Ông nông dân ra sức chống tham nhũng

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 11/02/2011 06:00:00 +07:00

Ông phát hiện nhiều sai phạm, đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, đem lại niềm tin vào công lý cho những người nông dân.

Ông bắt đầu từ việc hơn hai năm theo vụ kiện một số cán bộ phá rừng chiếm đất, cuối cùng vụ việc đã được đưa ra ánh sáng, đối tượng vi phạm bị kỉ luật, phải bồi hoàn cho dân hàng chục triệu đồng. Ông tiếp tục phát hiện, khiếu kiện nhiều sai phạm trên địa phương, đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, đem lại niềm tin vào công lý cho những người nông dân xưa nay vẫn ngại chuyện kiện tụng, chống tham nhũng. Ông là nông dân Phan Tuấn quê ở làng Hà Xá, xã Triệu ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

“Gặp chuyện bất bằng chẳng tha”


Chúng tôi tìm gặp ông Tuấn vào một chiều, dù đang bận chăm sóc hai hecta keo cạnh nhà nhưng ông rất máu lửa khi nghe đề cập chuyện tham nhũng. Rồi ông kể lại việc thắng kiện mà ông và bà con ở Hà Xá đeo đuổi hơn hai năm trời đem lại cho thôn hơn trăm triệu đồng. ông cho biết từ cuối năm 2007 hàng chục hecta rừng thông trên địa bà thôn Hà Xá thuộc dự án trồng rừng thế giới PAM tài trợ từ năm 1986-1989 có dấu hiệu bị tàn phá khi cán bộ địa phương lợi dụng việc tỉa thưa để chặt cây đem bán: "Trong lần đi kiểm tra đó có cán bộ ban quản lí rừng và cán bộ thôn nhưng việc chặt trắng rừng thông không hề được đề cập và ngăn chặn kịp thời”- ông Tuấn đặt nghi vấn.

Tài liệu phục vụ kiện cáo của ông Tuấn. 

Xót ruột trước cảnh hàng chục hecta rừng do bà con trồng bị tàn phá ngay giữa ban ngày nên ông Tuấn đã viết đơn trình bày vụ việc gửi lên Bí thư chi bộ thôn bấy giờ là ông Phan Thanh Cầu nhưng không hề có chuyển biến. ông Tuấn tiếp tục gửi đơn đến Trưởng ban kiểm soát, trưởng thôn, công an thôn nhưng chỉ được giải quyết theo kiểu làm cho có khiến người dân hết sức phẫn nộ. Rừng là do bà con bỏ công sức ra trồng để cải tạo đất đai, phòng chống lũ lụt nhưng đằng này cán bộ lại lợi dụng quyền được tỉa thưa cây rừng để phát trắng thu về nguồn lợi riêng nên dân làng chúng tôi rất bức xúc nhưng không biết nên làm gì, may mà có bác Tuấn đứng ra chỉ đường vẽ lối cho bà con- anh Phan Bá Vi, trú tại thôn Hà Xá vẫn bức xúc khi kể lại chuyện này.

Được sự tín nhiệm của dân làng ông Tuấn viết đơn tường trình sự việc gửi đến Chủ tịch xã Triệu ái nhưng vẫn bặt vô âm tín, ông Tuấn tiếp tục đưa đơn lên phòng thanh tra huyện Triệu Phong. Lần này huyện có yêu cầu xã lập đoàn kiểm tra nhưng cách giải quyết vẫn chưa thỏa mãn lòng dân. ông Tuấn trực tiếp trình bày vụ việc với Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị trong buổi tiếp dân, ngay sau đó Ban chống tham nhũng tỉnh vào cuộc, UBND tỉnh cũng có công văn yêu cầu huyện Triệu Phong, xã Triệu ái nghiêm túc kiểm tra sự việc như phản ánh của nông dân Phan Tuấn. Sau nhiều lần làm việc, thị sát thực tế đoàn thanh tra huyện Triệu Phong đã có kết luận gửi đến người dân thôn Hà Xá, theo đó chủ nhiệm và phó chủ nhiệm hợp tác xã Hà Xá bị kỉ luật, ngoài ra phải bồi hoàn cho hợp tác xã khoản tiền hơn 100 triệu đồng.

Vụ việc được phanh phui đã tạo niềm tin cho bà con tích cực hơn trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Đời lính chúng tôi hy sinh để giành lại độc lập cho dân tộc nhưng một số cán bộ hiện nay không những không chăm lo cuộc sống người dân mà lại còn lợi dụng chức quyền để bớt xén của công làm tài sản riêng. Như ở đây lại ngang nhiên chiếm đoạt hàng chục hecta rừng ngay giữa ban ngày nên tôi thấy ngang trái quá?"- cựu chiến binh Phan Tuấn nghiêm giọng.

Bỏ tiền túi đi kiện


Căn nhà cấp bốn của gia đình ông Tuấn nằm ngay cạnh con đường đất đỏ dẫn lên rừng trồng của thôn Hà Xá. Vợ chồng ông có đến 8 mặt con lại thường xuyên ốm đau do mất sức từ chiến trường trở về nên cuộc sống gia đình ông gặp vô vàn khó khăn. Cả nhà trông chờ vào đồng lương hưu ít ỏi của ông ấy, ba sào ruộng nước mất mùa quanh năm, rừng trồng thì hơn mười năm mới thu hoạch được. Nhiều lúc can ngăn ông ở nhà lo làm ăn, kiện tụng gì mất tiền mà có phải được cho mình đâu, người ta lại thêm ghét nhưng ông nhất định không nghe- bà Trịnh Thị Mùi, vợ ông Tuấn bộc bạch.

 

Vậy nhưng ông Tuấn cho biết rằng toàn bộ chi phí đi lại đến các cơ quan chức năng đều do ông trích từ lương hưu của mình, chưa kể công sức cũng như những phiền hà của chuyện kiện cáo. ông quen mặt đến nỗi cán bộ tiếp dân ở huyện, tỉnh chỉ nhìn thấy mặt rồi cho vào chứ không cần kiểm tra hồ sơ: "Tháng nào tôi cũng lên huyện, tỉnh vài ba lần để gặp mặt lãnh đạo, ở huyện tiếp dân vào các ngày 10 và 22, còn UBND tỉnh tiếp dân vào ngày 25 hằng tháng- ông Tuấn nhớ mồn một. "Bà con trong xóm cùng nhau góp tiền để nhờ ông Tuấn photo giấy tờ và hỗ trợ chuyện xăng xe đi đây đi đó nhưng anh cứ bảo rằng chẳng bao nhiêu nên không nhận bao giờ”- anh Trần Xuân Lập, một người dân chia sẻ.

Hầu như mỗi khi ở làng, xã có việc gì khúc mắc, người dân chưa hiểu rõ ông Tuấn đều ra mặt yêu cầu lãnh đạo phải trình bày chi tiết, tỉ mỉ. Nhất là chuyện dự án, ông nói rằng dù tiền bạc không nhiều nhưng phải minh bạch để tạo lòng tin ở dân, có như vậy người dân mới tin vào Đảng, tin cán bộ. Nói về “máu Bao Công” của mình, ông Tuấn thừa nhận: "Tính tôi ngay thẳng vậy, thấy việc gì chướng tai gai mắt, ảnh hưởng đến quyền lợi chung của dân là phải làm đến cùng cho sáng tỏ dù việc làm đó có thể khiến nhiều người phật ý, mất lòng xóm giềng”.

“Tôi sẽ chống tham nhũng tới cùng”

Trao đổi với chúng tôi, ông Tuấn cho biết chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ bỏ mà sẽ vẫn tiếp tục trong cuộc chiến chống tham nhũng. Ngoài những giờ lao động trên đồng ruộng, nương rẫy ông Tuấn miệt mài đọc sách báo về luật pháp, tìm hiểu các điều luật liên quan để phát hiện sai phạm của kẻ tham nhũng. “Muốn chống tham nhũng phải biết họ tham nhũng chỗ nào, như thế nào và nắm vững luật pháp vì đó là cơ sở vững chắc nhất. Hiểu luật pháp không chỉ tránh được bị phản kiện mà đảm bảo được thủ tục theo quy định luật pháp hiện hành nên cơ quan chức năng khó có lí do để từ chối giải quyết”- ông Tuấn chia sẻ.

Bật mí về hành trình tìm lại công lý trong thời gian tới ông Tuấn cho biết đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để gửi đến cơ quan chức năng khiếu kiện việc đồng ruộng Đồng Bến của thôn không thể canh tác do một đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng lấy đất nhưng chưa trả lại mặt bằng để nông dân sản xuất mà. Vụ việc này ông và người dân đã gửi đơn từ năm 2006 nhưng vẫn chưa được giải quyết. “Lần này bằng chứng đầy đủ hơn, bà con cũng đã kí vào đơn khiếu kiện hầu như toàn bộ nên tôi hy vọng cơ quan chức năng sớm giải quyết vụ việc”- ông Tuấn tự tin nói.

Tháng 12/2009 nông dân Phan Tuấn vinh dự được Ban chỉ đạo T.ư về phòng, chống tham nhũng trao bằng khen tại hội nghị gặp mặt một số cá nhân có thành tích phòng chống tham nhũng tổ chức tại Đà Nẵng. Tháng 4/2004 ông được chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen vì có thành tích đấu tranh chống tham nhũng. “Anh Tuấn là một công dân gương mẫu và tích cực đấu tranh chống lại nạn tham nhũng trên địa phương. Trong khi nhiều người dân vẫn còn e ngại chuyện khiếu kiện, tố giác cán bộ tham nhũng thì anh Tuấn là tấm gương để mọi người học tập, nêu cao trách nhiệm công dân của mình”- ông Phan Đức Thắng, Chủ nhiệm hợp tác xã Hà Xá nói.


Theo MAI LONG - ĐS&PL

Bình luận
vtcnews.vn