Phát hiện hổ ở Tuyên Quang: Tận mắt dấu chân, vết cào của cọp

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 03/04/2015 06:13:00 +07:00

Ngay lối đi, nơi phát hiện những dấu chân hổ, còn có vết móng hổ cào vào đá.

(VTC News) - Ngay lối đi, nơi phát hiện những dấu chân hổ, còn có vết móng hổ cào vào đá.


Kỳ 5 (kỳ cuối): Tận mắt vết chân hổ


Địa điểm ông Hỏa Văn Anh bị hổ vồ, thuộc thung lũng Nghiều Lài, cách bản Nà Tông (Thượng Lâm, Lâm Bình, Tuyên Quang) nửa ngày cuốc bộ, cũng là nơi chính mắt anh Nông Văn Huy giáp mặt hổ.


Hôm anh Huy gặp hổ là ngày 12/12 âm lịch năm 2014, vào đúng 4 giờ 30 phút chiều. Hôm đó, anh Huy cùng anh Hoàng Văn Khoát (anh Khoát cũng là cộng tác viên của dự án bảo tồn voọc) và anh Ma Văn Thìn (người bản Nà Tông, đi chơi cùng), dựng lều phục kích chụp ảnh voọc ở dưới thung lũng.

Thông thường, từ 5 giờ đến 5g30, đàn voọc mới về. Chúng chỉ ríu rít trên các cành cây một lúc, rồi tót vào hang trú ẩn. Khoảnh khắc đó chỉ có một vài phút để chụp ảnh, ghi danh từng con, nên anh và các đồng nghiệp chuẩn bị đồ nghề rất kỹ.

Lúc đó, cơn thèm thuốc dâng cao, anh Huy đã đến bụi cây rít điếu thuốc lào. Vừa nhấc cái điếu cày giấu trong bụi cây ra, thì anh Huy dựng tóc gáy, khi trước mặt mình, cách khoảng 50m, là con hổ vằn to bằng con bê, đang đứng bên suối, nhẩn nha uống nước.
Anh Huy chỉ nơi xuất hiện con hổ lớn, do chính mắt anh nhìn thấy 
Hoàn hồn lại, anh Huy ra dấu hiệu để anh Thìn và anh Khoát nhìn theo. Anh Huy rón rén lấy máy ảnh, vừa định chụp, thì con hổ đã nhảy phóc vào rừng. Những đám cây rung nhẹ và bóng dáng con hổ cũng mất hút luôn.

Anh Nông Văn Huy dẫn tôi đến bên bờ con suối nhỏ, để chỉ những dấu chân to bằng miệng bát tô loại nhỏ, tuy nhiên, anh quẩn quanh, vạch cỏ mãi mà không thấy.

Video bầy hổ vồ gấu

Anh Huy bảo rằng, trước tết, anh dẫn các cán bộ dự án bảo tồn voọc vào chụp, dấu chân vẫn còn, rất rõ, đặc biệt là vết nó nhảy từ bên này suối sang bên kia, in sâu vào lòng đất. Tuy nhiên, sau tết, người dân bản Nà Tông thả trâu vào rừng, đàn trâu đi lại nhiều, đã làm mất dấu chân hổ.

Đứng giữa thung lũng, anh Huy chỉ tôi những vách núi nơi đàn hổ trú ngụ. Anh Biết từng nơi chúng ở, lối chúng đi. Chúng thường sống ở một khu vực nào đó khoảng nửa tháng đến 1 tháng, hết thức ăn thì lại thay đổi địa điểm. Một thời gian sau, thú rừng tìm đến, chúng sẽ lại quay về.
Dấu chân nai 
Đàn hổ trú ngụ trong rừng nghiến, đi qua những vách đá, men theo thung lũng Nghiều Lài, về phía thung lũng Hoong Khạo thuộc xã Khuôn Hà, nơi có những núi đá, rừng nghiến hoang vu, không có bóng người qua lại.

Theo anh Huy, có thể bầy hổ đang trú ngụ ở những khe núi giáp ranh hai xã Thượng Lâm và Khuôn Hà. Khu vực này rừng rú cực kỳ âm u, hoang rậm, không ai dám vào. Sở dĩ, anh Huy khẳng định điều đó, là bởi anh thường xuyên lần theo dấu chân, lối đi của bầy hổ.

Anh Huy bảo rằng, con hổ mà anh bắt gặp rất lớn, khoảng 1,5 tạ, nên để lại dấu chân to. Tiếc rằng không chụp được hình ảnh dấu chân con hổ khổng lồ đó. Tuy nhiên, theo lời anh Huy, để chụp được dấu chân hổ nhỏ thì không có gì khó khăn.

Chúng tôi tiếp tục cắt rừng nhiều ngày, men theo vách đá, những lối đi nhỏ hẹp chỉ có thú rừng đi lại, hướng về phía đại ngàn Hoong Khạo. Chỗ nào có đất mềm, y rằng có dấu chân thú và nhiều dấu chân hổ to bằng miệng bát con vẫn còn rõ mồn một.
Anh Huy chỉ lối đi của hổ ở Hoong Khạo 
Con đường cắt rừng già dẫn lên đỉnh Giang Chí cao hơn 2.000m, là nóc nhà của tỉnh Tuyên Quang cực kỳ khó nhọc, hiểm trở. Đỉnh Giang Chí là nơi có mấy hộ người Dao sinh cư như thời nguyên thủy giữa rừng già. Một số người đi rừng kể rằng, hổ từng tìm lên tận nơi cao vòi vọi ấy.

Rất nhiều vết cào vào đất, đá xuất hiện, nhưng anh Huy bảo đó là vết cào của loài báo, chứ không phải của hổ. Loài báo còn khá nhiều ở đại ngàn Lâm Bình, nhiều người nhìn thấy, mô tả kỹ.

Trên con đường xuyên rừng, điều khiến mọi người ngạc nhiên, là giữa khu rừng cả ngày đi bộ, lại có 3 hộ gia đình sống trơ trọi giữa đại ngàn. Hỏi về hổ, anh chàng Hoàng Cằn U, sinh năm 1985, co rúm người lộ vẻ sợ hãi.

Hoàng Cằn U bảo rằng trong rừng còn hổ, nhưng thi thoảng chúng mới xuất hiện qua tiếng gầm, hoặc những dấu vết đi lại trong rừng. Lần hổ xuất hiện gần nhất là 3 năm trước, ở ngay mảnh đất trước nhà Hoàng Cằn U.
 
Dấu chân hổ 
Hôm đó, chiều tà, đang nấu cơm cho vợ, thì bỗng nghe tiếng cây rừng xao động, tiếng lợn rừng kêu. Hoàng Cằn U cùng mọi người ló đầu ra ngoài, thì thấy con lợn rừng chạy từ rừng vào mảnh nương nhà Hoàng Cằn U với hộ dạng hốt hoảng, mình đầy thương tích.

Mọi người còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra với con lợn rừng, thì bỗng giật bắn mình khi con hổ to tướng xông đến, quắp con lợn rừng tha đi.

Phải mấy ngày sau, thấy đại ngàn yên ả, vợ chồng Hoàng Cằn U mới dám ra khỏi nhà. Lần vào bìa rừng, thấy bãi phân hổ, lẫn với những đoạn xương cứng. Loài hổ háu ăn, nuốt cả xương, nhưng không tiêu hóa được, nên lại “bậy” xương ra ngoài.
 
Vết móng hổ cào vào đá 
Xuyên rừng về phía Hoong Khạo, nhiều dấu vết hổ lẫn vết chân thú rừng hiện ra. Từng dấu chân chi chít, dính vào nhau, nhưng anh Huy vẫn mô tả, phân tích và đọc vị từng loài thú. Những dấu chân trước, với 5 vết của 5 ngón hằn xuống, trong đó có 2 vết tõe ra sâu hơn, lớn hơn và dấu chân sau chỉ có 4 ngón, đích thị là của loài hổ.

Ngay lối đi, nơi phát hiện những dấu chân hổ, còn có vết móng hổ cào vào đá, với vết dài, ngắn, rõ mờ vẫn còn hiển hiện. Những dấu chân hiện ra trên đường chúng di chuyển, rồi mất hút khi bề mặt con đường là những khối đá vôi, rồi bị loài thú khác đè lên, rồi lại tiếp tục hiện ra trên các đoạn đường khác.

Vừa lần mò theo dấu chân hổ, tôi vừa có cảm giác rờn rợn. Đại ngàn nghiến âm u đang chìm dần vào bóng tối. Trên những dãy núi đá vôi, đàn voọc má trắng, voọc mũi hếch, loài mang vít đang ríu ran về ổ.
Ông Nguyễn Đức Tưng  
Ông Nguyễn Đức Tưng, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Tuyên Quang: “Phải nói rằng, Tuyên Quang có truyền thống bảo vệ rừng, trồng rừng rất tốt. Lãnh đạo rất quan tâm bảo vệ rừng, còn người dân có truyền thống bảo vệ rừng từ xưa, ngay cả giới trẻ cũng có ý thức rất cao. Vì thế, rừng ở Tuyên Quang vẫn còn nhiều thực vật, động vật quý. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi nghe được thông tin còn hổ hoang dã ở Lâm Bình. Tôi ghi nhận thông tin mà phóng viên cung cấp và sẽ ngay lập tức tổ chức anh em lên phương án tìm hiểu, thu thập thông tin và bảo vệ đàn hổ nghiêm ngặt nếu có”.


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn