NSƯT Hữu Mười suýt bỏ lỡ vai thày giáo Khang trong 'Bao giờ cho đến tháng Mười'

Sao ViệtThứ Hai, 23/05/2016 02:16:00 +07:00

NSƯT Hữu Mười tiết lộ vì sự cố hiểu nhầm với đạo diễn Đặng Nhật Minh, ông suýt bỏ lỡ vai thày giáo Khang trong phim "Bao giờ cho đến tháng 10".

(VTC News) - NSƯT Hữu Mười tiết lộ vì sự cố hiểu nhầm với đạo diễn Đặng Nhật Minh, ông suýt bỏ lỡ vai thày giáo Khang trong phim "Bao giờ cho đến tháng 10".

NSƯT Hữu Mười là sinh viên khóa 2 trường Sân khấu Điện ảnh. Ông nổi tiếng với các phim "Khôn dại", "Ngày ấy ở Sông Lam", "Phương án ba bông hồng", "Làng Vũ đại ngày ấy",.. và đặc biệt là "Bao giờ cho đến tháng Mười", đóng chung với Lê Vân.

Trong tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh, ông vào vai thày giáo Khang nhân hậu, tâm lý và sâu sắc. Vai diễn mang lại cho ông giải thưởng "Nam diễn viên chính xuất sắc" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 (1985).

Trong cuộc trò chuyện dưới đây, NSƯT Hữu Mười chia sẻ về khoảng thời gian khi đóng phim "Bao giờ cho đến tháng Mười", những kỷ niệm với bạn diễn Lê Vân và lần đầu tiết lộ lý do, ông suýt bỏ lỡ vai thày giáo Khang.

 NSƯT Hữu Mười khi đóng vai thày giáo Khang trong phim "Bao giờ cho đến tháng 10"

- Ban đầu đạo diễn Đặng Nhật Minh không có ý định giao vai thày giáo Khang trong phim “Bao giờ cho đến tháng 10” cho ông, thế nhưng cuối cùng ông lại được chọn. Ông có biết lý do khiến vị đạo diễn nổi tiếng thay đổi quyết định?

Năm 1982, tôi tham gia phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Phim được công chiếu vào năm 1983 và nhận được phản hồi tích cực từ phía khán giả. Nhân vật giáo Thứ của tôi được nhiều người yêu mến. 

“Bao giờ cho đến tháng Mười” được bấm máy vào năm 1984. Trước đó đạo diễn Đặng Nhật Minh cho tôi đọc kịch bản nhưng nói luôn là không muốn giao vai thày giáo Khang cho tôi. Ông sợ sự lặp lại vì đó là điều tối kỵ trong nghệ thuật. Ông Minh chỉ đề nghị, nếu muốn, tôi có thể tham gia đoàn làm phim với vai trò trợ lý đạo diễn.

Thế nhưng gần tới ngày khởi quay, đạo diễn Đặng Nhật Minh lại gọi tôi ra nói chuyện. Ông giao cho tôi vai thày giáo Khang vì đã đi tìm diễn viên khắp nơi, nhưng không thấy ai  thích hợp.

- Đạo diễn Đặng Nhật Minh sợ sự lặp lại, còn bản thân ông thế nào khi trong vòng 3 năm, ông hai lần đảm nhận vai người thày giáo?

Hai nhân vật này chỉ giống nhau ở danh xưng thôi. Trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”, giáo Thứ thực ra ra một nhà văn. Ông được dân làng gọi là thày giáo vì từng có thời gian dạy học trên Hà Nội. Trong phim, không có cảnh nào nhân vật đứng lớp.

Còn thày giáo Khang trong “Bao giờ cho đến tháng Mười” đang công tác ở trường làng, đang trực tiếp dạy học trò. Hơn nữa, tính cách và cuộc sống của hai nhân vật này hoàn toàn khác nhau. Vì thế, tôi không thấy áp lực gì khi nhận lời đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Có một điều thú vị là khi quay “Bao giờ cho đến tháng Mười” vào thời điểm giáp Tết Nguyên Đán, rét “cắt da cắt thịt”, tôi phải đóng cảnh lao mình xuống dòng sông để vớt bức thư.

Đoàn làm phim phải chuẩn bị sẵn một đống lửa lớn, một chiếc chăn chiên, để mỗi khi hoàn thành cảnh quay, tôi phải chạy ngay tới đó để giữ ấm cơ thể.

Trong khi “Làng Vũ Đại ngày ấy” lại quay giữa những ngày hè “nóng chảy mỡ”, tôi lại phải mặc những chiếc áo dày của mùa đông. Làm phim, đôi khi gặp phải những “nghịch cảnh” thế đấy (cười).

 NSƯT Hữu Mười giành giải "Nam diễn viên chính xuất sắc" trong Liên hoan phim lần thứ 7 với vai thày giáo Khang.

- Có thông tin, khi đoàn làm phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” quay được mẻ nháp đầu tiên, Ban giám đốc và đạo diễn Đặng Nhật Minh có ý định đổi vai diễn thày giáo Khang. Ông có biết thông tin này không? 

Đó chỉ là sự hiểu lầm. Trước đó, đoàn làm phim quay cảnh cô Duyên diễn chèo trên sân khấu, thày giáo Khang đứng dưới xem. Trước khi bấm máy, đạo diễn thống nhất với ê-kíp quay phần diễn xuất của Lê Vân trước, những cảnh của thày giáo Khang quay sau đó 1 tiếng.

Lúc đó, hóa trang xong, trong lúc chờ tới lượt quay, tôi đi dạo phía ngoài, gặp người phụ trách máy nổ. Ông này mới pha bình trà nên gọi tôi vào uống. Tôi ngồi nói chuyện với ông. Lúc sau nhìn vào chỗ quay phim, thấy đèn trong đó đã tắt, tôi nghĩ chắc đoàn làm phim hoàn thành cảnh quay của nhân vật Duyên, đang đổi cảnh cho nhân vật Khang nên đi vào.

Ai ngờ vừa tới nơi, tôi bị đạo diễn Đặng Nhật Minh mắng té tắt. Tôi vừa ngượng, vừa tự ái tới mức chỉ muốn độn thổ. Hóa ra, ê-kíp làm phim đã chạy khắp nơi tìm tôi. Tôi ngồi cạnh chiếc máy nổ, âm thanh lớn nên không nghe thấy tiếng gọi.

Sau khi mắng tôi xối xả, đạo diễn Đặng Nhật Minh bắt tôi diễn luôn. Lúc đó, mặt tôi “trơ như thổ địa”, không thể diễn ra những rung động của thày giáo Khang khi xem Duyên diễn chèo.

Hôm sau về Hà Nội, tôi có xin với ban giám đốc hãng phim, thôi không tiếp tục đóng “Bao giờ cho đến tháng Mười” nữa. 

Vài ngày sau đó, ông Đặng Nhật Minh gặp tôi và nói: “Cậu đóng tốt quá, hóa ra quát mắng lại là thủ pháp giúp cậu diễn tốt hơn, ngày mai đi quay tiếp nhé”. Thấy đạo diễn đã dịu giọng, không mắng như hôm trước, tôi lại về xách ba lô theo đoàn đi quay tiếp.

Khi tôi đi học đạo diễn bên Nga, mỗi khi có dịp qua đó, ông Minh đều tới thăm tôi. Tôi về nước đúng dịp ông Minh thực hiện phim “Hà Nội, mùa đông năm 1946”. Ông mời tôi tham gia với vai trò phó đạo diễn.

- Thày giáo Khang nảy sinh tình cảm với cô Duyên do nữ diễn viên Lê Vân thủ vai, còn trong quá trình làm việc chung, ông có khi nào rung động trước người phụ nữ đẹp nổi tiếng của nền điện ảnh Việt?

“Rung” quá đi chứ. Khi đóng “Bao giờ cho đến tháng Mười”, Lê Vân đã nổi tiếng lắm rồi, có nhiều người tài giỏi theo đuổi trong khi tôi lại thuộc dạng bình thường.

Tôi còn nhớ, trong phim, có cảnh Duyên vội chạy về khi nghe tin bố chồng ốm nặng. Khi đang quay, Lê Vân chẳng may dẫm phải hòn đá nhọn. Cô ấy khụy xuống, có vẻ đau đớn. Ngay lúc đó, tôi vội vàng lao ra nhưng chậm rồi, trước đó đã có 4, 5 anh xông ra đỡ cô ấy, đâu đến lượt mình (cười). 

Lê Vân có cách diễn rất tinh tế, đặc biệt là trong những cảnh đòi hỏi phải thể hiện nội tâm nhân vật. Sau “Bao giờ cho đến tháng Mười”, tôi và Lê Vân có hội ngộ trong các cuộc gặp gỡ của Hội điện ảnh, nhưng không có dịp nào đóng phim cùng nhau nữa.

 NSƯT Hữu Mười và Lê Vân là linh hồn của phim "Bao giờ cho đến tháng 10"

- Vai thày giáo Khang đem lại cho ông Bông sen vàng ở hạng mục “Nam diễn viên chính xuất sắc”. Hơn 30 năm trôi qua, nhiều khán giả vẫn nhớ tới vai diễn của ông. Điều này có khiến ông tự hào?

Tôi cảm thấy có chút thú vị, vì mình được góp mặt trong một bộ phim được nhiều khán giả yêu thích.

Thời của chúng tôi không có khái niệm diễn viên ngôi sao như bây giờ. Tôi vẫn nói vui với các đồng nghiệp, chúng ta thuộc thời các “tài tử quốc doanh”, chỉ biết ăn lương nhà nước và đi đóng phim. Nếu chưa nhận được phim, hàng ngày phải đến hãng trao đổi nghiệp vụ, đọc tài liệu.

Còn trước khi lên đường theo đoàn làm phim phải nhớ ra hàng gạo cắt tem gạo để nộp cho đoàn làm phim. Hành lý mang theo là chiếc ba lô. Hoàn thành xong một vai diễn chỉ được nhận tiền bồi dưỡng, nếu là vai chính được được khoảng 15-20 đồng.

Đi đóng phim, chúng tôi ở cùng nhà dân, sinh hoạt chung với họ. Cuộc sống nói chung không khác gì bộ đội. Chúng tôi sống với nghệ thuật đơn giản bằng tình yêu và niềm đam mê, nhiệt huyết.

Xin cảm ơn ông!

Còn nữa...

Trong kỳ tiếp theo, NSƯT Hữu Mười chia sẻ về công việc của ông khi chuyển sang nghề đạo diễn, về quá trình thực hiện phim "Mùi cỏ cháy" và về cuộc sống với người vợ ông kết hôn khi còn đang là du học sinh bên Nga.

Thu Giang
Bình luận
vtcnews.vn