Nỗi lo lắng sau tiêm vắc xin, trẻ nhỏ tử vong

Sức khỏeThứ Năm, 22/11/2012 08:05:00 +07:00

(VTC News) –Các bậc cha mẹ không khỏi lo lắng và đặt câu hỏi tại sao sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh, có cháu đã bị sốc, tử vong?

(VTC News) –Các bậc cha mẹ không khỏi lo lắng và đặt câu hỏi tại sao sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh, có cháu đã bị sốc, tử vong?

Vào sáng 15/11/2012, bé trai Ng.Đ.T.Ph. ở đường Trạng Trình, phường 9, thành phố Đà Lạt sau khi tiêm vắc xin “5 trong 1” bỗng lên cơn co giật, khó thở, tím tái rồi tử vong sau 7 tiếng nhập viện cấp cứu.

Nạn nhân được đưa đi tiêm vắc xin “5 trong 1” tại Trạm Y tế phường 9, thành phố Đà Lạt. Đến tối, cháu bé có biểu hiện co giật, gia đình vội đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.


Theo bác sĩ Đặng Bá Soãi, trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, cháu Ph. nhập viện vào khoảng 20 giờ ngày 15/11 trong tình trạng choáng, li bì, sau đó mê man, da nổi vân tím và khó bắt mạch, tim đập nhanh 160 nhịp/phút.

Bệnh viện lập tức cho truyền dịch, truyền kháng sinh đường tĩnh mạch và hỗ trợ hô hấp máy. Sau khi hội chẩn toàn viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốc nhiễm trùng tiêu điểm từ phổi (tức viêm phổi dẫn đến nhiễm trùng huyết). Dù tích cực cấp cứu nhưng đến 3 giờ sáng nay (16/11), cháu Ph. đã tử vong.

Theo chị Đ.Th.H.Ch (mẹ cháu bé), cháu bị ho, sổ mũi khoảng 3 ngày trước đó và sáng 15/11 có tiêm ngừa.

Bác sĩ Chu Thế Vinh, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Đà Lạt cho biết, sau khi nhận tin, ông đã trực tiếp đến chỉ đạo Trạm Y tế phường 9 thu gom, niêm phong số vỏ vắc xin đã tiêm và số vắc xin chưa tiêm. Đợt này Trạm Y tế phường 9 tiêm cho 123 cháu, trong đó cháu Ph. tiêm mũi 1 cùng với 45 cháu khác.

Qua xác minh ban đầu, trước khi tiêm ngừa, các y bác sĩ tiến hành khám phân loại theo đúng quy trình, nếu trẻ bị đau ốm, sức khỏe yếu thì không cho tiêm.

Cũng theo bác sĩ Vinh, hiện Trung tâm Y tế Đà Lạt đang phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Lâm Đồng để tiếp tục làm rõ nguyên nhân tử vong của cháu Ph.

Còn cháu Vũ Trung Hiếu (4 tháng tuổi) thôn Chợ Rịa, xã Phú Lộc (Nho Quan, Ninh Bình) đang khỏe mạnh, ngày 27/9, sau lần tiêm vaccin 5 trong 1 Hib, bé liên tục sốt cao, nổi ban, sưng tấy và tử vong sau 4 ngày điều trị.

Chị Ngô Thị Dung - mẹ cháu Hiếu nghẹn ngào: “Sáng 25/9 là lịch tiêm vắc xin của xã, tôi bận đi làm nên người nhà đưa cháu đi tiêm. Trước lúc tôi đi làm, cháu vẫn bú, ăn bột, chơi bình thường. Khoảng 11 giờ trưa tôi đi làm về thì thấy cháu sốt và quấy khóc.

