Nỗi đau trần thế

Tổng hợpThứ Bảy, 04/12/2010 01:30:00 +07:00

NHA TRANG VÀO DANH SÁCH BÃI BIỂN "TỆ" NHẤT THẾ GIỚI - Đó là xếp hạng của Tạp chí National Geographic Traveler số tháng 11-12.2010.

HTML clipboard

NHA TRANG VÀO DANH SÁCH BÃI BIỂN "TỆ" NHẤT THẾ GIỚI

Đó là xếp hạng của Tạp chí National Geographic Traveler số tháng 11-12.2010.

Chuyên gia du lịch Singapore, ông Robert Tan, cho đây là cú sốc đối với du lịch Việt Nam. Bởi tác động của bình chọn này rất lớn. Mà đây lại là một tạp chí uy tín trên thế giới, nhiều người đọc, khách du lịch thường hay tham khảo thông tin trước khi họ chọn "Đi đâu?" "Đến đâu?"

 

Sốc mạnh ngay sau đó là chính quyền tỉnh Khánh Hòa. Ông Phó Chủ tịch Lê Xuân Thân cho rằng "Đánh giá ấy là chưa chính xác. Là thiếu sự chín chắn và cơ sở thực tế.!" Nhưng ông cũng biết thừa nhận, rằng có thể trong một vài thời điểm nào đó có những việc tụ tập đông người, vệ sinh chưa tốt…nhưng đã được khắc phục ngay. Ông bức xúc tuyên bố, sẽ chỉ đạo xem xét lại bản dịch "tồi" hay "tệ"? Sẽ có văn bản gửi Tạp chí National Geographic làm rõ sự việc và đòi lại công bằng!

Tiếng Việt "tồi" hay "tệ" là đồng nghĩa. "Tệ" nặng hơn một chút vì nó có thể ghép với từ "hại" thành "tệ hại".

Vậy, đánh giá của Trung tâm Các điểm Du lịch bền vững thuộc National Geographic Society có phải chưa chính xác và thiếu chín chắn?

Nói thêm cho rõ: Cuộc khảo sát chấm điểm bình chọn này nhắm vào 99 bãi biển trên thế giới, được thực hiện bởi 340 chuyên gia nổi tiếng trong các lĩnh vực như bảo tồn lịch sử, du lịch bền vững, sinh thái, quản lý du lịch, văn hóa bản xứ…cùng các nhiếp ảnh gia, nhà báo viết về du lịch.

Vậy, họ dựa vào cái gì để khảo sát? Có 6 tiêu chí đấy: Chất lượng môi trường và hệ sinh thái / Sự nguyên vẹn về xã hội và văn hóa / Chất lượng và điều kiện bảo tồn của những công trình xây dựng lịch sử và khu khảo cổ học / Sự lôi cuốn về mỹ học / Chất lượng quản lý du lịch / Tầm nhìn cho tương lai.

Ra là họ có chuẩn khung quy chiếu đấy chứ!

Nha Trang được công nhận là Thành viên Câu lạc bộ Những vịnh đẹp nhất thế giới năm 2003 cùng với Vịnh Hạ Long. Là Thành viên nên phải có trách nhiệm bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và văn hóa, phát triển bền vững tại vùng vịnh và khu vực xung quanh.

Đã đành là "Con người ta khi được sinh ra đã thích à ơi rồi". Nhưng ta giờ là người trưởng thành. Đừng sốc mà nổi đóa. Hãy bình tĩnh, nghĩ đi rồi lại nghĩ lại. Chuyên gia du lịch Robert Tan là người ngoài còn ngợ. Vậy người chuyên ngành du lịch trong nước nói thì sao?

Ông Vụ trưởng Vụ lữ hành Tổng cục Du lịch - Vũ Thế Bình cho rằng, việc National Geographic đánh giá bãi biển Nha Trang phát triển kém bền vững, khi nhiều nhà hàng, khách sạn được xây dựng bất hợp lý ven các bãi biển, là đúng: Tốc độ phát triển quá nóng. Rác thải không được xử lý tốt. Bãi biển mất đi sự quyến rũ tự nhiên. Nên xem sự xếp hạng như một lời cảnh báo giúp ta tỉnh táo mà điều chỉnh.

Còn ông Giám đốc Trung tâm Du lịch Bến Thành - Lại Hữu Phương nhận định, việc những bãi biển lọt vào danh sách tệ nhất thế giới, là hậu quả của việc khai thác du lịch thiếu bền vững. Bãi biển đẹp phải là sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Mà tốc độ bê tông hóa bãi biển Nha Trang diễn ra quá nhanh. Từ ngoài biển nhìn vào thấy như một khối bê tông!

Còn Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt - Nguyễn Văn Mỹ, cũng thống nhất là nhận xét bình chọn của National Geographic có nhiều điểm đúng, khi mặt tiền biển Nha Trang bị khóa kín bởi các nhà hàng, resort, quán xá…Phải xem lại quy hoạch bãi biển.

Trở lại với ông Vụ trưởng Vụ lữ hành Tổng cục Du lịch, ông khuyến cáo rằng, việc cần làm bây giờ là địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc quản lý bãi biển, có kế hoạch điều chỉnh ngay lập tức những tồn tại. Tốt nhất là làm cho bãi biển trở nên sạch sẽ hơn, đẹp hơn.

Không sai. Những người làm quản lý du lịch Nha Trang hãy coi việc Tạp chí National Geographic xếp bãi biển Nha Trang vào "hạng tệ nhất thế giới" là "lời cảnh báo", "cái tuýt còi" cảnh tỉnh ta. Ta đừng quên, hòa nhập sâu vào thế giới, là phải chịu sự cạnh tranh từ bên ngoài, phải chấp nhận những tiêu chuẩn chung. Luật chơi là bình đẳng.

Tại Hội nghị Môi trường Toàn quốc lần thứ 3 diễn ra ở Hà Nội hai ngày 17 – 18.11.2010, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng đã phát biểu: "Lấy yêu cầu bảo vệ môi trường làm thước đo phát triển."

 

NGƯỜI NGOÀI THẤY "TỆ""NGƯỜI TRONG NHÀ" CŨNG THẤY THẾ

Ô nhiễm đang "uy hiếp" du lịch biển. Đó là cảnh báo thông qua đề tài "Khảo sát đánh giá ô nhiễm môi trường do các hoạt động du lịch, khách sạn, nhà nghỉ dọc bãi biển Bình Thuận", do Viện Khoa học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Kết quả cho thấy hoạt động du lịch đã tác động khá lớn làm suy thoái nhanh tới môi trường ven biển, mặc dù du lịch mang lại nhiều lợi ích cho tăng trưởng kinh tế và giao lưu văn hóa, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Mối "uy hiếp" trước nhất là "Thủy triều đỏ". Chất lượng nước biển ven bờ Bình Thuận phát hiện chỉ tiêu N-NH3, BOD5, Coliform và tổng chất rắn lơ lửng đều cao hơn quy định tại các khu vực có nhiều hoạt động du lịch. Chính sự xả thải của các khu du lịch, nhà hàng và sinh hoạt của ngư dân… đã làm gia tăng nguy cơ xuất hiện "Thủy triều đỏ", được biết đến dưới các đợt nở hoa bùng phát của tảo biển, tấn công và làm tổn thương hàng loạt động vật biển giáp xác và thân mềm hằng năm ở khu vực. Năm 2002 làm 90% sinh vật biển bị tiêu diệt. Năm 2004 và năm 2009 "Thủy triều đỏ" lại xuất hiện. Người thì bị nhiễm độc tố tảo biển. Cá thì chết và không khí hôi thối.

Mối "uy hiếp" thứ hai, là bãi biển "chết" vì chất thải. Đủ các loại chất thải: Chất thải đô thị, chất thải sinh hoạt, chất thải từ hoạt động nông nghiệp và rác bệnh viện, chất thải từ các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, chất thải giao thông vận tải trên biển và khai thác dầu khí, chất thải từ các sông đổ ra…tất cả khối "tạp pí lù" khổng lồ đó bị sóng biển đánh táp vào bờ gây ô nhiễm cho các bãi tắm và toàn khu du lịch.

Báo cáo nghiên cứu chỉ ra rằng, công tác quy hoạch du lịch không theo kịp yêu cầu phát triển, và nhiều dự án triển khai mà chưa đánh giá hết được những tác hại đến tài nguyên môi trường, nên đã không có biện pháp phòng ngừa chủ động.

Ông cha ta, từ lâu đã có câu vè , cho tới giờ vẫn như là … "up date":

"Chính mình lại làm khổ mình

Phải đâu ông tỉnh ông tinh nào làm?"

Quang Bảo

Bình luận
vtcnews.vn