Phá rừng đầu nguồn ở Hòa Bình: 'Con cháu chúng tôi sẽ gặp thảm họa lũ quét như Mù Cang Chải?'

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 16/08/2017 07:10:00 +07:00

Trước thực trạng rừng đầu nguồn ở Hòa Bình đang bị phá hoại, người dân nơi đây lo lắng liệu con cháu họ có rơi vào thảm họa lũ quét như Mù Cang Chải?

 

LTS: Tiếp tục câu chuyện về hành trình giữ rừng của người dân xã Quy Hậu (Tân Lạc - Hòa Bình) mà báo điện tử VTC News đã đăng tải Bài 1:"Mất rừng đầu nguồn, thà bắn chết chúng tôi đi còn hơn".

Hôm ấy, đi từ 8 giờ sáng tới 11 giờ trưa chúng tôi cũng leo lên tới đỉnh núi. Đứng ở trên này có thể quan sát rõ ràng cả rừng của Quy Hậu, Kỳ Sơn và Mỹ Hòa. Chỗ chúng tôi đứng là một cánh đồng cỏ xanh bát ngát. Tận dụng phần cỏ này, người dân Quy Hậu bao đời nay thường đưa trâu, bò lên đây chăn thả.

"Nếu các công ty tư nhân lấy cả phần đất này trồng cam nữa thì dân chúng tôi không biết thả trâu bò đi đâu. Hàng trăm con trâu, đầu cơ nghiệp của người dân bản sẽ bị lùa về dưới xuôi. Mà ở dưới đó thì lấy đâu ra cỏ. Nguồn nước thì ô nhiễm, không trồng cấy, chăn nuôi được, không biết chúng tôi sẽ phải sống bằng nghề gì?", ông Bùi Văn Đạt - Trưởng xóm Dom đặt câu hỏi với PV.

Video: Máy xúc tàn phá rừng đầu nguồn (Kim Thược)

Kỳ 2: Tận mắt những cánh rừng bị tàn phá để trồng cam

Bồi thường tiền tỷ cũng không giao rừng

Chiếc radio trong căn chòi giữa rừng đầu nguồn là kênh thông tin duy nhất của những người phụ nữ chăn trâu. Vài ngày nay, họ chăm chú nghe đài hơn để nắm bắt tình hình mưa bão. Một người phụ nữ lớn tuổi nhất tỏ ra lo lắng: "Đài Trung ương đưa tin, mưa lũ ở Mù Cang Chải  khiến vài ba chục người chết và mất tích. Họ bảo đấy là hậu quả của việc Yên Bái đã tàn phá hết những cánh rừng đầu nguồn. Tôi sợ, rồi đây mình cũng bị vùi lấp dưới đống đất bùn đó. Liệu con cháu chúng tôi có rơi vào thảm họa lũ quét như Mù Cang Chải?".

Hôm ấy, suốt bữa cơm trưa ở căn chòi của 3 người phụ nữa chăn trâu, họ chỉ bàn về lũ lụt ở Mù Cang Chải và cách làm sao để giữ được rừng đầu nguồn. Họ quanh năm suốt tháng ở trong rừng sâu nhưng nói toàn những chuyện thời sự: "Trên đài cũng nói đấy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tất cả các địa phương đóng cửa rừng từ năm 2016. Vậy mà, không hiểu tại sao ở tỉnh Hòa Bình, các công ty tư nhân vẫn có thể hiên ngang phá rừng đầu nguồn giữa thanh thiên bạch nhật".

IMG20170803142633 3

Người dân Quy Hậu lo lắng cho số phận của mình khi rừng bị tàn phá. (Ảnh: Kim Thược)

Bà Bùi Thị Năm, một trong ba người phụ nữ chăn trâu cho biết: "Nhiều lần tiếp xúc cử tri, tôi đã có ý kiến lên chính quyền xã nhưng họ vẫn thờ ơ như chưa có chuyện gì. Cũng không giải thích để dân hiểu. Họ cứ im lặng đến bao giờ? Đến khi nào người dân chúng tôi rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, lũ quét cuốn trôi nhà cửa như ở Mù Cang Chải? Chúng tôi là đân đen, không có tiếng nói nên chỉ biết kêu chính quyền địa phương. Mỗi mùa mưa lũ đến, nghĩ đến cảnh mất rừng, mất nhà chúng tôi lại hoang mang lo sợ".

"Nay có phóng viên về dân chúng tôi mừng lắm. Mong là tiếng kêu của chúng tôi sẽ được nhiều người nghe thấy. Còn rừng thì còn dân, mất rừng là chúng tôi mất tất cả", bà Năm nói.

Anh Bùi Văn Hùng - Người dân xóm Dom cũng có cùng suy nghĩ với bà Năm. Anh và hàng trăm hộ dân ở đây đã từng nghĩ tới việc cầm một tấm biển "Cứu lấy rừng đầu nguồn Quy Hậu của chúng tôi" về thủ đô để nhờ các cơ quan cấp trên giúp đỡ.

Anh Hùng cho hay: "Dù có đền bù cho tôi hàng tỷ đồng để phá rừng tôi cũng không lấy. Một tỷ đối với dân đen như chúng tôi là quá lớn nhưng tiêu rồi cũng hết. Đời con cái chúng tôi biết sống ra sao ở đất này?".

Ngồi trong căn chòi của ba người phụ nữ chăn trâu có thể nhìn ra được lán trại của một công ty tư nhân. Lán trại dưới gốc cây vẫn còn nham nhở vì bị người dân bức xúc kéo lên đốt cháy. Nghe người dân kể lại, những lúc phá rừng trồng cây, công ty họ huy động tới mấy trăm công nhân làm việc ngày đêm. Vì vậy, chẳng mấy chốc mà cả cánh rừng đầu nguồn này sẽ bị cạo trọc.

IMG20170803103547

Ông Bùi Văn Đạt - Trưởng xóm Dom bên chiếc cột mốc bị đào vất vào một xó. (Ảnh: Kim Thược)

Sau bữa cơm trưa, ông Trưởng xóm Dom chỉ lại cho tôi vị trí của từng cánh rừng. Quả thật, nếu theo hướng ông Đạt chỉ thì tất cả những cánh rừng đang bị mấy công ty phá thuộc vào địa phận của xã Quy Hậu.

"Mà kể cả họ có vẽ lại bản đồ, cánh rừng của chúng tôi về đất Tây Phong thì hậu quả vẫn là người dân Quy Hậu phải hứng chịu. Muộn thì bệnh tật do nguồn nước bị ô nhiễm thuốc trừ sâu và phân hóa học. Sớm thì mỗi lần lũ quét về, không có rừng che chắn nó sẽ trôi cả làng chúng tôi đi", ông Đạt cho hay.

Đột nhập vườn cam, chứng kiến cảnh phá rừng

Buổi trưa, tranh thủ lúc những công nhân của công ty Đ. nghỉ, bố mẹ Thôn dẫn tôi vào vườn cam. Con đường vào vườn cam đều được rào chắn khá cẩn thận để ngăn trâu bò và người dân xâm phạm. Vừa đi được một đoạn thì xuất hiện hai thanh niên đi xe côn bóp còi inh ỏi. Thấy người dân bản vào ruộng, họ không đuổi nhưng âm thầm đi theo sau. Rất may, lúc sáng tôi đã cải trang thành người dân bản. Nếu không, chắc chắn sẽ bị đuổi ra khỏi đây.

IMG20170803141520

Hành trình vào vườn cam của công ty Đ. (Ảnh: Kim Thược)

Có người theo sau nên tôi không thể quay phim, chụp ảnh. Tôi chỉ quan sát thấy cả một vùng đất rộng lớn đã được trồng cam. Có lẽ do mới trồng được vài tháng nên cây còn non. Thấy có người vào vườn, họ dùng điện thoại để thông báo cho nhau. Chúng tôi đi tới đâu cũng có người theo dõi tới đó. Họ chặn đầu phía trước nhìn tôi với ánh mắt dữ dằn.

Đi qua vườn cam, chúng tôi xuống một con đường đất mới được đào nham nhở. Mẹ Thôn lên tiếng: "Chúng nó đào đường cho xe ô tô lên đấy. Đường này đào lên tận chỗ đầu nguồn con nước. Cô có thấy rừng đầu nguồn nào mà ô tô có thể đi lên tới đỉnh không? Chúng nó phá hết, giết chết hết rừng của chúng tôi rồi".

Những lời cay đắng của mẹ Thôn tôi có thể cảm nhận được bởi trước mắt mình là cánh rừng đang bị đào xới, xẻ ngang dọc. Những cây gỗ lớn bị quật ngã nằm la liệt dưới vực. Những bụi măng nứa, thức ăn chính của người dân bị vùi dưới đống đất sâu.

IMG20170803143221 5

Những cây to đã bị xe tải chở đi, những cây nhỏ sẽ bị tấp xuống đất. (Ảnh: Kim Thược)

"Nhanh lắm cô ạ. Chỉ dăm ba hôm là họ san phẳng một cánh rừng. Đoạn nào có đá cản họ dùng mìn để phá. Đoạn nào cao họ đào đất đến vài chục mét. Rừng đang xanh tốt bỗng chốc trở thành hoang tàn, xơ xác", mẹ Thôn phải thốt lên những lời từ tâm can.

