Nỗi đau vô cùng ở tử huyệt ma túy Hang Kia

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 23/07/2010 06:00:00 +07:00

Hang Kia, một thung lũng thơ mộng, nhưng bấy nay vẻ đẹp tựa thiên đường ấy đã bị vấy bẩn, hoen ố bởi những bàn tay nhuốm đầy tội ác.

Nhắc đến địa danh Hang Kia, Mai Châu, Hoà Bình, thì hẳn mọi người sẽ hãi hùng nhớ tới vụ đấu súng kinh hoàng ngày 5/2/2010 khiến gần chục người chết và bị thương. Đau đớn là, trong cuộc đọ súng ấy, 3 chiến sỹ công an đã anh dũng ngã xuống ngay khi Tết nguyên đán cận kề. Hang Kia, một thung lũng thơ mộng, nhưng bấy nay vẻ đẹp tựa thiên đường ấy đã bị vấy bẩn, hoen ố bởi những bàn tay nhuốm đầy tội ác.


Sau sự kiện bi thương trên, chúng tôi đã có chuyến thâm nhập đầy mạo hiểm vào nơi được mệnh danh là “thánh địa tử thần” này.

Bài 1: Trong nỗi đau vô tận

Thành phố yên ả Hoà Bình, mấy tháng nay có một ngôi nhà bặt vắng những tiếng nói cười. Từ khi trung uý Bùi Quốc Đại anh dũng hy sinh, dường như gia đình anh vẫn chưa thể quen với sự thật phũ phàng này. Họ không tin và không dám tin là đứa con thân yêu, chỗ dựa tinh thần lớn nhất của mình đã không còn nữa…

Tựa cửa ngóng con


Chiều nào cũng vậy, cứ từ cơ quan về, bà Nguyễn Thị Thu Hà, mẹ trung uý Đại lại ra bậc thềm trước cửa nhà thẫn thờ nhìn dòng người lặng lẽ lại qua. Trong dòng người lạ quen đó, bà cố tìm, cố hình dung ra một hình bóng thân thương chầm chậm tách khỏi đoàn xe, rẽ về phía bà với nụ cười hiền. Thế nhưng, càng ngóng trông, càng mòn mỏi thì lại càng thấy lòng mình tê tái. Con bà không về nữa! Không bao giờ về nữa!

Thấy khách lạ tới thăm, bà ngước nhìn ngơ ngác. Trong ánh mắt ấy bỗng xuất hiện những tia hy vọng lạ lùng. Có lẽ, trong giây phút ngạc nhiên, bối rối ấy bà đã loé lên một ý nghĩ nhiệm màu. Phải chăng chung tôi đến để đưa con bà trở lại? Nhưng rồi thực tại ập về khiến ánh mắt kỳ lạ trên cũng vội vàng vụt tắt. Cố giữ bình tĩnh, bà mời chúng tôi vào nhà.

Ngôi nhà trông sâu hun hút. Biết chúng tôi muốn thắp cho Đại một nén nhang, bà dẫn chúng tôi lên gác. Trên đó, có ban thờ của Đại. Vừa nhìn thấy ảnh con mình, bà bật khóc. Tiếng nức nở, não nề khiến căn phòng thêm chật chội. Trong sự nghẹn ngào, bà bảo, với mọi người trong gia đình, Đại như vẫn còn sống. Chính thế, trên ban thờ của con mình, vợ chồng bà bày đặt hầu hết những vật dụng Đại vẫn quen dùng. Quan sát, chúng tôi thấy ngay trước ảnh thờ là một tờ báo thể thao. Bà bảo, Đại thích bóng đá nên ngày nào cũng đọc tờ báo đó. Từ ngày con mất, sáng nào cũng vậy, chồng bà đã tất bật ra bưu điện mua một tờ báo đặt lên ban thờ cho con rồi mới đi làm.

Thung lũng Hang Kia. 

Trong câu chuyện với chúng tôi, cứ khi nhắc đến con, bà lại nghẹn ngào nước mắt. Bà bảo, Đại không chỉ nơi gom góp thương yêu của gia đình bà mà còn là niềm hy vọng của cả hai bên nội ngoại. Đại học giỏi lắm! Năm 2000, (Đại sinh năm 1982), Đại đã đạt giải 3 môn sử trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Nhờ giải thưởng này mà Đại đã được tuyển thẳng vào đại học. Đại say mê sáng tạo, yêu cái đẹp nên ngay từ nhỏ đã ôm mộng vào trường Đại học Kiến trúc. Thế nhưng, thương bố mẹ vất vả lo tiền ăn học nên cậu trai ấy đã gạt mộng ước của mình sang một bên mà xin vào trường Đại học Cảnh sát. Sau 5 năm đèn sách, Đại về công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Ma tuý (PC 17) Công an tỉnh Hoà Bình. Khi mới vào ngành công an, Đại làm trinh sát.

