"Nỗi khiếp sợ” của quân Mỹ ngụy vùng tuyến lửa

Thời sựThứ Sáu, 30/04/2010 01:22:00 +07:00

(VTC News) - Ông được mệnh danh là “hùm xám”, là nỗi khiếp sợ của quân Mỹ ngụy tại vùng phi quân sự Gio Linh, là niềm tự hào của người dân vùng tuyến lửa.

(VTC News) - Từng được mệnh danh là “hùm xám”, là nỗi khiếp sợ của quân Mỹ ngụy tại vùng phi quân sự Gio Linh (Quảng Trị), từng góp phần phá hỏng hàng rào điện tử Macnamara, ông Dương Bá Quy (SN 1943) tại Gio Mỹ, Gio Linh, Quảng Trị còn là niềm tự hào của người dân vùng tuyến lửa. Ở tuổi 67, hằng ngày ông cũng cày ruộng, cấy lúa như bao người dân miền quê nghèo, nhưng giàu truyền thống cách mạng An Mỹ, Gio Mỹ, Gio Linh.

Tuổi trẻ hào hùng nơi tuyến lửa

Dũng sĩ: Dương Bá Quy - Ảnh năm 2005 (Chụp lại từ tư liệu gia đình). 
Ông Dương Bá Quy sinh năm 1943 tại Gio Mỹ, Gio Linh (Quảng Trị) trong một gia đình bố là cán bộ kháng chiến qua hai thời kỳ, mẹ cũng tham gia nuôi giấu cán bộ, phục vụ chiến đấu trong thời địch chiếm đóng.

Mười ba tuổi, dưới thời Ngô Đình Diệm, thời kỳ tố cộng và diệt cộng, dồn dân vào ấp chiến lược, ông đã là đội viên du kích mật trong khu phi quân sự, từng tham gia tiễu trừ những tên tay sai, chỉ điểm. “Những năm ấy tôi hoạt động ngầm, vận động quần chúng đấu tranh chống bắt lính, chống chào cờ ba que, đấu tranh công khai hợp pháp, trừ khử ác ôn hại dân hại nước”, ông nói.

Năm 1966, bị chỉ điểm, ông chuyển sang hoạt động công khai, ban ngày nằm hầm và chủ yếu hoạt động về đêm. Những trạm canh, rồi hàng rào điện tử Macnamara... của địch tại vùng tuyến lửa Gio Linh không thể ngăn cản nổi bước chân của những đoàn quân và vũ khí bí mật từ miền Bắc vào Nam tham gia các chiến dịch. Dưới sự dẫn đường của những trinh sát như ông, những đoàn quân này không để lại bất cứ dấu vết nào.

Một năm sau, ông được tăng cường cho Đoàn 1A hải quân đặc công của cảng Cửa Việt. Làm trinh sát, dẫn đường, ông đã góp sức mình tiêu diệt hàng chục tàu thuyền của Mỹ, ngụy
.  “Hồi ấy tôi nặng chưa đầy 60kg mà khỏe lắm. Cơm ăn chả khi nào đủ no, lại sống trong vùng địch nên ít khi được ngủ thẳng giấc, lại còn đưa đón, dẫn đường cho anh em vậy mà không khi nào bị ốm đau, bệnh tật”, ông nhớ lại.

Năm 1968, ông được cử làm xã đội phó du kích xã Gio Mỹ, trực tiếp lãnh đạo cuộc chống càn vào vùng đông Gio Linh ngày 31/03/1968 của Mỹ, ngụy. Ông kể: “Chỉ trong 1 ngày, chúng tôi đã bắn cháy 21 xe tăng, diệt hằng trăm tên Mỹ, ngụy. Sau trận này, chúng tôi được tặng Huân chương chiến công hạng nhất, riêng bản thân tôi cũng được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhất”.


Hai vợ chồng dũng sĩ Dương Bá Quy, Nguyễn Thị Thủy, từng được nhà nước 24 lần phong tặng danh hiệu Dũng sĩ. 

Tháng 5/1968, ông Quy trực tiếp chỉ huy lực lượng du kích xã Gio Mỹ đánh một tiểu đoàn bộ binh thuộc lữ đoàn bộ binh Mỹ, tiêu diệt 105 tên, bắn cháy 4 xe tăng, 1 máy bay. “Trận đó chúng tôi thu toàn bộ vũ khí, trên 100 đồng hồ đeo tay và một bao tải tiền đô của Mỹ. Ngày đó chỉ biết chiến đấu để cho bà con mình đỡ khổ chứ không như thời nay người ta nghĩ và sống khác xưa nhiều quá ”, ông trầm ngâm.

