NSND Bạch Diệp Đã có lúc tôi sợ chết khi đang làm phim

Tổng hợpThứ Bảy, 02/10/2010 10:00:00 +07:00

Đồng nghiệp cũng nói về bà như một “lão tướng trường quay”, tả xung hữu đột khắp mọi vùng miền cùng các đoàn làm phim dù đã ở tuổi cao sức yếu...

Bà được biết đến NHƯ NGUỒN CẢM HỨNG ĐỂ XUÂN DIỆU VIẾT RA NHỮNG DÒNG THƠ TÌNH BẤT HỦ. Đồng nghiệp cũng nói về bà như một “lão tướng trường quay”, tả xung hữu đột khắp mọi vùng miền cùng các đoàn làm phim dù đã ở tuổi cao sức yếu. Và người ta cũng sẽ nhớ mãi về bà như một người con yêu Hà Nội thiết tha, qua bộ phim “Hà Nội một thời”.

 

 

Đã ở cái tuổi đáng lẽ được lui về hậu trường nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, lý do nào kéo NSND Bạch Diệp về với “Hà Nội một thời”?

 Hoàn cảnh của tôi hơi đặc biệt, tôi không có con cái nhưng bù lại tôi được làm cái nghề mà mình đã thích từ bé. Không biết mọi người thế nào nhưng được làm những gì mình đam mê là niềm hạnh phúc rất lớn đối với đời tôi. Vì thế, khi ông Khải Hưng đưa cho tập kịch bản và ngỏ lời mời làm đạo diễn cho bộ phim “Hà Nội một thời”, tôi đã đồng ý ngay. Cũng không ít lần tôi tự nghĩ: mình là người Hà Nội, lại là dân điện ảnh, lẽ nào không có gì để kỷ niệm nhân dịp trọng đại này. Chính Khải Hưng và “Hà Nội một thời” đã cho tôi cơ hội để tri ân tình yêu đối với Hà Nội, thể hiện chút tấm lòng với mảnh đất tôi đã được sinh ra và lớn lên.

 Nhân kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long cũng có rất nhiều bộ phim từ hiện đại đến cổ trang hướng đến chủ đề Hà Nội. Vậy sức sống riêng của “Hà Nội một thời” nằm ở đâu, thưa đạo diễn?

 Sau khi đọc xong tập kịch bản, tôi rất thích và xúc động. Không có những biến cố, những thắt nút mở nút, những cảnh nóng, những mâu thuẫn gay gắt, những rắc rối, mà chỉ êm ả như một bản tình ca nhẹ nhàng. Cũng không phải là một bộ phim dã sử hoành tráng, không có yếu tố ngoại, không có mức đầu tư kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng và không quảng cáo rầm rộ. Phim là sự tái hiện nhẹ nhàng, khai thác chi tiết xúc động về những con người Hà Nội trải dài từ những năm tháng chiến tranh cho tới cuộc sống hôm nay. Những diễn biến trong 3 tập phim lần lượt dẫn người xem qua các thời kỳ của Hà Nội, ở đó cuộc sống khốn khó, chiến tranh ác liệt, lối sống đặc trưng người Hà thành và đặc biệt là vẻ đẹp tình yêu của con người đan xen, sống động. Những câu chuyện cuộc đời giản dị, những nhân vật sống động, những con người gắn bó đã phác họa nên bức chân dung chân thực, cảm động về Hà Nội. Vì thế, tôi nghĩ, bộ phim cũng sẽ kén người xem. Những người yêu Hà Nội thật sự, hiểu Hà Nội và muốn tìm lại những gì của một Hà Nội xưa thì sẽ thích bộ phim.

 

 Bộ phim được tiến hành trong thời gian khá gấp, lại đi làm phim ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, riêng NSND Bạch Diệp gặp khó khăn gì?

 Với thời gian quay gần 20 ngày cho 3 tập phim thì cũng không phải gấp lắm, tôi cũng quen rồi. Chỉ có điều nếu có nhiều thời gian thì khâu chuẩn bị sẽ được đầu tư hơn, nhất là bộ tranh. Về phần tôi, tự tạo áp lực cho mình trong 5 ngày phải phân cảnh xong một tập phim. Không biết gõ máy tính, tôi phải tự viết tay, ông Khải Hưng cứ cười tôi mãi. Diễn viên chủ yếu cũng đã cứng nghề nên không phải nhắc nhở nhiều. Quay phim hợp cạ, hiểu nhau nên công việc cũng thuận buồm xuôi gió. Vất vả nhất là tìm địa điểm quay cảnh ném bom B52 ở Bạch Mai. Vừa mới tìm được bãi đất hoang, đổ nát thì qua đêm người ta đã dọn đi sạch sẽ, chẳng còn dấu tích gì. Lại phải kéo nhau đi tìm chỗ khác.

 Đạo diễn Khải Hưng kể rằng trong thời gian thực hiện bộ phim, đã có lúc bà nói rằng “có thể tôi sẽ chết khi đang làm phim”. Chắc hẳn đó là một lời nói đùa hóm hỉnh của NSND Bạch Diệp?

 Đến tuổi này thì chả phải đùa nữa rồi. Phương Thanh đó, có bệnh gì ghê gớm đâu, vẫn đi chợ bình thường, đêm ngủ thì ra đi. Hay có người bạn của mình, ăn trưa xong, con đưa cho cốc nước, vừa cầm lên đã rơi choảng một cái rồi lăn ra chết. Thế nên, chẳng ai biết trước được điều gì xảy ra. Hồi giữa năm nay, tôi đang ăn với bạn bè thì choáng váng, rồi lăn ra ngất, mắt trợn ngược, mặt tái xanh. Tỉnh dậy lại chả biết gì, chả thấy mệt, lại nói chuyện rộn ràng. Đi khám thì bác sĩ bảo bị bệnh “bỏ nhịp tim”. May mà nó bỏ 2-3 nhịp chứ bỏ lên 5 nhịp có lẽ mình cũng đi rồi (cười).

Nói thì nói thế, sợ vẫn cứ sợ mà làm thì vẫn háo hức làm. Chỉ lo đang làm dở mà ra đi thì ảnh hưởng đến tiến độ công việc, đến đoàn làm phim, và hơn nữa, nguyện vọng của mình được “trả nợ” cho Hà Nội cũng sẽ giang dở. Chính vì thế, tôi cũng ý thức giữ sức khỏe lắm. Chân hơi đau nhưng miệng vẫn hò hét rất khỏe. Tinh thần lúc nào cũng sung sức, phấn khởi, có cảm giác 3 tập chứ 10 tập vẫn làm tốt (cười).

 Trong quá trình thực hiện bộ phim, có cảnh quay hay kỷ niệm nào mà đạo diễn tâm đắc nhất?

 Có lẽ đó là cảnh sau khi bom B52 dội xuống Bạch Mai, nhân vật họa sĩ tìm thấy chiếc khăn đẫm máu của cô người mẫu. Tuy ở ngoài ồn ào với đủ thứ âm thanh nhưng diễn viên Dũng Nhi đã nhập vai rất tốt, thể hiện nỗi đau xé lòng khi mất đi người phụ nữ mình yêu thương. Cảnh quay đó thực sự khiến tôi xúc động. Hay lúc người con gái hối hận vì lỡ bán mất bức tranh cuối cùng về mẹ mà bố cô đã vẽ, cũng khiến cho người ta phải suy nghĩ. Cuối cùng, khi đã trở thành một họa sĩ nổi tiếng, cô vẫn tự dằn vặt mình vì điều đó và cuối cùng đã vẽ được bức tranh về mẹ, bức tranh mà người bố đã bao năm tâm huyết nhưng đến lúc chết vẫn chưa thực hiện đuợc. Những cảnh quay đó đòi hỏi thể hiện nội tâm và các diễn viên đã làm rất tốt.

 

 Với nguồn kinh phí hạn hẹp, tiền cat-xê cho diễn viên cũng ít ỏi. Là đạo diễn, bà có lo sợ các diễn viên không có đủ nhiệt tình cho bộ phim?

 Thú thật, khi làm phim, không ai biết và để ý đến cát-xê của mình là bao nhiêu mà chỉ lo làm cho nhanh, cho tốt để kịp tiến độ. Để xây dựng một bộ phim mang tính lịch sử cầu kỳ, trau chuốt thì với kinh phí hạn hẹp của truyền hình thật khó có thể làm được. Vì thế mỗi thành viên trong đoàn làm phim chúng tôi đều giữ trong tim mình cụm từ: Làm phim công đức, làm phim vì tình yêu với Hà Nội. Họ yêu kịch bản và yêu mục đích cao đẹp của bộ phim nên tâm đắc và đến vì tình yêu điện ảnh, yêu Hà Nội. Không kể vai chính hay vai phụ, ai cũng cố gắng hết mình, đến đúng giờ và rất thuộc lời thoại. Nhiều diễn viên chỉ có một vai nhỏ như NSƯT Tiến Đạt vào vai người mua tranh thôi, nhưng làm việc rất chuyên nghiệp và nhiệt tình. Cảnh quay cuối cùng là triển lãm tranh của nhân vật người con, cũng đã có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Lan Hương, Trọng Trinh, Tú Mai… đến làm diễn viên quần chúng, và cũng coi như là đến chơi với Bạch Diệp. Chắc họ cũng tự nghĩ đây có lẽ là bộ phim cuối cùng của Bạch Diệp nên đến để động viên (cười).

 Ngoài việc là một diễn viên người Hà Nội, còn có lý do nào để bà chọn nghệ sĩ Dũng Nhi vào vai chính trong “Hà Nội một thời”?

 Nhân vật của Dũng Nhi là một ông họa sỹ tiểu tư sản, ông ít giao tiếp bạn bè, cả đời chỉ vẽ duy nhất một người phụ nữ. Đó là một người phụ nữ có chồng đang ra mặt trận, phải nuôi mẹ già mắc bệnh hiểm nghèo. Và qua người mẫu duy nhất này - cũng là người phụ nữ suốt đời ông thầm yêu, họa sỹ muốn thể hiện sự đổi thay của Hà Nội trong chính cách ông vẽ chân dung người phụ nữ ấy. Tôi có nhiều thời gian cộng tác với diễn viên Dũng Nhi và nhận thấy anh rất hợp với vai diễn này - từ ngoại hình đến cách nói chuyện đều thể hiện được một người đàn ông trí thức, lặng lẽ, dịu dàng và sống nội tâm. Sau khi bộ phim hoàn thành thì tôi tin là mình đã chọn đúng.

 Là một người con của Hà Nội, sinh ra, lớn lên và gắn bó với Hà Nội, bà có thể chia sẻ những kỷ niệm về Hà Nội một thời?

 Ngày trước nhà tôi ở phố Hàng Gai, mỗi lần được mẹ cho ra bờ hồ là vui lắm. Đặc biệt rất thích cây liễu nên cứ ra hồ là quanh quẩn chơi dưới gốc cây. Còn nhớ, cái lần được đón rằm tháng 8 đầu tiên sau cách mạng, mới có trống ếch và ăn mặc theo kiểu đồng phục thiếu nhi. Tết đến, mùng 1 ra đường vắng lặng, sạch sẽ, thanh bình. Hà Nội ngày xưa thanh lịch, êm ả lắm. Bước ra phố là từ người trẻ đến người già đều ăn mặc tử tế, đầu tóc gọn gàng. Rồi nói năng, đi lại cũng nhẹ nhàng. Chùa chiền cũng yên tĩnh chứ không nháo nhào như bây giờ.

 

 Đã sống qua hai thế kỷ, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của Hà Nội, cảm xúc của bà như thế nào khi Hà Nội đã bước sang thời khắc lịch sử mới?

 Buồn cười là tôi vẫn thường tự nhủ “Rồi cũng chả sống được đến ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đâu mà”. Tôi cứ tưởng mình sẽ ra đi trước ngày đại lễ, không được chứng kiến khoảnh khắc linh thiêng của lịch sử Hà Nội. Trời đất còn cho mình sức khỏe, để tỉnh táo như thế này là niềm vui và bất ngờ lớn với tôi. Hà Nội nay đã khác xưa nhiều nhưng có lẽ đó là quy luật của cuộc sống, của sự phát triển. Và tình yêu trong tôi đối với Hà Nội cũng sẽ không bao giờ thay đổi.

 Cuối cùng thì “Hà Nội một thời” cũng đã đến ngày lên sóng, là đạo diễn của bộ phim, NSND Bạch Diệp có hài lòng với “đứa con” tinh thần của mình?

 Bộ phim được quay liền trong 18 ngày dưới thời tiết oi bức, và mất tổng cộng 3 tháng để hoàn thành xong. Hoàn toàn hài lòng thì cũng không phải, bởi tính tôi vốn tham lam, cứ làm xong lại muốn làm lại cho tốt hơn nữa. Nhưng nhìn chung là cũng hài lòng bởi với thời gian và kinh phí hạn hẹp, mọi người đều đã cố gắng hết mình. Hy vọng, khán giả sẽ đón nhận bộ phim như một món quà của những người con yêu Hà Nội.

Vậy sau “Hà Nội một thời”, kế hoạch sắp tới của “lão tướng trường quay” là gì?

Mỗi lần có quyển sách nào mới xuất bản thì tôi lại mua đọc, đọc theo thói quen và đọc để tìm những kịch bản hay. Chứ còn có làm phim hay không thì cũng phải có người mời (cười). Mình già thế này rồi, người ta cũng e ngại. Ông Khải Hưng mời tôi cũng là vì tình nghĩa bạn bè, vì sự tin tưởng, quý mến nhau. Tôi rất trân trọng điều đó. Không biết còn đủ sức để làm thêm bộ phim nào nữa không, nhưng hiện tại thì tôi đang rất mãn nguyện. Có lẽ không sai khi nói rằng “Hà Nội một thời” là nơi hội tụ những tấm lòng: giữa tình bạn bè, tình yêu nghề và tình yêu Hà Nội.

 Xin cảm ơn và chúc NSND Bạch Diệp luôn mạnh khỏe, yêu nghề!

Thanh Hương - Ảnh: Hồ  Quang

Bình luận
vtcnews.vn