Phải có quy định tránh 'quân xanh, quân đỏ' trong bầu cử đại biểu Quốc hội

Thời sựThứ Tư, 03/06/2015 02:22:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội đề nghị luật cần quy định để tránh sắp xếp các ứng viên quá chênh lệch về tuổi đời, chức vụ, trình độ cùng tranh cử tại một địa bàn bầu cử the

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội đề nghị luật cần quy định để tránh sắp xếp các ứng viên quá chênh lệch về tuổi đời, chức vụ, trình độ cùng tranh cử tại một địa bàn bầu cử theo kiểu “quân đỏ, quân xanh”.

Sáng 3/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị)
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị)
Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị luật cần quy định không sắp xếp các ứng viên quá chênh lệch về tuổi đời, chức vụ, trình độ cùng tranh cử tại một địa bàn bầu cử theo kiểu “quân đỏ, quân xanh”.

Đại biểu Châu cũng cho rằng, việc tổ chức việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân trong một ngày có thể thực hiện được nhưng cần phải thực hiện rất nghiêm túc.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “ Người cử tri phải nắm rõ lý lịch của 30 người ứng cử để có lựa chọn sáng suốt thì cũng phải mất thời gian và cần xem xét, nghiên cứu, lựa chọn khó khăn”.

Việc này có thể xảy ra nhầm lẫn. Vì vậy, vị đại biểu này đề xuất cần có khu vực riêng cho các cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Về đề nghị mở rộng hình thức tuyên truyền, vận động bầu cử như vận động theo giới hay người ứng cử tự vận động, Thường vụ cho rằng, dự thảo Luật giới hạn hai hình thức là gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại hội nghị do Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức và thông qua phương tiện thông tin đại chúng là nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa những người ứng cử và tính công khai, minh bạch cho cuộc bầu cử.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng hình thức "người ứng cử tự vận động" hay "vận động theo giới" cần được bỏ vì "không cần thiết và khó đảm bảo công bằng".

Trên thực tế vận động cá nhân tùy vào năng lực của từng người. Có người đóng góp lớn cho xã hội nhưng không có cơ hội vận động. Không phải ai muốn vận động cá nhân cũng được.

“Ví dụ có một cá nhân công tác tại địa phương và một doanh nghiệp thì rõ ràng doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp xúc với cử tri nhiều hơn. Doanh nghiệp có điều kiện về tài chính, thời gian… để tiếp xúc cử tri”, bà Hải lấy ví dụ.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, người trẻ tuổi ngay trong Luật, không nên quy định có “số lượng thích đáng” như dự thảo hiện nay.

Tuy nhiên, việc dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải căn cứ vào tiêu chuẩn, đồng thời cần quan tâm đến tình hình, yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn, từng địa phương.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này theo hướng chỉ quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng người dân tộc thiểu số, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng phải bảo đảm ít nhất 18% tổng số người ứng cử là người dân tộc thiểu số, ít nhất 35% tổng số ứng cử là phụ nữ. Trên cơ sở đó, cử tri sẽ cân nhắc, lựa chọn những người đại diện xứng đáng cho mình”, ông Phan Trung Lý nói.
 
Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND vẫn còn chung chung, nhất là trình độ văn hoá, chuyên môn.

Bà Yến nhấn mạnh ngoài những tiêu chuẩn chung, cần những tiêu chuẩn riêng cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

“Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nên đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải có đầy đủ năng lực, kiến thức, trình độ, kỹ năng, khả năng tổng hợp phân tích đánh giá”, bà Yến nói.

Về điều kiện thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND, ông Phan Trung Lý cho biết, trong quá trình thảo luận, vấn đề tổ chức để công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài tham gia bầu cử, ứng cử đã được đặt ra.

GS Nguyễn Lân Dũng: Chặt 6.700 cây xanh phải xin ý kiến Quốc hội

VTV

Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc lập danh sách cử tri, xác định đơn vị bầu cử, việc tổ chức cho người ứng cử tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử…

Vì vậy, ông Phan Trung Lý cho biết vấn đề này sẽ tiếp tục được xem xét, nghiên cứu, quy định khi đã có đủ điều kiện cho phép.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần bảo đảm để người đang bị tạm giam, tạm giữ cũng được thực hiện quyền bầu cử, vì về mặt pháp lý, những người này chưa bị coi là có tội và không bị tước mất quyền bầu cử.

Ông Phan Trung Lý đề nghị chỉ quy định trong Luật người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù và người mất năng lực hành vi dân sự thì mới không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Các địa phương, các cơ quan nhà nước có liên quan có trách nhiệm bảo đảm thực hiện việc lập danh sách cử tri đối với những người đang bị tạm giam, tổ chức việc bỏ phiếu đối với người đang bị tạm giam tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn