Ông Nguyễn Xuân Phúc: ‘Bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức’

Thời sựThứ Hai, 21/03/2016 01:53:00 +07:00

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức.

(VTC News) – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức.

Sáng 21/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011 – 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình hình phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và một số cân đối lớn ổn định chưa vững chắc. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, vẫn còn thất thu, nợ đọng thuế, cơ cấu chi chưa hợp lý; chi thường xuyên tăng nhanh; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu 4,5% GDP.

“Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%); sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Bên cạnh đó, tiềm lực quốc phòng, an ninh chưa đáp ứng được yêu cầu.

Phó Thủ tướng bày tỏ: “Bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức”

Sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa thật chặt chẽ. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn còn phức tạp.

Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng còn bất cập. Tình hình cháy nổ và trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp, tai nạn còn nghiêm trọng.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tăng cường xây dựng trái phép trên các bãi đá ngầm ở Biển Đông
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tăng cường xây dựng trái phép trên các bãi đá ngầm ở Biển Đông 

Tăng trưởng GDP thấp hơn 5 năm trước và chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn, nhất là nông sản.

Số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế còn ít, tăng chậm; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thấp.

Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục, đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu lao động chất lượng cao.

“Đổi mới giáo dục, đào tạo có mặt còn lúng túng, chưa gắn chặt chẽ với nhu cầu xã hội. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo khắc phục chậm. Tiềm lực khoa học công nghệ còn hạn chế; cơ chế quản lý còn những bất cập; chưa có giải pháp đủ mạnh để phát triển thị trường và khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ”, ông Phúc nêu. 

Bên cạnh đó, việc phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội nhiều mặt còn hạn chế. Một số chính sách về an sinh xã hội, giảm nghèo còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao.

Video: Trung Quốc ngang ngược chiếm đoạt Gạc Ma thế nào?
VTC14



Số người thiếu việc làm và việc làm không ổn định còn nhiều, nhất là ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức còn cao (khoảng 56%). Tỷ lệ bao phủ và chất lượng dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp; quỹ bảo hiểm xã hội chưa bền vững.

Công tác y tế dự phòng có mặt còn bất cập. Chất lượng khám chữa bệnh nhiều mặt còn  hạn chế . Giảm quá tải bệnh viện chưa đáp ứng yêu cầu. Thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập còn chậm. Quản lý hoạt động y tế tư nhân, thuốc chữa bệnh, vệ sinh, an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém; công nghiệp dược phát triển chậm.

Việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam chưa đạt yêu cầu; nhiều biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống gây bức xúc; tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Quản lý văn hoá nghệ thuật, lễ hội, thể dục thể thao, thông tin, báo chí có mặt còn bất cập.

Quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu  còn hạn chế; xử lý vi phạm chưa nghiêm. Khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả chưa cao.
Tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện,  nhất là tại một số làng nghề, lưu vực sông và khu dân cư tập trung ở nông thôn .

Tình trạng ngập úng ở một số thành phố lớn chậm được khắc phục. Hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở ven biển, ven sông diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu cho giai đoạn 5 năm tới cụ thể như sau:

Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 – 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 – 3.500 USD. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trọng GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 – 34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 – 35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 -1,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 – 40%.

Về xã hội: Đến năm 2020, tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 – 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Có 9 – 10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 – 1,5%/năm.

Về môi trường: Đến năm 2020, 95% dân cơ thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95 – 100% chất thải y tế được xử lý. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%.


Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn