Phát hiện hổ ở Tuyên Quang: Người cầm dao chém hổ, người mất mạng vì hổ cào

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 01/04/2015 06:07:00 +07:00

Từ khi bị hổ tát, ông Hỏa Văn Anh cứ ốm yếu, bệnh tật, rồi nằm liệt một chỗ, tính mạng chỉ còn tính bằng ngày.

(VTC News) – Từ khi bị hổ tát, ông Hỏa Văn Anh cứ ốm yếu, bệnh tật, rồi nằm liệt một chỗ, tính mạng chỉ còn tính bằng ngày.


Kỳ 4: “Võ Tòng” đánh nhau với hổ

Cách nay khoảng 15 năm, cũng tại thung lũng Lũng Chuột, trong khu rừng phòng hộ thuộc bản Nà Tông (Thượng Lâm, Lâm Bình, Tuyên Quang), đã diễn ra câu chuyện khó tin, về cuộc chiến giữa ông Chẩu Văn Đông và con cọp xám rất lớn, trước sự chứng kiến của nhiều người.

Người dân ở Thượng Lâm vẫn gọi vui ông Chẩu Văn Đông là Đông “Võ Tòng đả hổ”.

Ông Đông vốn ở bản Nà Luy, nhưng cũng có một đám nương ở thung lũng Lũng Chuột. Hồi đó, trong rừng nhiều cọp, gấu, nhiều lợn rừng độc chiếc, nên người dân lên nương, vào rừng phải đi theo nhóm. Họ làm việc muộn, nhưng về sớm, để tránh loài vật này tấn công.

Bọn lợn rừng thường về ủi sắn, nhai ngô, khi bị đuổi thường xuyên tấn công lại người, nên ai đi nương cũng mang theo súng săn.
Rừng núi Lâm Bình 
Thấy con lợn nặng chừng 70kg đang phá nương, ông Chẩu Văn Đông đã phục kích bắn. Phát súng trúng đầu khiến lợn chết tại chỗ.

Lợn vừa gục xuống, khói súng vừa tan, thì con cọp xám rất lớn xộc đến quắp con lợn. Ông Đông tiếp tục giương súng bắn hổ. Thế nhưng, phát súng này xịt.

Không hiểu lúc đó máu anh hùng nổi lên, hay tiếc con lợn ngon, ông Đông đã bỏ súng, vác dao xông vào chém hổ. Cú chém rất mạnh vào lưng, nhưng dường như con hổ chẳng việc gì, nó quay lại giương tay tát một cái rách da mặt ông Đông.

Lúc đó, mấy người làm nương, nghe tiếng súng, tiếng hổ gầm thì kéo đến xem, nhìn thấy ông Đông đánh nhau với hổ, nhưng không ai dám đến gần, vì con hổ to quá.

Mặc dù máu me đầm đìa mặt, thấm đỏ vai áo, nhưng ông Đông vẫn vác dao tiếp tục xông đến. Tuy nhiên, con hổ quắp lợn chạy tót vào rừng. Mọi người khiêng ông Đông đi cấp cứu.

Hai tháng sau, thêm một lần đen đủi nữa cho ông Chẩu Văn Đông. Sau lần đánh nhau với hổ 2 tháng, khi làm nương ở Lung Sáng, ông Đông lại giáp mặt gấu ngựa. Ông Đông giương súng bắn.
Anh Huy (phải), ông Lâm (giữa) và tác giả trong hành trình tìm dấu vết hổ ở rừng Lâm Bình  
Con gấu trúng đạn, nhưng không chết, nó lao vào vả mấy cái, khiến ông Đông lột cả da mặt, lưng, tay, quần áo rách te tua. Ông Đông phải giả vờ chết, con gấu mới bỏ đi.

Vụ đó, ông Đông phải nằm viện cả tháng trời, khâu cả trăm mũi. Hiện ông Đông vẫn sống ở bản Nà Luy, với những vết thương nham nhở do hổ tát, gấu vồ.

Rời thung lũng Lũng Chuột, chúng tôi vừa cúi vừa luồn, đến chiều tà, vượt qua mấy dải núi, thì một thung lũng rộng mênh mông hiện ra trước mắt.

Theo anh Nông Văn Huy, người bản Nà Tông, thung lũng này rộng chừng 40 héc-ta. Con suối nhỏ chảy qua thung lũng, có loài tôm lạ, mình vằn, chỉ nhỏ như cái que bông ngoáy tai, ăn rất ngon. Loài tôm đó, tiếng Tày gọi là Nghiều Lài, nên gọi luôn thung lũng này là Nghiều Lài.

Video đàn hổ dữ hạ gục gấu

Thung lũng Nghiều Lài có mấy vách đá dựng đứng, nhiều hang động cheo leo, người không trèo lên được, là nơi voọc ở.

Địa điểm này anh Huy thuộc từng gốc cây, ngọn cỏ, từng hòn đá, vì có nhiều năm phục kích săn thú ở đây, rồi mấy năm nay ăn ngủ trông voọc.

Anh Huy bảo rằng, Những vách núi phía trong thung lũng Nghiều Lài chính là hang ổ của bầy cọp. Loài cọp thường sống một mình, hoặc cặp đôi, mỗi con có một lãnh địa riêng, rộng chừng vài km vuông.

Anh Huy dẫn tôi ra phía ven suối, chỉ vào những dấu chân và phân tích như một chuyên gia động vật tài ba. Rất nhiều dấu chân lợn rừng, dấu chân nai, hoẵng. Tuy nhiên, dấu vết của loài don thì bặt tăm, tìm cả ngày không thấy.

Theo anh Huy, loài hổ đặc biệt thích ăn thịt don, nên hễ ở đâu có nhiều don, thì loài hổ mò đến và hễ ở đâu bỗng dưng hết don, nếu không có thợ săn thì chắc chắn có hổ.

Dẫn chứng đáng tin cậy nhất về sự xuất hiện của hổ tại thung lũng Nghiều Lài, là cách đây đúng 5 năm, vào năm 2010, ông Hỏa Văn Anh, người bản Nà Tông, đã bắn con hổ rất lớn ở đúng thung lũng này.
Thung lũng Nghiều Lài, nơi ông Hỏa Văn Anh đánh nhau với hổ 
Khi đó, chính quyền đã thu súng, nhưng chưa cấm gắt gao, nên nhiều người còn giấu súng vẫn thi thoảng vào rừng săn thú.

Sáng sớm tinh sương, ông Hỏa Vân Anh xách súng vào rừng, đến chiều thì vào đến thung lũng Nghiều Lài, để đêm phục bắn don. Loài don cùng họ với nhím, là loài gặm nhấm, có nhiều trên núi đá vôi, đào đất móc củ quả, rễ cây, giun dế ăn như chuột, rất ngốc nghếch nên dễ bắn. Một tối, có thể ông bắn được vài con, ăn cả tuần mới hết.

Hôm đó, chiều tối, đang dựa vào bụi cây, thiu thiu ngủ, thì chợt tỉnh giấc khi thấy tiếng động. Trước mắt ông Hỏa Văn Anh, là con hổ vằn to tướng, như con bê, đang đứng bên mép con suối cạn nước.

Cơ hội ngàn năm có một, ông khai hỏa. Phát súng không trúng đầu, mà có vẻ chỉ trầy da, nên con hổ không chết. Con hổ quay lại xông đến, vả vào lưng, cào rách toạc cả tay, xé rách áo nham nhở.

Ông Hỏa Văn Anh không chịu khuất phục, dùng dao chém hổ tới tấp. Vừa đánh nhau với hổ, ông Hỏa Văn Anh vừa nạp lại đạn. Vừa giương súng định bắn tiếp, thì con hổ chạy mất hút vào rừng sâu.

Mặc dù bị thương, mất nhiều máu, nhưng ông Hỏa Văn Anh vẫn lết được về nhà, rồi được người thân đưa đi cấp cứu.

Điều kỳ lạ, là sau khi bị hổ vồ, mặc dù vết thương không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng sức khỏe ông cứ yếu dần. Lúc hồi phục sức khỏe, ông vào rừng săn, thì lại bị con culi cắn vào tay. Sau lần đó, ông lại mắc bệnh nhiều hơn. Gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi, tốn kém thuốc men, nhưng bệnh tật không thuyên giảm.

Cũng không ai rõ ông bị bệnh gì, chỉ biết rằng, ông cứ ốm yếu dặt dẹo quanh năm và giờ thì nằm một chỗ, mạng sống chỉ còn tính bằng ngày.
Năm 2013, khi tiếng súng trong rừng Thượng Lâm vừa vang lên, toàn bộ đồng bào Tày ở bản Nà Tông cùng các bản xung quanh hò nhau vào rừng bao vây, bắt sống một nhóm 5 thợ săn, thu 5 khẩu súng, giao nộp cho công an và kiểm lâm.

Nhóm này do Phùng Văn Líu, người Dao, ở xã Khuôn Hà cầm đầu. Nhóm người này đã bắn chết một con voọc. Kiểm lâm đã thu toàn bộ 5 khẩu súng và xử phạt nhóm thợ săn 50 triệu đồng.

Đồng bào bản Nà Tông có quy chế, hễ có tiếng súng, thì cả bản cùng bao vây, bắt sống thợ săn giao nộp cho lực lượng chức năng. Nhờ thế, mà rừng Thượng Lâm còn nguyên vẹn, các loài thú được bảo vệ an toàn.

Còn tiếp…


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn