Nước mắt vị tướng trong ngày Giải phóng

Thời sựThứ Bảy, 30/04/2011 02:18:00 +07:00

(VTC News) – Thiếu tướng Hoàng Trung Kiên, Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp kể về những đồng đội đã hy sinh, khi họ đã đến gần sát ngày Giải phóng.

(VTC News) – Thiếu tướng Hoàng Trung Kiên, Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp kể về những đồng đội đã ngã xuống, khi họ đã đến sát giờ Giải phóng chỉ vài tích tắc.

Xe tăng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh: tư liệu 

Đón hòa bình trong nước mắt

Đầu những ngày tháng 5/1975, khi người lính lái xe tăng Hoàng Trung Kiên tỉnh dậy, thấy mình bị thương, nằm trong bệnh viện Tiền Phương thuộc Hóc Môn của Sài Gòn.

Đất nước giải phóng rồi! Trung Kiên vừa vui sướng, vừa ngóng trông người đến thăm. Nhưng đợi đến ngày thứ 3 mới có đồng đội tới.

Đau đớn thay, hỏi ra anh mới biết, không chỉ xe của Kiên mà còn 5 xe khác đã hy sinh ở ngã tư Bảy Hiền và lăng Cha Cả. Đại đội anh đã hy sinh quá nửa thì lấy đâu ra người đến thăm?

Anh và những người sống sót đã cực kỳ may mắn khi được trở về quê hương, đoàn tụ gia đình.

Nước mắt lăn dài trên mắt người lính khi nhớ tới đồng đội, từ cái ngày lịch sử ấy cho đến hôm nay, lúc Hoàng Trung Kiên đã là một vị tướng, ngồi kể lại cho cánh phóng viên chúng tôi nghe những ngày tháng Tư hào hùng của dân tộc.

Đất nước trong ngày vui đại thắng. Ảnh: tư liệu 

Ông bảo: “Thời khắc ấy, nhiều người được đón hòa bình trong cờ hoa phấp phới. Còn đại đội tôi đón hòa bình trong nước mắt. Vì đại đội có 8 xe thì 5 xe cháy hết còn đâu. Đại đội trưởng, chính trị viên và nhiều anh em khác đều không còn. Người nào bảo ngày đó không cần đánh mà vẫn dành được hòa bình là xuyên tạc lịch sử. Thực tế là quân địch chống trả điên cuồng và chúng ta đã phải chiến đấu quyết liệt mới chiến thắng được bọn chúng.”

Từ người lính thành người thầy

Đất nước giải phóng, Trung Kiên được về Trường Sĩ quan Tăng – Thiết giáp học tập. Chàng trai từng đạt giải Nhất học sinh giỏi Toán toàn miền Bắc ấy đã đạt kết quả xuất sắc khi ra trường và được giữ làm giảng viên.

Hoàng Trung Kiên khi còn là Đại tá, Hiệu trường trường Sĩ quan
Tăng - Thiết giáp. Ảnh: Nguyên Minh
 

Những đau thương, mất mát trên chiến trường đã cho anh những tri thức, kinh nghiệm quý giá để giảng lại cho các thế hệ sau. Phía sau mỗi bài giảng của anh, người ta thấy hình ảnh những chiến sĩ trong chiếc xe tăng phải nằm lại ở cửa ngõ Sài Gòn với ngôi sao trên tháp pháo.

Hoàng Trung Kiên sau đó được Nhà nước phong hàm Phó giáo sư, Nhà giáo Nhân dân và đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng trường Sĩ quan Tăng – Thiết giáp.

Những năm đầu các trường sĩ quan quân đội hội nhập vào hệ thống giáo dục quốc dân, còn nhiều tìm tòi, thử nghiệm. Là người lính đã qua chiến đấu, anh sớm nhận ra, có  chỗ phần lí thuyết tăng nhưng phần rèn luyện kỹ năng thực hành lại giảm.

Mà với sĩ quan xe tăng, học những gì “chiến trường cần” là rất quan trọng. Không thể “làm ngơ” khi một học viên có thể vanh vách tính năng, cấu tạo của xe tăng nhưng lại không lái được xe, như gà mắc tóc trước những tình huống trận mạc…Khi làm hiệu trưởng, anh đã đề xuất đổi mới đào tạo sĩ quan xe tăng. Tuy nhiên, đổi mới giống như những cơn đau đẻ kéo dài, các cơ quan chức năng còn “nghe ngóng” cấp trên.

Để tạo cú hích, Hoàng Trung Kiên quả quyết, cơ chế, chính sách cũng bắt nguồn từ cơ sở. Mình làm đúng thì trên sẽ ủng hộ. Anh “lợi dụng” quyền hiệu trưởng được điều chỉnh khung chương trình đào tạo không quá 20%, tiến hành tổng rà soát, tìm ra những lỗ hổng.

Gạch, bỏ, bổ sung…Hàng ngàn trang sách còn lưu bút dấu mực đỏ của anh. Có môn học từng bị bỏ ra “bên lề” như điều lệnh, học không cần phải thi, nay anh kiên quyết: thi và lấy điểm. Vì theo anh, điều lệnh là nền tảng của kỉ luật, nhiều trường hợp đổ máu, hi sinh vì kỉ luật kém!

Sân tennis, bể bơi ở trường, anh cấm cho thuê, cho người ngoài vào chơi, chỉ dành cho bộ đội. Xăng, xe tiểu chuẩn của Ban giám hiệu, anh trích một phần hỗ trợ cho bộ đội đi công tác, giải quyết việc hiếu hỉ. Anh bảo: Chăm lo cho người lính, để họ yên tâm dạy và học cũng là cách giúp tạo ra nhiều sĩ quan giỏi.

Khúc vĩ thanh

“Những chiếc xe tăng đè đỉnh Trường Sơn đi tới/ Từng mắt xích quay vương dải mây mù. Nơi tập kết – cánh rừng không tên gọi. Thừa gió ngàn, ước một tiếng trẻ thơ..” – ít ai biết những tháng năm chiến đấu trong khói lửa ấy đã gieo vào Thiếu tướng Trung Kiên một tâm hồn thơ trong sáng.

Ông đã sáng tác nhiều bài hay về người lính trong chiến trận và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Mỗi lần có người hỏi ông về ngày 30/4 lịch sử, vị tướng có giọng nói sang sảng  đã trải qua những phút giây gay cấn nhất của chiến tranh ấy, vẫn không cầm được nước mắt khi nhớ về những đồng đội đã nằm xuống, để đất nước đứng lên, trọn vẹn niềm vui chiến thắng…

Hoàng Tuân - Nguyên Minh


Bình luận
vtcnews.vn