Ô sin thiên thần

Tổng hợpThứ Tư, 02/03/2011 04:55:00 +07:00

Đưa xe vào nhà. Khóa cửa. Lên gác. Chị Quỳnh không tin ở mắt mình nữa. Con bé ô-sin nhà chị đang dạy cho con gái chị cách làm dàn ý một bài văn ngắn.

 Câu chuyện này được dựng lại trên nền tư liệu của Chương trình truyền hình "Chat với 9X" kênh 2 Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC. "Chat với 8X" là trò chuyện với thế hệ thanh niên sinh ra trong thập niên 80 thế kỷ trước. Những nhân vật "chat" của thế hệ này đều đã học xong đại học ra trường lập nghiệp thành đạt thành danh. Còn những nhân vật trong "9X" là những sinh viên nỗ lực vượt khó học tập giỏi đang mài quần trên ghế giảng đường các trường đại học. Sim được mời tham gia "Chat với 9X", chương trình mới phát sóng đầu năm nay, năm mà Sim đang theo học năm thứ ba Đại học Ngoại thương. Người "chat" với Sim là Thu Hà, bất ngờ lại là sinh viên cùng trường đại học với Sim, nhưng Hà đã học năm cuối. Thu Hà xinh xắn, hoạt khẩu, được Đài truyền hình VTC mời cộng tác làm người dẫn chương trình hằng tuần đã có ba năm tuổi nghề, người ta thường gọi là MC.

Bốn mươi lăm phút thời lượng chương trình, người xem thấy Sim là một cô gái giàu nghị lực, khát khao học tập, lại gặp quá nhiều… may mắn. Nhưng vào phút chót của chương trình, nhận thức của người xem bị thay đổi. MC Thu Hà hỏi:

-Thưa bạn Sim!

-Cứ gọi mình là ô-sin Sim – Sim cải chính - Mình vẫn đang làm ô-sin bán thời để kiếm tiền học mà.

-À vâng. Ô-sin Sim. Nghị lực nào đã giúp bạn vượt lên trên khó khăn để thực hiện mơ ước của mình?

-Thế hệ 9X như mình ở các tỉnh lẻ về Hà Nội phần lớn đang phải nỗ lực hết mình vượt khó để… kiếm tiền duy trì học tập. Nhiều lắm lắm, đâu chỉ có một mình mình. Họ cũng phải đi làm bán thời. Con trai thì làm gia sư, đánh giầy, chạy bàn, dán ni-lông điện thoại di động, đưa hàng tới các đại lý, bán báo dạo… Con gái thì tiếp thị, bán quán, phục vụ quán bar, bán hàng thời trang. Có bạn còn liều nhận đóng vai người yêu thuê vài ngày. Mình chọn làm ô-sin để có thu nhập ổn định, và ít rủi ro…

MC Thu Hà cười khúc khích, chèn một câu dẫn chuyện:

-Rất thực tế! Vậy là bạn đã không lầm khi chọn… nghề ô-sin?

Sim ngẫm nghĩ một chút, nói:

-Nhưng, mình nghĩ, trong xã hội, chỉ có nghị lực thôi sẽ chẳng làm nên được gì. Một vận động viên nhảy cầu giỏi không thể không cậy nhờ thanh cầu nhảy dài và dẻo làm nên những bước nhún đạt biên độ cao nhất cho vận động viên có thế lộn quay nghệ thuật nhiều vòng điệu nghệ trước khi tiếp nước. Thu Hà thử nghĩ mà xem, nếu mình không gặp được những người tốt bụng, tử tế như bạn của cô Quỳnh, vợ chồng cô Quỳnh, rồi bé Châu con gái cô Quỳnh… nhân hậu như thánh nhân quân tử, đã chắp cánh cho nghị lực của mình, thì giờ đây, hẳn mình vẫn là một cô gái quê vùng bán sơn địa tỉnh Phú Thọ, nghị lực chỉ giúp mình có kỹ năng thành thạo chẻ chuốt mây, đan rỏ mây gia công. Sẽ lấy chồng sớm. Sinh nhanh một hai con để hai họ vui. Phải không nào? Chắc Thu Hà không có cảm giác này nhỉ?

Đưa xe vào nhà. Khóa cửa. Lên gác. Chị Quỳnh không tin ở mắt mình nữa. Con bé ô-sin nhà chị đang dạy cho con gái chị cách làm dàn ý một bài văn ngắn. Hôm nay chị về sớm. Là bốn giờ chiều. Thường lệ là sáu giờ. Khi đó là lúc con bé ô-sin đang cặm cụi với công việc làm bếp dưới nhà. Còn con gái chị thì te tái bên cạnh lau bát, dọn bàn ăn… đầu sai cho ô-sin vài việc vặt rất say sưa và tự nguyện. Còn lúc này, con bé ô-sin đứng bên chiếc bảng phóoc-mi-ca trắng, tay cầm cây bút dạ viết rất đẹp các gợi ý cho bài văn nói về mùa xuân. Con gái chị thì ngậm cán bút bi chăm chú nghe, sẵn sàng ghi chép. Con bé ô-sin đằm thắm nói: "Ta lấy đầu đề cho bài văn là Mùa xuân đến rồi đó nhé. Mẹ em hay hát bài này lắm. Em có thể đưa mẹ vào bài văn. Sẽ rất hay. Vậy mùa xuân có những đặc điểm gì nào? Ta gạch đầu dòng từng ý một:

-Đầu buổi sáng mở cửa ra ban công.

-Trời ửng hồng mưa bụi bay.

–Chồi non xanh biếc.

–Tiếng chim hót líu lo.

–Chậu hoa ban công rực đỏ.

–Dưới đường phố người xe qua lại bắt đầu một ngày mới.

–Em gọi mẹ ra xem.

–Mẹ thuận miệng thốt lên: Mùa xuân đến rồi đó!

Nhớ này, mỗi ý em viết một câu. Yêu cầu của bài văn là từ sáu đến tám câu. Xem nào, tám ý, thế là đủ". Con gái chị vỗ tay:

"Giỏi quá! Em gọi chị là ô-sin thiên thần được không?".

Con bé ô-sin xoa đầu nó:

"Tạm như thế. Vậy thiên thần của thiên thần hãy làm đi. Viết ngắn gọn. Sạch sẽ và không sai lỗi chính tả!"

Chị Quỳnh lặng lẽ trở lại tầng dưới. Cảm thấy mình như có lỗi, chưa hiểu hết con bé này. Thuê ô-sin là để giúp việc nội trợ: nấu ăn, rửa bát, dọn dẹp, lau nhà, cùng một lô việc vặt không tên. Không mong gì ở ô-sin hơn ngoài phận sự ấy.

Con bé ô-sin nhà chị Quỳnh tên là Sim. Quê Phú Thọ. Tên nó trùng với tên một loại cây đặc thù mọc hoang la liệt ở vùng đất bán sơn địa. Bạn chị, có một tuần lễ lên đây dạy thanh nhạc cho trường Đại học Hùng Vương, bằng cách nào đó không rõ đã "tuyển" được con Sim mười tám tuổi về cho chị đúng cái lúc chị đang cần, với một câu khẳng định "đã phỏng vấn, được đấy". Tin nể bạn có con mắt "xét nết" người của nhà sư phạm, nhưng chị không nghĩ là con bé có thể chung thủy với gia đình mình hơn vài đứa ô-sin trước đó quê Thanh Hóa.

Con bé Sim dáng người thanh mảnh, gương mặt ưa nhìn, nước da trắng hồng có vẻ sạch sẽ, đôi mắt thông minh và lanh lợi. Chị Quỳnh có cảm tình nhất, là nó nói năng khúc chiết và lễ phép, thưa gửi đường hoàng mà không giả dối. Có lẽ nó được giáo dục chu đáo. Bằng ấy phẩm chất đã có thể yên tâm chấp nhận được. Chị Quỳnh dành một tuần lễ hướng dẫn Sim cách sử dụng các thiết bị gia dụng: tủ lạnh, lò vi sóng, máy xay hoa quả, nồi nấu cơm điện, bình nước nóng lạnh, bếp ga bếp từ, hệ thống điều hòa không khí, máy hút bụi, máy giặt sấy và là quần áo. Kế đến là cách nấu ăn, cách chế biến thực phẩm, cách lau dọn các phòng của căn nhà ba tầng lầu…Vừa chỉ bảo, chị vừa theo dõi gương mặt ô-sin Sim xem nó có tiếp thu nổi không. Nó thản nhiên mỉm cười luôn miệng "cháu hiểu" "cháu hiểu". Gương mặt tự tin. Tuy nhiên chị Quỳnh vẫn dặn thêm:

"Cứ từ từ mà làm. Điều gì chưa hiểu rõ khoan hãy làm. Chờ cô về hỏi lại!" "Vâng thưa cô! Tiện lúc nào cô cho cháu các ca-tô-lô máy." Chị Quỳnh trố mắt nhìn nó.

Tuần lễ đầu mọi công việc Sim làm chu đáo và suôn sẻ, ngăn nắp và sạch sẽ. Sử dụng thiết bị gia dụng không gặp trục trặc gì Chị Quỳnh rất ưng ý, thầm cảm ơn bạn chị. Chị chở Sim đi shopping sắm cho nó mấy bộ đồ mặc trong nhà, vài bộ đồ mặc khi ra phố. Nó thành thật nói:

"Cháu chưa làm được gì nhiều cho cô và em. Mà cô đã cho cháu quá nhiều."

Chị Quỳnh giảng dạy thanh nhạc ở Nhạc viện. Cuộc sống khá giả. Trong nhà được trang bị các thiết bị cao cấp mà người giúp việc không tinh tường hoặc thiếu cẩn trọng sẽ làm hư hỏng nhiều thứ quý hiếm. Một lần đi làm về chị Quỳnh thấy trên bàn phấn của mình có một tờ tiền mệnh giá năm trăm ngàn đồng được để ngay ngắn dễ thấy trên đè bằng viên đá chặn giấy. Hỏi, Sim thưa: "Cháu lượm được dưới gầm ghế sô-pha khi dọn buồng." Chị cảm ơn. Một lần khác, là những nữ trang chị Quỳnh tháo ra khi rửa mặt quên để lại trong nhà tắm, cũng được ô-sin Sim lượm để vào hộp trang sức đặt nơi bàn phấn của chị.

Ô-sin thường chưa thạo việc nhà nơi thành thị, vì chúng toàn là người nhà quê ra tỉnh, có thể dạy dần. Nhưng trung thực không tham không gian thì chủ nào cũng kỳ vọng. Hơi hiếm. Suy nghĩ logic là thế này. Ta là ô-sin, lao động đầu tắt mặt tối, mà sao ta nghèo thê thảm. Cũng là con người cả, mà sao họ giàu nứt đố đổ vách. Một ô-sin lau nhà theo giờ, tặc lưỡi một cái, nó có thể lấy của nhà chủ một chiếc thìa mạ ni-ken sáng loáng, hay một thứ gì đó khoảng dăm chục một trăm ngàn đồng thì có thấm là bao so với khối tài sản họ có. Như muỗi đốt gỗ. Mà thế thật. Mất mà họ không hay. Cứ nhét vào túi rác cuối buổi xách ra thùng rác công cộng được tiếng là vứt giúp chủ, rồi móc ra đưa vào túi của mình. Thận trọng thì mang túi rác đi xa xa nhà chủ một con phố, hai con phố. Càng xa càng an toàn. Miễn là đừng để chủ biết, nếu biết họ rất xót. Người giàu là thế. Vừa phung phí vừa ki bo. Họ mua sắm hàng hiệu đắt như nhân sâm Hàn Quốc không tiếc. Nhậu một bữa vài triệu coi như là để mua vui. Vậy mà đi chợ mua mớ rau con cá lại mặc cả từng năm trăm một nghìn đồng. Giáp tết cái gì cũng đắt đỏ gấp đôi gấp ba. Công lau nhà theo giờ ngày thường đã là mười lăm nghìn một giờ, giáp tết xin bà chủ cô chủ tăng lên cho hai mươi nghìn đồng đã bị bà chủ cô chủ hét toáng lên như bị kim đâm vào vùng nhạy cảm: "-Ối giời ơi! Chị làm như tôi ăn cướp được tiền ý!"

Ô-sin liệt truyện dài dài như chuyện kể về "Cô gái xấu xí" trong phim truyền hình nhiều tập. Được các cô chủ, bà chủ "buôn" cho nhau nghe trên điện thoại, hoặc khi

ở công sở, hoặc lúc thăm nhà nhau, hoặc nơi ghế đá chiều chiều, nhiều nhất vẫn là lúc ngồi chờ ở tiệm gội đầu uốn tóc, cắt sửa móng chân móng tay.

Cho tới lúc này, ô-sin Sim không giống những ô-sin trong ô-sin liệt truyện. Nó chăm chỉ cần mẫn trong công việc, thận trọng trong ứng xử. Nói năng nhẹ nhàng thậm chí từ ngữ được chọn lọc. Một lần, nó dè dặt mãi mới đánh bạo xin chị Quỳnh một việc, rằng "cô cho cháu được lĩnh lương ba tháng một lần, rồi nhờ cô ra bưu điện gửi giúp về quê cho mẹ cháu". Nói rồi nó đưa bằng hai tay cho chị Quỳnh một mảnh giấy bóc từ blốc lịch mà ở mặt giấy trắng phía sau đã ghi họ tên địa chỉ của mẹ nó. Chị Quỳnh nói: "Được thôi. Việc này cháu có thể tự làm. Cô chở cháu ra bưu điện." Nó khẩn khoản: "Cô giúp cháu. Cháu còn có việc ở nhà." Chị Quỳnh hiểu. Đọc trong mắt nó một điều gì đó như là sự minh bạch.

Con gái chị Quỳnh tên là Châu, đang học lớp năm. Từ ngày có ô-sin Sim con gái chị bỗng như một người khác. Châu không nhõng nhẽo nữa, biết vâng lời. Nó siêng năng học bài và làm bài buổi chiều ở nhà. Không phải ép, không cần giục. Nó thân thiết với ô-sin Sim như người chị gái. Những lúc thấy hai đứa chuyện trò, đùa vui vào buổi tối rất đáng yêu, chị Quỳnh mừng khôn siết. Ô-sin Sim kể cho bé Châu một thời khóa biểu cho các buổi trong ngày. Sáng: ngủ dậy, đánh răng, rửa mặt, ăn sáng, đi học. Trưa: ăn cơm, nghỉ trưa. Chiều: ôn bài, làm bài tập, chuẩn bị bài cho hôm sau. Sau đó nghỉ ngơi tắm rửa, ăn cơm. Tối: đi bách bộ một vòng phố, rồi chuyện trò cả nhà, xem tivi, đọc sách (tùy từng ngày). Sau đó làm thêm bài tập, chuẩn bị cặp sách cho ngày mai, rồi đánh răng, đi ngủ. Như có thần quyền từ ô-sin Sim, con gái chị tuân theo thời khóa biểu răm rắp rất chi tự nguyện. Điều lạ là hai tháng nay, điểm vở và bài kiểm tra, con gái chị được điểm mười rất nhiều. Nó học nhàn nhã hơn trước. Hỏi, nó khoe "con học hiểu và thuộc bài tại lớp". Hơi lạ.

Vào một ngày chủ nhật, chị Quỳnh cho hai chị em đến Cung Văn hóa chơi. Chị trở về nhà xem xét góc học tập của con gái. Chị sững sờ nhìn thấy nhiều bản nháp ô-sin Sim giảng giải cho con gái chị tất cả các môn học, rất có phương pháp sư phạm, giống như dàn ý bài văn mà chị đã chứng kiến hơn một tuần trước. Sửng sốt hơn nữa, là bản nháp hướng dẫn tiếng Anh, cái Sim kẻ biểu cách chia động từ To be, To have cùng cách đặt câu trần thuật đơn giản. Vậy là chị đã hiểu. Ô-sin Sim đang là gia sư cho con gái chị. Có một thứ gì đó là lạ dâng trào trong tâm can. Có lẽ đó là sự nể vì. Chị xếp lại tất cả mớ nháp đó như cũ. Và lấy xe trở lại Cung Văn hóa đón hai đứa.


Sim à! Cô đã chưa hiểu hết cháu!

Sim giật bắn người suýt đánh rơi chén trà trên tay:

-Ôi! Cháu có lỗi gì hả cô?

-À không. Cô muốn nói…

Hôm nay không phải lên lớp ở nhạc viện. Bé Châu thì đi học. Chị Quỳnh muốn tìm hiểu về Sim mà mấy tháng qua chị chưa có dịp, chưa lưu tâm. Chị bảo nó sáng nay không phải lau dọn nhà. Nó đã ngạc nhiên. Lo lắng. Lại nghe câu "cô đã chưa hiểu hết cháu", càng lo.

-…Ấy là hai cô cháu muốn dành thời gian chuyện trò với nhau thôi.

Nó thở phào. "-Vậy mà cháu…"

Thực ra, nóng lòng muốn biết những gì đã xảy ra giữa ô-sin Sim và con gái chị, hôm qua chị Quỳnh đã phôn cho bạn chị - người đã đưa con Sim từ Phú Thọ về. Chị kể với bạn những điều mà chị cho là lạ lùng. Nghe xong, bạn chị cười phá trong máy, vì mọi việc diễn ra theo chiều hướng tích cực, nên bạn chị đã "bước qua lời hứa" kể cho chị Quỳnh về nhân thân con Sim.

Sim sinh ra trong một gia đình nghèo. Bố là thương binh, huyện cử đi học và được tuyển dụng về làm viên chức ngành tài chính huyện. Nhưng đã mất vì bạo bệnh khi Sim bắt đầu vào năm học đầu tiên trung học phổ thông. Mẹ là giáo viên tiểu học. Dưới Sim còn có một em trai bằng tuổi bé Châu con chị Quỳnh. Nghèo, nhưng người mẹ vẫn cố xoay xở mong nuôi hai chị em Sim ăn học đến nơi đến chốn. Sáng bà lên lớp. Chiều ở nhà đan rỏ mây cho một cửa hàng bán hàng thủ công mỹ nghệ ở thị trấn. Nghề đan mây này Sim có thể giúp mẹ sau giờ học. Sim học rất giỏi. Giỏi toàn diện. Đặc biệt là hai môn Việt văn và Anh văn, Sim cùng đoạt giải nhất trong cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện. Mẹ Sim kỳ vọng năng lực học tập của con mình bao nhiêu, càng lo lắng cho con bấy nhiêu. Bởi lẽ, Sim thi đỗ đại học, sẽ lấy tiền đâu ra nuôi nó học bốn năm năm nơi thành phố. Thế thì chua chát cho nó quá. Nỗi lo của mẹ cũng là trăn trở của Sim. Vì thế mà Sim xin mẹ không dự thi đại học. Sẽ tìm việc làm tạm thời tích lũy tiền chờ năm sau, có thể là năm sau nữa. Các thày, cô và họ hàng ai cũng tiếc. Tiếc mà không thể làm khác. Nhưng tìm việc là việc gì, ở đâu? Thật may, bạn của chị Quỳnh được người ta giới thiệu đến nhà mẹ Sim mua rỏ mây đan. Thấy con bé Sim ngoan ngoãn, dịu dàng xinh xẻo, hỏi chuyện, rõ chuyện, động lòng, đã nghĩ ngay đến chị Quỳnh. Bạn của chị Quỳnh cho Sim biết đấy là nơi Sim có thể tin cậy, và Sim sẽ có điều kiện "nuôi" ý chí của mình nếu làm giúp việc ở đó. Bàn đi tính lại, Sim nhận lời. Hỏi ý kiến mẹ, mẹ Sim rướm nước mắt "con ưng là được". Nhưng Sim xin bạn chị Quỳnh một điều, rằng không kể với chị Quỳnh hoàn cảnh của Sim ngoài khả năng làm người giúp việc tốt. Nó nói "cháu không muốn được châm chước. Càng không muốn được thương hại". Bạn chị Quỳnh cười, hứa. Thầm nghĩ, "một con bé có lòng tự trọng".

-Ở với cô mấy tháng rồi cháu thấy thế nào? Ô-sin thiên thần!

Lần này thì Sim hoảng. Nó đặt tách nước xuống mặt bàn. Hai tay run run, cài ngón vào nhau vặn đi vặn lại:

-Cô… biết cả rồi sao? Em Châu nó… nịnh hở mà cô! Em ấy đùa…

Chị Quỳnh phá lên cười:

-Cô biết nhiều hơn cháu kể!

-Thật thế sao thưa cô? Cháu xin lỗi. Bất ngờ quá. Cháu là ô-sin…

Chị Quỳnh vươn tay qua bàn nắm lấy tay nó "cháu là ô-sin nhưng là ô-sin thiên thần". Chị Quỳnh cho nó hay để nó yên lòng, rằng yên tâm ở đây với chị và bé Châu. Như thành viên gia đình. Ước mơ sự nghiệp của Sim hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực ở nơi Sim. Sim cứ làm việc như những ngày qua là được. Nhưng dành thời gian nhiều hơn để ôn tập. Sang năm thi.. Tự nhiên, không có gì phải giấu cô cả. Khó khăn cô tìm cách giúp. Nó nắm chặt tay chị Quỳnh. Nức nở, cứ gật gật đầu mà không nói nên lời.

Lúc sau, nó bạo dạn:

-Thưa, cháu thèm học lắm, và khao khát thi vào đại học. Nhưng…

-Không có nhưng! Cứ làm tốt những việc của cháu. Còn lại cô lo.

Kể từ hôm đó ô-sin Sim có sự chuyển đổi về tâm trạng. Nó đùa vui với bé Châu thoải mái hơn. Chuyện trò với chị Quỳnh thì cởi mở. Nó mang cảm giác sống trong gia đình được yêu thương, đùm bọc. Nó xin chị Quỳnh cho nó chuyển chiếc bảng phóoc-mi-ca từ tầng trên xuống dưới nhà, để buổi chiều nó có thể vừa nấu ăn dọn dẹp, vừa chỉ bảo cho bé Châu học tập. Chị Quỳnh mua thêm một chiếc bảng nữa thay vì chuyển bảng. Rồi nó xin chị Quỳnh cho nó được đưa bé Châu đến trường và đón từ trường về đỡ chị. Nó nói bây giờ nó có thể đi chợ mua bán thực phẩm giúp chị, chị chỉ việc yêu cầu thực đơn vào tối hôm trước. Chị Quỳnh hướng theo ý nó. Nó muốn khẳng định mình. Quả thực nó làm không chê vào đâu được. Nó đã trưởng thành, chững chạc. Mỗi lần đi chợ về, nó ghi chép cẩn thận những gì đã mua cùng giá tiền đến cả số lẻ. Chị Quỳnh khen nó mua được giá rẻ. Nó cười "cháu cũng khảo giá, mặc cả. Cháu được tiếng là "ki’với các bà trong chợ".

Vào một bữa ăn tối, nó hỏi chị Quỳnh:

-Giờ, cô thấy cháu thế nào ạ?

Bé Châu tranh lời mẹ, nắm tay phải duỗi lên một ngón cái cong cong:

-Nâm-bơ oăn!

Chị Quỳnh suýt sặc:

-Con học ở đâu kiểu thể hiện ấy?

-Ô-sin Sim. Chị ấy hay làm như thế mỗi khi con làm bài đúng.

Chị Quỳnh nhìn Sim, cười:

-Đó cũng là câu trả lời của cô.

Thấm thoắt đã sắp tới tết. Bảy tháng rồi Sim chưa một lần xin về thăm mẹ. Nhân một tối vui, chị Quỳnh hỏi Sim:

-Tết này Sim muốn về quê mấy ngày, để cô sắp xếp?

-Cháu xin cô hai ngày thôi, trước tết ấy. Thăm mẹ, và đưa tiền về để mẹ tiêu tết.

-Thế sao được. Cô cho Sim nghỉ một tuần.

-Tết, cô có nhiều bạn bè đến thăm. Sẽ nhiều việc bận. Vả lại…

-Sao?

-Cháu cũng muốn gặp lại cô bạn của cô, để cảm ơn. Không có cô ấy cháu đã chẳng được ở đây với cô và bé Châu.

Giằng co mãi, bé Châu nắm lấy tay ô-sin Sim:

-Em nói thật lòng nhé. Chị về quê một ngày em nhớ chị một ngày. Hai, ba ngày em nhớ thành bốn năm ngày. Nhưng em nghĩ, không có gì vui thích hơn là ngày tết được ở gần những người thân yêu ruột thịt. Em cũng vậy mà!

Ô-sin Sim bẹo hai má bé Châu nói trong sụt sùi vui sướng:

-Eo ôi! Em nói kiểu gì mà như người già khú đế!

Tết. Con bé Sim về Phú Thọ với mẹ đúng ba ngày. Mồng ba, nó đã trở lại Hà Nội với mẹ con chị Quỳnh. Bước vào cửa, nó vội thanh minh:

-Mẹ cháu bắt phải xuống với cô. Mẹ bảo ở quê chỉ lông nhông chẳng tích sự gì. Mẹ con cô Quỳnh thì bận. Mẹ cháu gửi biếu cô gọi là của nhà trồng: gà đồi, gạo nếp nương, đậu lạc…

Ngả hành lý, là Sim bắt tay vào công việc sắp xếp đồ đạc, lau dọn nhà cửa. Quả vắng nó mẹ con chị Quỳnh bấn nhớ thực sự.

Qua giêng, chị Quỳnh gợi ý cho Sim theo học ở một lò luyện thi. Nó chối đây đẩy, chỉ xin chị mua cho bộ sách có các bài luyện thi đại học là được. "-Cháu luyện ở lò tại gia!" Có tính tự lập cao mới làm được vậy.

Tối tối, sau khi con gái chị hoàn thành việc học và làm bài, đi ngủ, thì phòng Sim còn sáng đèn thêm hơn tiếng đồng hồ nữa học bài. Nó bố trí công việc hợp lý. Bộn bề là thế mà Sim hoàn thành rất đỉnh đang, nhẹ nhàng.

Chị Quỳnh nhờ bạn bè lo cho Sim thủ tục xin dự thi đại học diện thí sinh tự do. Dự thi hai trường: Đại học Ngoại thương và Học viện Quan hệ quốc tế. Có lẽ nó muốn tận dụng khả năng tiếng Anh. Càng giáp ngày thi, chị Quỳnh tự làm việc nhà dành nhiều thời gian cho Sim mà chị đùa là để nó "thiền luyện" trên bàn học. Tuy thế nó không lạm dụng lòng tốt của chị. Làm việc nhà ít hơn thôi, nó nói "ấy là thời gian thư giãn".

Ngày dự thi hai trường, chị Quỳnh đưa Sim đi thi, cuối buổi đón nó về, tạo cho Sim tinh thần thoải mái. Mỗi khi đón nó ở cổng trường thi, nó chạy ào tới chị khoe trước khi chị hỏi "Cháu làm tốt cô ạ. Còn có cả thời gian đọc kiểm tra lại". Về nhà, Sim ôm lấy bé Châu: "Nhiều khả năng chị đỗ. Em vui chứ?" Bé Châu bẹo má Sim: "Very good ô-sin Sim!" Những ngày sau đó tâm trạng Sim như bay bổng. Không chút lo lắng. Nhưng sắp đến ngày các trường đại học công bố kết quả thi, bỗng dưng thấy nó tư lự. Ngạc nhiên, chị Quỳnh gạn hỏi:

-Hình như cháu không đủ tin về bài thi của mình sao?

-Không ạ. Không đỗ lại mừng hơn là đỗ.

-Gì thế? Đầu cháu có vấn đề! - Chị Quỳnh hơi sẵng giọng.

-Thưa cô. Cháu nhẩm tính mấy ngày qua. Nếu đỗ, tiền cháu tích lũy được không đủ cho năm năm học: tiền học phí, tiền sách vở, tiền nhà trọ, tiền ăn… phải mất hai triệu mỗi tháng.

Chị Quỳnh cười xì hắt một cái:

-Tưởng chuyện gì. Mong đỗ đã. Đến đâu lo tới đó. Mọi việc không dễ gì tính trước. Biết đâu lại gặp một Bà Tiên như trong truyện cổ tích Cô Tấm!

Nó im lặng.

Chị Quỳnh là người nóng lòng nhất. Mỗi ngày chị lên mạng một lần xem kết quả thi cho Sim. Rồi một hôm, chị run bắn lên vì ngạc nhiên xen lẫn vui sướng. Sim đạt điểm tối đa ba mươi điểm cho ba môn thi của Trường Đại học Ngoại thương, cao nhất trong danh sách điểm các thí sinh. Chắc chắn nó đỗ thủ khoa. Chị Quỳnh quyết định khoan cho nó hay. Chờ nốt kết quả thi của Học viện Quan hệ quốc tế. Ít ngày sau, một lần nữa chị Quỳnh lại run bắn lên vì sung sướng, Sim lại đạt hai mươi chín điểm rưỡi ba môn thi, một trong hai thí sinh có số điểm cao nhất. Con bé giỏi quá. Chăm cho nó cũng bõ. Chị phải chúc mừng nó cách nào đây? Không khéo nó… sướng mà ngất. Nghĩ vậy mà chị không kìm nổi lòng mình. Về tới nhà, chị gọi Sim tới gần, nhẹ nhàng kéo áp đầu nó vào ngực mình: "Cháu có tin vui. Chính xác là hai tin vui. Cháu trúng tuyển ở cả hai trường". Chị chờ phản ứng của nó. Nó dướn mắt lên: "Cô đùa cháu!". "Không đâu. Mà lại là đỗ đầu cả hai!" Bỗng nó ôm lấy chị quỳnh: "-Ôi! Không uổng công cô!" Bé Châu ào tới: "-Chúc mừng ô-sin thiên thần. Nâm-bơ oăn!"

Chị Quỳnh kéo hai đứa ngồi xuống ghế. Rành rẽ nói:

-Sim này. Bây giờ mới là lúc chúng ta tính tiếp. Cô chọn trường cho cháu đây: Ngoại thương. "Phi thương bất phú" phải không nào? Cô tính rồi. Cháu vẫn tiếp tục ở nhà cô. Thế là không mất tiền thuê nhà trọ. Cháu đi học bằng xe buýt. Vé tháng cho sinh viên rất rẻ. Cháu học nửa ngày, còn nửa ngày và buổi tối làm việc nhà giúp cô, bảo học cho bé Châu, ôn tập bài của mình. Trừ tiền ăn hằng tháng và học phí, cháu còn nửa lương. Tiền xe buýt và sách vở, cô cho. Vậy là cháu vừa đi học vừa có tiền gửi về quê cho mẹ nuôi em. Sòng phẳng. Không nợ nần gì nhau. Tính thế được chưa?

Con Sim thốt lên: "Cô…", cổ nghẹn ứ, ghì bé Châu vào lòng nức nở.

*

in điện từ Paris. Chồng chị Quỳnh sẽ về nước vào ngày… giờ…chuyến bay… phi trường Nội Bài. Chồng chị đã hoàn thành luận án tiến sĩ sau hai năm. Chị Quỳnh thuê một chiếc xe bảy chỗ, cho cả bé Châu và ô-sin Sim cùng đi. Nơi sảnh lớn, một người cao to như Tây xuất hiện tiến lại ôm lấy chị Quỳnh và bé Châu. Bé Châu tặng bố bó hoa li và thược dược tươi rói. Hai năm xa cách là quá dài. Nhớ lắm đây. Sim nghĩ. Chị Quỳnh giới thiệu Sim với chồng. Chồng chị Quỳnh bắt tay Sim cười hơ hơ:

-Chào ô-sin thiên thần! Thủ khoa của cả hai trường đại học. Ô-sin mà giỏi thế. Giỏi hơn cả chú và cô. Đỗ đại học chỉ cao hơn điểm chuẩn có ba bốn điểm thôi. Ha ha! Cô chú cùng cảm ơn cháu đấy. Ha ha!

Vậy là những thông tin về Sim đã được cô Quỳnh gửi thư cho chồng kể hết. Ngượng quá. Chồng cô Quỳnh có phong thái hào hoa, đĩnh đạc. Nói chuyện thoải mái, thân thiện. Bé Châu xoắn lấy bố, huyên thuyên kể chuyện ô-sin Sim. Bỗng chú hỏi Sim "hết lo đỗ đại học rồi chứ? Hình như cô Quỳnh đã có kế hoạch với cháu về chương trình "vừa là sinh viên, vừa làm ô-sin" phải không? Tối ưu đấy. Chú sẽ bổ sung kế hoạch ấy cho hoàn thiện hơn".

Trước khi Sim nhập học, nó lại ngỡ ngàng nhận tiếp một tin vui nữa: Công ty CMS mà chồng chị Quỳnh làm Phó Tổng giám đốc, đã quyết định cấp cho Sim một học bổng trong năm năm học đại học. Nó phải ký với Công ty CMS một hợp đồng cam kết nỗ lực học tập, học giỏi. Sau khi tốt nghiệp phải làm việc cho Công ty CMS tối thiểu là mười lăm năm.

QB


Bình luận
vtcnews.vn