"Ông già Ôzôn": Tôi phải đòi giấy ăn sạch, họ mới đưa

Kinh tếThứ Năm, 27/05/2010 02:20:00 +07:00

(VTC News) - TS Nguyễn Văn Khải kể: Một ngày đầu tháng 4/2010, khi tới họp ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ông rẽ vào ăn phở tại một quán phở bên đường...

(VTC News) - Sau khi phản ánh về thực trạng sản xuất giấy ăn, giấy vệ sinh trong điều kiện... thiếu vệ sinh ở Phong Khê, Bắc Ninh, VTC News đã có buổi trò chuyện với TS Nguyễn Văn Khải - nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn Đèn Tiết kiệm Điện năng & Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa - Viện Công nghệ Môi trường, vốn được gọi với cái tên thân thuộc là "ông già Ôzôn". 


TS Khải đã đưa ra nhiều thông tin và lời khuyên quý giá về việc sử dụng giấy ăn. Thiết nghĩ, người tiêu dùng (NTD) nếu ý thức được "quyền thượng đế" của mình, tự bảo vệ mình, thì sẽ không bao giờ phải "rước bệnh vào người" vì những loại giấy ăn mang đầy mầm gây bệnh...

Từng "đấu tranh" đòi quyền lợi

Giấy ăn đen, bẩn hay còn gọi là “giấy phở” vẫn ngang nhiên được đặt trên bàn ăn ở nhiều quán cơm, quán phở, nước... bên vệ đường, thậm chí ở nhiều cửa hàng kinh doanh lớn trong các thành phố. Việc người dân vẫn tiếp tục sử dụng "giấy phở" một phần do nhà sản xuất, phần nữa do thói quen “tặc lưỡi” của NTD, và do sự buông lỏng của các cơ quan quản lý.

Một công đoạn sản xuất giấy ở Phong Khê, Bắc Ninh mà VTC News đã phản ánh.

TS Nguyễn Văn Khải kể: Một ngày đầu tháng 4/2010, khi tới họp ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ông rẽ vào ăn phở tại một quán phở bên đường. Ban đầu, chủ cửa hàng đem ra một lốc giấy ăn có màu đen rất bẩn, ông thắc mắc: “Trước khi ăn, tôi không mặc cả, tôi phải trả tiền cho việc ăn phở, vậy tại sao không đưa cho tôi loại giấy ăn trắng mà đưa tôi giấy đen”? Ngay sau đó, chủ cửa hàng đã vào bên trong và quay ra đưa cho ông lốc giấy ăn mới trắng, sạch hơn.

Theo TS Khải: “Về nguyên tắc tất cả các giấy đều có thể tái chế. Việc tái chế là rất cần thiết, có thể đỡ được 30% nguyên liệu gỗ. Tuy nhiên, trong quá trình tái chế, vấn đề khó khăn được đặt ra là: Làm sao để loại bỏ các loại tạp chất. Trong tạp chất có rất nhiều chất độc hại và để loại bỏ chúng cần nhiều công đoạn, sử dụng nhiều phương pháp vật lý. Để làm được điều đó phải tốn rất nhiều tiền, mất nhiều công, đặc biệt là là đội ngũ công nhân lành nghề, có đủ trình độ. Mà điều này thì Việt Nam chưa có".

"Hiện ở Việt Nam mới có một cơ sở sản xuất giấy đạt chất lượng đó là nhà máy giấy hiện đại Sài Gòn. Tuy nhiên, nhà máy này cũng chỉ tái chế được một số lượng giấy nhất định để cung cấp cho thị trường. Nhiều cơ sở sản xuất giấy khác dùng thêm phương pháp đốt nóng cho hóa chất tác động mạnh, nhưng không thể loại bỏ được tạp chất. Bằng chứng là các loại giấy ăn vẫn rất đen. Vì vậy các doanh nghiệp thường dùng Xút, Javen, Clo để tẩy trắng. Nhưng đây lại là những chất rất độc hại đối với sức khỏe con người. Nếu dùng các loại giấy này thường xuyên hệ hô hấp và tiêu hóa sẽ bị phá hủy đầu tiên".


NTD "tặc lưỡi" = tiếp tay cho giấy ăn bẩn

TS Khải ước tính: “Một cơ sở sản xuất giấy nếu sử dụng công nghệ cao hiện nay, giả sử tốn 3 tỉ đồng đầu tư công nghệ + nguyên liệu + nhân lực thì có thể lãi thành 10 tỉ. Thế nhưng họ không chịu đầu tư. Vì lợi nhuận, họ sẵn sàng nhắm mắt bỏ qua tất cả”.

Ông nhấn mạnh: “Nhiều nhà sản xuất độc ác còn nhuộm hồng giấy ăn để giấy ăn có màu sắc sặc sỡ, đánh lừa cảm giác của NTD. Đó là tội không thể tha thứ”!

Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hết cho nhà sản xuất. TS Nguyễn Văn Khải nói: “Tôi cũng rất buồn vì NTD thấy bẩn mà vẫn ăn. Nếu đo đạc sẽ thấy nhiều chất độc hại đến như thế nào? Tuy nhiên, NTD vẫn mặc kệ, tặc lưỡi thờ ơ. NTD vẫn ngang nhiên chấp nhận cái sai đó".


 Vô số nhà hàng vẫn dùng giấy ăn bẩn để phục vụ, vô số NTD vẫn thản nhiên sử dụng giấy ăn bẩn để lau miệng.

"Tôi rất bất bình với việc người dân vẫn ngồi ăn tiết canh một cách ngon lành khi bên cạnh đó ruồi muỗi vẫn bâu đầy, cửa hàng ăn nhớp nháp, bẩn thỉu, bát đĩa đặt cạnh nhà vệ sinh... Dù các nhà báo có đấu tranh vì NTD như thế nào đi chăng nữa, thì NTD vẫn không quan tâm! Phải chăng thói quen ăn bẩn, thói quen mất vệ sinh đã ăn sâu vào máu của người dân Việt Nam đến mức họ cũng chẳng biết như thế là bẩn để mà kêu"?

Ông kết luận: “Quyết định vẫn là ở NTD. Nếu NTD không quan tâm tới sức khỏe của mình thì không ai có thể bảo vệ được. Sẽ không ai đấu tranh giúp NTD nếu NTD không biết cách lên tiếng, tự bảo vệ mình”. 

"Đó là giấy lau bàn chứ không phải giấy cho khách lau miệng"!

Đồng quan điểm với TS Nguyễn Văn Khải, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng lên tiếng khuyến cáo đối với NTD. Theo ông Cường:
Những giấy khổ vuông khoảng 10cm giống như giấy toilet, hoặc được cắt vuông đóng gói đẹp bày bán trong các siêu thị, đó không phải là giấy sử dụng trong thực phẩm, phục vụ cho việc ăn uống.

Ông Cường cho biết, trong những lần kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội phát hiện ra nhiều quán ăn sử dụng giấy ăn bẩn, mất vệ sinh nhưng không thể trách phạt hoặc lập biên bản, bởi chủ hàng bao biện với lý lẽ: Đó chỉ là giấy lau bàn chứ không phải giấy cho khách lau mặt hay lau miệng (!)

Vì vậy, theo ông Cường, điều quan trọng nhất là: Phải tuyên truyền cho nhân dân, những khăn ăn phục vụ cho ăn uống, thực phẩm, để lau mặt, lau miệng hay lau bát, lau đĩa phải đảm bảo vệ sinh, phải là khăn ăn vô trùng được đóng kín trong túi nilon, có nhãn mác rõ ràng giống như khăn ướt hoặc khăn giấy của hàng không trên máy bay.

“Nếu vào quán thấy giấy ăn đen, bẩn thì NTD không nên sử dụng”, ông Cường đưa ra lời khuyên.








Bài, ảnh
: Tiểu Phương

* Bạn có đồng quan điểm với TS Nguyễn Văn Khải và đại diện cơ quan chức năng trong bài, hay có ý kiến nào khác? Hãy gửi chia sẻ tới chúng tôi. Trân trọng cám ơn!
Bình luận
vtcnews.vn