Ở cửa ngõ Tây Bắc, Hoà Bình nổi danh trên bản đồ ma tuý bởi có nhiều tụ điểm buôn bán chất gây nghiện chết người này. Công việc trinh sát nên Đại thường vắng nhà luôn. Và, mỗi khi con đi khỏi, bà lại như ngồi trên đống lửa. Đọc báo, xem ti vi, thấy các vụ án về ma tuý được phá trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có đóng góp không nhỏ công sức của con mình, bà lấy làm tự hào lắm! Nhưng niềm vui đến trước, nỗi lo lắng, sợ hãi lại lù lù theo sau. Tội phạm về ma tuý ngày một liều lĩnh, táo tợn, sẵn sàng chống lại lực lượng truy đuổi để tẩu thoát bằng mọi giá. Bởi thế, bà biết, đằng sau mỗi chiến công của con là sự nguy hiểm khôn lường. Lo cho con, bà thức trắng đêm mỗi khi con vắng nhà. Khi con về, bà cố gắng nâng niu chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Bà bảo, con bà, khi đối diện với tội phạm thì là một chàng trai quả cảm, không sợ hiểm nguy nhưng về nhà thì vẫn nũng nịu, giận hờn để được mẹ yêu, mẹ nựng như đứa trẻ.

Chiều thứ Sáu kinh hoàng

Đại hy sinh vào chiều ngày thứ Sáu (ngày 5-2-2010). Bởi thế, bà Hà bảo, từ khi con mất, bà thấy sợ những buổi chiều thứ Sáu. Cứ đến thời gian ấy, chẳng hiểu tại sao bà thấy bủn rủn chân tay, đầu óc điên đảo. Ngay cả việc cơ quan, cứ chiều thứ Sáu là bà chẳng thể tập trung làm được việc gì. Bà kể lại thời khắc kinh hoàng đó trong tiếng khóc nấc nghẹn ngào. Hôm ấy, đang giờ làm, không biết do sợi dây mẫu tử vô hình hay bởi lý do gì mà bà đứng ngồi không yên, tâm thần bấn loạn. Hôm trước, Đại về qua nhà, nói là đêm ấy (đêm 4-2) phải đi công tác. Tết đã cận kề, tuy chẳng muốn con mình rời xa gia đình nhưng bởi nhiệm vụ, như mọi lần, vợ chồng bà lại căn dặn những lời “muôn năm cũ”: “Con đi nhớ cẩn thận, xong việc thì gọi ngay về để bố mẹ yên tâm!”. Thương con, tối ấy bà đã làm thịt con gà để tâm bổ cho con bởi ý nghĩ, xa tay mẹ con mình ăn uống sẽ chẳng ra sao. Chừng 2 giờ sáng, khi khu phố đang chìm trong giấc ngủ nồng, chồng bà đã dậy mở cửa để tiễn con đi.

Khi đi, Đại cũng chỉ nói đi thực hiện nhiệm vụ quan trọng chứ chẳng nói rõ là đi đâu, làm gì. Gặng hỏi thì Đại chỉ nói, lần đi làm nhiệm vụ này có sự tham gia của rất nhiều đồng đội, đồng chí cùng đơn vị. Nghe con nói vậy, bà cũng yên tâm phần nào. Đại đi từ đêm nhưng đến sáng vẫn chẳng thấy điện thoại về. Sốt ruột lắm nhưng bà không dám gọi cho con. Bà hiểu tính con mình, bởi nếu xong nhiệm vụ thế nào Đại cũng điện về để bố mẹ bớt lo. Tất tưởi đến cơ quan làm việc, nhưng không lúc nào bà không nghĩ đến con. Thế rồi, khi chiều vừa buông thì tai ương bất ngờ ập tới.
Phút bình yên. 

Khi ấy, thu dọn sổ sách, bà định về sớm để làm bữa ăn tươm cho Đại sau chuyến công tác mệt nhọc thì điện thoại bỗng rung. Người gọi là chị gái bà. Nhìn số máy ấy, bà lạnh toát sống lưng. Chẳng mấy khi chị gái bà gọi điện bởi ở gần nhau, hễ có việc gì là tối chị em xum tụ chuyện trò chứ chẳng việc gì mà gấp gáp. Linh tính của bà đã đúng. Vừa mở máy, bà đã nghe thấy tiếng nức nở. Chị gái bà chỉ nói mỗi câu “em điện cho thằng Đại đi” rồi cúp máy. Có chuyện chẳng lành đến với con mình rồi sao, nghĩ vậy, bà luống cuống bấm máy cho con. Thế nhưng, hoảng hốt thay, điện thoại của Đại chỉ phát ra những tiếng bíp bíp vô hồn. Cuống cuồng gọi mấy lần mà chẳng được, bà gọi lại cho chị gái mình. Thế nhưng, chị gái bà đã không dám nhận cuộc gọi ấy của bà nữa. Hôm đó, rét như cắt thịt cắt da mà mồ hôi bà vã ra như tắm. Hoảng loạn, bà chẳng còn biết gọi cho ai để hỏi thông tin về con mình nữa. Vứt bỏ cả túi xách, bà nháo nhào chạy về nhà.

Từ xa trông về nhà mình, bà thấy người ra kẻ vào lố nhố. Đúng là có chuyện chẳng lành với con mình rồi! Ý nghĩ ấy làm chân tay bà mềm oặt. Vừa thấy bóng bà, mọi người xúm đến, ai cũng nước mắt vắn dài. “Đại hy sinh rồi Hà ơi!”. Câu nói ấy như nhát dao đâm thẳng vào tim, bà ngã vật ra hè bất tỉnh.

Ôm ảnh con xem World Cup

Từ ngày con mất, mọi vật trong nhà đều gợi cho bà nhớ tới hình bóng con mình. Chỉ mấy tháng sống trong nỗi đau đớn tột cùng, trông bà tiều tụy hẳn. Hàng xóm láng giềng vẫn sang thăm hỏi, động viên thế nhưng, những lời động viên ấy càng khiến bà thấy nhớ con mình hơn. Bà bảo, thương nhất là chồng bà, ông Bùi Minh Đạo. Từ khi con mất, ông lặng lẽ như một cái bóng.
Lãnh đạo Bộ Công an đến chia buồn cùng gia đình đồng chí Đại. 

Trước đây, tâm đầu ý hợp nên cứ mỗi khi Đại ở nhà là hai bố con lại sôi nổi chuyện trò. Biết con làm nghề nguy hiểm nên lúc nào ông cũng dặn con phải rất cẩn trọng trong công việc của mình nhất là khi đối đầu với tội phạm. Bà còn nhớ rõ cứ mỗi lần ngồi với nhau, nói tới công việc của con, khi cuối câu chuyện thế nào ông cũng nhắc con mình phải chăm sóc vũ khí cá nhân như chăm sóc chính con mắt của mình. Ông bảo, bây giờ, tội phạm ma tuý liều lĩnh và kẻ nào cũng lăm lăm trên tay súng đạn. Bởi thế, vào nghề này là vào trận chiến một mất một còn nên cẩn thận không bao giờ thiếu. Những lời dặn của bố, Đại khắc cốt ghi tâm. Thế nhưng, như trò đùa số phận, Đại lại ra đi trong trận đánh tưởng như phần thắng không thể tuột khỏi tay mình.

Đại giống bố mình rất nhiều điểm, đặc biệt sở thích xem bóng đá. Cứ tối cuối tuần, hễ không phải đi công tác là hai bố con lại chúi đầu bên chiếc tivi, vừa xem bóng vừa bình luận ồn ào. Bà Hà kể, tối hôm khai mạc World Cup 2010, ra phòng khách, nơi đặt tivi, bà đã oà khóc khi thấy một cảnh não lòng. Trên chiếc ghế bành, chồng bà đang đăm đắm dõi theo trái bóng. Thế nhưng, trên tay, ông lại cầm bức ảnh chân dung của con trai mình. Thấy bà khóc, ông cũng sụt sùi. Ông bảo, ông muốn cùng con chứng kiến sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này nên đã làm như vậy…





Còn tiếp...


Theo Đào Tuệ Linh (Tuổi trẻ thủ đô)
Bình luận
vtcnews.vn