Ở nơi hít mây vào mũi, thở mây ra mồm

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 11/02/2013 06:39:00 +07:00

(VTC News) - Mùa đông năm nào tuyết cũng rơi dày đặc ở Y Tý. Con trai, con gái hít mây vào mũi, thở mây ra đằng mồm.

(VTC News) - Mùa đông năm nào tuyết cũng rơi dày đặc ở Y Tý. Con trai, con gái hít mây vào mũi, thở mây ra đằng mồm.


Bí thư Đảng ủy xã Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) Ly Dờ Lúy bảo: “Trước đây người Y Tý nghèo lắm. Mình biết Y Tý mỗi năm gieo bao nhiêu cân ngô giống, cho bao nhiêu tấn hạt. Mấy năm nay được Nhà nước quan tâm nên người Hà Nhì sướng hơn rồi. Mấy mùa xuân qua nhà nào cũng có thịt để ăn, rượu để uống, thảo quả được mùa mà”.

Bí thư Lúy kể rằng, ngày trước, cả xã với 3.700 khẩu, chỉ biết trông chờ vào 280ha ruộng bạc màu pha lẫn với đá. Tuy nhiên, ruộng nương ở đây cũng chỉ làm được một vụ mà thôi.

Mùa đông buốt giá dài lê thê, tuyết rơi dày đặc, trắng xóa khắp ngả, cỏ cây úa tàn co mình trong hốc đá, không vươn mình lên nổi.

Mây mù Y Tý 
Bí thư Lúy bảo, mùa đông năm nào tuyết cũng rơi dày đặc ở Y Tý. Con trai, con gái hít mây vào mũi, thở mây ra đằng mồm.

Suốt mùa đông dằng dặc, con trai chỉ còn cách vào rừng săn con thú co ro tê cóng trong giá lạnh về ăn hoặc vác đất làm nhà, con gái chăm chỉ vào rừng nhặt củi để sưởi ấm suốt mùa giá lạnh.

Mấy năm gần đây, được Nhà nước quan tâm, đưa giống lúa mới, giống ngô lai năng suất cao vào đất Y Tý, lại đưa các cán bộ khuyến nông đến tận thôn bản dạy đồng bào biết cách trồng lúa, trồng ngô, nuôi bò, chăn dê. Vì thế, cuộc sống đồng bào mỗi năm thêm đổi mới, nhà nào cũng rủng rỉnh thóc.
Người Hà Nhì  ở Y Tý sống trong những ngôi nhà trình đất
Gia đình Ly Dở Khù mỗi năm chỉ gieo 5 cân thóc giống mới mà cho những 2 tấn lúa, đủ cho cả nhà ăn ròng suốt năm, còn gia đình Phù Dở Lả có đông nhân lực, san được nhiều đồi, làm được nhiều ruộng bậc thang nên gieo được tới những 10 cân giống, cho thu hoạch 5 tấn thóc.

Xưa nay, thảo quả vẫn là loại cây hương liệu nổi tiếng ở đất Lào Cai. Thế nhưng, xưa kia, thảo quả mọc đầy trong rừng mà người Hà Nhì chẳng biết thu hoạch để bán cho người vùng xuôi.

Người Hà Nhì cũng như người Mông, Dao, chỉ biết hàng ngày lên lấy mầm cây thảo quả về làm nộm hoặc xào nấu với con chuột, con sóc. Thế nhưng, giờ đây, người Hà Nhì đã biết trồng thảo quả, chăm sóc thảo quả, nên khắp thung sâu, khe suối bạt ngàn thảo quả.
Du khách đến Y Tý đều thích thú với những ngôi nhà trình đất như lô cốt 

Nhờ thế, nhiều gia đình Hà Nhì hàng năm đều kiếm được vài chục triệu đến cả trăm triệu tiền bán thảo quả. Cũng từ cây thảo quả mà cuộc sống người Hà Nhì mỗi năm lại thêm thay đổi.

Mấy năm trước, nhìn khắp nơi chỉ thấy những ngôi nhà đất lợp cỏ, mái lợp dày đến 1m, trông sù sụ như đống rơm, cây nấm khổng lồ.

Ngày nay, đi khắp các bản Chuẩn Thèn, Nhìu Cồ San, Tả Di Thàng, Lao Chải, Hồng Ngài… có thể gặp những dãy nhà thẳng thớm, lợp mái tôn và phi-brô-ximăng trắng xóa.

Người Hà Nhì có rất nhiều Tết. Ngoài Tết Nguyên đán còn có Tết trẻ em, Tết cúng rừng, Tết trùm khăn, Tết khù lê khê, Tết ga tho tho.
Đào đỏ thắm khắp núi rừng Y Tý 
Xưa kia đói kém, người Hà Nhì chỉ đón Tết lấy lệ. Ngày Tết vẫn phải ăn mèn mén thay cơm. Từ khi trồng được cây lúa, cây ngô năng suất cao, lại được mùa thảo quả thì Tết nào người Hà Nhì cũng ăn rất to.

Tuy nhiên, Tết to nhất vẫn là Tết truyền thống ga ga tho. Tết ga ga tho diễn ra vào tháng 11 âm lịch. Nhà nào giàu thì mổ vài con lợn, nhà nào nghèo thì cũng phải có mấy đôi gà để cúng tổ tiên.

Người Hà Nhì phải chạy giặc nhiều lần, đến mỗi vùng đất họ lại thu nhận những đặc sắc văn hóa bản địa. Phong tục làm nhiều Tết của người Hà Nhì là lẽ từ đó mà ra.

Chẳng hạn như Tết cúng rừng có thể là ảnh hưởng từ dân tộc Nùng. Cũng như người Nùng, mỗi bản người Hà Nhì đều có một cánh rừng được gọi là rừng thiêng.
Đàn bà, con gái Hà Nhì lên nương 
Đàn ông Hà Nhì ở nhà nấu rượu, trông con 
Người Hà Nhì quan niệm rừng như là người mẹ, bao bọc, nuôi dưỡng người Hà Nhì nên hàng năm, cứ đến tháng 3 là người Hà Nhì lại làm Tết cúng rừng.

Trong Tết cúng rừng nhất thiết phải có con lợn 60-70kg. Đàn ông trưởng thành thì mang mỗi người một chai rượu, bơ gạo vào rừng cúng Thần rừng. Họ cầu Thần rừng cho củi sưởi quanh năm, cho gỗ làm nhà, ngăn chặn lũ lụt, mang lại nguồn nước vô tận. Cuối lễ cúng, tất cả người Hà Nhì đều thề quyết tâm giữ rừng.

Chính vì thế, qua bao nhiêu đời nay, rừng Y Tý không bao giờ bị chặt phá, những cánh rừng nguyên sinh với những loại gỗ quý luôn được người Hà Nhì bảo vệ nghiêm ngặt.

Họ quan niệm, nếu phá rừng tức là chọc giận Thần rừng và như vậy sẽ bị Thần rừng quở trách khiến cả bản làm ăn xui xẻo quanh năm.
Trẻ con Hà Nhì 
Người Hà Nhì đốt lửa quanh năm, song là đốt củi khô do con gái Hà Nhì vào rừng lấy. Người Hà Nhì có ý thức nhường nhịn nhau nên họ chỉ lấy đủ dùng mà thôi, phần còn lại dành cho gia đình khác.

Nhiều năm nay, dù rét dài, rét đậm, thiếu cái đốt, song người Hà Nhì quyết đi thật xa, vào rừng sâu để lấy củi khô chứ quyết không đụng đến cây tươi nào cả. Nếu ai lỡ chặt một cây tươi thì sẽ phải nộp phạt một con lợn béo 50kg, 60 lít rượu và 40kg gạo trắng để mang ra rừng cúng tạ lỗi với Thần rừng.

Tết trùm khăn diễn ra vào tháng 6, là Tết được đám thanh niên mong đợi nhất. Tết này, người ta dựng một cây đu ở bãi đất rộng đầu bản.

Đám thanh niên chưa vợ nhảy lên các cây đu trổ tài. Ai đu bổng nhất thì chứng tỏ người ấy khỏe nhất và sẽ được nhiều cô gái mến nhất.

Đêm đến, đám thanh niên đốt lửa thật to, sáng rực cả góc trời rồi nhảy múa, hát hò, uống rượu quanh đống lửa. Đôi nào ưng nhau thì trùm khăn che mặt rồi dẫn nhau ra bìa rừng, lên sườn núi tâm sự.
Chuẩn bị củi sưởi ấm trong mùa đông và dịp Tết 
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, đất trời Y Tý lạnh ngằn ngặt, thế nhưng, ngọn lửa ấm áp trong mỗi ngôi nhà vẫn rực cháy biểu thị sự no ấm.

Bí thư Lúy chỉ hai con lợn nhốt ở trái nhà đen trùi trũi, mỗi con dễ đến 60kg và bảo: “Hầy dà! Cán bộ ơi! Tết này mình mổ hai con lợn này, ở đây ăn Tết với bản mình nhé”.

Tôi trầm ngâm ngắm nhìn những ngọn núi, dòng sông thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc mà lòng trào dâng nỗi niềm khó tả. Cuộc sống của những con người ngàn đời đói khổ, lạc hậu dường như đang đổi thay nhanh chóng.

Đây đó vang lên tiếng lợn kêu eng éc, tiếng chày giã bánh bì bọp, tiếng cười rộn rã của đám trẻ con, và lấp ló sau cánh cửa là ánh mắt thẹn thùng của các cô gái Hà Nhì má ửng hồng, miệng thở ra sương. Từ trong màn mây dày đặc, thi thoảng lại hiện ra những anhí (em gái) Hà Nhì xúng xính trong bộ váy áo rực rỡ đi chợ Tết.

Xuân đã về trên từng ngọn cỏ, cành cây. Mỗi mùa xuân Y Tý lại thêm no ấm.

Phong Hân
Bình luận
vtcnews.vn