Nội dung hoạt động với đồ vật của trẻ 24 - 36 tháng

Tổng hợpThứ Tư, 22/08/2012 11:07:00 +07:00

Hoạt động với đồ vật (HĐVĐV) là hoạt động chủ đạo của trẻ 24 – 36 tháng tuổi. Chính những họat động này tạo nên những biến đổi về chất trong tâm lý trẻ.

Hoạt động với đồ vật (HĐVĐV) là hoạt động chủ đạo của trẻ 24 – 36 tháng tuổi. Chính những hoạt động này tạo nên những biến đổi về chất trong tâm lý trẻ. Và làm cho các họat động khác mang màu sắc của nó.

 Trẻ 24 - 36 tháng chơi đồ chơi - Ảnh minh họa

Trong trường mầm non, HĐVĐV luôn có sự hướng dẫn, tổ chức của giáo viên. Nội dung HĐVĐV được xây dựng dựa trên đặc điểm tâm lý của trẻ. Các nội dung đã được sắp xếp theo nguyên tắc đồng tâm và phát triển từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.

Khi thực hiện nội dung xếp hình, trẻ tiếp xúc với các đồ vật có các dạng hình học cơ bản như: Vuông, tròn, tam giác, chữ nhật và các biểu tượng mầu sắc khác nhau như xanh, đỏ, vàng, trắng, đen…. Với nội dung này trẻ phải thực hiện nhiệm vụ nhận biết, gọi tên, phân biệt mầu sắc, hình dạng. Khi đó trẻ sẽ được hình thành các biểu tượng về hình dạng và mầu sắc qua dấu hiệu của đồ vật.

Song khi thực hiện nội dung phải thực hiện mang tính tích hợp. Bởi vì ở các độ tuổi trước đó trẻ đã được nhận biết và gọi tên từng đặc điểm riêng lẻ của các loại đồ dùng đồ chơi. Vì vậy ở độ tuổi này trẻ phải nhận biết cùng lúc nhiều đặc điểm và các thuộc tính khác nhau.

VD: Khi cho trẻ tiếp xúc qủa cam (hoặc đồ chơi qủa cam), phải cho trẻ được gọi tên, phân biệt mầu sắc, hình dạng, kích thước qủa cam thông qua việc trẻ được sờ, nắm, nhìn….

Hoặc khi cho trẻ xếp hình phải cho trẻ được gọi tên loại đồ chơi đó, nhận biết về mầu sắc, hình dạng, kích thước, công dụng, thuộc tính (nhựa, gỗ, mút…) của các khối đó. Đồng thời rèn cho trẻ kỹ năng xếp chồng và xếp cạnh nhau, sau đó đặt tên cho sản phẩm mà trẻ xếp: Ngôi nhà, đường tàu, hồ nước….

VD: Nếu muốn cho trẻ xếp đoàn tầu hỏa. Đầu tiên, người lớn cần cho trẻ gọi tên loại đồ chơi đó bằng câu hỏi: Đây là gì? (đồ chơi xếp hình), dùng để làm gì? (để chơi, để xếp hình…), đồ chơi này có mầu gì? (đồ chơi có mầu đỏ, xanh…), đồ chơi này có dạng hình gì? (đồ chơi này có dạng hình vuông, tròn…). Để xếp được đoàn tàu con phải làm như thế nào? (phải chồng lên nhau, phải xếp cạnh nhau, phải xếp nối đuôi nhau….), con xếp được cái gì đây? (con xếp được tầu hỏa…), con xếp đoàn tầu hỏa như thế nào? (con xếp bằng cách chồng lên nhau, xếp cạnh nhau….).

Như vậy là chỉ thực hiện một nội dung chơi xếp hình nhưng chúng ta đã tích hợp được rất nhiều ý nghĩa giáo dục trẻ: Nhận thức về mầu sắc, hình dạng…, tập nói để phát triển ngôn ngữ, các thao tác khéo léo của cơ ngón tay, tính kiên trì hoàn thành nhiệm vụ, trí tuởng tượng khi trẻ đặt tên cho sản phẩm, phát triển khả năng tư duy trìu tượng vì trẻ phải nhớ lại biểu tượng về đoàn tầu khi chợt nhìn thấy ở đâu đó…. Nếu chúng ta kiên quyết hướng trẻ chơi xong phải cất xếp đồ chơi vào đúng nơi quy định, quá trình sử dụng đồ chơi không quăng ném, cắn, bẻ…, thì thật là tuyệt vời, bởi chúng ta thực hiện xong một chu trình khép kín trong quá trình giáo dục trẻ mang tính tích hợp.

Một ví dụ khác: Khi cho trẻ phân biệt kích thước của đồ chơi về các con vật, đầu tiên người lớn hãy cho trẻ gọi tên con vật đó. Sau đó cho trẻ nhận biết một số đặc điểm đặc trưng bên ngoài như con voi rất to, cái vòi dài, 4 chân to, tai to…, con khỉ hay leo trèo, tay chân dài và có thể đứng được như người…, con rắn dài dài, không có chân phải trườn sát đất…. Nếu có đặc điểm rõ nét hãy cho trẻ nhận ra tiếng kêu của con vật, mầu sắc của bộ lông, dạng hình kích thước như con rắn thì dài, con hổ thì to đùng… Khả năng tích hợp nội dung giáo dục của hoạt động này cũng phát triển được như nội dung xếp hình ở trên.

Vấn đề ở đây là người lớn phải biết cách khai thác tất cả những đồ dùng đồ chơi xung quanh trẻ và phát triển tất cả các khả năng có thể có một cách linh họat và hợp lý. VD: Không cho trẻ so sánh giữa kích thước của con voi và con hổ vì với đồ chơi có thể sự khác biệt không rõ nét hoặc không chính xác. Hoặc không hỏi đồ chơi này có mầu gì nếu loại đồ chơi đó không có mầu sắc rõ nét.

Hãy nhớ rằng chúng ta cho trẻ nhận biết và hình thành biểu tượng hình dạng và mầu sắc qua các dấu hiệu của đồ vật chứ không phải theo chuẩn hình học hoặc chuẩn mầu sắc.VD: on rắn này trông dài nhỉ, con voi này to quá. Hoặc qủa cam này có dạng tròn, qủa dưa chuột có dạng dài…

Cũng nên lưu ý khi đặt các câu hỏi cho trẻ phải là những câu hỏi ở dạng “mở” để trẻ có thể trả lời được, tránh những câu hỏi mà trẻ chỉ là lời “có” hoặc “không”.

VD: Không hỏi những câu như thế này: Đây có phải là con voi không? Quả cam này tròn à? Con chơi xong rồi à?

Nên hỏi những câu như sau: Con gì đây? Trông nó như thế nào? Qủa cam có dạng hình gì? Con xếp ngôi nhà như thế nào? Tại sao con không cất đồ chơi?

Giữa gia đình và cô giáo nên có sự kết hợp thường xuyên với nhau để có thể thống nhất nội dung giáo dục trẻ trong tháng, trong tuần. VD: Tháng 4 có nội dung giáo dục về phương tiện giao thông trên cạn. Vậy bố mẹ có thể cùng kết hợp với cô giáo bằng cách trên đường cho bé đi học có thể hỏi trẻ về tất cả các loại phương tiện giao thông gặp trên đường, trò chuyện với trẻ về các cột đèn giao thông khi nào thì các loại xe được đi và khi nào phải dừng lại…

Trẻ ở tuổi này có thể học bằng tất cả các giác quan khi được HĐVĐV. Do vậy chúng ta hãy tận dụng hết khả năng để trẻ có thể được sờ mó, nghe, nhìn, nếm, ngửi và cả ăn để cùng lúc có thể phát triển hết khả năng trẻ. Hy vọng rằng với bài viết này chúng tôi sẽ góp phần làm cho các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn đứa trẻ của mình có thể học như thế nào, để người lớn chúng ta thực hiện tốt hơn công tác giáo dục trẻ, góp phần phát huy cao hơn khả năng tích cực họat động của trẻ.

Theo Thư Viện Gia Đình
Bình luận
vtcnews.vn