Nỗi khiếp sợ đời mình

Tổng hợpThứ Hai, 26/03/2012 02:55:00 +07:00

Mình chẳng phải người Tây nên nỗi khiếp sợ của mình xem ra cũng rất tầm thường, bé mọn, không sang trọng và tầm cỡ...

Mình chẳng phải người Tây nên nỗi khiếp sợ của mình xem ra cũng rất tầm thường, bé mọn, không sang trọng và tầm cỡ như những nỗi khiếp sợ phổ biến của người dân Tây. Người Tây họ có những nỗi sợ rất đáng sợ và cũng rất sang trọng như sợ sự cô đơn, sợ các vấn đề liên quan đến tài chính (như các món nợ ngân hàng), sợ bệnh tật, sợ sự chết chóc,... Nỗi khiếp sợ đời mình xem ra rất nhỏ nhoi, không đáng sợ chút nào. Nói ra khéo dân Tây lại cười cho thối mũi. Nỗi khiếp sợ đời mình là nỗi sợ....... bị mời đi nghe hòa nhạc, ha ha...
 

Đời mình có lẽ không có nỗi khổ nào (khổ quá đến nỗi khiếp sợ) giống như nỗi khổ bị mời đi nghe hòa nhạc. Nhớ ngày còn học ở Đức, trường tổ chức cho lưu học sinh nước ngoài nghe hòa nhạc ở nhà hát Berliner Philharmonie nổi tiếng. Đến giờ nghĩ lại vẫn còn buồn cười vì cái vẻ ngáo ngơ của lũ học trò đến từ xứ “chậm phát triển”. Cả lũ, ăn mặc rõ là lịch sự, đến chỉ để ngó nghiêng xem nhà hát nổi tiếng chứ hiểu gì mà nghe. Ngủ không dám ngủ, ho chẳng dám ho vì sợ mất thể diện quốc gia với cái đám Tây ngồi xung quanh. Thở tưởng đơn giản mà cũng tức hết cả lồng ngực mới hít được tí không khí vì còn bận gồng người chống trả quyết liệt với những đòn âm thanh khi êm dịu, khi réo rắt, mình nghe có mà “hiểu gì chết liền”. Khổ nhất là không hiểu gì mà cứ phải tỏ vẻ hiểu, lim dim mắt, khi thì đầu, khi  thì toàn thân say sưa đung đưa, lắc lư cho hợp cảnh, hợp người. Sợ nhất những dịp có đồng nghiệp Tây qua Việt Nam làm việc, cao hứng vui chân ghé qua British Council hay đâu đó, quơ được cái vé rồi gọi mời đi nghe hòa nhạc thì chỉ còn đường chết ngất... Thêm một lần bị tra tấn ở Nhà Hát lớn Hà Nội cách đây dăm năm cũng đủ làm mình sợ đến già. Lần đó ngu dại nên hớn hở nhận lời. Chỉ một lần đủ cạch đến già. Những lần sau thiếu quái gì cớ để từ chối khéo. Lần thì cáo ốm, lần thì bảo bận đưa đón con học thêm, lần thì nói “dính” lớp cao học buổi tối… mình xem ra cũng thông minh ra phết. Thế nhưng, niềm vui, nỗi khoái trá chưa kéo dài được bao lâu thì tắt lịm. Bị mời nghe hòa nhạc ở Hà Nội còn có cửa thoát chứ sang Tây mà bị mời thì coi như hết đường. Có mà chạy đằng giời. Một lần bị “dính đòn” ở Hà Lan, một lần bị “dính đòn” ở Đan Mạch, còn vài lần ở Đức không tính. Ra khỏi nhà hát hay nhà thờ mà người vẫn chưa hết đờ đẫn. Ông giáo mình ngày xưa, từ ngày về hưu, đều như vắt chanh, tuần nào cũng hai buổi đi nghe hòa nhạc. Mà vé nghe hòa nhạc đâu có rẻ. Dân Tây, từ trẻ đến già, từ ít học đến nhiều học, hầu như ai cũng có thể bớt ăn tiêu để dành tiền đi hòa nhạc. Đến cô bạn Susanne của mình, những khi ăn lương thất nghiệp phải hà tiện từng đồng mà hàng tháng vẫn sẵn sàng bỏ 80, 100 Euro mua vé đi nghe hòa nhạc như thường. Tây nó cần âm nhạc như mình cần khí thở. Ở nhiều thành phố của Đức, mỗi năm có hai ngày, một vào mùa hè và một vào mùa đông, tất cả các bảo tàng mở cửa thâu đêm đón khách đến xem. Vé  vào cửa  cho tất cả các bảo tàng  chỉ là 15  Euro, trong đó miễn phí toàn bộ các phương tiện công cộng. Hè 2006 mình có mua vé để một lần thử thưởng thức không khí văn hóa của Tây và sững sờ vì nửa đêm rồi mà dân tình vẫn lũ lượt nườm nượp đầy đường, các bảo tàng đông nghịt khách, các phương tiện giao thông chật ních người. Già trẻ, lớn bé ai nấy mặt mũi say sưa, háo hức với bữa dạ tiệc của nghệ  thuật. Thấy cảnh đó mình cười khinh khích và nghĩ, khỉ thật, nếu các bảo  tàng ở Việt Nam cũng làm như vậy chắc chẳng ma nào đi, đứa nào đi kiểu gì cũng bị bảo là có vấn đề...

 

 Mà xem ra có lẽ lỗi cũng chẳng phải tại mình. Ở cái xứ mình nó thế. Nào có được ai dạy mà biết. Nhà trường còn bận nhồi kiến thức cho học trò đi thi chứ Bộ nào, Sở nào, Trường nào quan tâm đến mấy thứ xa xỉ đó làm gì. Nhớ mãi lần đi giảng bài cùng một vị giáo sư Tây tại Huế vài năm trước (môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học xã hội). Kết thúc khóa học, các học viên cao học nhiệt tình mời vị này và mình đi nghe Nhã nhạc trên sông Hương. Trong khung cảnh hữu tình, đàn ca, sáo nhị tưng bừng, vị giáo sư cao hứng hỏi mình nhạc lý vào Việt Nam từ khi nào? Mình mà biết thì chết liền nên láu lỉnh chống chế “Ông hỏi tôi, tôi hỏi ai?”. Ông ta quay sang hỏi gần năm chục học viên, chẳng ai biết, sau đó hỏi các ca sĩ và nhạc công, cũng chẳng ai hay. Cuối cùng, ông ta ngán ngẩm hỏi mình vậy nhà trường phổ thông Việt Nam dạy cái gì cho học sinh ở môn Âm nhạc và Hội họa. Mình tếu táo hát bài “Tiến lên Đoàn viên”:

Tiến lên đoàn viên em ước ao bao ngày xứng cháu Bác Hồ, dựng xây nước sau này. Tiến lên Đoàn viên theo Đảng tiền phong, bước theo lá cờ nhuộm màu đấu tranh...

rồi dịch qua nội dung bài hát cho ông hiểu và bảo, đấy, ở nước chúng tôi, môn Âm nhạc học sinh ngoài học nhạc lý còn được dạy những bài hát  tuyệt vời đầy tính Đảng như vậy. Còn môn Hội họa ư? Học trang trí đường diềm hình vuông, hình chữ nhật, vẽ cái ca, cái cốc, cái xô, cái chậu, ... Còn các trường phái âm nhạc, hội họa nổi tiếng trên thế giới học trò “hiểu gì chết liền” luôn. “Món” này e đến giáo viên dạy bộ môn đó khéo cũng còn “em chã”, nghe như đập đầu vào đá, chứ đừng nói đến học sinh. Nhớ con gái mình ngày học tiểu học ở Đức được học đủ thứ, từ nhảy nhót đến hát hò. Đi thăm quan, dã ngoại khắp nơi. Học như thế chả trách có lần nó một mình phăm phăm lội tuyết mấy cây số đến trường (do bão tuyết, mất điện, tàu điện không chạy), kiểu gì cũng không chịu nghỉ học.

Và trong hành trình tự “khai hóa văn minh” cho bản thân, tối qua tôi đã dũng cảm mua vé vào nghe hòa nhạc ở Frauenkirche Dresden (nhà thờ rất nổi tiếng ở Dresden, Đức). Vé vào cửa chỉ có 5 Euro nhưng cảm giác của mình phấn chấn không khác gì khi nghe hòa nhạc với giá vé 80 hay 100. Thế mới lạ...


PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa

(Bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Ngoại Ngữ, ĐHQG Hà Nội)


Bình luận
vtcnews.vn