Sập trường mầm non ở Mỹ Đình: Chuyên gia nêu những nghi vấn cốt tử

Thời sựThứ Ba, 26/09/2017 17:20:00 +07:00

Chuyên gia ngành xây dựng nêu những nghi vấn trong quá trình xây dựng khiến ngôi trường mầm non ở Mỹ Đình (Hà Nội) đổ sập.

Vụ sập trường mầm non đang thi công ở khu đô thị Mễ Trì (Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang gây xôn xao dư luận về chất lượng của những công trình xây dựng và trách nhiệm của các bên liên quan.

Liên quan đến sự cố nghiêm trọng trên, PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Tôn Thất Đại - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Định cư; Giảng viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

- Vụ việc trường mầm non Vườn Xanh đổ sập khi đang thi công xảy ra vào rạng sáng 25/9 khiến dư luận bàng hoàng. Dưới góc độ chuyên môn, ông có thể cho biết một công trình xây dựng bị sập đổ do những nguyên nhân nào?

Để xây dựng một công trình chủ yếu gồm 3 vấn đề: Thiết kế, nguyên vật liệu và thi công. Nếu một công trình có thiết kế chính xác, nguyên vật liệu đạt yêu cầu, thi công chuẩn sẽ không bao giờ xảy ra rủi ro. Nếu để xảy ra rủi ro, nhất là sập đổ thì do một trong các nguyên nhân trên.

Về vấn đề thiết kế, thường các kiến trúc sư thiết kế thì ít khi sai, nhất là bây giờ họ chỉ làm trên máy móc nên độ chính xác thường chuẩn 100%. Bởi vậy, theo tôi khả năng công trình này do thiết kế sai là không cao. Nếu nghi ngờ có thể xem lại bản thiết kế kết cấu đã tính đủ số thép, khối lượng bê tông đủ mác (khả năng chịu nén của mẫu bê tông - PV) hay chưa.

Thứ hai, cần xem xét vật liệu xây dựng đã đúng và đủ chất lượng hay chưa. Cát, xi măng, sắt thép... là loại nào, có chuẩn theo thiết kế hay không? Thí dụ, cát thi công bê tông ấy phải là cát vàng, loại cát tốt nhất. Nếu bây giờ anh thay cát vàng bằng cát sông Hồng là sai hoàn toàn, rất nguy hiểm. Xi măng cũng có mác cao, mác thấp. Những cái mác thấp ta làm cái đơn giản, rẻ tiền. Còn đã là bê tông cho một ngôi nhà phải có kết cấu đủ tốt. Nếu mác đã chuẩn thì chỉ còn nguyên nhân duy nhất là do thi công sai.

IMG_1319 8

Hiện trường tan hoang sau vụ sập trường mầm non đang thi công. (Ảnh: Kim Thược)

Trong xây dựng, thi công được đánh giá là khâu quan trọng nhất. Khi thực hiện nó phải đảm bảo giàn giáo đã đúng chuẩn chưa, biết đâu trong thi công người ta làm giàn giáo bị nghiêng đi thì rất dễ bị đổ. Nếu giàn giáo lắp đúng kỹ thuật thì xem đến vấn đề tháo giàn giáo đã đủ ngày chưa, mác bê tông ấy thường phải 28 ngày mới đạt yêu cầu.

Trường hợp người ta muốn cho bê tông đông nhanh để thi công nhanh hơn thì người ta cho thêm chất phụ gia vào.  Vì vậy, cần kiểm tra xem người ta có cho thêm chất phụ gia vào hay không, nó có đúng như trong sổ sách ghi lại hay không. Xem lại nhật ký thi công, tất cả các quá trình, từng chi tiết một sẽ nhìn ngay ra nguyên nhân.

- Nhiều ý kiến thiên về nguyên nhân do đơn vị thi công tháo dỡ giàn giáo sớm. Vậy chất phụ gia được phép sử dụng trong thi công xây dựng để rút ngắn thời gian tháo dỡ giàn giáo là thế nào?

Việc sử dụng chất phụ gia rất có lợi cho đơn vị thi công, vì thi công nhanh hơn thì người ta sẽ tiết kiệm được chi phí trả nhân công. Bình thường bê tông xây truyền thống 28 ngày mới được dỡ giàn giáo. Thế nhưng, cho chất phụ gia vào có thể giảm đi một nửa thời gian. Tất cả các chất phụ gia liều lượng như thế nào đã có công thức tính. Cái ấy quan trọng lắm. Anh dỡ sớm mà không tính toán thì không được.

Nếu đưa chất phụ gia ấy vào phải đưa theo đúng quy trình và có biên bản ghi chép lại. Từng ngày một, từng mẻ bê tông một, trước khi đổ phải có biên bản ghi chép rõ ràng, rồi đến từng cái dầm cũng phải ghi chép từng ngày. Cứ theo nhật ký ghi chép có thể lần ra được cái nào khiếm khuyết. 

- Cũng có một số người đưa ra dự đoán là do công trình bị "rút ruột", ăn bớt nguyên vật liệu. Sau khi xem qua hiện trường vụ việc, ông có thể đưa ra nhận định của mình về khả năng này?

IMG_1407

IMG_1407

Tôi thấy đội xây dựng này quá kém! May mắn là nó đổ sớm để xây lại, chờ đến khi đưa vào sử dụng mà xảy ra vấn đề thì hiểm họa khó lường.

PGS.TS Tôn Thất Đại

Trong thiết kế, những kiến trúc sư họ lấy yếu tố an toàn là quan trọng hàng đầu. Sau khi người ta tính toán xong, thậm chí, ở một số mục người còn cho thêm số lượng vật liệu vào. Đáng lẽ là 10 kg thép người ta sẽ cho vào 11 - 12 kg. Người ta làm thế là đúng.

Người ta có ý nghĩ là, trong quá trình tôi tính đúng an toàn như này, khi ông thi công lại sai sót, hoặc ăn bớt đi nên tôi tăng cường thêm chút. Có lẽ, cách này chỉ có ở Việt Nam vì vấn nạn ăn cắp, ăn trộm và "rút ruột" công trình.

Ở nước ta, tệ nạn rút ruột công trình người ta phát hiện ra nhiều rồi. Đã từng có công trình người ta thay sắt 10 bằng sắt 6. Thậm chí, có công trình từng bị phát hiện là đặt tre, gỗ bên trong để thay cho sắt thép.

Phải nói việc xảy ra ở trường mầm non Vườn Xanh là việc hy hữu và rất đáng tiếc, nó bêu xấu ngành xây dựng. Một cái nhà đang xây dở mà đổ sập thì ai tin vào cái đội xây dựng này được. Tôi thấy đội xây dựng này quá kém! May mắn là nó đổ sớm để xây lại, chờ đến khi đưa vào sử dụng mà xảy ra vấn đề thì hiểm họa khó lường.

Muốn tìm được việc người ta có "rút ruột" hay không thì xem chất lượng của bê tông. Xem lại mác của thép, số lượng thép đưa vào cột đó. Nếu đúng với thiết kế thì không phải do ăn bớt. Trong xây dựng có thiết bị súng bắn bê tông để đo độ cứng và chất lượng của nó. Bởi vậy, muốn tìm ra nguyên nhân cũng không phải là quá khó.

- Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm cho biết mới kiểm tra công trình này cách đây hơn một tháng, nhưng lại để xảy ra vụ việc này?

Các đơn vị thi công phải có cán bộ giám sát. Thực tế, thanh tra có 2 kiểu, một là cán bộ kỹ thuật của đơn vị thi công, hai là cán bộ cơ quan quản lý về xây dựng.

Đối với cán bộ kỹ thuật của công trình phải kiểm tra, túc trực thường xuyên ở công trường. Những cán bộ kỹ thuật này đều là kỹ sư xây dựng. Ví dụ, trước khi đổ một cái dầm to hay một mặt sàn bê tông người ta phải kiểm tra rất kĩ, sau đó kỹ thuật kí vào biên bản công nhân mới được phép đổ. Còn nếu không thấy đạt yêu cầu thì không được kí vào biên bản. Đương nhiên, nếu đã kiểm tra tất cả các khâu đều ổn thì khi xảy ra vấn đề, người làm kỹ thuật sẽ phải chịu trách nhiệm. 

Video: Hiện trường đổ nát sau vụ sập trường mầm non đang thi công ở Mỹ Đình

Đối với thanh tra của Nhà nước, đơn vị này có trách nhiệm thanh tra tất cả các mặt của công trình. Từ thiết kế, nguyên vật liệu đến quá trình thi công... Nếu phát hiện sai phạm có thể yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công dừng ngay việc xây dựng lại.

Thanh tra Nhà nước họ không đến thường xuyên nhưng sẽ kiểm tra những cái quan trọng nhất. Họ xem lại các văn bản, nhật ký xây dựng. Khi thanh tra phải xem từng hạng mục một, từng cái dầm, từng cái sàn... Phải xem xét kĩ mới cho công trình tiếp tục thi công.

Xin cảm ơn ông!

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn