Pet Café: Điểm hẹn "độc" nhất Hà Thành

Tổng hợpThứ Bảy, 04/12/2010 02:18:00 +07:00

Bạn đã bao giờ ngồi uống cafe bên cạnh một con nhện to đùng, toàn lông lá, bò đi bò lại sát bên người hoặc một con kỳ đà đầy gai nằm lim dim trên đùi?

HTML clipboard

Bạn đã bao giờ ngồi uống cafe bên cạnh một con nhện to đùng, toàn lông lá, bò đi bò lại sát bên người hoặc một con kỳ đà đầy gai nằm lim dim trên đùi? Ở Hà Nội có một địa chỉ như thế. Và theo lời gã chủ quán, tất cả nhằm giúp bạn cảm thấy gần gũi và hiểu hơn về thiên nhiên hoang dã.

Từ sợ hãi, ngỡ ngàng đến… thích thú

Mặc dù đã nghe kể nhưng trước khi đến thăm Pet Cafe vào một buổi chiều cuối thu, tôi vẫn không hình dung được tất cả những gì sẽ nghe và chứng kiến. Tất cả những điều đó khiến tôi đi từ bỡ ngỡ đến thích thú. Pet trông khá gần gũi thiên nhiên với giấy dán tường màu vân gỗ, những chiếc bàn đá, và hai bên tường là những ô kính với những rắn, trăn, nhện, kỳ đà, kỳ nhông, rồng xanh... đang phơi mình dưới ánh sáng của những chiếc đèn.

 

Khi chúng tôi đến, một chú rồng xanh lưng đầy gai đang tí toáy nghịch gạt tàn thuốc lá trên bàn không cần biết tới mọi người xung quanh. Một chú kì đà có bộ da rất đẹp và chiếc bụng to đang lục tục bò nghênh ngang trên sàn nhà. Nghĩa- tên gã chủ quán lãng tử, dáng người mảnh khảnh có râu quai nón và món tóc dài buộc gọn ra sau đang hướng dẫn nhân viên chăm sóc nó. "Nó đang bị chướng bụng", Nghĩa giải thích với chúng tôi như vậy và chuẩn bị một chiếc xi lanh với một gói men tiêu hóa. Nghĩa bảo, thi thoảng chúng lại bị như vậy và việc chữa trị cũng khá đơn giản.

Bình thường, những chú bò sát này luôn được trông chừng trong những chiếc tủ kính kín vì sợ khi đông khách thăm nom, chúng sẽ dễ bị... stress. Tuy nhiên, khi vắng, chúng được thả ra để du hý loanh quanh, ra ngoài trời tắm nắng hoặc được thả vào những chậu nước ấm vẫy vùng thỏa thuê như trẻ con đến khi chán thì thôi. Chúng khá sạch sẽ và thích hơi ấm, vì vậy, khi chúng tôi vừa an tọa trên chiếc đệm ngồi, chú kỳ đà đang bị chướng bụng kia, lập tức mon men đến gần, trèo lên đùi tôi và khi được vuốt ve, chú ta lim dim ra chiều rất thỏa mãn.

Nghĩa chủ quán cho biết, những con bò sát này đều khá hiền lành, trông có vẻ nặng nề, chậm chạp thế thôi nhưng khi chúng bắt chuột thì có trời mới đuổi theo kịp. Hoặc khi hứng chí, chúng chơi trò "ú tim" thì đừng hy vọng tìm được. Nghĩa cho biết, hắn là một thành viên trong diễn đàn aquapet.com.vn, nơi tụ họp của những người yêu động vật trong đó có bò sát. Trên diễn đàn này, các thành viên thích chơi động vật lạ, và các loài bò sát, tụ họp thành nhóm thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong việc tìm mua, chăm sóc, thuần hóa các loài động vật hoang dã. Những con vật này ở nước ngoài khá phổ biến nhưng lại hiếm ở Việt Nam. Không có nhiều người Việt Nam am hiểu về động vật hoang dã và tiếp xúc, bế bồng chúng thì lại càng không có. Việc nuôi các loài bò sát làm cảnh chỉ mới thành phong trào một vài năm gần đây trong giới trẻ.

Trong quán của Nghĩa hiện có khoảng 17 con bao gồm các loài, rắn, nhện, rồng xanh, rồng đỏ, kỳ đà, kỳ nhông... Do không gian quán hạn chế, nên gã chỉ trưng bày những loại đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất và cũng đẹp nhất để khách có cơ hội tham quan, tìm hiểu. Hắn bảo, ở nhà gã còn gần chục con nữa như vậy. Thời kỳ hắn nuôi nhiều nhất, rắn, trăn, kỳ đà, kỳ nhông... bò lổm ngổm khắp nhà, phải "vén" chúng sang một bên lấy đường mà đi. Hắn cười khùng khục bảo, có lần bạn đến nhà chơi "ghé thăm" toilet gặp một bạn rắn loe ngoe trong đó sợ đến hồn siêu phách lạc chạy ra ngoài quên cả... kéo quần.

Hầu hết các loài bò sát mà Nghĩa nuôi và trưng bày ở quán đều được nhập từ nước ngoài, chủ yếu nhập từ Nam Mỹ, Mexico, Lào, ..vv. Điển hình như con Savana, được gọi là Rồng Nam Mỹ, là con rồng xanh đẹp nhất quán với bộ gai mọc đều tăm tắp trên lưng, bộ da xanh cùng với cái mang đặc trưng của loài rồng, là một trong những con vật Nghĩa tâm đắc nhất. Yêu thương những con vật của mình, Nghĩa từng có ý nghĩ điên khùng rằng sẽ thiết kế căn nhà nơi có khu vực dành riêng cho rắn; có khu vực bố trí gỗ, đá và cát dành cho các con vật có nguồn gốc từ sa mạc; nhện có thể giăng tơ trên những cành cây trong không gian riêng của mình... để khách có thể đến tham quan. Nhưng có vẻ như thế quá "rùng rợn" cho những ai yếu tim. Vì vậy, Pet cafe ra đời với mong muốn có thể khiến nhiều người yêu, hiểu và có ý thức bảo vệ động vật hoang dã với cảm giác thân thiện nhất có thể. Ở Việt Nam, đây không phải là quán cafe đầu tiên có trưng bày các loài động vật kiểu như thế này, tuy nhiên trong khi một số quán cafe trong Sài Gòn có khu vườn riêng để nuôi động vật thì Petcafe là quán đầu tiên khách uống cafe có thể ngồi ngay bên cạnh, tiếp xúc với các loài bò sát gần gũi đến thế.

Petcafe tuy mới mở cửa được một tuần nhưng đã thu hút nhiều khách đến đây từ người già, thanh niên đến trẻ nhỏ. Nhiều phụ huynh đưa con đến tham quan với mong muốn "trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ", bọn trẻ cảm thấy rất thích thú khi được tận mắt quan sát những con vật mà trước nay chúng chỉ được xem trên sách báo. Ban đầu, ai đến đây cũng đều sợ sệt nhưng sau đó là thích thú. Thậm chí có những cô bé thích đến mức cứ ôm khư khư con kỳ đà, không chịu thả nó vào chuồng cho đến khi chủ quán phải ra "nài nỉ" xin lại.

 

Nghĩa nói, mục đích mở quán Petcafe là muốn chia sẻ niềm đam mê, đồng thời đây là cách tốt nhất để hiểu thêm về các loài bò sát. Khi người ta có cơ hội tiếp xúc với kỳ đà, rồng, rắn, thậm chí có thể bế chúng trên tay thì suy nghĩ của chúng ta về các loài vật sẽ thay đổi.

Chơi cũng phải có đẳng cấp…

Tiếp xúc với Nghĩa, tôi cảm nhận được niềm đam mê và yêu thích các loài động vật trong con người gã. Tất cả ở gã, toát lên cái vẻ quái quái, khác người, nhưng cũng rất trí thức. Nghĩa nói: "Có lẽ tính tớ thích những thứ lạ, những thứ mà người khác không có, nên động vật nuôi cũng phải lạ". Nghĩa đam mê các loài bò sát từ nhỏ, khi còn bé Nghĩa đã thích bắt thằn lằn, bắt rắn, quan sát và tìm hiểu các loài rắn có nhiều ở nông thôn như rắn cạp nong, rắn cạp nia. Lớn lên khi được đi nhiều nơi, Nghĩa mới có cơ hội để tìm mua, và tự đi lùng bắt các con vật mà gã yêu thích.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng Nghĩa không ngại lang thang khắp các nẻo núi rừng để thỏa chí phiêu bạt, cũng là để đi tìm kiếm những con vật mà Nghĩa thích. Gã đã từng lang thang sang Lào, Campuchia, Thái lan, leo trèo như Tarzan thứ thiệt để tìm những con thằn lằn, kỳ nhông kỳ đà. Các chuyến xe sang Lào thường dừng ở biên giới để nghỉ ngơi, một lần trong khi hành khách ngồi nghỉ sau chuyến đi dài, thì gã lang thang vào rừng, và phát hiện ra một con kỳ đà ở trên cây. Thế là bất chấp tất cả gã lao lên cây, đuổi theo bắt bằng được con kỳ đà đó. Kết quả là gã ôm kỳ đà quay ra xe với bộ dạng tả tơi, quần áo bị gai kỳ đà quất rách hết, khắp người máu me lấm tấm, nhưng tâm trạng rất hả hê. Đối với Nghĩa việc tìm mua, hay tìm bắt càng khó khăn bao nhiêu thì khi bắt được, mang về nuôi càng thích thú, càng đáng quý bấy nhiêu. Số lần sẵn sàng leo lên cây, vào rừng, vào bụi để bắt động vật với hắn không phải là ít. Mỗi khi có dịp đi Lào, hay Campuchia, gã luôn là người đầu tiên xuống xe và lên xe sau cùng khi xe tiếp tục khởi hành.

