Phía sau việc phát hành cổ phiếu Vinamilk của SCIC

Kinh tếThứ Ba, 07/05/2013 04:06:00 +07:00

Những con số ẩn bên trong kế hoạch phát hành và việc chủ sở hữu thực sự của Vinamilk không hiện hữu thực sự là lý do khó thực hiện kế hoạch phát hành ưu đãi

Những con số ẩn bên trong kế hoạch phát hành và việc chủ sở hữu thực sự của Vinamilk không hiện hữu thực sự là lý do khó thực hiện kế hoạch phát hành ưu đãi cho nhân viên.

Nếu tính theo các chỉ tiêu về giá trị vốn hóa thị trường và lợi nhuận năm 2012, Vinamilk đều lớn hơn nhiều so với Masan và về nguyên tắc những người tạo ra kết quả ở công ty sữa số 1 Việt Nam phải được thưởng lớn hơn.

Thế nhưng, trong khi các cổ đông lớn của Masan đều nhất trí cao trong việc phát hành 200 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên có công thì ông chủ của Vinamilk lại từ chối với lý do “sợ pha loãng cổ phần của SCIC (khoảng 1,2%)”.

Trên thực tế, những người am hiểu về tác động của việc “pha loãng” đều biết rằng, đó không phải là lý do bởi nó quá nhỏ so với mức độ tăng trưởng cũng như giá trị mà đội ngũ của Vinamilk đem lại. Câu chuyện phía sau “pha loãng” bắt nguồn từ cấu trúc sở hữu.

vinamilk
Vinamilk không thể phát hành cổ phiếu ưu đãi vì đặc thù của cổ đông lớn nhất. 

Với công ty như Masan, chủ sở hữu là các cá nhân trong nước, tổ chức nước ngoài lớn. Họ hiểu rằng, nếu không tưởng thưởng xứng đáng cho những người lao động, giữ chân nhân tài, các ông chủ sẽ không có được miếng bánh ngày càng to hơn và số tiền kiếm được sẽ tăng với tốc độ giảm dần hoặc có thể bị mất mát.

Cũng vì thế, họ thống nhất cao trong việc phát hành ưu đãi cho nhân viên có công với con số theo giá thị trường lên tới hơn 2.200 tỷ đồng (mệnh giá 200 tỷ đồng cổ phiếu). Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của Masan chia sẻ, việc phát hành cổ phiếu ưu đãi không có gì đặc biệt và cũng không phải bàn cãi bởi nó nằm trong chiến lược đãi ngộ nhân tài của công ty.

“Tạo ra giá trị cho xã hội, cho cổ đông và đãi ngộ nhân tài là những điều Masan cần thực hiện. Nếu không có nhân sự tốt, ai sẽ làm cho Masan trở thành một công ty lớn mạnh không ngừng, tạo ra giá trị ngày càng lớn cho xã hội, cổ đông?”, ông này chia sẻ.

Với Vinamilk, chủ sở hữu chiếm tới 45% là SCIC – Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (do Nhà nước sở hữu). Với một tổ chức mà người sở hữu là “cha chung” thì việc ra quyết định thưởng với con số lớn cho nhân viên phải vô cùng thận trọng.

Theo con số mà Hội đồng quản trị Vinamilk trình, nếu tăng trưởng 21% về lợi nhuận, lượng phát hành ưu đãi cho nhân viên là 0,4% trên vốn điều lệ/năm; nếu tính theo các con số của năm 2012, số lượng cổ phiếu phát hành khoảng 3,34 triệu cổ phiếu (thị giá khoảng 400 tỷ đồng).

Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán có trụ sở tại Hà Nội nhận xét: “Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng như hiện nay, việc đồng ý với quyết định thưởng hàng trăm tỷ đồng cho nhân viên thông qua cổ phiếu ưu đãi với cổ đông như SCIC cần phải cân nhắc thận trọng cũng là điều dễ hiểu”.

Ông này phân tích, với cổ đông là Nhà nước, từ chối trả thưởng lớn qua cổ phiếu ưu đãi bị áp lực vì không coi trọng đãi ngộ tốt cho nhân tài, làm công ty dễ bị tổn thương về nguồn lực con người, không quan tâm tới sự phát triển dài hạn của tổ chức.

Thế nhưng, nhìn rộng ra về chế độ trả thưởng ở các cơ quan, công ty nhà nước nói chung thì chưa có tổ chức nào công khai trả thưởng xứng đáng cho những nhân sự có tài. “Người quyết định sẽ phải tính tới việc nếu đồng ý thưởng hàng trăm tỷ như vậy thì liệu có ổn trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng như hiện nay không?

Vinamilk là một công ty cổ phần nhưng sở hữu vẫn thuộc về Nhà nước chủ yếu nên việc vận hành chế độ lương, thưởng sẽ khó thực hiện được như Masan. Chỉ khi ông chủ Nhà nước không còn chi phối, mọi việc mới có thể thay đổi”, ông này nhận định.

Tổng giám đốc một công ty niêm yết lớn - có tỷ lệ sở hữu nhà nước cao, tiết lộ: "Việc thể hiện vai trò phủ quyết trong các quyết định đem lại lợi ích cho người điều hành hay làm thuê là một phần của cuộc chơi.

Nó đơn giản thể hiện vai trò của người nắm quyền lực (đại diện cho tỷ lệ cổ phần Nhà nước lớn) nhưng lại không phải tiền của cá nhân họ. Nếu là tiền cá nhân, trò chơi sẽ khác đi".

Trong khi đó, lãnh đạo một công ty niêm yết lớn – người từng ra quyết định ESOP (phát hành cổ phiếu ưu đãi) mang tính đột phá cho nhân viên nhận xét, việc phủ quyết của SCIC có điều gì đó giống với câu chuyện ngụ ngôn “Bánh của tao đâu?”.

Một ông thầy đồ đi ăn cỗ, sau khi ăn no nê, thấy một cái bánh ngon thì muốn mang về nhà nhưng lại ngại nên bảo học trò của mình: “Cái bánh này ngon đấy, con mang về mà ăn” và ra hiệu cho cậu mang về cho mình.

Thế nhưng, cậu học trò tưởng thầy bảo mình ăn thật nên cầm lấy và ăn luôn. Khi ra về, cậu học trò đi trước thì bị ông thầy bảo: “Mày có phải là bố tao hay sao mà đi trước tao”, còn đi sau thì bị quát: “Tao có phải là thằng tù đâu mà mày đi sau áp giải”, đi bằng thầy thì bị nạt: “Tao có phải là bạn của mày đâu mà đi ngang hàng”.

Khi học trò ngơ ngác hỏi: “Con đi thế nào thầy cũng mắng. Vậy xin thầy bảo cho con nên thế nào cho phải ạ?”. Lúc đó, ông thầy mới hầm hầm buột miệng: “Thế bánh của tao đâu?”.

Hoàng Ly/ Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn