cháu Bích tại phiên phúc thẩm sẽ là tình tiết mới” – theo luật sư của gia đình bị hại, cháu Bích rất có thể sẽ tham gia phiên tòa phúc thẩm hôm 30/3 tới đây. Tuy nhiên, việc để cháu Bích tham dự phiên tòa liệu có hợp lý và có thể tác động như thế nào đến cháu bé vừa qua biến cố khủng khiếp như vậy? Các chuyên gia tâm lý đã có những trao đổi, phân tích về điều này.

Phiên tòa sẽ ám ảnh cả cuộc đời cháu bé

Theo Th.s Tâm lý Trần Bích Nga (giảng viên khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Báo chí & Tuyên truyền), phiên tòa có thể sẽ ám ảnh cả cuộc đời cháu bé.

“Với một cháu bé phải trải qua cú sốc như thế này chưa đủ ổn định về mặt tâm lý để đưa ra xét xử và việc để cháu tham dự phiên tòa như vậy cũng không nên” – bà Nga nhận định

Lại một lần nữa cháu bé phải chứng kiến hình ảnh của tên giết người dễ khiến cháu bé bị ám ảnh cả cuộc đời, khiến cháu không thể quên được hình ảnh tên tội phạm đó.  

Cũng theo bà Nga, việc để trẻ phải dự tòa, như những trường hợp như đưa đứa trẻ ra phiên tòa ly hôn của bố mẹ để nhận về bên nào vốn đã là không tốt cho trẻ. Ở đây lại là phiên tòa xử án giết người, mà đặc biệt tội phạm lại là kẻ giết cả gia đình đứa bé thì không tốt về mặt tâm lý cho đứa trẻ. Việc này sẽ khơi lại cho cháu bé ký ức kinh hoàng về sự việc.

Thứ hai, lại một lần nữa cháu bé phải chứng kiến hình ảnh của tên giết người , dễ khiến cháu bé bị ám ảnh cả cuộc đời, khiến cháu không thể quên được hình ảnh tên tội phạm đó. Trong kí ức đứa trẻ 8 – 9 tuổi, phải chứng kiến những sự việc như thế sẽ không tốt cho sự phát triển về mặt tâm lý, tinh thần của đứa trẻ về sau.

Cho rằng, việc để cháu Bích tham gia hay không tham gia phiên tòa là quyết định của tòa án và gia đình nạn nhân, tuy nhiên bà Nga phân tích: “Nhưng đôi khi họ mới chỉ tính được việc trước mắt, đưa nhân chứng ra để lấy lời khai… mà chưa tính đến những hậu quả lâu dài, những hậu quả tâm lý chỉ đứa trẻ gánh chịu.

Theo tôi, với trẻ nhỏ về mặt nhận thức chưa được đẩy đủ, lại mới phải gánh chịu cú sốc lớn như trường hợp của cháu Bích thì tốt nhất là không nên tham gia phiên tòa sắp tới vì nó chỉ khiến đứa trẻ thêm đau lòng thôi. Thậm chí còn gây sốc trong tâm lý của trẻ, khơi dậy cú sốc đó.

Ngay cả với một số phiên tòa xử tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên… người ta cũng hạn chế không đưa trẻ là nạn nhân tham gia các phiên tòa vì lo ngại ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.

Thường có rất nhiều đứa trẻ phải tham gia trị liệu tâm lý sau những vụ việc như thế này”

“Nếu để trẻ tham gia phiên tòa thì chỉ hi vọng trong phiên tòa có vị thẩm phán, hoặc luật sư… có cách nói chuyện khéo léo giúp đứa trẻ vượt qua tốt hơn. Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào may mắn nhiều hơn.  
Nên có chuyên gia tâm lý hỗ trợ

Cũng theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh - Phòng khám Tâm lý trẻ em & gia đình, đứng về góc độ tâm lý, không nên đưa trẻ em, nhất là nạn nhân ra trước tòa làm nhân chứng.

Ông Khanh phân tích: “Lý do thứ nhất, tinh thần các em chưa ổn định nên lời khai của các em có thể không rõ ràng và thay đổi theo chủ quan của các em. Các em nghĩ như thế nào thì sẽ nói như vậy… và những lời khai này chỉ nên coi là ý kiến tham khảo chứ không nên coi là chứng cớ.

Thứ hai nữa là nếu tham gia xét xử, thì không khí tòa, cách đặt câu hỏi mang tính truy vấn của tòa, bắt buộc khiến đứa trẻ nhớ lại ký ức mà trẻ đã trải qua…. nếu không khéo sẽ làm đứa trẻ sống lại cái cảm giác, giai đoạn mà nó từng trải qua, khiến đứa trẻ nhớ sâu hơn những chuyện đó và bị ám ảnh về tội ác mà nó phải chứng kiến.

Về lâu dài, đứa trẻ có thể trở nên nhút nhát hơn, thu mình hơn, cẩn trọng hơn trong cư xử với mọi người, không còn sự hồn nhiên được nữa”.

Theo ông ở nước ngoài, nhiều nơi có hệ thống tòa án trẻ em riêng, chuyên xét xử những vụ án liên quan đến trẻ em. Ở đó, từ cách xét xử, cách truy vấn… đều do những chuyên gia tâm lý tội phạm thực hiện một cách khéo léo. Điều này giúp đứa trẻ nói ra một cách thoải mái, không lo lắng. Nhưng ở Việt Nam hiện nay chưa có được điều này.

“Nếu để trẻ tham gia phiên tòa thì chỉ hi vọng trong phiên tòa có vị thẩm phán, hoặc luật sư… có cách nói chuyện khéo léo giúp đứa trẻ vượt qua tốt hơn. Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào may mắn nhiều hơn.

Tốt nhất là không nên để trẻ tham dự vào những phiên tòa như vậy, hoặc nếu để cháu tham dự thì chỉ nên coi lời nói của cháu mang tính chất tham khảo.

Hơn cả nên có sự tham gia của chuyên gia tâm lý để họ khai thác các em ở góc độ nào đó để các em không bị ảnh hưởng nhiều!” – ông Khanh kết luận


Quỳnh Anh (ghi)
Bình luận
vtcnews.vn