Phá hàng rào điện tử Macnamara

Trong những năm chiến sự ác liệt như năm 1968, hàng rào điện tử Macnamara tại vĩ tuyến 17 là một trở ngại không nhỏ cho những đoàn quân từ miền Bắc chi viện vào miền Nam. Hàng rào này được thiết kế bởi 12 lớp dây thép gai nhưng khó phá hủy hơn cả một bức tường bằng thép.

Để tìm cách phá được hàng rào này, đích thân ông Quy cùng đồng đội đã bò vào cắt dây thép gai mang về nghiên cứu và chuyển lên cấp trên tìm cách phá. Đến cuối năm 1970, dưới sự “công phá” ngày đêm của những người du kích như ông Quy, hàng rào điện tử Macnamara lừng danh chỉ còn là những đống dây nhợ bùng nhùng.

Dũng sĩ Dương Bá Quy. Ảnh chụp khi đi dự Đại hội Bộ tư lệnh tại Hà Nội, tháng 5/1973. (Chụp lại từ tư liệu gia đình)

Ông Quy cho biết: “Ngày đó quân du kích có hạn, vũ khí lại thô sơ, chúng tôi thường lấy đạn lép của địch chế lại thành mìn, lấy vũ khí của chúng tiêu diệt lại chúng”. Năm 1972, ông được cử làm xã đội trưởng xã Gio Mỹ, sau đó ông được chuyển sang Đoàn 31 độc lập thuộc Bộ Tư lệnh đặc công 305. Từ năm 1972 đến năm 1975, vốn người thông thạo địa hình vùng giới tuyến nên ông luôn phải chuyển đến các đơn vị chủ lực mới hành quân từ Bắc vào Nam, vừa làm trinh sát dẫn đường vừa chiến đấu cho đến ngày độc lập.

Cả cuộc đời, ông đã tham gia trên trăm trận đánh nhưng chỉ có chưa đầy năm lần bị thương. Hiện trong người ông cũng không dưới 10 mảnh đạn. “Cũng tại số mình may mắn thôi. Trong chiến tranh không ai nói được chuyện sống chết, có lần tôi bị pháo bắn trúng ngay trên hầm, nhưng cũng chỉ bị thương nhẹ”, ông cười vui.


Gần 20 năm tham gia chiến đấu, ông đã tiêu diệt được 18 xe tăng, 4 xe GMC, 2 xe Rép, 2 xe TRC 10, bắn rơi 2 máy bay trực thăng. Ngoài ra ông đã tổ chức được 5 tổ du kích, xây dựng được hàng chục cơ sở cách mạng. Với 17 lần được phong dũng sĩ, với nhiều huân huy chương các loại. Nhưng khi nhắc đến chiến công ông bao giờ cũng dùng cụm từ "chúng tôi" vì theo ông: “Chiến công không bao giờ là của mình tôi, đó là có sự góp sức của anh em, của đồng đội, biết bao nhiêu người chiến đấu với tôi đã hy sinh”.


Ông Quy vẫn còn nhớ như in hôm mình bắt sống được một tên ngụy: “Hôm ấy hắn quỳ lạy mình tha cho, hắn vì bị bắt lính nên mới đi ngụy. Hắn cũng là người Việt Nam mình cả nên mình tha chỉ lấy đạn không lấy súng, vì nếu mất súng thì hắn cũng bị xử bắn”. Gần 20 năm sau, ông gặp lại người mà mình đã từng tha, gặp lại cũng như hai người bạn cũ: “Hôm ấy hắn mang tới một con gà và một chai rượu, mình với hắn uống rượu, trò chuyện tới khuya”.

Trai anh hùng sánh cùng gái anh hùng


Ông Quy cưới vợ năm 1971. Vợ của ông là bà Nguyễn Thị Thủy (61 tuổi), người cùng làng, cùng một giới tuyến và cũng là dũng sĩ.

Bà Nguyễn Thị Thủy tham gia cách mạng cũng từ lúc 13 tuổi. Bà kể: “Ngày đó tôi và những đứa trẻ trong làng, thường bỏ đất cát vào nòng súng của địch, đến khi quân ta vào thì súng không thể nào bắn được. Có khi chúng tôi còn dùng kíp nổ hẹn giờ cho vào túi áo hoặc ba lô của địch”, bà nhớ lại.


Dũng sĩ: Nguyễn Thị Thủy trong những ngày chiến đấu tại vùng tuyến lửa Gio Linh. (Chụp lại từ tư liệu gia đình). 

Bà nhớ như in ngày mà gần như cả gia đình mình bị giặt bắt. Gia đình bà là một cơ sở nuôi giấu cán bộ, nhưng không may năm 1967, bố mẹ bị bắt do bị chỉ điểm, bọn địch bắn mẹ bà trước sau đó bắn bố. 1 năm sau, người chị ruột của bà là Nguyễn Thị Hiến cũng bị giặc giết. 16 tuổi bà được kết nạp Đoàn. “Hồi đó có biết Đoàn, biết Đảng là gì đâu, chỉ biết chiến đấu chống lại bọn giặc xâm lược, còn trẻ nên đạt được thành tích gì dù là nhỏ thì cũng mừng vui lắm”.

Bà Thủy chủ yếu hoạt động về công tác chính trị như binh vận, liên lạc, dẫn đường cho cán bộ. Đêm đến thì đặt mìn bẫy xe tăng địch. 18 tuổi bà được kết nạp Đảng và giữ chức xã đội phó. Bà kể: “Hồi đó khổ nhất là những người du kích ở xóm làng. Ban ngày thì cũng như bao người bình thường khác, cũng lao động sản xuất, khi đêm xuống mới hoạt động. Người chiến sĩ dân quân du kích là phải bám lấy dân mới mong thắng được kẻ thù. Ngày đó dù có phải ăn gạo mốc, lá tàu bay thay cơm cũng phải bám lấy dân”.

Chiến đấu ở vùng địch tạm chiếm khổ nhất vẫn là những người con gái. Hơn chục năm hoạt động du kích không lần nào bà có được một bộ quần áo khô để mặc khi suốt ngày phải nằm hầm. Chiến đấu gian khổ nhưng quý nhất vẫn là tình đồng chí, đồng đội. Những lần phải hoạt động bí mật, cả tháng trời không thấy được ánh mặt trời. Không gian hoạt động chỉ là một căn hầm chưa đầy 2m2. Một hầm thường có hai người con trai, một người con gái. Trời tháng 11 lạnh cắt da cắt thịt nhưng chỉ có một chiếc chăn chiên mỏng dính, họ phải nhường nhau từng hơi ấm. Những khi chị em "đến ngày", qua sông đều được cánh đàn ông cõng qua", bà Thủy bồi hồi nhớ.

Dũng sĩ Nguyễn Thị Thủy bên những người cháu nội của mình. 

Những năm 1960-1970, bà tham gia nhiều trận đánh, chỉ huy du kích xã mai phục tiêu diệt hàng chục tên địch, bắn cháy 3 xe tăng. Bà đã được 7 lần phong dũng sĩ. Nói về ông Quy, người chồng của mình, bà cho biết: “Ngày đó  tui quý ông ấy ở tính gan dạ, dũng cảm nên mới yêu”. Yêu nhau gần sáu năm trời, nhưng do điều kiện nên đến năm 1971 hai ông bà mới cưới và kế hoạch cho đến khi hòa bình mới sinh con.

Trở về đời thường hai người dũng sĩ năm nào cũng cày ruộng, cấy lúa, cũng bôn ba khắp nơi mong ổn định cuộc sống. Hai ông bà đã từng vào tận Đắk Lắc, Kontum làm ăn, nhưng cuộc sống vẫn cứ mãi lận đận. Cho đến năm 2002 mới trở về quê hương, cũng chỉ với hai bàn tay trắng.

Gia đình ông cũng đã từng làm hồ sơ đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng cho ông nhưng đã gần 10 năm nay qua, ba lần làm đi làm lại vẫn chưa có một trả lời chính thức nào. Bà thì muốn năm nay tiếp tục làm hồ sơ, nhưng ông lại cười bảo: “Không được thì thôi cũng không cần chi cái danh hiệu. Qua chiến tranh, mình còn sống đến ngày hôm nay với con cháu là vui, là hạnh phúc rồi”.

Tiến Tân
Bình luận
vtcnews.vn