Nữ tù "U.70" và khát vọng ngày về còn có mẹ

Pháp luậtChủ Nhật, 04/04/2010 01:32:00 +07:00

Tuổi 70 đang đến gần, nữ tù từng một thời được mệnh danh "nữ quái" đang nỗ lực cải tạo với mục tiêu nhói lòng: "Được ra tù để còn có cơ hội báo hiếu mẹ già".

Tuổi 70 đang đến gần, Nguyễn Thị Phi - nữ tù từng một thời được mệnh danh "nữ quái" này đang nỗ lực cải tạo với mục tiêu nhói lòng: "Được ra tù để còn có cơ hội báo hiếu mẹ già, dù chỉ là vài ngày ngắn ngủi".

Một chiều đầu tháng 4, trong cái nắng như thiêu như đốt, chúng tôi rời TP HCM đến Phân trại 1 - Trại giam Thủ Đức (huyện Hàm Tân - Bình Thuận) gặp nữ tù Nguyễn Thị Phi. Trên đường đến nơi nữ tù này đang nỗ lực hoàn lương, Thượng úy Phạm Vũ Bắc, cán bộ quản giáo cho biết: "Đây là nữ phạm nhân rất đặc biệt với nhiều "chiến tích" vào tù ra tội. Khi bị tòa tuyên xử án chung thân, nữ phạm này từng có giai đoạn sống bi quan, buông trôi số phận với suy nghĩ "đời chẳng còn gì" bởi "ngày về thăm thẳm". Nhưng rồi tấm lòng các cán bộ quản giáo đã vực dậy ý chí hoàn lương của Nguyễn Thị Phi...

Án chồng án vì ham… sống sướng

Sinh năm 1946, quê ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng, gần 15 năm ăn cơm trại giam nhưng nữ phạm nhân Nguyễn Thị Phi vẫn giữ được nét đài các một thời của con nhà khá giả, lễ giáo. Ở tuổi 65 nhưng sức khỏe của nữ tù U.70 này rất tốt, da dẻ hồng hào, tóc đen mượt chứng tỏ được gia đình thường xuyên thăm gặp. Theo hồ sơ lưu, ngày 10/1/1996 Phi bị bắt giam tại Trại giam Chí Hòa.

Phân trại 1 - nơi Nguyễn Thị Phi đang nỗ lực cải tạo cho khát vọng ngày về. 

Ngày 30/9/1998, ngay khi bị Tòa án nhân dân TP HCM tuyên phạt án tù chung thân, Phi được di lý về Trại giam Thủ Đức thi hành án. Nữ phạm nhân ở tuổi xế chiều bắt đầu câu chuyện "ăn cơm trại giam" bằng những con số: "Ngày ra trại, tôi nhẩm tính vào năm 2015, khi ấy tôi vừa bước sang tuổi 71, thuộc tuýp U.80 rồi".

- Chị bị tuyên án chung thân vì tội gì?

Chúng tôi vừa dứt câu hỏi thì ánh mắt Nguyễn Thị Phi đỏ hoe. Dòng nước mắt bất ngờ tuôn chảy. Nữ tù luống tuổi này khóc vì ân hận, vì bị khơi lại vết thương lòng hay có oan khúc gì chăng? "Tôi mặc áo tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân" - Phi trả lời: "Khi bị bắt tôi đang làm kế toán cho Công ty TNHH Việt Mỹ chuyên kinh doanh hàng điện lạnh. Tuy số tiền chiếm đoạt không nhiều, chỉ xấp xỉ 1 tỷ đồng nhưng tôi phải chịu mức án cao vì trước đó tôi đã có nhiều tiền án về tội này".

- Chị chiếm đoạt tiền của những ai, để làm gì? Chị làm thế nào để họ tin tưởng trao tiền khi đã có tiền án tiền sự?

- Sau năm 1975, bố mẹ tôi rời Hải Phòng vào công tác và sinh sống tại TP HCM. Cuộc sống khi ấy của gia đình tôi khá ổn định vì bố mẹ đều là giáo viên dạy Anh văn có tiếng. Trong gia đình, các anh chị em tôi đều được học hành tử tế và là cán bộ Nhà nước, chỉ riêng mỗi tôi lạc loài, tội lỗi như vầy. Năm 1997, sau quá trình chung sống có 2 mặt con, vì nhiều lý do nên tôi và chồng ly hôn. Khi ấy tôi cùng 2 con sống tại nhà bố mẹ ở địa chỉ 151/8 Trần Bình Trọng, thuộc phường 2, quận 5.

Với bằng kế toán quản lý, đồng lương có hạn nên việc lo cho mình và hai con cũng khá vất vả nên tôi nuôi ý định huy động vốn tiêu xài. Với lợi thế kinh tế gia đình và uy tín, mối quan hệ của bố mẹ nên tôi không mấy khó khăn hỏi mượn tiền của những người là bạn bè thân quen của ông bà và những người ở cùng khu phố, làm cùng cơ quan. Đến hẹn trả nợ, tôi cứ lần lữa, xin khất mãi. Một số người dọa thưa Công an, tôi phớt lờ. Đến khi biết sợ thì chuyện đã muộn.

Do thời gian quá lâu nên Nguyễn Thị Phi không nhớ rõ số tiền. "Tôi chỉ nhớ đó là căn nguyên đưa mình đến với bản án tù 4 năm do TAND TP HCM tuyên phạt. Ra tù được gần 2 năm, cuộc sống khó ngặt và những mặc cảm thua sút so với bạn bè đã thúc đẩy tôi quay trở lại con đường xấu… và đã lại phạm tội. Có điều lần phạm tội này nặng hơn lần trước nên tôi bị tòa thành phố tuyên án 10 năm tù".

"Tù chung thân không phải là án tử"

Năm 1989, Nguyễn Thị Phi ra trại. Quá ngán cơm tù và những năm tháng mất tự do, trên hết là không muốn làm xấu hổ gia đình nên Phi thề với lòng sẽ sống nghiêm túc. "Trong quá trình thụ án, những lần thấy mẹ và các em lên thăm, tôi tủi thân, xấu hổ lắm! Nên sau khi mãn án tù 10 năm, tôi trở lại với nghề kế toán. 1 năm, 2 năm rồi 5 năm trôi qua, thấy tôi chí thú làm ăn nên mọi người ai cũng mừng. Đầu năm 1995, cố gắng gượng nhưng vẫn không bứt phá mà cứ sống bình bình mãi nên tôi trở lại con đường cũ. Tôi phịa đủ lý do cần vốn làm ăn, cần tiền chữa bệnh cho mẹ, cho con… và mượn tiền nhiều người với lời hứa "tháng sau sẽ trả".

Vì thương quý mẹ tôi và cũng tin tưởng tôi đã hoàn lương thật sự nên mọi người trao tay chẳng chút đắn đo. Rủng rỉnh tiền trong tay tôi tiếp tục tiêu xài hoang phí và lại bị tòa tuyên án".

Khi biết mình phải thụ án tù chung thân tại Trại giam Thủ Đức, "nữ quái lừa đảo" Nguyễn Thị Phi "vừa chán nản vừa lo sợ". Bởi hai lần thụ án trước, Phi cũng cải tạo tại trại giam này. Và cả hai lần Phi đều tỏ ra ăn năn, hối hận, luôn chấp hành nghiêm túc mọi qui định học lập, lao động của phân trại, một lòng tu dưỡng cải tạo, phục thiện… nên được lãnh đạo trại tạo điều kiện để sớm hòa nhập với xã hội. "Trở lại trại, tôi sợ lắm! Sợ ánh mắt thất vọng từ yêu thương chuyển sang phẫn ghét trước con ngựa chứng hoang đàng bất trị từ các cán bộ quản giáo, như những người thân của bố mẹ từng bị tôi lừa, rồi họ tha thứ cho tôi và lại tiếp tục bị tôi lừa chiếm đoạt tài sản. Với lại tôi nghĩ mình bị kêu án chung thân lúc 50 tuổi thì dẫu có cải tạo tốt cấp mấy cũng chẳng thể có ngày về. Mà có được về thì lúc đó cũng thân tàn ma dại rồi. Vì suy nghĩ thế nên tôi xem mình như bị tuyên án tử nên rất bất cần, ngổ ngáo. Có lúc tôi nuôi ý định quyên sinh để thoát nợ trần".

Một số bạn tù ở cùng phòng với Nguyễn Thị Phi nhớ lại: "Sau khi đóng bộ mặt lầm lỳ, chị Phi chuyển sang thương thân trách phận. Suốt ngày chỉ gục rũ, chị em khuyên bảo không nghe. Có khi chẳng thiết ăn uống và được nhiều bạn tù ám chỉ bằng biệt danh… "tù bất trị".

Gần 30 năm gắn bó với công tác quản giáo cùng đồng đội vực dậy hàng chục ngàn thân phận lỡ lầm nên Thượng tá Nguyễn Xuân Thường, Phó giám thị Trại giam Thủ Đức hiểu rõ diễn biến tâm lý phức tạp của những phạm nhân bất cần đời, cũng như có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chuyển hóa họ.

Biết chuyện của nữ phạm Nguyễn Thị Phi, anh lặng lẽ quan sát, theo dõi mọi diễn biến tâm lý cũng như nghiên cứu kỹ hồ sơ, tìm hiểu rõ về thân nhân của "nữ quái" này. Qua quá trình tìm hiểu và trò chuyện với những thân nhân lên thăm gặp Phi, anh nhận thấy tuy có "thành tích" lừa đảo bất hảo nhưng nữ tù này rất thương mẹ thương con, là người giàu tình cảm nên "có thể cải hoán, có thể vực dậy được".

Những lá thư của mẹ là niềm an ủi, khích lệ khát vọng hoàn lương của nữ tù U70 Nguyễn Thị Phi. 

Vì niềm tin ấy mà Thượng tá Thường kiên trì gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe tâm tư, tình cảm của nữ tù bất cần đời này. "Muốn vực Phi dậy, kinh nghiệm mách bảo cho tôi biết trước tiên phải giúp cho nữ phạm này hiểu rõ một điều chung thân không phải là án tử. Chung thân nhưng vẫn có lối về nếu cải tạo tốt, nếu một lòng hướng thiện. Lúc tôi trò chuyện, Nguyễn Thị Phi gật gật tỏ ra hiểu biết, quyết tâm nhưng sau đó thì tiếp tục rơi vào tình trạng u uất, bi quan. Tôi hỏi thăm thì Phi chỉ khóc và khóc" - Thượng tá Thường nhớ lại.

Bằng tinh thần trách nhiệm và lòng trắc ẩn, cảm thông nên Thượng tá Thường không bỏ cuộc mà chuyển hướng mới trong việc vực dậy nữ phạm phức tạp này. "Một ngày nọ, sau khi được mẹ thăm gặp, lúc mẹ về, tôi chia tay mà nước mắt chảy ướt đẫm áo. Khi ấy ông Thường đến gặp tôi hỏi có thương mẹ không, tôi gật đầu. Ông Thường hỏi tiếp rằng tôi có muốn trả hiếu cho mẹ không, tôi vừa lắc đầu vừa khóc, rồi nói đại ý bây giờ tôi chịu cảnh tù tội không biết đến bao giờ mới ra trại thì sao có thể báo hiếu cho mẹ được".

Hồi ức đến đây, nữ tù U.70 Nguyễn Thị Phi khóc vì xúc động rồi lại tiếp tục mạch chuyện với lòng tri ân: "Khi ấy ông Thường nói với tôi, chị đã gây nhiều nỗi đau cho người thân và mẹ nhưng mẹ chị vẫn tha thứ, vẫn yêu thương, tuổi cao sức yếu vẫn đều đặn lên thăm chị. Nếu cứ để mẹ biết chị ủ rũ, bất cần, không niềm tin như thời gian qua thì nỗi đau của mẹ sẽ khó nguôi, sẽ lớn dần mãi.

Chị vẫn có thể trả hiếu cho mẹ bằng cách phấn đấu cải tạo tốt, sống lạc quan và biết tin yêu. Luật pháp luôn mở rộng lối về cho những người biết hối cải nên cánh cửa ngày về không khép kín với chị. Sống tốt để mẹ vui là báo hiếu rồi. Về dẫu chỉ một ngày được bên mẹ còn hơn là không bao giờ!".

"Mẹ ơi! hãy đợi con!"

Những lời phân tích, sẻ chia trĩu nặng ân tình của Thượng tá Nguyễn Xuân Thường như mạch nước mát trong tưới đẫm vào cõi lòng khô hạn của nữ tù Nguyễn Thị Phi, mang đến một sức sống mới đầy quyết tâm, tin yêu cho nữ tù tưởng "bất trị" này. Từ hôm ấy nữ phạm Nguyễn Thị Phi "lột xác", chấp hành nghiêm túc mọi qui định, giờ giấc sinh hoạt, lao động, học tập của trại giam.

Thượng úy Phạm Vũ Bắc cho biết: "Ý chí quyết tâm cải tạo của Nguyễn Thị Phi rất đáng khâm phục, được biểu hiện qua con số ấn tượng, 15 năm qua chỉ nghỉ đúng một ngày công vì lý do sức khỏe. Không chỉ tự tu dưỡng tốt, Nguyễn Thị Phi còn tích cực quán xuyến mọi hành vi cũng như đóng góp ý kiến với những phạm nhân vi phạm qui chế để họ kịp thời sửa sai, là người chị cả luôn tận tình bảo ban, chia sẻ, vực dậy tinh thần hoàn lương cho những phạm nhân nhỏ tuổi hơn những khi tinh thần họ dao động".

Vì cuộc lột xác ngoạn mục ấy mà năm 2009, mức án chung thân của nữ tù Nguyễn Thị Phi được thay thế bằng án tù 20 năm. Ngày 10/1/2010, Nguyễn Thị Phi được giảm tiếp 7 tháng tù. Cùng với thời gian chấp hành án đã qua, Phi hiện chỉ còn thụ mức án 5 năm 1 tháng. "Lần cuối cùng mang bản án chung thân với tôi là rất lâu. Ở được 15 năm, nếu người khác họ đã được về nhưng do tôi có nhiều tiền án nên mức giảm thấp. Rất mong lãnh đạo quan tâm đến trường hợp của tôi và cho tôi cơ hội sớm trở về với gia đình".

Sau mong mỏi trên, nữ tù U.70 khoe vừa nhận được lá thư của người mẹ 88 tuổi. Chúng tôi hỏi mẹ chị có khỏe không thì Nguyễn Thị Phi nhói lòng: "Mẹ già như trái chín cây". Bất giác chị nói trong nước mắt: "Mẹ ơi, mẹ cố gắng đi, 88 tuổi còn chờ được thì mẹ ráng chờ, đừng để con về mà không có mẹ!"




Theo CAND

Bình luận
vtcnews.vn