Bắt đã khó nhưng để nuôi và thuần hóa được giống động vật hoang dã này còn khó gấp trăm lần, nó đòi hỏi phải có kiến thức, sự kiên trì, và tình yêu với động vật. Chẳng thế mà hầu hết các con vật trong quán của Nghĩa đều do Nghĩa tự tay chăm sóc, tắm rửa. Để thuần hóa được một con rồng hay một con kỳ đà, Nghĩa phải nuôi chúng từ bé, thường xuyên vuốt ve, cho ăn, huấn luyện chúng đi tắm, đi vệ sinh. Có những con kỳ đà, Nghĩa nuôi từ khi còn bé bằng đốt ngón tay, vậy mà hiện giờ đã nặng hơn 3kg, dài 60cm.

Nuôi chó mèo đã cần sự quan tâm, nuôi tắc kỳ, kỳ đà, rắn nhện lại càng cần cầu kỳ hơn. Để có kiến thức nuôi, thuần hóa chăm sóc các con vật, ngoài việc tham khảo kinh nghiệm đi trước của các anh em trong hội, Nghĩa phải lên mạng tìm đọc các bài viết của những người chơi ở nước ngoài. Do Việt Nam chưa có nhiều người quan tâm đến việc nuôi các loài bò sát nên tài liệu hầu hết bằng tiếng nước ngoài. Để thuần hóa được con vật, Nghĩa phải tìm hiểu rõ về giống, loài, chi, và từng tập tính, phân bố địa lý, đặc điểm môi trường sống, thói quen sinh hoạt của từng loài. Rồi mỗi con vật có một tính cách riêng, càng nuôi lâu càng hiểu chúng, càng biết cách chăm sóc chúng và càng gắn bó với chúng hơn.

Hồi mới chơi, do non kinh nghiệm, Nghĩa cũng phải trả giá vài lần, các con vật Nghĩa nuôi bị ốm hoặc nuôi không đúng điều kiện tự nhiên nên chết. Mỗi lần như vậy Nghĩa đều rất tiếc và có thêm được những bài học xương máu. Đến bây giờ, Nghĩa khẳng định chỉ cần nhìn vào mắt, là đoán được tâm trạng hoặc biết chúng có bệnh hay không. Các loài bò sát cũng như chó mèo, đôi khi cũng ốm vặt, hắt hơi sổ mũi. Mỗi khi như chúng ốm Nghĩa lại chạy quanh anh em trong hội tìm hiểu và hỏi cách chữa. Lâu dần cũng biết hết bệnh của chúng và tự làm bác sỹ được.

Việc tìm thức ăn cho các loài bò sát không khó, một số con ăn rau, một số con ăn thịt bò, thịt lợn băm nhỏ, một số khác ăn sâu, bọ, dế..vv. Thông thường chúng ăn ba bữa một tuần. Mỗi tuần chúng được gã tắm cho mỗi con 2 lần. Gã nói, nuôi 20 con, nếu loanh quanh tắm rửa, cho ăn cũng đủ mệt.

Ngoài ra, để các con vật sống khỏe, cần phải trang bị cho chúng môi trường giống với tự nhiên nhất. Thông thường các con kỳ đà Nam Mỹ sống ở sa mạc, có khí hậu rất nóng với ánh mặt trời quanh năm, khi về Việt Nam, khi hậu ẩm, và có 4 mùa nên nếu không chăm sóc kỹ thì tất cả sẽ ốm. Nghĩa phải tìm mua đèn sưởi, và đèn chiếu sáng từ nước ngoài. Ngay cả đèn cho các loài bò sát cũng có tiêu chuẩn riêng. Có loại đèn chiếu chỉ để sưởi ấm giúp tiêu hóa thức ăn, có loại đèn lại để chúng tổng hợp vitamin tốt hơn.

Thú chơi này ngoài việc tiêu tốn của Nghĩa thời gian và công sức, nó cũng khiến gã mất kha khá tiền vào việc tìm mua các con vật, bởi hầu hết chúng đều có nguồn gốc từ nước ngoài. Chưa kể đến tiền mua thiết bị, tiền nuôi, và tiền thuốc khi chúng ốm. Trung bình một con kỳ đà nhỏ có giá khoảng 10 triệu, tùy giống, tùy kích thước mà giá cả có thể đắt hơn hoặc rẻ hơn. Các đèn sưởi cũng phải nhập từ nước ngoài với giá gần 1 triệu đồng một chiếc. "Đã trót đam mê rồi thì phải chấp nhận", gã cười hiền ngắm nghía một chú kỳ đà lười nhác đang nằm sưởi trong bể kính.

Có lẽ với giới trẻ bây giờ, không quá khó khăn để đầu tư 10 triệu để mua lấy một chú kỳ đà về nuôi. Nhưng Nghĩa khuyên, nếu thực sự yêu và có khả năng, điều kiện chăm sóc chúng thì hãy nuôi bởi nếu chỉ để nuôi cho "khác người" có nghĩa là bạn đã vô tình làm hại những chú bò sát vô tội. Nghĩa giải thích rằng, việc hắn mở Pet Cafe là để có thêm nhiều người hiểu biết về thiên nhiên hoang dã chứ hoàn toàn không khuyến khích phong trào nuôi bò sát.

Ngọc Tuấn

Bình luận
vtcnews.vn