Sáng hôm sau, bỗng nửa đầu bên trái của cháu sưng tấy, vết sưng ngày càng lan rộng ra, toàn thân mẩn đỏ, nên gia đình vội vàng đưa cháu lên Bệnh viện huyện Nho Quan. Điều trị một ngày sốt vẫn không giảm, ngày 27/9 bệnh viện huyện giới thiệu cháu xuống bệnh viện tỉnh. Trưa ngày 28/9, do cháu sốt quá cao (40 – 41 đC) nên gia đình xin đưa đi Bệnh viện Nhi Trung ương. Điều trị được 1 ngày thì cháu mất”.

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Hữu Nam (Khoa hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Nhi Trung ương) xác nhận, cháu Hiếu nhập viện lúc 14h45 phút ngày 28/9, tình trạng khi nhập vin là sốt, bụng chướng, nhịp tim cao (170 lần/phút), da nổi ban đỏ dạng nốt toàn thân.

“Khoảng 16h45 phút thì Hiếu thở nhanh, gấp, có dấu hiệu bị sốc, chúng tôi đã cấp cứu, điều trị. Đến 10h15 phút ngày 29/9 thì Hiếu tử vong. Nguyên nhân xác định ban đầu rất có thể cháu bị sốc nhiễm khuẩn do tụ cầu” – bác sĩ Nam cho biết.

Chiều 2/10, Ông Tống Quang Thìn – Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình thông tin: “Về trường hợp tử vong của cháu Vũ Trung Hiếu đã có kết luận không liên quan đến tiêm văc xin”.

Cụ thể, Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình kết luận cháu bị sốc nhiễm khuẩn do nhiễm trùng máu và Bệnh viện Nhi Trung ươngcũng kết luận tương tự.

Sau khi cháu Hiếu tử vong, 2 cán bộ thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đã về giám sát để có kết luận chính xác. Ngoài ra, ông Thìn cũng cho biết thêm, cùng đợt tiêm chủng vắc xin Hip ngày 25/9 còn có cháu Bùi Việt Hoàng (thị trấn Nho Quan) có phản ứng khó thở sau tiêm. Tuy nhiên, cháu chỉ điều trị nửa ngày là khỏi.

Tuy nhiên, ngày 2/10, tại Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn còn một trường hợp cháu bé phải cấp cứu sau khi tiêm vắc xin Hip, cũng ở cùng xã với cháu Hiếu. Đó là cháu Đinh Minh Phương (thôn Đồi Lại), hơn 5 tháng tuổi.

Anh Đinh Văn Nhân - bố cháu Phương cho biết, cháu tiêm vắc xin ngày 25/7, sau khi tiêm 3 ngày, cháu liên tục sốt cao nên gia đình phải đưa đi Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình và ngày 21/8 thì chuyển lên Khoa Huyết học Bệnh viện Nhi Trung ương. Hiện cháu Phương vẫn trong tình trạng mệt mỏi, ăn ít, mặt nổi nốt xuất huyết.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Mai - người trực tiếp điều trị cho biết: “Cháu Phương nhập viện trong tình trạng xuất huyết dưới da, niêm mạc mắt, mặt và bị viêm phổi, ỉa chảy. Hiện tiểu cầu của cháu giảm rất mạnh, chỉ còn khoảng 5.000, trong khi đó người bình thường phải đạt 150.000”.

Trao đổi với báo chí, tiến sĩ, bác sĩ Dương Bá Trực – Trưởng khoa Huyết học Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết:“Hiện cháu Phương đang bị giảm tiểu cầu ở mức độ rất nặng, nguyên nhân có thể lây từ mẹ. Đây là loại virus có khả năng gây suy giảm miễn dịch ở người rất nhanh (virus cyto megalo virus), nó làm phá hủy tủy xương, dẫn đến không sinh ra được tiểu cầu.

Loại virus này có khoảng 60% số người đã từng có thời gian mắc, rất có thể cháu Phương đã mắc loại virus nay, vì thông thường tiêm vắc xin sẽ làm thúc đẩy sự biểu hiện của loại virus này” - Bác sĩ Trực lý giải.

 
Trước đó, ngày 19/4/2009 bé trai 3,5 tháng tuổi tử vong sau 1 ngày tiêm vắc-xin "6 trong 1" tại trạm y tế phường Thanh Xuân Bắc (Hà Nội). Đó là trường hợp của bé L.Đ.H, sinh ngày 6/1/2009 ở Thanh Xuân Bắc.