Đi từ vườn cam vào đến đập nước đầu nguồn chừng 2 km. Đập nước bị đào sâu xuống khoảng 20 mét. Những ngọn đất cao vút, chỉ chờ nước lũ là vùi lấp đi tất cả. Vài tuần trước, người của công ty Đ. cho máy xúc lấp đập lại, ngăn nước không cho về bản. Nhờ có tin báo của ba người phụ nữ chăn trâu người dân mới kéo lên đòi khơi thông dòng chảy. Trồng cam thì phải có nước tưới, vì vậy đến mùa khô mới thấy nước đầu nguồn quan trọng với người dân Quy Hậu thế nào.

IMG20170803142400 4

Nước đầu nguồn bị ngăn lại để tưới cây cam của công ty Đ. (Ảnh: Kim Thược)

Chui xuống dưới đập nước, tôi nghe rõ nhịp tim đập thình thịch và tiếng thở dài của bố mẹ Thôn. Họ lấy tay múc từng vốc nước lên mặt và kể chuyện: "Nước ở đây lành và mát lắm. Người dân đi rừng chúng tôi khát có thể vục và uống luôn. Thế mà chẳng ai đau bụng bao giờ. Thế nhưng bây giờ nước chảy về dưới xuôi không ai dám uống. Họ mang theo thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, phân hóa học xuống cho người dân. Rồi chẳng bao lâu nữa, nước trên đầu nguồn này cũng bị đầu độc. Chẳng một ai dám múc nước rửa mặt như thế này nữa".

Lãnh đạo không nắm được xã có bao nhiêu ha rừng đầu nguồn

Sau khi đi thực tế cùng người dân ở rừng đầu nguồn, ngày hôm sau chúng tôi quay lại để làm việc với UBND xã. Hôm đó, từ Chủ tịch, Bí thư, đến Phó Bí thư xã Quy Hậu đều đi tập huấn công tác. Tiếp chúng tôi là ông Bùi Hồng Như - Phó Bí thư thường trực xã Quy Hậu.

3 9

Máy xúc được doanh nghiệp tư nhân đưa lên tàn phá rừng đầu nguồn. (Ảnh: Kim Thược) 

Theo ông Như, phần đất rừng mà người dân đang giữ không thuộc địa bàn quản lý của xã Quy Hậu mà thuộc xã Tây Phong, huyện Cao Phong. Bởi vậy, những vấn đề người dân đang bức xúc, UBND xã Quy Hậu không có thẩm quyền xử lý.

Khi PV hỏi về tổng diện tích đất rừng của Quy Hậu thì ông Như không nắm được. Mặc dù, ông Như đã từng là Chủ tịch UBND xã Quy Hậu trước khi làm Phó Bí thư thường trực. Tìm khắp UBND xã Quy Hậu cũng không có lấy một tấm bản đồ địa chính của xã. "Về con số thì bên cán bộ địa chính mới biết. Đồng chí cán bộ địa chính lại đang trong chế độ nghỉ thai sản nên không có mặt ở ủy ban", ông Như cho hay.

IMG20170804150639 7

Ông Bùi Hồng Như - Phó Bí thư thường trực xã Quy Hậu

"Chúng tôi chỉ là cơ quan cấp xã, không có thẩm quyền cấp phép khai thác hay chuyển mục đích sử dụng rừng đầu nguồn. Phải là cơ quan cấp huyện trở lên mới có quyền làm việc này. Tuy nhiên, khi nhận được phản ánh về tình trạng tàn phá rừng đầu nguồn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con nhân dân, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp huyện nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi", ông Phó Bí thư thường trực xã Quy Hậu nói.

Theo ông Như: "Rõ là biết hai công ty tư nhân kia làm sai nhưng không đủ thẩm quyền xử lý. Chúng tôi có gọi hai công ty lên làm việc nhưng họ cũng không thèm lên. Có lần lên, họ hứa xong đâu lại vào đấy".

Bởi vậy, ông Như thừa nhận chính quyền xã Quy Hậu không có tiếng nói và gần như bất lực trước tình trạng rừng đầu nguồn bị tàn phá nặng nề. Những phản ánh, bức xúc của về sai phạm của các công ty như phá rừng, ngăn nước, gây ô nhiễm môi trường cho người dân Quy Hậu đều đúng nhưng UBND xã chưa tìm được cách giải quyết. Những cách giữ rừng của người dân là tự phát và xuất phát từ chính những bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của họ.

Còn tiếp...

Bài 3: Ai cấp phép cho doanh nghiệp tư nhân tàn phá rừng đầu nguồn ở Hòa Bình?

Kim Thược Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn