Ông chủ của 100m2 đất và 90 ngàn chú dế

PhimThứ Bảy, 09/10/2010 03:29:00 +07:00

Nếu sở hữu 100 m2 đất, bạn sẽ làm gì để sinh lợi? Câu trả lời của anh chàng Đậu Phi Sỹ, sinh viên năm 3 – trường Đại học Văn hóa, ngành Xuất bản phẩm, thì đơn g

Nếu sở hữu 100 m2 đất, bạn sẽ làm gì để sinh lợi? Câu trả lời của anh chàng Đậu Phi Sỹ, sinh viên năm 3 – trường Đại học Văn hóa, ngành Xuất bản phẩm, thì đơn giản thôi: Nuôi dế! Sỹ hiện đang có một trang trại dế tại Q.9, TP.HCM.

Vốn nhỏ vẫn giàu

Cách đây hai năm, sau khi tìm hiểu qua sách và lang thang trên mạng,  Sỹ nhận thấy thú nuôi dế không chỉ vui mà còn rất dễ kiếm lời. Dế lửa, dế than, dế cơm vừa có thể bán cho các nơi câu cá và nhà hàng, lại vừa có thể bỏ mối cho các tiểu thương kinh doanh dế chọi. Sỹ bắt đầu lặn lội xuống Củ Chi để tìm mua giống, học cách nuôi dế. “Có những trại giống người ta không cho mình vào vì sợ mình học lỏm nghề. Cũng may mắn, mình gặp được một trang trại khá dễ tính, tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi nên mới mạnh dạn bắt tay vào làm” – Sỹ cho biết.

Đậu Phi Sỹ. 
Nhờ những chuyến đi thực tế, cộng thêm số tiền dành dụm… 200 ngàn đồng, Sỹ bắt đầu nuôi thử 4 khay trứng dế, mỗi khay có 1000 trứng. Nhận thấy dế rất mau sinh sôi, dễ nuôi, lại ít phải chăm sóc, Sỹ quyết định vay vốn làm ăn. Trang trại 100m2 với 90 ngàn dế nuôi của Sỹ đã ra đời như thế. 

Nghề này không khó

Dế giống được Sỹ đem về nuôi, rồi nhân giống theo tỉ lệ 1:3 - cứ 3 con cái thì có một con đực. Chúng được nuôi trong một thùng, kiểu thùng để đựng nước 80 lít. Trung bình một thùng, Sỹ có thể nuôi được khoảng 300 con dế. Thức ăn cho dế cũng khá dễ tìm, lại ít tốn phí, như các loại rau muống, rau lang, vỏ chuối, vỏ dưa hấu…

Để cho trứng dế nở, Sỹ phải tự làm những cái khay bằng bê tông giống như những chiếc gạt tàn thuốc rồi cho vào đó lớp cát mịn. Tối đến, Sỹ lại cho những chiếc khay ấy vào thùng để cho dế cái đẻ trứng. Thường thì một con dế mẹ đẻ 20-30 trứng mỗi ngày và sẽ đẻ khoảng 200-300 trứng liên tục.

Để nhìn thấy trứng của dế cũng là một khả năng “siêu nhạy” của Sỹ: Trứng dế màu trắng sữa, nhỏ xíu y như con kiến vậy. Cứ ủ một thùng khoảng 10-15 khay, Sỹ phải cung cấp nước thường xuyên để giữ ẩm cho trứng con. Sau 9 ngày là trứng nở. Hai ngày sau, Sỹ phải đem dế con vô một cái thùng có chứa 2-3 cái rế để cho chúng “tự lập” trong đó.

Những ngày dế còn nhỏ, Sỹ phải mua bột cám loại nhuyễn cho chúng ăn. Chỉ những chiếc khay uống nước cho dế, Sỹ cười bảo: “Cái đó là do mình tự tay làm đó. Nhìn thấy ở mấy trang trại nuôi dế khác, mình thấy rất phí khi họ làm một lỗ to. Mình cũng lấy những chiếc khay đẻ trứng nhưng gắn cố định ống có nắp đậy chứa đầy nước, dựng ngược lên. Rồi mình khoét một lỗ nhỏ, cho miếng bông gòn vào để ngăn nước chảy nhanh. Với cách làm đó, mình sẽ rất ít tốn công đi thay nước”. Cứ nuôi lũ dế đến độ chừng 35 ngày, Sỹ có thể đem bán với giá 200 ngàn đồng/kg.

Để làm trùm dế

Theo học chuyên ngành Xuất bản phẩm nhưng Sỹ lại có tài thuyết phục hệt như một sinh viên marketing. Những ngày đầu nuôi dế, khách hàng là người quen gần nhà đến mua dế để chế biến món ăn. Được mọi người góp ý, Sỹ mạnh dạn lên các nhà hàng lớn trong thành phố thuyết phục họ mua dế. Sỹ in tờ rơi, làm một bản thuyết trình các thông tin về giá trị giàu protein của các món chế biến từ dế. Rồi phải ký gửi sản phẩm cho nhà hàng sử dụng trước...

Tất cả đều được Sỹ lên kế hoạch rõ ràng. Cho đến giờ, rất nhiều nhà hàng đã là khách hàng lâu năm của Sỹ.

Để mở rộng, Sỹ kinh doanh qua mạng. Chủ những khu câu cá giải trí, những người muốn kinh doanh từ Đồng Nai, Vũng Tàu, Đắc Lắc… đều tìm đến Sỹ để mua dế và học cách nuôi. Sỹ rất nhiệt tình trong việc chia sẻ kỹ thuật với những người đến mua trứng giống. “Nuôi dế chẳng có kỹ thuật gì “huyền bí”.

Chỉ cần cho dế uống nước sạch, ăn sạch, đến lúc bán thì vệ sinh thùng dế thôi.” – Sỹ kể.

Với 300 thùng nuôi, trung bình một ngày Sỹ bán được 2kg dế. Sau một tháng, trừ hết chi phí, Sỹ thu lời từ 7-8 triệu đồng. Hiện giờ, Sỹ đang có ước muốn mở rộng trang trại của mình để phát triển nghề nuôi. 

Theo Sinh viên VN

Bình luận
vtcnews.vn