Được biết, sáng 18/4 bé H. được đưa đến Trạm y tế phường Thanh Xuân Bắc để tiêm vắc-xin "6 trong 1" mang tên Infanrix hexa mũi 2.

Vắc-xin này có tác dụng bảo vệ trẻ nhỏ khỏi 6 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan siêu vi B, bại liệt và các bệnh gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenzae type B (HiB), nhất là viêm màng não mủ.

Sau khi tiêm, bé H. được theo dõi tại chỗ 30 phút không có biểu hiện gì bất thường nên được cho về nhà. Đến trưa ngày 18/4, H. có quấy khóc ít, tối đó bé vẫn ăn bình thường và bị nôn một lần, ngoài ra bé không sốt và không có biểu hiện gì bất thường.

Đến 7h ngày 19/4, H. có biểu hiện mệt và được đưa đến Bệnh viện Bộ Xây dựng lúc 8h15 cùng ngày, nhưng đến nơi, H. đã tử vong. Sức khỏe của bé H. trước khi tiêm hoàn toàn khỏe mạnh, không đau ốm gì.

Tại Trạm y tế phường Thanh Xuân Bắc, có đầy đủ sổ quản lý vắc-xin tiêm chủng mở rộng và sổ tiêm vắc-xin dịch vụ, không thấy nhập vắc-xin từ nguồn khác. Việc bảo quản vắc-xin đúng quy định, có đầy đủ dụng cụ tiêm chủng, thực hiện đúng quy trình tiêm chủng. 

Ngoài bé H. còn có 8 bé khác cũng được tiêm cùng loại vắc-xin này trong sáng 18/4 nhưng các em không sao. Vắc-xin Infanrix hexa do hãng GlaxoSmithKline, Bỉ sản xuất, lô A21FA506A, hạn sửa dụng đến tháng 11/2010.

Liên quan đến loại vắc xin "5 trong 1", Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng cho hay, một cháu bé đã tử vong sau khi tiêm vắc xin này (gồm vắc xin bạch hầu, viêm gan, quai bị, uốn ván, ho gà).


Nạn nhân là cháu gái T.T.T.Ng (hơn 3 tháng tuổi, ngụ ở xã Tân Lâm, huyện Di Linh). Trước đó, sáng ngày 15/7/2010, gia đình đã đưa cháu đến trạm y tế huyện Tân Lâm để tiêm vắc xin.

Khi tiêm xong, sức khỏe cháu bé vẫn bình thường. Nhưng khi gia đình đưa cháu về đến nhà thì thấy mặt mũi cháu bắt đầu tím tái và có biểu hiện khó thở.

Ngay lập tức, gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện 2 Lâm Đồng để cấp cứu nhưng cháu đã tử vong. Được biết, cùng thời điểm cháu N tiêm vắc xin, còn có khoảng 40 cháu ở các địa phương khác được tiêm loại vắc xin này và sức khỏe hiện nay của các cháu vẫn bình thường.

“Hip là mũi tiêm “5 trong 1” (phòng 5 loại bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib) đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi từ năm 2010.

Đây là loại vắc xin đã được 34 nước trên thế giới sử dụng, không có phản ứng nặng, nếu có thường là các phản ứng nhẹ, tại chỗ như “sưng, nóng, đau chỗ tiêm, sốt trên 38 độ và các triệu chứng sẽ biến mất sau 1-2 ngày”.

Theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2011 đã có 7 trường hợp gặp tai biến nặng sau tiêm chủng, trong đó có 5 trẻ tử vong, tất cả đều thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng và 2/7 trường hợp liên quan đến vắc xin.

Trước đó,
năm 2010, có 16 trường hợp biến chứng nặng, 10 tử vong, 1/16 trường hợp biến chứng liên quan đến vắc xin dịch vụ.




Nam Anh (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn