PGS Văn Như Cương bức xúc ‘phụ huynh xô đổ cổng trường'

Giáo dụcThứ Hai, 14/05/2012 12:31:00 +07:00

(VTC News)- PGS Văn Như Cương cảm thấy rất bức xúc và khó chịu khi xem những hình ảnh “phụ huynh xô đổ cổng trường” mua đơn cho con vào lớp 1.

(VTC News)- PGS Văn Như Cương cảm thấy rất bức xúc và khó chịu khi xem những hình ảnh “phụ huynh xô đổ cổng trường” mua đơn cho con vào lớp 1 trong những ngày vừa qua.

Xung quanh câu chuyện người dân Thủ đô chen lấn, xô đẩy, thậm chí  là đạp đổ cổng trường để tranh vào mua đơn cho con vào lớp 1 đang xôn xao trên các phương tiện truyền thông, PV VTC News đã ghi lại những chia sẻ của PGS.TS Văn Như Cương (hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh) về sự việc.

PGS Văn Như Cương cảm thấy rất bức xúc khi chứng kiến những hình ảnh này của các bậc phụ huynh  


- Thưa PGS, ông có cảm xúc gì khi xem được những hình ảnh phụ huynh Thủ đô đội mưa xếp hàng cả đêm, đạp đổ cổng trường để mua đơn cho con vào trường Thực nghiệm?

PGS Văn Như Cương:
Khi xem những hình ảnh đó, bản thân tôi cảm thấy rất bức xúc và khó chịu. Điều đó thể hiện văn hóa xếp hàng của người Việt rất kém và cực kỳ kém.

Phụ huynh của chúng ta đã quên đi văn hóa xếp hàng rồi. Lại có chuyện xô đổ cửa để vào trường thì quả là vô lý quá.

Ngày xưa, tôi nhớ thời bao cấp khi mỗi lần đi mua gạo là phải xếp hàng rồng rắn, ai đến trước thì đứng trước, ai đến sau thì đứng sau nhưng rất trật tự không có chuyện cãi cọ, tranh giành chỗ. Văn hóa xếp hàng thì không thể không có dù ở bất kỳ thời nào.

- Nhân câu chuyện này, PGS có liên tưởng đến điều gì cũng đang bức xúc trong xã hội hiện nay?

PGS Văn Như Cương: Nói đến đây, tôi lại liên tưởng đến văn hóa giao thông ở nước ta. Khi đến ngã ba, ngã tư thì những người đi sau luôn cố gắng làm sao để chen ngang, vượt lên người đi trước mà không có sự xếp hàng một cách nghiêm chỉnh.

Nếu chúng ta cứ xếp thành hàng thì sẽ không bao giờ có chuyện tắc đường xảy ra. Khi đó chỉ có hiện tượng ùn đường chứ không thể tắc. Khi đường bị ùn lại, có thể lên tới hàng cây số nhưng chúng ta vẫn có thể đi về được nhà nếu kiên nhẫn chờ đợi. Trong khi đó, nếu tắc đường thì có hàng tiếng vẫn không thể về tới nhà.

- Thưa ông, đối với trường hợp phụ huynh xếp hàng mua đơn vào trường Thực nghiệm  như vừa qua có phải là một hiện tượng bất thường?


PGS Văn Như Cương: Tôi nghĩ đây không phải là một hiện tượng bất thường bởi tâm lý của các bậc phụ huynh bao giờ cũng muốn con em mình được học trong một môi trường chất lượng cao nhưng lại phải là giá thành thấp nhất.

Tôi cũng được biết, mô hình trường Thực nghiệm do GS Hồ Ngọc Đại đề xướng với quan điểm là lấy học trò làm trung tâm.

Ở trường Thực nghiệm, học sinh được học bằng phương pháp mới, học chương trình khác so với bình thường và nhiều năm nay được dư luận đánh giá cao. Tôi nghĩ rằng với chất lượng tốt, giá lại rẻ thì bất kỳ phụ huynh nào cũng muốn cho con vào học tại trường Thực nghiệm.
PGS Văn Như Cương (Ảnh: Phạm Thịnh) 

- Phải chăng các phụ huynh đang chịu ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông thưa ông trong sự việc này?


PGS Văn Như Cương: Trong sự vực việc này cũng có một phần là do tâm lý đám đông chi phối. Do nhiều người đồn nhau rằng trường này tốt, trường kia giỏi nên đã có không ít phụ huynh tìm hiểu sự việc chưa thấu đáo nhưng cứ muốn cho con mình phải vào được ngôi trường đó.

Hiện tượng này cũng tương tự như việc đổ xô cho con vào các trường Quốc tế hoặc cứ gán mác quốc tế thì phụ huynh mới cho con vào học. Nhiều phụ huynh không hiểu rằng trường quốc tế cũng có năm bảy loại, có trường chất lượng tốt, có trường không tốt.

Tâm lý đám đông còn được thể hiện ở chỗ nhiều phụ huynh khi nghe bạn bè khoe rằng tôi có con học trường Thực nghiệm, trường Ams… thì cũng quyết tâm phải cho được con mình vào đó bằng bất cứ giá nào để có thể “ra oai” với bạn bè.

- Ngoài một số lý do đã nêu trên, ông có cho rằng trách nhiệm cũng thuộc về nhà trường khi để xảy ra tình trạng hỗn loạn như vừa qua?

PGS Văn Như Cương: Tôi thấy hơi khó hiểu khi nhà trường lấy 140 chỉ tiêu mà chỉ bán có 200 hồ sơ. Chính điều đó đã khiến cho nhiều phụ huynh phải chen lấn xô đẩy, giành giật để có được hồ sơ trong tay.

Về nguyên tắc thì hễ ai muốn đăng ký mua hồ sơ thì đều có quyền được mua. Ai muốn thi thì thi chứ. Sao phát đơn lại phải hạn chế số lượng?

- Có ý kiến cho rằng, nếu không hạn chế số lượng đơn phát ra thì công tác tuyển sinh của nhà trường sẽ phải kéo dài ra rất nhiều. Ông có thấy rằng đây là nguyên nhân của việc nhà trường phát ít đơn?

PGS Văn Như Cương:
Dù mất nhiều thời gian thì nhà trường cũng phải làm. Vì nếu chỉ có tuyển chọn trong 200 em học sinh mua được hồ sơ thì rất có thể nhà trường sẽ bỏ qua những em có thể chất, và tâm lý tốt cho các hoạt động học tập và nghiên cứu của nhà trường.

- PGS nghĩ gì khi trả lời báo chí thì đại bộ phận phụ huynh đều cho rằng mong muốn cho con vào học trường Thực nghiệm vì môi trường giáo dục ở đây không tạo ra áp lực về thành tích cho học sinh?
Những cảnh tượng như thế này liệu năm sau có còn tái diễn 

PGS Văn Như Cương: Nếu phụ huynh nghĩ được như vậy thì tôi cảm thấy rất vui mừng và hoanh nghênh. Nếu các anh chị nghĩ được như vậy thì tốt quá vì sẽ không có chỗ cho căn bệnh thành tích xuất hiện.

Nhưng tôi e rằng, khi các em lên học cấp 2, cấp 3 vì áp lực phải vào trường chuyên, áp lực phải đỗ vào đại học sẽ  khiến cho suy nghĩ của các phụ huynh thay đổi.

Thực tế đã chỉ ra rằng có rất nhiều học sinh trường Thực nghiệm cũng phải ra ngoài học thêm để có thể thi đỗ vào trường chuyên, thi đỗ vào đại học.

- Theo quan điểm của ông, sau sự việc vừa xảy ra tại trường Thực nghiệm, những nhà quản lý sẽ phải rút ra bài học gì để hình ảnh “Phụ huynh xô đổ cổng trường” sẽ không còn tái diễn?

PGS Văn Như Cương:
Qua sự việc “Phụ huynh xô đổ cổng trường” vừa qua tại trường Thực nghiệm thì chúng ta càng thấy rằng khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường còn cách xa nhau quá. Vì vậy, rõ ràng là các phụ huynh sẽ đổ xô cho con em học vào môi trường tốt nhất.

Những nhà quản lý giáo dục cần phải biết điều đó để có những biện pháp thích hợp rút ngắn khoảng cách về chất lượng giữa các trường.

Tôi cũng băn khoăn cho rằng nếu mô hình trường Thực nghiệm là tốt thì tại sao chúng ta không nhân rộng ra thêm khoảng 2, 3 cơ sở khác. Các cơ sở này được đặt cách xa nhau, thậm chí là có cả ở các vùng ngoại thành. Đã là mô hình của trường công lập thì không khó để có thể nhân rộng ra.

Tại sao sau 30 năm thực hiện mô hình này, các cơ quan quản lý vẫn chưa có ý kiến kết luận gì?

Xin cảm ơn PGS!
Ngày thứ 2 mua hồ sơ vào lớp 1: Vẫn trắng đêm, hỗn loạn


Phạm Thịnh( lược ghi)


Bình luận
vtcnews.vn