Ông Tây canh giữ đàn voọc ở Hòn Hèo: 'Bó tay, tôi mệt lắm rồi!'

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 25/09/2015 04:23:00 +07:00

Từ một lần tình cờ bắt gặp đàn voọc chà vá chân đen rong chơi trên sườn núi Hòn Hèo, Sylvio trở thành “người giám hộ” cho đàn voọc như một cơ duyên.

Sylvio Lamarche, một người Canada trót phải lòng nét hoang sơ của núi cao, biển rộng Khánh Hòa, quyết định ở lại Việt Nam làm du lịch. Từ một lần tình cờ bắt gặp đàn voọc chà vá chân đen rong chơi trên sườn núi Hòn Hèo, Sylvio trở thành “người giám hộ” cho đàn voọc như một cơ duyên.


Cũng chỉ từ khi Sylvio lên tiếng, chính quyền địa phương mới chú ý đến loài voọc này và giới bảo vệ động vật cũng nhanh chóng vào cuộc. Nhưng đó là lúc bắt đầu những nhùng nhằng giữa các bên, chủ trương lập khu bảo tồn sau đó bị rơi vào lãng quên…Đàn voọc chà vá chân đen liệu có an toàn, ai sẽ cứu?

“Người giám hộ” cho đàn voọc

Chúng tôi đến làng Ninh Tịnh, xã Ninh Phước gặp Sylvio Lamarche. Câu chuyện voọc chà vá ở Hòn Hèo đã gắn liền với tên ông, người dân làng Ninh Tịnh vẫn gọi vui Sylvio là ông Tây “kiểm lâm”. Chị Phạm Thị Phương Thoa, 34 tuổi, bán hàng tạp hóa dưới chân núi nhớ lại: “Mười mấy tuổi, tôi thường theo các anh chị em chăn bò trên núi, thi thoảng thấy voọc đằng xa, chúng có vẻ nhút nhát khi thấy con người. Nhiều năm nay tôi không còn thấy nữa, có lẽ chúng đã trốn vào rừng sâu. Mười mấy năm trước, ở Hòn Hèo rộ lên chuyện săn bắn voọc chà vá. Ban đầu người ở nơi khác đến săn, sau đó, một số người địa phương cũng đi bắt vọc để bán lấy tiền”.

Ông Nguyễn Văn Quang, người quản lý của Jungle Beach – khu du lịch sinh thái của ông Sylvio Lamarche, lục ra cuốn album hình ảnh Sylvio chụp đàn voọc nhiều năm trước. Cuốn album bám bụi với những hình ảnh ố màu thời gian. “Tôi giúp Sylvio lập khu du lịch từ 2001. Sống dưới chân núi, Sylvio tận mắt chứng kiến cảnh đốt rừng lấy than, ông rất đau lòng.

Sylvio Lamarche: bó tay!.
Sylvio Lamarche: "bó tay"!. 

Nhiều lần bắt gặp người dân bắt cu li nhỏ, gà lôi, Sylvio mua lại rồi thả chúng vào rừng”, ông Quang kể. Năm 2007, Sylvio cùng một du khách chụp hình ảnh đàn voọc, gửi cho tiến sỹ Tilo Nadler, chuyên gia Hội động vật Frankfurt (Đức), Giám đốc trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương. Nhận tin, Tilo Nadler lập tức bay vào tìm cách tiếp cận, lấy mẫu phân loài voọc.

Kết quả phân tích ADN từ Đức xác định đây là voọc chà vá chân đen, có tên trong sách đỏ Việt Nam ở mức nguy cấp. Các chuyên gia nhận định, sự độc đáo của đàn voọc ở Hòn Hèo ở chỗ chúng sống tách biệt với những giống vọc khác ở Nam Trường Sơn nên không bị lai tạp, nhiều khả năng thuần chủng tuyệt đối.

