Nữ sinh tra tấn bạn lên "bàn mổ" căn bệnh vô cảm

Thời sựThứ Sáu, 12/03/2010 04:53:00 +07:00

(VTC News) - "...Điều đặc biệt trong đoạn clip này đó là hành động gây gổ “đặc biệt” đậm tính nữ - không gặp trong cảnh ẩu đả của nam giới".

(VTC News) - Clip nữ sinh Hà Nội bị đánh hội đồng đang gây phẫn nộ trong cư dân mạng nói riêng và toàn xã hội nói chung. Cũng có một số ý kiến hồ nghi rằng đây là một "vở diễn", một clip dàn dựng nhằm thỏa mãn nhu cầu “tự sướng” với mục đích khẳng định bản thân mình của giới trẻ... Hai chuyên gia tâm lý sẽ cùng mổ xẻ căn bệnh vô cảm đang có nguy cơ tấn công một bộ phận lớp trẻ.

Hai chuyên gia tâm lý khi trò chuyện với VTC News cũng cho rằng không loại trừ khả năng này, nhưng vấn đề quan trọng hơn họ nêu ra lại là chuyện cũ mà luôn mới: các bậc cha mẹ, nhà trường... cần quan tâm hơn nữa đến tâm lý lứa tuổi để chia sẻ, định hướng cho của các em.

* Thầy Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều kiêm Ủy viên Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội: Nữ sinh thích làm người hùng như trên phim ảnh


- Thưa ông, ông nhận xét thế nào về việc xung đột giữa các học sinh (HS) nữ trong đoạn clip đã lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông?

- Trước đây, không có hiện tượng các nữ HS đánh lộn nhau. Nhưng 5 năm gần đây bắt đầu rộ lên việc xung đột giữa các nữ HS, không chỉ diễn ra ở những trường đầu vào thấp mà còn ở cả những trường đầu vào cao. Đó không còn là chuyện cá biệt ở Việt Nam mà cả ở một số nước trên thế giới.

Việc học sinh nữ giải quyết xung đột bằng vũ lực không chỉ là chuyện ở riêng Hà Nội. Ở trường THPT Nguyễn Gia Thiều cũng đã diễn ra tình trạng tương tự, nhưng đánh nhau không phải ở trường mà là ngoài phạm vi trường học, ngoài sự kiểm soát của các thầy cô giáo.

- Tại sao ngày càng có nhiều trường hợp các nữ HS dùng bạo lực để “xử” nhau?

- Theo tôi nghĩ, lý do thứ nhất có thể là: Hiện nay, tâm lý người hùng không chỉ ở HS nam mà còn có ở HS nữ, nhất là sau khi xem một số phim xuất hiện nhân vật nữ "anh hùng võ hiệp" như Ngô Thanh Vân, Những thiên thần của Sacly… Các HS nữ (mặc dù rất ít) cũng muốn gồng mình, bắt chước giống như các vai nữ hiệp chính trên phim ảnh.

Thầy Đặng Đình Đại: Cố gắng lột áo “đối thủ” là hành động gây gổ “đặc biệt” đậm tính nữ.

Lý do thứ hai có lẽ là tâm lý muốn tự khẳng định mình, không muốn chấp nhận phận “nữ nhi thường tình”, “nữ phải kém nam”. Túm tóc, đấm đá, chửi mắng, cào xé đó là “võ” của đàn bà. Điều đặc biệt trong đoạn clip này đó là hành động gây gổ “đặc biệt” đậm tính nữ - một điều khá nhạy cảm mà ta sẽ không gặp trong cảnh ẩu đả của nam giới. Đó là, cố gắng lôi áo của “đối thủ” - hạ gục đối phương không chỉ bằng đòn tấn công mà còn bằng việc hết sức tế nhị: lột áo.

- Theo ông thì nguyên nhân phía sau của cuộc ẩu đả là gì?

Để nói về nguyên nhân của các cuộc đánh lộn, cấu xé lẫn nhau của phái nữ đôi khi rất “lãng xẹt” như: một lần bạn này đi ngang qua nghe thấy bạn nữ kia nói “Đã xấu mà còn điệu”; hay vụ khác đánh nhau chỉ bởi “nghe thấy bạn gái khác nói vào tai mình: Học đã dốt mà còn nhuộm tóc”. Suy cho cùng, những lý do đó rất nhỏ nhặt, vụn vặt mang tính rất đàn bà, liên quan tới làm đẹp, thời trang… cũng giống như HS nam đánh nhau chỉ vì một cái “nhìn đểu” mặc dù chẳng hiểu khái niệm “nhìn đểu” là như thế nào.

Và một điều đặc biệt tôi đã từng chiêm nghiệm thấy đó là: Khi hỏi lý do đánh nhau, các nữ HS có thể nói: Họ bảo vệ cho danh dự, cho phẩm giá của mình khi bị hạ nhục, chứ không một ai dám thừa nhận là mình đánh ghen. Mặc dù, có thể nguyên nhân cốt lõi của vấn đề chính là đánh nhau vì tình. 

- Nhiều người trách cứ sự vô cảm của những người ngoài cuộc, chỉ biết đứng nhìn mà không can ngăn. Thầy nghĩ sao về việc này?

- Vô cảm có thể coi là một căn bệnh đang có dấu hiệu lớn dần của xã hội Việt Nam. Người vô cảm không muốn rước họa vào thân thời buổi này không phải là ít. Tuy nhiên, cũng không thể trách họ được mặc dù có thể coi họ là đồng lõa, tiếp tay cho “tội phạm”.

Khi giải quyết một cuộc ẩu đả của nữ sinh, tôi có hỏi các bạn đứng xung quanh “tại sao không chạy vào can” thì các bạn nữ giải thích: “Nhảy vào can có khi còn bị cả hai bên đánh cho túi bụi”. Còn các bạn nam thì nói rằng: các bạn ấy muốn chen ngang, muốn can thiệp nhưng chỉ vừa xấn vào thì ngay lập tức bị các bạn nữ đẩy ra và tuyên bố hùng hồn: “Chúng mày để đấy, tao tự giải quyết”.

Tâm lý muốn tự khẳng định mình bằng hành động bạo lực hình như đã trở thành phương châm hành xử của một số nữ sinh.

- Nạn nhân trong đoạn clip (cô nữ sinh mặc áo trắng) không phản kháng, phải chăng đó là cách tự vệ?

- Cô gái bị đánh không phản kháng vì thấy mình đơn độc, không dám tự bảo vệ. Có thể cô học trò  ấy không thuộc diện gây gổ, vẫn mang tính cách hiền dịu của một nữ HS nên cam chịu. Đó là chưa nói tới yếu tố bất ngờ.

Có người bảo tại sao không chạy? Thực ra, ở đây khả năng chạy là rất khó vì nạn nhân đã bị quây xung quanh và bị lôi ra đánh một cách “nhanh như chớp” nên không kịp trở tay.

- Một số ý kiến cho rằng: Đoạn clip này có thể là do một nhóm HS tự dàn dựng lên, mọi hoạt động bạo lực chỉ là diễn. Liệu có khi nào việc đánh đấm đang trở thành thú tiêu khiển của giới trẻ hiện nay?

- Cũng không ngoại trừ khả năng đây là một vở diễn bởi tuổi trẻ có những suy nghĩ, hành vi ứng xử khác với thông thường. Hình như bao giờ các em cũng muốn làm khác đi. Chính cái khác ấy làm cho nhiều người giật mình chú ý.

Nữ HS đánh nhau trái với bản chất tâm sinh lý cũng như cách ứng  xử của nữ giới, nếu sự việc xung đột xảy ra dễ tạo ra một vụ scandal và bỗng dưng nữ HS đó trở thành “nổi tiếng”, được dư luận quan tâm. Cũng giống như vụ “nữ sinh thay áo” của một trường THPT  gây xôn xao dư luận cộng đồng mạng năm trước, thực ra không phải bị quay trộm mà là các bạn nữ tự quay với nhau rồi tự đưa lên mạng.

- Việc các HS tự diễn và post lên mạng có thể coi là phong trào tự sướng?

- Chính xác thì đó cũng là một cách tự sướng. Tự sướng khi tự mình cứa vào tay, vào đùi. Tự sướng khi tự quay cảnh sex, khoe cơ thể của mình và đưa lên mạng.

- Theo ông, có cách nào để ngăn chặn những xung đột không đáng có này?

Về phía nhà trường, cần quan tâm nhiều hơn tới tâm sinh lý của HS và phải chú ý tới những học sinh nữ có cá tính mạnh. Ở trường tôi có một hội đồng tư vấn trong đó Phó hiệu trưởng làm Trưởng ban để tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết các vụ gây gổ, đánh nhau của HS trong và ngoài trường học trong đó có HS nữ.

Đồng thời, nhà trường cũng nên có những buổi nói chuyện, tiếp xúc, gặp gỡ để trao đổi thông tin hữu ích. Ví dụ như tuần vừa rồi, ngày 5/3, trường tôi tổ chức sinh hoạt lớp với chủ đề “những người bạn gái đáng mến”, học sinh trao đổi về cách làm thế nào để trở thành người nữ sinh thanh lịch trong mắt mọi người. Có buổi tổ chức trao đổi về phòng tránh tội phạm, giáo dục cách ứng xử bên trong nhà trường và bên ngoài xã hội, tránh việc biến mình trở thành tội phạm hoặc nạn nhân của tội phạm.

Về phía gia đình, bố mẹ cần gần gũi với con cái, hiểu những thay đổi tâm sinh lý của con, các mối quan hệ bè bạn của con. Theo tôi, các bậc phụ huynh cũng nên truy cập internet để hiểu hơn về tâm sinh lý của giới trẻ, có những lời khuyên đúng đắn, kịp thời cho con mình. Thử hỏi, có ông bố, bà mẹ nào trên 40 tuổi còn truy cập internet, vào youtube hay facebook để tìm hiểu giới trẻ? Câu trả lời có lẽ là rất hiếm. Những người đứng tuổi hầu như chẳng ai vào đó cả, thì đương nhiên mạng internet như trở thành vương quốc riêng của thế hệ thanh thiếu niên.

Một lời khuyên cho các bậc làm cha, làm mẹ: Đừng nghĩ mạng internet là xấu, hãy biết dùng nó làm phương tiện để hiểu con, trở thành người bạn tâm giao, chỗ dựa tinh thần của con mình.

- Xin cảm ơn ông!

* PGS.TS Phan Thị Hồng Vinh, Trưởng bộ môn Phương pháp giảng dạy Tâm lý học, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội: Phim ảnh có tác động lớn tới hành vi bạo lực của giới trẻ

- Bà đánh giá thế nào về những người xem và người quay vô cảm trước những hành động bạo lực này?

- Tôi không ở trong thực tế này, không tận mắt chứng kiến nên rất khó để có thể bình luận về việc này. Theo dõi clip, tôi nhận thấy rằng: Các bạn nữ ngồi ghế đá rất thờ ơ, không biểu hiện một chút xúc cảm nào, không có phản ứng gì như sợ hãi, bất bình hoặc phẫn nộ. Cảm giác đầu tiên khi xem clip này tôi thấy rất bất thường.

 PGS.TS Phan Thị Hồng Vinh: Tôi hoài nghi về clip này, liệu đó có phải là sự thật ngoài đời hay chỉ là một vở diễn?

- Theo phản xạ bình thường, một người bị đánh sẽ phản ứng như thế nào?

- Bình thường theo bản năng thì người bị đánh sẽ phải làm mọi cách để tự vệ, bản năng tự bảo vệ lúc đó trỗi dậy, có thể họ sẽ đánh trả lại, có thể kêu cứu hoặc chạy trốn. Chỉ cúi đầu, co rúm người như nhân vật nữ bị đánh trong clip (nếu không phải là diễn) thì chỉ có cách giải thích duy nhất đó là: người này có lỗi, đáng bị đòn nên người ta mới có sự cam chịu như vậy. Theo tôi thì không ai trên đời này lại đứng im chịu trận cả.

- Hành động của người đánh cố gắng giằng áo người bị hại trong clip là biểu hiện của hành động vô văn hóa trong giới trẻ?

- Giằng áo, lột áo là để làm nhục người ta đấy! Rõ ràng đây là một hành động thô bạo và vô văn hóa. Nếu là thực tế thì quá ư đau lòng. Nếu sự thật là vậy thì không thể chấp nhận được vì có nhiều cách cư xử văn minh, tốt đẹp để trao đổi, nhận ra cái sai của nhau.

- Tâm sinh lý của những người bạo lực có nguyên nhân từ đâu?

- Những người có bản năng thường có những nguyên nhân về cơ sở như thần kinh. Những người này khả năng kiềm chế không tốt, không cân bằng giữa hai quá trình hưng phấn và ức chế. Nhưng đây chỉ là một yếu tố, một điều kiện… Nguyên nhân sâu xa là do giáo dục của gia đình. Đặc biệt là gia đình tan nát, bố mẹ ly dị, quá nghèo hoặc quá giàu… dẫn tới các hành vi lệch chuẩn, đứa trẻ có thể noi gương xấu, buồn bực trong người, trở nên cục cằn, thiếu tình cảm, dễ gây xung  đột với người xung quanh.

- Hành vi bạo lực như thế này thường xảy ra ở độ tuổi nào, thưa bà?

- Hành vi bạo lực như thế này thường xảy ra ở độ tuổi dưới 18 vì học sinh cấp 2, cấp 3 chưa có khả năng kiềm chế. Lên đại học, các nữ sinh đã trải qua quá trình chọn lọc, lựa chọn những học sinh ưu tú, xuất sắc nhất nên có thể điều khiển được hành vi của mình. Cho tới 18 tuổi thì nhân cách hình thành. Pháp luật có những điều luật quan tâm hơn tới những lứa tuổi dưới 18 vì dưới 18, đứa trẻ đang học việc làm chủ bản thân, tới 18 tuổi mới bắt đầu được bầu cử như một công dân.

- Sau lần bị hành hung, tâm sinh lý của nạn nhân sẽ diễn ra như thế nào?

- Nếu bạn này có lỗi thì lần sau bạn ấy sẽ rút kinh nghiệm. Nếu không có lỗi thì sẽ để lại một vết thương không chỉ về thể xác mà cả tinh thần. Vì đây là một cú sốc rất lớn tác động đến người nạn nhân, việc bị đánh tạo cảm giác sợ hãi, cảm giác sống trong một xã hội không an toàn, bất công, có thể dẫn tới việc thay đổi tính cách trở nên trầm cảm, sinh ra tự kỷ. Người ta cảm thấy bị chà đạp, bị ngược đãi ghê gớm.

Chưa nói tới chuyện cảm giác xấu hổ một khi bạn bè phát hiện mình “bị” phơi bày một chút cơ thể khi “đối thủ” cố gắng lột áo của mình. Mặc dù thực chất là chưa có gì đi “quá xa”, có chăng chỉ đơn giản là lộ chút thân thể giống như người ta khoe mình đi dạo trên bãi biển…

- Ở góc độ một nhà tâm lý, theo bà tác động nào từ xã hội dẫn đến việc bạn trẻ (áo kẻ) có thể mạnh tay, không chút nao núng đánh đấm bạn mình như vậy?

- Môi trường có tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách con người, trong đó nguyên nhân xã hội là chủ yếu. Quan hệ bạn bè khi chơi với nhóm bạn xấu hay ảnh hưởng của phim ảnh bạo lực hoặc mối quan hệ gia đình mâu thuẫn cũng có thể là “ngòi nổ” châm tính bạo lực.

Tôi thường tự hỏi: Tại sao phim ảnh lại luôn có những cảnh đấm đá thay vì hướng tới những cảnh hạnh phúc lứa đôi, mặn nồng hạnh phúc, tìm đến tình yêu thay vì máu đổ?!

- Xin cảm ơn bà!

Tiểu Phương (thực hiện)

* Bạn có đồng tình với quan điểm của hai chuyên gia tâm lý nói trên, hay có cách kiến giải, suy nghĩ khác? Hãy gửi ý kiến cho VTC News về vụ việc này. Trân trọng!

Hành động nữ sinh đánh bạn đáng bị nghiêm trị

[email protected]

Với người bình thường, trong lúc nóng giận hay bốc đồng,có thể đánh nhau

nhưng cũng chỉ ở mức độ va quẹt đơn giản như nắm tóc, cào cấu, xé áo….

nhưng ở đây Tường Vi đã biểu lộ bản tính hung dữ khi bình tĩnh dùng chân giày đá vào mặt nạn nhân, nắm đầu đập xuống nền xi-măng… dù người bị hại đã tỏ ra cam chịu, không dám chống trả.

Ngoài ra cô nữ sinh Tường Vi này cũng không trực tiếp có oán thù gì với người bị hại mà chỉ đánh giúp cho bạn. Hành động này cần phải được xử phạt thích đáng.

Ý kiến về Clip!

[email protected]

Theo tôi nghĩ chắc chắn ko phải là đóng kịch vì trong đoạn clip đá vào mặt, nắm tóc thế ko thể là giả được. Còn việc chống cự là không thể, giả dụ như chúng ta chỉ có 1 mình thì không thể chống cự được trước đám đông, chỉ gắng chịu đựng để đối phương muốn làm gì thì làm cho qua chuyện. Nếu phản kháng chuyện sẽ to ra mà người thiệt chính là mình. Tôi thắc mắc là việc các nữ sinh đánh nhau ngay tại công viên giữa thủ đô mà không thấy bất cứ lực lượng hay người dân nào can thiệp. Thật quá bất bình!




Bình luận
vtcnews.vn