Nửa chừng mù cang chải

Tổng hợpThứ Hai, 04/10/2010 08:09:00 +07:00

Chúng tôi đang lang thang Mường Lò trong một hoàng hôn rợn ngợp. Khói đốt đồng, những dáng con gái Thái mềm mại trong chiều, tiếng côn trùng, cánh châu chấu bay

   MIÊN MAN MƯỜNG LÒ

Ở trung tâm văn hóa hội nhà văn 275 Âu Cơ - Hà Nội té ra gọi xe ôm rất khó. Tôi xác định là đi bụi, xe ôm, xe khách, nhưng cuối cùng vẫn phải kêu tắc xi ra bến xe Mỹ Đình. Tắc xi một đoạn thì hết trăm rưởi, trong khi mua một cái vé chỉ 70 nghìn là lên vời vợi Yên Bái, tôi thênh thênh nhằm Tây Bắc tiến.

 

Đã hẹn rất nhiều lần với nhà văn Hoàng Thế Sinh, Phó tổng biên tập báo Yên Bái là lên chơi với anh, anh sẽ đưa đi lang thang những là Mường Lò, Văn Chấn, Trấn Yên, Tú Lệ, Mù Cang Chải... thế mà mãi lần này mới ráp được với nhau. Hoàng Thế Sinh bỏ dở cuộc họp ở Sầm Sơn phi về để đón nên tôi phải ra bến xe sớm đi chuyến đầu. Xe miên man qua những rừng cọ đồi chè, qua những Đoan Hùng, Phú Thọ, những cái tên nghe quen đến cứ như mình đã ở đấy từ đời nào. Thì ra vai trò của văn chương, của lịch sử lớn thật, nó khiến cho những kẻ dẫu lần đầu thoáng qua mà cứ như là thân thuộc lắm, mà nao nức như mình chuẩn bị gặp cố nhân, cố hương, gặp tuổi thơ lem láp thuở nào...

Đến thành phố Yên Bái lúc giữa trưa, chúng tôi (bây giờ thêm nhà văn Hoàng Thế Sinh nên là “chúng tôi”) ăn vội bữa trưa với đặc sản Yên Bái thịt trâu xào và gà đồi luộc, rồi tiếp tục đón xe đò đi tiếp. Tất nhiên đường vào Mường Lò không thể bằng con đường Hà Nội Yên Bái được. Nhưng cứ nghĩ những bài báo đã đọc về thị xã Nghĩa Lộ xưa thì có lẽ bây giờ dứt khoát một trời một vực dù cái xe chạy giữa bụi mà mở toang tất cả các cửa và những gì kêu được đều hân hoan kêu lên khoan khoái, làm như thể được chở chúng tôi là hạnh phúc, là sung sướng đến độ không thể không rên lên....

Thực ra mục tiêu của chúng tôi là Mù Cang Chải, nơi mà tối mai sẽ diễn ra “lễ hội danh thắng ruộng bậc thang quốc gia Mù Cang Chải”, nhưng rồi giật mình vì vé máy bay đã cận ngày, nếu cứ tiếp tục lang thang mãi thì mình phải là người sorry chứ không phải Vietnam Airlines mà truyền hình Việt Nam đã gọi là Sorry Airlines. Thế nên tôi bàn với anh Hoàng Thế Sinh là nghỉ tại Mường Lò, còn cái món danh thắng ruộng bậc thang kia thì sẽ đọc trên báo sau, bởi cái lễ được chúng ta tổ chức lâu nay nó cứ na ná nhau. Mình sục xạo đi cho kỹ Mường Lò còn bằng mấy chen chúc vào cái lễ hội luôn luôn là người với người và luôn luôn luôn nhảy múa kia.

Và quả thực, Mường Lò mở ra trước mắt tôi một thế giới dù nó còn cách Mù Cang Chải 100 cây số.

Thuê phòng khách sạn xong, không thèm tắm vì sợ tối, chúng tôi bắt đầu đi bộ khám phá Mường Lò.

Mường là tên một bản, làng, đơn vị cư trú của người Thái. Có 4 mường nổi tiếng ở Tây Bắc là Mường Then, ta gọi là Mường Thanh - tức Mường trời ở Điện Biên, Mường Lò là làng của ông Lò Lại Trượng, ông tổ của người Thái ngày nay, Mường Than ở Lai Châu và Mường Tấc ở Sơn La.

Thì chúng tôi đang lang thang Mường Lò trong một hoàng hôn rợn ngợp. Khói đốt đồng, những dáng con gái Thái mềm mại trong chiều, tiếng côn trùng, cánh châu chấu bay, những đứa trẻ con đi bắt châu chấu, vài con nhái nhảy vội phọt nước đái vào chân chúng tôi mát lạnh, những con trâu nghênh những cặp sừng như những vầng trăng nhỏ xiên xiên trong gió, mà gió thì miên man lểnh loảng đưa cái hương ruộng nửa ngạt ngào khao khát, nửa nồng khê khó chịu, cái ấn tượng dân dã mà thân thuộc mà khắc khoải đến nao lòng mỗi khi bắt gặp. Tôi và nhà văn Hoàng Thế Sinh cứ nguyên giày men trên những bờ ruộng mảnh như lá lúa chênh vênh như câu “Inh lả ơi” dân ca Thái tôi mới nghe lúc chiều từ điện thoại một cô gái váy đen áo trắng đạp xe qua đường sau phooc ba ga đèo một rổ táo...

Bây giờ nó là Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ, nhưng tôi vẫn thích gọi nó là Mường Lò hơn, nghe nó... hoài cổ, dư ba và bản sắc. Cái thung lũng Mường Lò này là vựa lúa của Yên Bái, nghe bác Sinh nói ông đã viết “Miền gái xinh” ở đây, nhưng quả thật là cho đến giờ thì tôi vẫn... chưa thấy gái xinh ở đâu. Sự lam lũ của những người đàn bà ở đây đã khiến cho cái “miền gái xinh” nọ như là lặn vào đâu đó phía sau những rặng núi thăm thẳm dựng đứng kia, còn bây giờ, nhập nhòa hoàng hôn, những dáng, những bước đi tất tưởi, những xoe xóe cãi vã,  những nhếch nhác áo quần khiến cho dù rất muốn lãng mạn tôi cũng không thể thi vị hóa những gì đã thấy...

Trên xe có một cô bé giáo viên có hành trình khá lạ. Bố Hải Phòng, mẹ Hà Tĩnh, gặp nhau ở Krông Păk- Đắc Lắc, sinh ra cô bé này. Cô học sư phạm ở Hà Nội và bây giờ dạy ở... Mường Lò. Mình kể cho bác Sinh nghe, bác nói một thành ngữ người miền núi mà mình rất khoái: Rễ cây thì ngắn, rễ người thì dài. Rễ cây Kơnia cùng lắm là dài đến... Hồ Gươm, còn rễ người thì tứ tán khắp nơi, mà cô bé này là ví dụ. Bác Sinh còn nói rộng hơn, rằng có xó xỉnh nào trên trái đất này mà không có người Việt Nam hả chú?..

 

Khách sạn Nghĩa Lộ 7 tầng, khá lớn so với thị xã này (Sao nó không lấy Mường Lò cho ấn tượng nhỉ?) nằm ngay trung tâm là nơi hai anh em tôi tá túc. Chả phải kể công, nhưng bây giờ mà có 2 ông nhà văn “khứa lão” (chữ Đặng Ngọc Khoa) lọ mọ nhảy xe đò mấy chặng vào nơi thâm sơn cùng cốc thực tế thăm thú tiêu dao thì cũng hơi hiếm đấy. Chả thế mà khi ngồi xe Hà Nội - Yên Bái đã rất nhiều bạn bè gọi điện không tin tôi một mình đi Yên Bái. Và chính vì thế mà chiều nay lúc hai anh em ngồi xếp bằng giữa Mường Lò trong một quán cơm uống ly rượu 138 thì tôi phải bày tỏ sự sung sướng bằng cách gọi khá nhiều điện thoại cho bạn bè và cho vợ để... khoe. Nhà văn nhà báo Trần Chiến và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thèm phát điên vì họ đang bị... bí thư tỉnh ủy Yên Bái chiêu đãi tít ngoài thành phố Yên Bái. Tôi hình dung cảnh Trần Chiến đứng lên ngồi xuống cụng cụng chúc chúc mà... thương hai lão. Tôi biết chuyện này vì sau khi lội bộ vào mấy thung lũng ruộng nước và mấy bản Thái Mường Lò thì chúng tôi rủ nhau nhậu. Còn gì hoành tráng hơn giữa Mường Lò này mà gầy một độ nhậu bác Sinh ơi. Tất nhiên rồi, tất nhiên rồi. Châu Chấu nhé, bọ xít nhé, nhái nhé... À mà thôi, rắn, có một quán rắn hay lắm chú ạ. Cứ thế ông tương một hồi tán thưởng. Nhưng chỉ có 2 thằng thì chán chết, thế là tôi điện cho Phạm Xuân Nguyên.  Tôi với Nguyên này có thói quen là đến đâu mà không có bạn nhậu thì gọi cho nhau, hỏi mày có quen thằng nào ngồi được ở xứ ấy không, nếu có thì giới thiệu. Thế mà rồi có khối bạn chung. Lần này thì Nguyên cũng chịu, bảo tao chưa phủ sóng đến đấy. Ông Sinh thì sau một hồi lụi cụi đi bộ lôi về được một ông bạn già 73 tuổi, giáo viên về hưu nhưng không biết uống rượu: Ông cứ ngồi đấy nhìn anh em tôi uống rượu.

Ở trên tôi có nhắc rượu 138. Ban đầu tôi rất ngạc nhiên, rượu gì mà như nghe tên chỉ thị. Thì ra nó là tên một chỉ thị thật, chỉ thị 138 về xóa cây thuốc phiện. Người ta nhổ mang đi vất thì mấy bợm nhậu và chủ quán lén mang về ngâm rượu uống. Tuốt tuồn tuột cho vào thẫu và rượu lềnh phềnh rễ cây củ quả... Tôi uống và thấy nó cũng... như mọi loại rượu khác, tất nhiên có thể nó có giá trị giải quyết khâu oai, bởi nếu không sợ, có khi tôi cũng làm một lọ về... dọa bạn bè.

Vô tình gặp bí thư thị xã Nghĩa Lộ khi vào thăm Căng đồn Nghĩa Lộ lúc chiều. Ông mời chúng tôi dự một cuộc chiêu đãi nhưng chúng tôi khéo léo từ chối. Đã quyết làm người tự do thì tự do cho đến hết chuyến. Ông Sinh là nhà văn và lại là phó Tổng Biên tập Báo Yên Bái nhiều năm nên nhiều người biết, nhưng cũng như tôi, ông thích những cuộc lang thang tự túc tự giác tự mình như chúng tôi đang thực hiện. Nó không bận bịu, không nghi lễ và không mất tự nhiên... Nhờ thế mà tôi biết nhiều chuyện khá đau lòng, rằng là con số người nghiện ở đây khá nhiều. Chưa hết, con gái Thái mới mười bốn mười lăm bị dụ đi hết, làm đủ nghề, nhiều nhất là... ca ve, tiếp viên, mại dâm... và vì thế mà ở đây cũng có số người nhiễm HIV rất cao. Nghe kể đồng bào chả phân biệt phải trái gì, cứ thấy hàng xóm có con đi xa mang tiền về là nô nức lắm, là ra ngắm vào nhìn con gái mình mong cho nó chóng lớn. Cũng nghe kể, rất nhiều cháu đi rồi mãi chả thấy về, chắc là bị bán. Chợt nhớ một vài địa phương phía Nam cũng thế, cứ ngong ngóng con gái lớn là cho đi, cho lên thành phố, còn chả cần biết thành phố là gì, nó vuông tròn ra sao...

Thì cứ ngồi vừa uống vừa vân vi như thế, đêm Mường Lò chầm chậm trôi qua lúc nào không biết...

 (còn tiếp)

Văn Công Hùng

Bình luận
vtcnews.vn