Sylvio được gọi là ông Tây “kiểm lâm” từ đó. Khu du lịch Jungle Beach trở thành nơi giới bảo vệ động vật và các đoàn làm phim lui tới trong những năm 2007-2012. “Nếu anh đến đây mấy năm trước, chúng tôi có 3 kính viễn vọng để quan sát đàn voọc. Bây giờ voọc trốn vào rừng sâu nên không thể thể nào thấy nữa, kể cả qua kính. Ba cái kính viễn vọng bị hư cách đây 3 năm, nhưng chúng tôi cũng không sửa, dẹp rồi”, ông Quang xót xa. Lòng nhiệt huyết của Sylvio, của Tilo Nadler đã bị bào mòn sau những nguyện vọng không được hồi đáp.

"Bó tay! Tôi mệt lắm rồi!"

Sylvio bước đến từ phía bãi biển, khuôn mặt không biểu lộ một cảm xúc gì rõ rệt khi chúng tôi hỏi về voọc. Ông từ tốn kể lại những thăng trầm xảy ra 8 năm qua rồi bất ngờ bật lên tiếng “bó tay” bằng tiếng Việt, đầy bất lực. Ông nhìn về bãi biển trước mặt, chỉ tay vào những con tàu đang nằm bờ: “Hãy nghĩ về cách con người khai thác thiên nhiên. Chúng ta đánh cá quá nhiều, giờ không còn cá nữa. Tàu ra khơi chuyến nào cũng lỗ”. Sylvio mở Iphone, bật từ điển, màn hình hiện lên chữ “thừa kế”.

Ông trải lòng: "Chúng ta phá đi, con cháu sẽ còn lại gì? Tôi chỉ muốn thế hệ sau sẽ được sống cùng thiên nhiên, có cá, có chim, có voọc. Hãy tưởng tượng, mấy chục năm nữa, con của bạn chỉ vào sách giáo khoa và hỏi con voọc này ở đâu? Bạn sẽ trả lời sao? Báo chí gọi tôi là một người bảo tồn. Tôi không phải là người bảo tồn, tôi chỉ lên tiếng để bảo vệ thiên nhiên. Nếu muốn hiểu voọc quý hiếm thế nào, tôi có số của Cúc Phương. Nếu họ đến đây nghiên cứu, bảo tồn, tôi sẵn sàng cho họ tá túc miễn phí ở Jungle Beach. Nhưng giờ tôi mệt mỏi lắm rồi”.

Voọc chà vá chân đen ở Hòn Hèo. Ảnh: Sylvio Lamarche
Voọc chà vá chân đen ở Hòn Hèo. Ảnh: Sylvio Lamarche  

Giữa năm 2007, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp đã vào Khánh Hòa khảo sát đàn voọc chà vá chân đen rừng Hòn Hèo ở ba xã Ninh Phú, Ninh Phước, Ninh Vân. Kết qủa sơ bộ là có 100-110 cá thể, nhưng theo Sylvio, đàn voọc ở thời điểm này có thể lên đến 300 cá thể và cần được khảo sát chi tiết hơn. Sau thời điểm này,việc săn bắt voọc trái phép vẫn diễn ra.

Một thống kê của Chi cục kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa từ năm 2009 đến 2011 cho biết, có 6 vụ vận chuyển, săn bắn, giết hại trái phép voọc chà vá chân đen làm chết 13 cá thể xâm hại nhiều cá thể khác. “Voọc vẫn bị xâm hại, hai năm gần đây tôi không còn nghe thấy tiếng súng nữa. Nhưng khi vào rừng tôi thấy họ đặt rất nhiều cái bẫy. Tôi nói với các ông ấy là voọc chết rồi. Họ trả lời là voọc vẫn còn mà. Tôi nói, nếu không bảo tồn thì voọc sẽ chết”, Sylvio giọng trách móc.

Từ năm 2010, sau chủ trương lập khu bảo tồn của Bộ NN&PTTNT, Viện điều tra quy hoạch rừng, Vườn quốc gia Cúc Phương mà người bỏ nhiều công sức là tiến sỹ Tilo Nadler đã nhiều lần vào Khánh Hòa làm việc với tỉnh để xúc tiến lập khu bảo tồn. Sylvio Lamarche và Tilo Nadler đã gửi thư đến UBND tỉnh Khánh Hòa, và sau nhiều nhùng nhằng họ cho rằng tỉnh “không mặn mà” với việc lập khu bảo tồn. Từ năm 2012, Tilo Nadler không còn trở lại, đàn voọc bị bỏ rơi trước những mối đe dọa mới.

Chưa thể khẳng định voọc giảm hay không...

Khi Sylvio mở khu du lịch sinh thái, bán đảo Hòn Hèo vẫn còn nguyên sơ. “Người rất ít và không có đường lớn, nơi đây như một thiên đường”, Sylvio nhớ lại. Mười mấy năm sau, khu vực này phát triển nhanh chóng về mọi mặt. Ở phía bắc xã Ninh Phước là Cảng nhà máy Hyundai Vinashin, Dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, Dự án nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1. Sáu năm trước, con đường băng qua núi Hòn Hèo được mở, nối liền xã Ninh Phước với Ninh Vân để khắc phục khó khăn khi người dân phải đi lại bằng thuyền, đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế.

Ngay bên cạnh khu du lịch Jungle Beach của Sylvio mọc lên một khu du lịch khác với resort và nhà hàng. Việc du lịch bùng nổ, hẳn nhiên, đặt ra những rủi ro mới cho động vật hoang dã. “Rõ ràng là với một nước đang phát triển như Việt Nam, người dân cần gạo ăn hơn, chính phủ quan tâm đến con người trước.

Nhưng nguy cơ voọc chà vá chân đen bị xâm hại là có thật. Con đường lớn thuận tiện hơn cho việc xâm nhập vào rừng. Các nhà hàng cần củi để làm barbecue (tiệc nướng ngoài trời). Có cầu thì có cung, và khi vào rừng họ làm gì, có trời mới biết”, Sylvio nói.

Theo Sylvio, đàn voọc hiện nay đang giảm. Nhưng ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, người từng trực tiếp làm việc nhiều lần với Tilo Nadler và Sylvio Lamarche cho biết, từ năm 2012 đến nay không bắt được vụ xâm hại voọc nào, cũng không có thống kê mới, nên chưa thể khẳng định voọc có giảm hay không.

Ông Thu cũng kể về những lá thư ông Tilo Nadler gửi cho tỉnh về cân đối giữa phát triển du lịch và bảo tồn. “Nhưng nói tỉnh không mặn mà là không đúng. Chỉ đạo lập khu bảo tồn của Bộ NN&PTNN mới là chủ trương, chúng tôi yêu cầu họ làm đề cương chi tiết gửi ra Bộ phê duyệt trước khi khảo sát nhưng không thấy họ làm. Tết năm nọ, Tilo Nadler gặp tôi lần cuối và có ý trách móc. Từ đó ông không vào nữa. Nhưng tỉnh vẫn hợp đồng với Bộ đội biên phòng tỉnh bảo vệ rừng Hòn Hèo. Kiểm lâm và biên phòng cùng phối hợp bảo vệ”, ông Thu nói.

Thượng tá Huỳnh Kim Hải - Đồn trưởng Đồn biên phòng Ninh Phước cho biết, đơn vị ông và Đồn biên phòng Ninh Hải, Ninh Sơn được phân công phụ trách Hòn Hèo. “Chúng tôi làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không xâm hại voọc. Thi thoảng đi tuần tra, anh em vẫn gặp, dạo này trời nắng nóng, đàn voọc có xuống núi tìm nước. Nhưng nếu có khu bảo tồn thì quá tốt”.

Lần thứ hai gặp lại Sylvio Lamarche hỏi về bảo vệ môi trường, ông có vẻ lạc quan hơn “Tôi sẽ không nói “bó tay” nữa, chúng ta phải chung tay bảo vệ cho thế hệ mai sau”. Nhưng khi nhắc lại chuyện voọc chà vá, ông bỗng nổi cáu, rồi lặp lại: “Tôi mệt lắm rồi!”...


Nguồn: Linh Phan(Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn