Parkson Keangnam đóng cửa, doanh nghiệp Việt mừng hay lo?

Kinh tếThứ Ba, 13/01/2015 11:30:00 +07:00

Parkson Keangnam đóng cửa là chuyện bình thường, điều đáng lo là việc nhiều nhà phân phối ngoại "tấn công" vào phân khúc bình dân, sẽ khó cho doanh nghiệp Việt

(VTC News) - Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Parkson Keangnam đóng cửa là chuyện bình thường, điều đáng lo là việc nhiều nhà phân phối ngoại "tấn công" vào phân khúc bình dân, sẽ khó cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm “Làm ăn gì năm 2015?”, trả lời câu hỏi "Parkson Keangnam đóng cửa đột ngột, đây có phải việc đáng báo động đối với ngành bán lẻ Việt Nam, đặc biệt phân khúc cao cấp không?", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc Parkson Keangnam đóng cửa trước hết là do cơ sở đó không tạo nên lợi nhuận như họ kì vọng.

Parkson còn có những cơ sở kinh doanh khác ở TP.HCM và Hà Nội và họ không bỏ thị trường Việt Nam mà chỉ điều chỉnh kinh doanh của họ, đặc biệt trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang hình thành.

Parkson keangnam đóng cửa, doanh nghiệp Việt mừng hay lo?
Parkson keangnam đóng cửa, doanh nghiệp Việt mừng hay lo? 
Đối với các sản phẩm cao cấp, chắc chắn các trung tâm thương mại ở Việt Nam phải tính đến sự cạnh tranh của các trung tâm thương mại ở các nước khác trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Hongkong, Hàn Quốc, Nhật Bản... nơi giới giàu có dễ dàng đến để mua hàng cao cấp, hoặc những nhà phân phối từ các nước này vào Việt Nam cạnh tranh với họ.


"Tuy nhiên, tôi lo nhiều hơn trước việc nhiều nhà phân phối từ các nước ASEAN và Hàn Quốc, Nhật Bản... đang thâm nhập thị trường Việt Nam nhằm vào phân khúc các sản phẩm dành cho giới thu nhập trung bình hoặc hàng bình dân", bà Lan nhận định.

Khi đó cả các doanh nghiệp phân phối lẫn các nhà sản xuất Việt Nam sẽ phải đương đầu với sự cạnh tranh hết sức khốc liệt, và những khó khăn của họ có thể sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế và công ăn việc làm của chúng ta.

Nhận định về vấn đề này, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cũng cho rằng việc đóng cửa Parskon Landmark là diễn biến hoạt động kinh doanh bình thường, không chỉ ở Việt Nam. Trung tâm mua sắm hoạt động không tốt sẽ phải đóng cửa hoặc cải tạo lại, trong khi thị trường vẫn đón các thương hiệu mới hay các trung tâm khác mở rộng kinh doanh.

Thống kê mới nhất do CBRE vừa công bố cho thấy, Hà Nội hiện có 18 trung tâm thương mại, 3 trung tâm thương mại tổng hợp và 8 sảnh bán lẻ. Tổng nguồn cung mặt bằng lên tới 625.000 m2. Riêng 2014 đã có 5 dự án gia nhập thị trường cung cấp thêm khoảng 55.000 m2 diện tích cho thuê.

So với các nước trong khu vực, số trung tâm mua sắm tại Hà Nội vẫn còn quá ít ỏi, tuy nhiên về mức độ hấp dẫn người tiêu dùng cũng như doanh thu lại rất khiêm tốn. Nhiều gian hàng cả ngày không có một bóng người vào tham quan mua sắm, có gian treo biển giảm giá hơn 50%, hay nhiều gian hàng phải đóng cửa vì ế ẩm... là những gì đang tồn tại ở các trung tâm thương mại cao cấp tại Hà Nội.

Doanh thu èo uột trong khi đó giá thuê mặt bằng bán lẻ ở các TTTM cao cấp lại cao ngất ngưởng. Theo báo cáo mới nhất của CBRE, giá thuê mặt bằng bán lẻ năm 2014 dù giảm bình quân tới 15,5% tại khu vực trung tâm và 10,4% tại khu vực ngoài trung tâm so với năm 2013, nhưng vẫn khá cao bình quân khoảng 85 USD/m2/tháng ở khu trung tâm, và khoảng 60 USD/m2/tháng đối với các TTTM tổng hợp, khu sảnh bán lẻ và TTTM dao động từ 30-50 USD/m2/tháng ở ngoài trung tâm.

CBRE dự báo, từ năm 2015 sân chơi bán lẻ sẽ cạnh tranh bình đẳng hơn giữa công ty trong nước và nước ngoài khi đầu 2015 theo cam kết WTO, Việt Nam phải cho các công ty 100% vốn nước ngoài kinh doanh 110/115 ngành hàng mà không phải kiểm tra ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế), được cho là rào cản đối với các công ty nước ngoài.

Thị trường đang có sự cạnh tranh mạnh và có nhiều tên tuổi các nhà phân phối gia nhập thị trường phân phối hàng xa xỉ, đồ hiệu khiến cho sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Các trung tâm mua sắm không còn cách nào khác là phải tự thay đổi để thích nghi.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn