Phiên chất vấn của Quốc hội đầu tiên nước VNDCCH diễn ra thế nào?

Thời sựThứ Năm, 07/01/2016 11:43:00 +07:00

Tại phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội 70 năm trước, 88 câu hỏi được đặt ra về tình hình nội chính và ngoại giao đã được giải đáp.

Tại phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội 70 năm trước, 88 câu hỏi được đặt ra về tình hình nội chính và ngoại giao được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng ban Thường trực Quốc hội và các Bộ trưởng trả lời.

Năm 1946, sau Hiệp định sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp, quân đội thực dân vẫn liên tiếp có hành động chống phá khiến nhiều cuộc đàm phán đi vào bế tắc.

Để Quốc hội nghe báo cáo, đánh giá hoạt động của Chính phủ, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và thông qua Hiến pháp, Ban Thường trực Quốc hội đã tổ chức kỳ họp thứ hai.
Quang cảnh kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 1 kéo dài 13 ngày cuối năm 1946. Ảnh tư liệu.
Quang cảnh kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 1 kéo dài 13 ngày cuối năm 1946. Ảnh tư liệu. 
Kỳ họp kéo dài từ 23/10 đến 9/11/1946 tại Nhà Hát Lớn (Hà Nội) với sự có mặt của 294 đại biểu, một số đại diện Nam Trung Bộ và Nam Bộ không ra được. Trong hai ngày 30-31/10, Quốc hội nghe Chính phủ liên hiệp kháng chiến báo cáo công tác và có phiên chất vấn đầu tiên trong lịch sử. Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố trả lời các câu hỏi chất vấn về công tác của ban. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bộ trưởng đăng đàn giải đáp công tác của Chính phủ.

Sáng 31/10, người dân đến nghe chất vấn tăng đột biến, đứng ngồi kín trong và ngoài Nhà Hát Lớn. Lúc này, người dân được vào dự thính kỳ họp, có quyền khen chê Chính phủ. Đại diện các lãnh sự quán Anh, Mỹ, Trung Quốc, Thụy Sĩ, các phóng viên Mỹ, Pháp, Hoa và Việt Nam có mặt đông đủ.

Bên trong, nghị trường "nóng" lên khi chỉ buổi sáng có 88 câu hỏi gửi đến thành viên Chính phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: "Sáng nay, Chính phủ nhận được của Quốc hội 62 câu hỏi chất vấn, sau đó là 26 câu hỏi nữa... Có nhiều câu hỏi cùng một ý, Chính phủ chia ra hai loại để tiện trả lời: nội chính và ngoại giao. Theo xếp đặt thì tất cả câu hỏi thuộc về quân sự, quốc phòng nhiều nhất, tài chính thứ nhì, tư pháp thứ ba, rồi đến các việc về nội vụ và việc khác".

'Không ai có quyền đòi thay đổi quốc kỳ'

Các đại biểu Trần Đình Tri - nhóm Xã hội; Lê Huy Vân - nhóm trung lập; Khuất Duy Tiến - nhóm Macxit; Huỳnh Văn Tiểng - nhóm Dân chủ… chất vấn Chính phủ về đề nghị thay đổi quốc kỳ, tạm ước 14/9, đối phó với quân Pháp...

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Chính phủ không bao giờ dám thay đổi quốc kỳ, chỉ vì một vài người trong Chính phủ đề nghị việc ấy, nên Chính phủ phải để Ban Thường trực Quốc hội xem xét.

"Lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sĩ Việt Nam ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đã đi từ Á sang Âu, lại từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn. Bây giờ, trừ khi cả 25 triệu đồng bào, còn ra không ai có quyền gì mà đòi thay đổi nó", nói đến đây, mắt Chủ tịch sáng quắc, giọng vang to, khác hẳn vẻ điềm đạm lúc thường.

Khi đại biểu Trần Huy Liệu cho rằng, tạm ước 14/9 là bất bình đẳng? Hồ Chủ tịch phân tích với bản tạm ước ấy, mỗi bên nhân nhượng một tí, ta bảo đảm cho Pháp những quyền lợi kinh tế và văn hóa ở đây thì Pháp cũng phải đảm bảo thi hành tự do, dân chủ ở Nam Bộ và thả các nhà ái quốc bị bắt bớ.

"Còn nói Pháp không thành thật thì ta nói vơ đũa cả nắm. Pháp cũng có người tốt người xấu. Tôi có thể quả quyết rằng, nhân dân Pháp bây giờ đại đa số tán thành ta độc lập và thống nhất lãnh thổ", Chủ tịch Hồ Chí Minh nói.
Các thành viên Chính phủ mới do Quốc hội lập ra tháng 11/1946. Ảnh tư liệu.
Các thành viên Chính phủ mới do Quốc hội lập ra tháng 11/1946. Ảnh tư liệu. 
Trước băn khoăn của đại biểu liệu Tạm ước 14/9 ảnh hưởng đến các hiệp ước ký sau đó, người đứng đầu Chính phủ trả lời trong xã hội loài người, cái gì chẳng có ảnh hưởng đến cái khác. Tuy vậy, những sự điều đình sau này không bị ràng buộc được. Bản tạm ước này tùy theo sự thi hành thế nào, sẽ chỉ đẩy cho những điều đình sau nhanh chóng tới kết quả một cách dễ dàng.

Đối với việc Pháp định lập những xứ biệt lập như xứ Nùng, xứ Thái, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, ở hội nghị Đà Lạt, người Pháp đã nêu vấn đề thiểu số ra, nhưng trong thư từ công hàm liên lạc với ta, họ không bao giờ đả động đến ý chia rẽ ấy. Chính phủ cương quyết đối phó bằng quân sự, chính trị. Về quân sự, luôn luôn chuẩn bị tự vệ. Về chính trị, đã vận động cho anh em thiểu số hiểu rằng, họ chỉ có một tổ quốc là Việt Nam.

'Nếu Chính phủ có lỗi tôi xin chịu, xin lỗi đồng bào'

Các đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn người đứng đầu Chính phủ việc ông Phó chủ tịch Nguyễn Hải Thần, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam, Phó chủ tịch Quân ủy Quốc hội Vũ Hồng Khanh bỏ Chính phủ ra đi.

Hồ Chủ tịch nói: "Lúc này, nước nhà đương gặp khó khăn... mà các ông ấy lại bỏ đi, thì các ông ấy phải hỏi lương tâm thế nào. Những người bỏ việc đi kia, họ không muốn gánh vác việc nước nhà hoặc họ không đủ năng lực mà gánh nổi. Nay không có họ ở đây, chúng ta cũng cứ gánh được như thường. Nhưng nếu các anh em ấy biết nghĩ lại, chống đối không nổi với lương tâm, với đồng bào, với tổ quốc mà trở về thì chúng ta vẫn hoan nghênh".

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tiếp: "Còn tin ông Nguyễn Hải Thần tự xưng là Tổng tư lệnh hải, lục, không quân Việt Nam? Việt Nam không có hải, lục, không quân, thì ông Nguyễn Hải Thần cứ việc nhận mà làm Tổng tư lệnh và nếu ông tổ chức được hải, lục, không quân cho Việt Nam thì cố nhiên chúng ta hoan nghênh".

Đại biểu tiếp tục thắc mắc việc Bộ trưởng Kinh tế Chu Bá Phượng (Việt quốc) đi dự hội nghị Fontainebleau tại Pháp (tháng 5/1946) mang theo vàng để buôn lậu, bị nhà chức trách Pháp phát hiện, các báo Pháp đều đăng tin này. Tại kỳ họp, ông Phượng vẫn có mặt. Hồ Chủ tịch nói các báo Pháp đều đăng tin, nhưng tin ấy có thật hay không thì đã qua rồi nên thôi xin đừng nhắc đến. "Nếu trong Chính phủ còn có những người khác làm lỗi, thì lỗi ấy tôi xin chịu, xin gánh và xin lỗi với đồng bào", Hồ Chủ tịch nói.

Người cũng nói thêm về vấn đề Chính phủ liêm khiết, rằng Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết, nhưng người đông và rất phức tạp. Chính phủ đã hết sức làm gương, nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ - đã trị và sẽ trị cho kỳ hết.

'Quốc hội thanh niên đặt câu hỏi thật già dặn'


Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, 8 bộ trưởng gồm các ông Huỳnh Thúc Kháng, Trương Đình Tri, Chu Bá Phượng, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Khoa, Ca Văn Thỉnh, Vũ Đình Hòe, Lê Văn Hiến lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn về các vấn đề quân sự, tài chính, thuế khóa, y tế, giáo dục... 88 câu hỏi của đại biểu lần lượt được giải đáp, không bỏ sót.

Đêm khuya, trong ánh sáng của chiếc đèn nhà hát hắt xuống, giọng Hồ Chủ tịch âm vang: "Chính phủ hiện giờ thành lập mới hơn một năm, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn 8 tháng, lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, thắc mắc khó trả lời, đề cập đến tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mạng của nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập".

23h45 ngày 31/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thay mặt Chính phủ hiện thời xin từ chức, trao lại quyền cho Quốc hội để bầu ra Chính phủ mới theo nguyên tắc dân chủ. Ông Trần Hữu Dực trong đoàn chủ tịch thay mặt Quốc hội nhận lời từ chức của người đứng đầu Chính phủ liên hiệp kháng chiến.

Video: Các phát ngôn gây sốc tại Quốc hội
Cuối buổi họp, Quốc hội thông qua nghị quyết tán thành chính sách chung của Chính phủ, nhận sự từ chức của Chính phủ, ủy nhiệm Hồ Chí Minh lập Chính phủ mới theo nguyên tắc đoàn kết, tập hợp nhân tài không đảng phái.

Hồ Chủ tịch cảm ơn Quốc hội và tuyên bố: "Đây là lần thứ hai Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa. Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng làm. Tôi xin nhận. Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, quốc dân và thế giới rằng, Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài…Tôi chỉ có một đảng: Đảng Việt Nam".

Tiếng vỗ tay vang dậy Nhà Hát Lớn lúc 1h sáng, phiên họp kết thúc. Những ngày sau của kỳ họp, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Hiến pháp và những chính sách mới.

Lúc bấy giờ, thành phần đại biểu Quốc hội được chia thành 3 phái. Phái tả gồm 34 đại biểu Macxit do ông Nguyễn Văn Tạo đứng đầu; 24 đại biểu Đảng Xã hội do ông Phan Tử Nghĩa và Nguyễn Xiển đứng đầu; 45 đại biểu đảng Dân chủ do Đỗ Đức Dục và Tôn Quang Phiệt đứng đầu.

Phái giữa gồm có 80 đại biểu Việt Minh do ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đình Thi, Xuân Thủy đứng đầu và 90 đại biểu không đảng phái. Phái hữu gồm có 17 thành viên Việt cách, 20 Việt quốc. Trong hội trường, phái hữu ngồi bên phải, phái giữa ngồi giữa hội trường và phái tả ngồi bên trái hội trường. Các đại biểu Đảng Xã hội trong phái tả đều mang cravat màu đỏ.


Nguồn: VNE
Bình luận
vtcnews.vn