Phiên chợ Dao đỏ giữa lòng Hà Nội

Tổng hợpThứ Ba, 03/09/2013 09:35:00 +07:00

Sự xuất hiện đầy màu sắc của họ đã thổi vào nơi này một làn gió mới, những âm thanh mới vui vẻ, hồn nhiên, sinh động...

Có một phiên chợ của người Dao đỏ được họp ngay tại Hà Nội, giữa lòng khách sạn Metropole sang trọng. Sự xuất hiện đầy màu sắc của họ đã thổi vào nơi này một làn gió mới, những âm thanh mới vui vẻ, hồn nhiên, sinh động mà bất cứ ai cũng phải dừng lại lắng nghe và ngắm nhìn.

Một thoáng Sapa vừa lướt qua đây
Vào cuối một buổi chiều oi ả, giữa lòng khách sạn Metropole - vốn là khách sạn sang trọng bậc nhất Hà Nội đang khá tĩnh lặng bỗng nhiên rộn ràng. Đứng từ xa có thể nghe thấy dọc trên con đường nhỏ lát đá giữa một bên là quầy bán đồ lưu niệm, một bên là vườn cây xanh mát, đâu đó những tiếng chuông reo rất khẽ, rồi lớn dần và rộn ràng. Thì ra, tiếng chuông đó phát ra từ những chiếc chuông nhỏ trên thắt lưng của những cô gái Dao đỏ, mỗi bước chân của họ lại khiến nó rung lên vui vẻ như nhảy múa.

 

Mặc những trang phục thổ cẩm thêu sặc sỡ, đầu cũng đội khăn thêu, những cô gái Dao đỏ bước vào trong lòng Metropole như những bông hoa đủ màu sắc, càng nổi bật hơn trên nền trắng vốn là màu chủ đạo của khách sạn sang trọng này. Họ lần lượt kéo những chiếc vali to vào trong và nhanh chóng bày lên bàn những chiếc túi, ví, thắt lưng, khăn quàng, khăn trải bàn, chăn đắp, mũ trẻ em gắn chuông, vòng bạc, đồng… Trong chốc lát, khung cảnh vốn yên tĩnh và thanh nhã bỗng bị một sự “xâm nhập” dễ chịu ùa vào khiến du khách từ bể bơi, hay từ ngoài phố cũng bị lôi kéo bởi sự tò mò, pha lẫn thích thú.
Lý Mẩy Pham, cô gái Dao mồ hôi lấm tấm trên trán, dường như một hành trình dài, nóng nực và mệt mỏi vẫn không thổi bay được nét háo hức trẻ con lộ ra từ trong ánh mắt đang ngơ ngác nhìn ngắm chung quanh. Một người phụ nữ Hàn Quốc bước lại quầy hàng của cô, cầm chiếc khăn lên vuốt ve và hỏi về chất liệu và hoa văn của chiếc khăn này, ngay lập tức Pham vui vẻ giải thích bằng tiếng Anh rất trôi chảy, khuôn mặt vẫn không thôi rạng rỡ. Vị khách có vẻ hài lòng và mua một chiếc túi giá khoảng 250.000VNĐ. Hỏi Pham vừa giới thiệu với khách gì thế? Cô gái vừa cầm một chiếc túi khác lên vừa giải thích “em vừa giới thiệu cho cô ấy ý nghĩa của những hoa văn này, đây là thêu sấm, đây là thêu cây thông, đây là thêu dấu chân mèo”… Pham vừa chỉ tay vừa nói. Lý Mẩy Pham bảo, những hoa văn này đã có từ rất lâu rồi, xưa các cụ thêu thế nào, dạy lại các cô gái thế ấy, đến bây giờ vẫn thế, không thay đổi.

 

Còn đây là gì? - Tôi cầm một chiếc khăn có kích thước không giống bất cứ những chiếc còn lại, nó có hình chữ nhật, thêu rất cầu kì và rực rỡ hỏi Lý Mẩy Pham. “Đây là khăn cô dâu, ai lấy chồng cũng phải đội khăn này lên đầu. Cái này đắt đấy, 2 triệu một cái cơ, vì cái này em thêu 4 tháng mới xong”. Pham kể, cô và tất cả các chị em ở đây sống ở bản Tả Phìn, Lào Cai. Năm nay cô 26 tuổi, có chồng và 2 con nhỏ. Từ năm 8 tuổi, Pham được mẹ dạy thêu. Bé thì ở nhà vừa trông em, trông nhà vừa thêu. Lớn lên đi làm nương làm rẫy thì thêu những lúc ngồi nghỉ dưới bóng mát. 
Khi cưới chồng, cũng như tất cả các cô gái Dao đỏ khác, cả một năm Lý Mẩy Pham không phải đi làm rẫy nữa. Từ đầu năm, nhà trai sang “dạm ngõ”, mang theo vải, tơ làm lễ. Cô dâu nhận vải và tơ của nhà trai để trong suốt một năm ấy phải tự thêu quần áo cưới cho mình, cứ hết, nhà trai lại mang đến. Cô nào thêu giỏi thì cuối năm phải thêu được 7, 8 bộ. Theo phong tục của người Dao, thêu được bao nhiêu bộ thì trong ngày cưới cô dâu phải mặc từng ấy bộ lên người. Bộ nào nhỏ mặc vào trong, bộ nào rộng mặc ra ngoài. Gia đình chồng và quan khách đến dự đám cưới, nhìn vào số bộ quần áo cô dâu mặc trên người mà đánh giá cô có phải là người đảm đang, tháo vát, khéo léo hay không. 
Tôi hỏi, “Pham thêu được mấy bộ trong ngày cưới của mình?”. Cô gái rụt cổ lại, má đỏ bừng, cười bẽ lẽn bảo “em chỉ thêu được 2 bộ thôi nhưng ở làng em có bạn thêu được 9 bộ”.
Bây giờ đã có 2 con gái, Pham bảo không thêu quần áo cho trẻ con vì chúng lớn quá nhanh. Đợi chúng được 6 tuổi, đến lượt cô phải dạy con gái mình thêu. 

 

“Con gái Dao không biết thêu không lấy được chồng”, ở bàn bên cạnh, cô gái Lý Mẩy Lai nói với sang. Nhìn đôi lông mày mảnh và tóc mai hai bên thái dương được nhổ sạch mà biết là Lý Mẩy Lai đã có chồng. Phụ nữ có chồng nào cũng phải làm theo đúng phong tục đó. Cũng như 
Lý Mẩy Pham, Lý Mẩy Lai nói tiếng Kinh rất sõi. Cô nói, tất cả vải ở đây đều được nhuộm bằng cây chàm trước khi thêu. Chỉ để thêu đều là tơ tằm. Từ sáng sớm, các cô đã đi chợ, mua kén tằm về mang nấu rồi mới kéo tơ ra và nhuộm phẩm màu. Có vậy thì sợi chỉ thêu mới óng ả chứ thêu bằng chỉ màu thường hoặc bằng sợi len thì không phải thổ cẩm “xịn”. Những hoa văn này là của người Dao đỏ: Những bông hoa nhỏ mọc trên đường đi, đây là hình những đứa trẻ, đây là hình bố mẹ chúng, đây là cái cột giữ nhà, đây là dấu chân mèo, ngày xưa người dân tộc thường phải lần theo dấu chân động vật để tìm đường… Tất cả được Lai giải thích rất thú vị.
Lai kể 6 tuổi cô đã học thêu, 10 tuổi tự biết thêu. Ngày cưới của mình cô thêu được 5 bộ. Bây giờ sau những lúc làm nương rẫy, hàng ngày cô vẫn thêu và bán tại bản cho khách du lịch. Những cái nhỏ thêu mất một tuần, quần áo thì phải 6 tháng đến 1 năm mới xong một bộ vì chỉ thêu được lúc nhàn rỗi thôi.

Lời mời gọi từ Sapa
Năm ngoái cũng là lần đầu tiên các cô gái Dao đỏ được về Hà Nội bán hàng, Lý Mẩy Lai đưa cả cậu con trai khi ấy mới 7 tháng tuổi đi cùng mẹ. Cậu nhóc ấy năm nay đã gần 2 tuổi rồi nhưng ở nhà với bố. Lai vừa kể vừa liếc mắt sang một chị bạn mang theo đứa con trai nhỏ 1 tuổi miệng không ngừng hò hét, nghịch ngợm. 

 

Để chuẩn bị cho khoảng 4 buổi tối bán hàng ở Hà Nội, Lai cho biết, các cô mất một tháng “gom” hàng từ các chị em trong bản. Metropole là địa chỉ bán hàng duy nhất của họ. Mục đích bán cho khách du lịch ở đây chỉ là một phần nhỏ, mục tiêu lớn hơn là giới thiệu cho khách du lịch biết về văn hóa của người Dao đỏ, trong đó có sản phẩm thổ cẩm ở bản Tả Phìn, Sapa. 
Sáng sớm, từ 5h kém, khi trời còn nhá nhem, các chị em đã dậy sớm lục đục chuẩn bị rồi ra ga để kịp có mặt ở Hà Nội lúc 6 giờ chiều. Vậy là vừa xuống ga, các chị đã lập tức kéo những chiếc vali nặng về Metropole để bày bán. Trong số các cô gái Dao đỏ ở đây, có những cô không nói được tiếng Kinh nhưng nói tiếng Anh như gió và giao tiếp rất tự tin, cởi mở. Khi được hỏi, các cô nói đã được học tiếng Anh 2 năm và được tiếp cận với khách du lịch rất nhiều nên họ có thể giao tiếp trôi chảy như vậy.
Thì ra, người dạy tiếng Anh cho các cô là những giảng viên trường đại học Capilano của Canada. Việc dạy - học tiếng Anh nằm trong dự án về phát triển du lịch cộng đồng phối hợp giữa Capilano và Viện Đại học Mở Hà Nội. 
Chị Stephanie Wells hiện đang làm việc tại trường Đại học Capilano, đại diện của CBT (Du lịch cộng đồng) tại Việt Nam chia sẻ, chị biết đến Việt Nam qua một người bạn là tiến sĩ Geoffrey Bird. Năm 1999, tiến sĩ Geoffrey Bird đã đến Việt Nam để đánh giá nhu cầu đào tạo du lịch dựa vào cộng đồng. Sau 3 năm kêu gọi, ông trở lại lập kế hoạch kết hợp với Viện Đại học Mở Hà Nội xây dựng một dự án về phát triển du lịch cộng đồng.

 

Dự án đã được Hiệp hội các trường Cao đẳng Cộng đồng Canada (ACCC) thông qua với mục đích xóa đói giảm nghèo ở nông thôn qua phát triển các dịch vụ du lịch bền vững. Dự án này được Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái Bình dương (PATA) tài trợ. Các giáo viên và sinh viên từ Đại học Capilano cùng với giảng viên, sinh viên Đại học Mở Hà Nội đã đến Sapa tìm ra hai cộng đồng thí điểm cho CBT đào tạo. Tại đây họ đã chọn xã Tả Phìn và Lao Chải dựa trên sự khác biệt về tập quán du lịch và du cư. Nhiều nhà nghỉ theo kiểu stayhome được xây dựng và hơn 200 người dân địa phương được đào tạo để làm du lịch. 
Đây là lần thứ 2, các cô gái Dao đỏ theo dự án đến Hà Nội để bán hàng và giới thiệu sản phẩm. Đó cũng là giai đoạn cuối cùng trong lộ trình phát triển của dự án tại Tả Phìn. Kết thúc tại bản Tả Phìn, chị Stephanie Wells cùng các đồng nghiệp của mình sẽ tiếp tục hướng dẫn bà con dân tộc làm du lịch tại xã Lao Chải, cũng thuộc huyện Sapa.
Sự có mặt của các cô gái Dao đỏ tại đây đã khiến rất nhiều du khách Hà Nội tới tham quan và thích thú. Các bạn trẻ như Lê Thu Hương, Nguyễn Phương Hoa (Chuyên ngữ Hà Nội) mỗi người mua được một chiếc vòng tay thổ cẩm xinh xắn. Hoa chia sẻ, “em đi Sapa cùng bố mẹ từ khi còn bé quá nên trong trí nhớ chỉ mang máng nhớ là ở đó rất sặc sỡ màu sắc. Đến đây rồi thì thấy quả là sặc sỡ thật”. Hương thì khoe: “Em rất thích đồ thổ cẩm. Lúc đến đây, em còn được các chị người Dao đỏ hướng dẫn nếu muốn mua thổ cẩm “xịn” thì phải chọn đồ thêu tay”.

 

Jane - một vị khách du lịch người Anh thì rất hài lòng khi mua được một chiếc khăn trải bàn thêu rất cầu kì. Chị nói: “tôi đã đến Sapa một lần cách đây 3 năm cùng gia đình. Tôi thực sự rất bất ngờ khi ở đây, giữa lòng Hà Nội, tôi bắt gặp lại một Sapa trong ký ức của mình. Năm nay mẹ chồng tôi không đi cùng tôi sang Việt Nam nhưng chắc chắn bà sẽ thích chiếc khăn trải bàn tôi mua tặng này. Mẹ tôi là một người phụ nữ rất tinh tế”.
Lưu lại Hà Nội một vài ngày, các cô gái Dao đỏ cùng phiên chợ của mình đã để lại đây những kỷ niệm đầy màu sắc, rực rỡ như những trang phục thổ cẩm do chính các cô làm ra. Và mong sao có nhiều hơn nữa những phiên chợ như thế tại Hà Nội để khách du lịch có thể nhìn thấy ở Việt Nam một địa chỉ du lịch đầy hấp dẫn.

Hà Trang
Bình luận
vtcnews.vn