ÔI, CÁI ƯỚC MƠ CỦA HOA HẬU…!

Tổng hợpThứ Hai, 02/08/2010 03:14:00 +07:00

Hôm vừa rồi tôi đi xem chung khảo hoa hậu miền Bắc. Đến đoạn giới thiệu sở thích và ước mơ, khán giả đến xem đều được nghe một câu có cả cấu trúc ngữ pháp lẫn..

 

Hôm vừa rồi tôi đi xem chung khảo hoa hậu miền Bắc. Đến đoạn giới thiệu sở thích và ước mơ, khán giả đến xem đều được nghe một câu có cả cấu trúc ngữ pháp lẫn nội dung giống nhau lặp đi lặp lại thế này: “Sở thích của Nguyễn Thị A là múa, hát và mơ ước trở thành doanh nhân”, “Thí sinh mang số báo danh XYZ có khả năng nhảy hiphop, đọc sách và mơ ước trở thành... doanh nhân”... Một số ít còn lại mong muốn trở thành một cái gì đó cụ thể khác, cũng có một, hai trường hợp mơ ước một nghề rất trừu tượng là “thành công trong cuộc sống”. Phần lớn khán giả có vẻ chẳng để tâm đến phân đoạn này của cuộc thi có lẽ vì nó quá nhàm chán, trùng lặp ngây ngô, qua quýt, cũng có thể họ còn mải ồ, à bĩu môi hoặc trầm trồ với những chi tiết khác nóng bỏng hơn hoặc giả bình phẩm, chân cô này dài, chân cô kia ngắn, cô này đi đẹp như người mẫu, cô kia đi gì mà cứng như đi cà kheo... Tôi ngồi nghe chả hiểu sao cứ ngứa ngáy như thấy mình bị nghe nói dối.

Ấy thế rồi, bỗng khán phòng như  tỉnh cả ngủ khi một cô đi ra và MC T.V đọc “thí sinh mang số báo danh ABC Lê Thị C mơ ước trở thành nữ thủ tướng  đầu tiên của Việt Nam”. Khán giả ồ lên thích thú, vỗ tay đồm độp, huýt sáo sảng khoái. Một anh ngồi cạnh tôi vỗ đùi đánh đét: “Đấy, mơ ước là phải thế chứ. Có ai đánh thuế đâu”. Cô này về sau không lọt vào Top 22 cô vào chung kết nhưng tôi dám cam đoan không phải vì cô ấy đã “dám” ước táo bạo như vậy. Tất nhiên phần lớn khán giả đến đây với mục đích chính là xem số đo ba vòng của các cô có chuẩn không, năm nay có đẹp hơn năm ngoái không, có cô nào cao hơn Mai Phương Thúy không nhưng một thông tin nho nhỏ về ước mơ hay sở thích của các cô cũng làm khán giả là tôi cảm thấy đỡ nhàm chán hơn. Hơn nữa, điều này cũng khiến các cô ấn tượng hơn, được quan tâm hơn ít ra là từ phía báo giới. Ấy thế mà dường như nhiều năm qua chẳng mấy hoa hậu để ý đến điều đó mặc dù nó chẳng mấy tốn kém và rầy rà như chọn váy áo, làm tóc hay trang điểm. Lại còn có trường hợp có năm các cô mơ ước theo phong trào trở thành giáo viên, có năm mơ làm tiếp viên hàng không, làm MC, rồi thì năm nay làm doanh nhân. Cứ đà này, có khả năng trong tương lai, giới Xã hội học có thể nghiên cứu xu hướng nghề được ưa chuông theo chu kỳ hai năm một lần tiến hành song song với cuộc thi hoa hậu. Anh bạn tôi bảo, sao không ai ước trở thành nhà thơ, họa sĩ như mình nhỉ, song rồi anh chép miệng tự giải thích: “Mà làm thơ với vẽ tranh thì bao giờ mới giàu được”. Tôi thì chẳng dám “ăn cắp” giấc mơ của ai, chỉ nghĩ bụng: “mình mà đi thi hoa hậu thì...”

Còn nhớ, thủa còn bé, tôi mê vẽ đến quên ăn quên ngủ. Tôi vẽ Thủy thủ mặt trăng, Tuxedo mặt nạ, vẽ Xuka, Nobita... Thậm chí tôi còn nghĩ ra kịch bản truyện tranh và tự vẽ. Vì vậy, tôi mơ ước trở thành một họa sĩ vẽ truyện tranh. Bạn tôi có đứa còn mơ ước trở thành bác sĩ ngoại khoa vì bố nó mỗi lần phẫu thuật cho một bệnh nhân người ta lại đến tận nhà cảm ơn, ai ai cũng kính nể. Nó cảm thấy bố nó thật vĩ đại. Về sau này, tôi không trở thành họa sĩ mà thằng bạn tôi cũng không trở thành bác sĩ nhưng tôi vẫn thấy ước mơ đó thật đẹp và chân thật. Và tôi hiểu mơ ước thì phải xuất phát từ một khát khao nào đó có thật. Cái này giống như trẻ con thường mơ ước trở thành phi hành gia để bay lên trời khám phá các hành tinh khác, mơ làm siêu nhân để cứu người đẹp, mơ làm hoa hậu để tha hồ mặc váy đẹp và bôi son đỏ, hoặc trở thành cô giáo để được làm cái việc vô cùng ghê gớm là ra bài tập cho học sinh thay vì phải làm bài tập... Mà mơ ước của trẻ con cũng theo thời gian. Cô con gái tôi lúc 4 tuổi mơ làm ca sĩ, 5 tuổi mơ làm phi công, đến 7 tuổi nó mơ làm Tổng giám đốc có nhiều tiền và thường xuyên đi nước ngoài. Đấy, mơ ước nhiều khi chỉ phản ánh một khát vọng trong một thời điểm nào đó, sau đó bọn trẻ có thể quên đi nhưng cũng có đứa sẽ đạt được giấc mơ từ thuở thiếu thời của mình, quan trọng là nó rất thật, rất cụ thể và có mục đích rõ ràng.

Vậy nên, nếu tôi được là người tư vấn cho thí sinh, tôi sẽ khuyên các cô ấy hãy mạnh dạn mơ ước một cái gì đó cụ thể hơn, ý nghĩa hơn, thành thật hơn thậm chí là lớn lao hơn cho bõ cái công mơ ước. Nhưng để làm được điều này, hay cụ thể hơn là để diễn đạt thành lời một cách mạch lạc, rõ ràng về giấc mơ của mình dường như cũng cần có một vài yếu tố. Nhưng tôi biết nói ra điều này, thể nào cũng có người vặn vẹo tôi rằng ước mơ là quyền cá nhân, ai khiến tôi vô duyên vô cớ xía vào. Và rằng, vì những cô gái đi thi hoa hậu đương nhiên không còn bé, đương nhiên vì họ đủ xinh đẹp, tài sắc nên đủ mơ ước làm... doanh nhân. Còn làm doanh nhân là làm cái gì thì sau này sẽ biết…

Bình luận
vtcnews.vn